Chính sách hỗ trợ của Chính phủ: Bao giờ gọi tên cơ quan báo chí?
17:53 06/09/2021
- Văn hóa xã hội
Hội Nhà báo Việt Nam mong rằng gói hỗ trợ tới đây của Chính phủ sẽ bổ sung đối tượng thụ hưởng là các cơ quan báo chí, để giảm bớt khó khăn cho các cơ quan báo chí, đảm bảo đời sống của phóng viên.
Phóng viên tác nghiệp tại tâm dịch Đà Nẵng. Ảnh TL
Mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất với Chính phủ đưa cơ quan báo chí vào danh sách nhóm đối tượng được miễn, giảm hoặc gia hạn nộp các loại thuế do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19.
Trước đó, Hội Nhà báo Việt Nam cũng đã kiến nghị việc này để giảm bớt khó khăn cho các cơ quan báo chí, đảm bảo đời sống của những người làm báo, lực lượng nòng cốt luôn đảm bảo thông tin xuyên suốt dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào.
Báo chí ‘lao đao’ trong bão COVID-19
Khi Thành phố Hồ Chí Minh trở thành tâm dịch lớn, Báo Thanh niên phải tạm dừng phát hành báo in. Quy định về hạn chế đi lại khiến phóng viên gặp khó khăn khi tác nghiệp, báo in ra không thể phát hành rộng rãi… khiến lãnh đạo tòa soạn phải đưa ra một quyết định chưa từng có trong 35 năm hoạt động của báo.
Báo Việt Nam News, tờ báo Tiếng Anh của Thông tấn xã Việt Nam, phải giảm số lượng bản in hàng ngày do đối tượng độc giả của báo là người nước ngoài. Từ khi Việt Nam đóng cửa đường bay thương mại quốc tế, lượng độc giả của báo cũng bị sụt giảm nghiêm trọng.
Theo đánh giá của Hội Nhà báo Việt Nam, dịch COVID-19 tác động tiêu cực đến mọi mặt kinh tế-xã hội khiến các cơ quan báo chí trong cả nước gặp nhiều khó khăn. Nhiều cơ quan báo chí có doanh thu phát hành, quảng cáo sụt giảm mạnh. Bên cạnh khó khăn về tài chính, về cân đối thu chi thì việc giãn cách xã hội kéo dài tại nhiều tỉnh, thành đã khiến hệ thống phát hành bị ảnh hưởng, đặc biệt là việc đưa báo đến tận tay độc giả.
“Nhiều cơ quan báo chí sụt giảm doanh thu một cách nghiêm trọng, từ 40-50%, thậm chí có những tòa soạn đang đứng trước tình thế tồn tại hay không tồn tại,” ông Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, cho hay.
Nhà báo Hồ Quang Lợi cho rằng do giãn cách xã hội, việc cung cấp báo in đến các địa chỉ phát hành hay việc người dân đến các điểm mua báo gặp nhiều khó khăn. Nhiều tờ báo phải cắt giảm số lượng phát hành, giảm số kỳ xuất bản.
“Đối với báo chí nói chung, sự sụt giảm lớn nhất là doanh thu quảng cáo và các dạng bài có tính chất quảng bá cho các đơn vị, các doanh nghiệp. Chính những khó khăn của doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh dẫn đến nguồn kinh phí chi cho quảng cáo, quảng bá trên báo chí bị cắt giảm,” ông chia sẻ.
Trong hai năm qua, vai trò của báo chí trong cuộc chiến chống dịch COVID-19 là rất rõ ràng. Ông Hồ Quang Lợi khẳng định các phóng viên đã luôn truyền tải nhanh chóng, chính xác những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, phản ánh trung thực, nhân văn cuộc chiến chống dịch toàn dân và kịp thời đẩy lui những dòng tin giả, tin xấu độc gây hoang mang dư luận.
“Khi các cơ quan báo chí tham gia cuộc chiến chống dịch thì tòa soạn cũng phải tổ chức lại để phù hợp. Việc các phóng viên tác nghiệp tại hiện trường, tổ chức lại cách làm việc của tòa soạn sang trực tuyến, thiết kế lại các kênh thông tin trong điều kiện mới cũng khiến phát sinh chi phí,” ông Lợi cho biết.
Những lý do đó đã làm cho nguồn thu của các cơ quan báo chí không đủ để chi và thậm chí bị mất cân đối lớn.
Cần đưa báo chí vào danh sách được hỗ trợ
Tháng 3/2020, Hội Nhà báo Việt Nam đã có văn bản gửi các cấp có thẩm quyền, kiến nghị hỗ trợ cho các cơ quan báo chí. Cụ thể là miễn, giảm thuế, giãn thuế, không bị phạt khi chậm nộp thuế; cho phép các cơ quan báo chí được sử dụng quỹ phát triển sự nghiệp để mua sắm vật tư, trang thiết bị, phục vụ công tác phòng chống dịch của cơ quan và lực lượng phóng viên tác nghiệp tại hiện trường; điều tiết bổ sung thu nhập, đảm bảo để cán bộ, phóng viên an tâm tác nghiệp trong thời gian tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh…
“Báo giới rất mong muốn những đề xuất trên sớm đi vào thực tế bằng những chính sách, biện pháp cụ thể để kịp thời hỗ trợ các cơ quan báo chí vượt qua khó khăn, vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ,” nhà báo Hồ Quang Lợi nói.
Tiến sỹ Nguyễn Anh Tuấn, Tổng Biên tập Tạp chí Nhà đầu tư, đồng tình với quan điểm của Hội Nhà báo Việt Nam. Ông cho rằng báo chí đang là cơ quan ngôn luận, tuyên truyền chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, vậy cần phải có chính sách phù hợp để bảo vệ các cơ quan báo chí trước thử thách to lớn mà dịch bệnh mang lại.
“Báo chí cũng đang phải thực hiện mục tiêu kép, đó là hoàn thành nhiệm vụ tuyên truyền và tự tìm nguồn thu để trang trải cho hoạt động của mình. Báo chí phải hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế đầy đủ như doanh nghiệp. Tôi cho rằng đó là việc làm quá sức trong thời điểm khó khăn này,” ông nói.
Tiến sỹ Nguyễn Anh Tuấn cho rằng Nhà nước đã có chủ trương hỗ trợ người lao động nhiều ngành nghề bị ảnh hưởng do dịch bệnh COVID-19 như ngành nghệ thuật biểu diễn, ngành du lịch, song lại chưa có chính sách cho người làm báo. Và, đây là vấn đề bất cập.
Theo ông, cần phải coi cơ quan báo chí như những doanh nghiệp vừa và nhỏ. “Thời gian qua, các doanh nghiệp đã được thụ hưởng chính sách giảm thuế, giãn thuế, vậy vì sao báo chí chưa được hưởng chính sách này?” ông đặt câu hỏi.
Tiến sỹ Nguyễn Anh Tuấn đề xuất cơ quan quản lý Nhà nước cần lắng nghe ý kiến từ các đối tượng ảnh hưởng do dịch bệnh, từ đó có sự điều chỉnh chính sách cho phù hợp với đời sống.
Phân tích rõ hơn, ông Tuấn cho rằng khi cơ quan báo chí có lãi mới phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, nhưng hiện nay nhiều cơ quan không có lãi, vì vậy Nhà nước cần hỗ trợ bằng cách miễn hoặc giảm thuế Giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân.
Phó giáo sư-tiến sỹ Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho rằng vai trò của báo chí trong phòng chống dịch đã rõ, thế nhưng báo chí vẫn chưa được ghi tên vào đối tượng thụ hưởng chính sách. Đó là điều cần sửa đổi, bổ sung.
“Báo chí cũng phải được hỗ trợ như doanh nghiệp vì các tòa soạn nộp thuế và giải quyết công ăn việc làm cho người lao động không khác gì doanh nghiệp. Chính sách hỗ trợ lần này của Chính phủ cần gọi tên báo chí, để đảm bảo cho sự công bằng," ông nói.
Ông Hồ Quang Lợi bày tỏ sự tin tưởng rằng gói hỗ trợ tới đây của Chính phủ sẽ bổ sung đối tượng thụ hưởng là các cơ quan báo chí. Song, ông cho rằng ngoài chính sách hỗ trợ tạm thời thì vẫn cần một Đề án tổng thể, đòi hỏi có sự chủ trì và tham gia của các bộ, ngành liên quan thì mới có thể giải quyết được vấn đề cốt lõi của kinh tế báo chí.
“Về lâu dài, để các cơ quan báo chí giải quyết được bài toán nguồn thu và tự chủ về tài chính là một vấn đề có tính cốt lõi trong kinh tế báo chí. Vấn đề này phải được nhìn nhận, xem xét một cách kỹ lưỡng, thấu đáo, có tầm nhìn xa vì sự phát triển bền vững của báo chí nước nhà,” ông Hồ Quang Lợi nói./.
Minh Thu/Vietnam+
Bình luận: 0
Tin tức liên quan
- “Tết sum vầy - Xuân ơn Đảng" mang không khí vui tươi, ấm áp đến với công nhân viên chức, người lao động thủ đô (11:25 11/01/2025)
- PGS, TS Trần Thanh Giang làm Phó Giám đốc Học viện Hành chính và Quản trị công (09:43 08/01/2025)
- Dinh dưỡng toàn diện, Codoca vì sức khỏe cộng đồng (06:55 08/01/2025)
- Travel Off Path nêu lý do Đà Nẵng là điểm đến lý tưởng cho tín đồ “du mục kỹ thuật số” (06:04 07/01/2025)
- Điểm tựa nào giúp tuyển Việt Nam đánh bại Thái Lan? (07:05 06/01/2025)