“Chiều biên giới” đằng đẵng niềm da diết với biên cương
17:23 16/02/2023
- Văn hóa xã hội
Những ngày tháng này, khi xuân đang độ xanh ngời, viên mãn nhất, ta vẫn chẳng thể nguôi ngoai, khỏa lấp niềm thương đau, day dứt trong lòng, bởi 17/2 này là tròn 44 năm Cuộc chiến đấu bảo vệ Biên giới phía Bắc của Tổ quốc (17/2/1979 - 17/2/2023). Diễn biến, bối cảnh lịch sử và cuộc chiến đã được lưu lại, nhưng hẳn trong tâm trí mỗi con dân yêu nước Việt nồng nàn đều tự vang lên câu hỏi: Những người lính ở biên giới vào giai đoạn ấy, họ đã vun đắp niềm tin, sức sống thế nào; đã ngẫm ngợi, suy tưởng những gì và đâu là dư âm mãi còn đọng lại?...
Đã có rất nhiều sáng tác thơ, văn xuôi, âm nhạc, hội họa... về biên giới thời kỳ đầy biến động đó, nhưng niềm mong chờ, chia sẻ lớn nhất bao giờ cũng dành cho người trong cuộc. Ấy là những tác phẩm được viết nên bởi những người lính đã trực tiếp cầm súng, hy sinh mọi bề để bảo vệ từng tấc đất, từng mầm cây, ngọn cỏ chốn biên cương... Có những bài thơ như thế, có những nỗi niềm như thế… thì mãi tận sau này, khi chiến tranh đã lùi xa, tiếng lòng vẫn còn ngân vọng. Ấy như hồi chuông rung động khắp núi rừng, sông nước, trời mây. Để hậu thế thêm yêu và tin con đường cha anh mình đã hy sinh, đổ máu.
Cách đây 38 năm, khi bối cảnh tại biên giới phía Bắc của Tổ quốc vẫn đầy nóng bỏng, phức tạp, một người lính mới 19 tuổi, nằm trong đội hình Tiểu đoàn 1016 thuộc Sư đoàn 316 tham gia bảo vệ biên giới giai đoạn 1985-1986 đã có cái Tết xa nhà, quặn thắt bao tâm tư nỗi niềm giữa nơi rừng thiêng nước độc, sương phủ mây giăng, vừa vững vàng kiên trung làm nhiệm vụ, vừa cồn cào thương mẹ, ngóng quê. Anh đặt bút viết những dòng thơ đầu tiên trong bối cảnh một buổi chiều quạnh hiu, hun hút: “Chiều biên giới mịt mù sương phủ/ Nắng vàng trốn vội phía rừng xa/ Người lính giữa trùng trùng núi đá/ Mắt không rời cột mốc biên cương”.
Đó không đơn thuần là những áng thơ tả cảnh hay tức cảnh sinh tình mà người đọc sẽ dễ dàng cảm nhận được phía sau những nét phác họa tinh tế là một niềm dự cảm nhuốm màu tâm trạng. Vẫn là sương phủ, rừng xa, núi đá… nhưng biên giới bấy nhiêu năm vẫn thế, nhưng mịt mù đã giăng, nắng vàng đã trốn, núi đá lạnh băng cứ nối nhau, gối nhau đâm lên sắc lạnh chân trời. Sự trống vắng của cảnh vật, sự cô đơn của con người đã hòa quyện vào nhau khiến niềm cô quạnh như dâng lên chất ngất. Nhưng rồi ta vẫn phải ngỡ ngàng trước hình ảnh đôi mắt “không rời cột mốc biên cương”. Bên trong ánh mắt ấy chứa đựng những gì? Sâu xa là tình yêu quê hương Tổ quốc được hun đúc từ khi còn là đứa trẻ ở miền quê nghèo khó, lớn lên trong căn hầm trú ẩn tối tăm, bằng củ sắn củ khoai cưu mang từ hàng xóm láng giềng; là nỗi căm hờn uất hận trào dâng khi kẻ thù dã tâm xâm lấn; là ngọn lửa đang bùng cháy trong lòng, quyết xả thân bảo vệ từng tấc đất chủ quyền Tổ quốc… Chỉ một hình ảnh thật cô đọng, giản dị, tác giả đã khắc họa nên một hình tượng đẹp. Ánh mắt ấy như đã thành ngôi sao, thành ngọn lửa chói sáng nơi cột mốc biên cương mà không một kẻ thù nào vùi dập nổi.
Nhà thơ Nguyễn Đăng Độ
Nhà thơ Nguyễn Đăng Độ tiếp tục tái hiện sự khắc nghiệt, gian nan chốn rừng thiêng nước độc:“Những trận mưa rừng những đêm trắng phong sương/ Cơn bấc lạnh riết trên da thịt/ Đêm đơn độc tiếng côn trùng da diết/ Phía quê xa dáng mẹ hao gầy”. Mưa rừng, gió lạnh là thử thách chẳng hề giản đơn cho bất cứ ai, nhưng đặt vào bối cảnh những năm tháng ấy, với điều kiện thời kỳ ấy, thì có lẽ cơ cực còn nhân lên gấp bội. Hầu hết, đêm là đêm trắng, phủ đầy sương gió, mưa rừng, gió lạnh cào xé thịt da không mũ áo nào ngăn được. Chỉ có tiếng côn trùng thảm thiết vang lên trong sự đơn độc của người lính. Tránh sao khỏi những giằng xé, tự xốc lại mình để đi qua đêm trắng. Ngặt nỗi, hết đêm trắng này lại tiếp đêm trắng kia, biên giới không thôi lửa đạn. Điều gì có thể khiến những chàng thanh niên vượt lên hoàn cảnh? Thật xa, mà cũng thật gần, ấy là dáng mẹ. Xa ở khoảng cách địa lý, bối cảnh cách chia. Hầu hết những người lính tham gia bảo vệ biên giới phía Bắc thời kỳ ấy đều ở những miền quê xa hành quân ngược lên núi rừng. Như nhà thơ Nguyễn Đăng Độ thì tận xã Thạch Tiến, Thạch Hà, Hà Tĩnh.
Chiến tranh chẳng nói trước được điều gì, nên sự cách xa không chỉ bởi địa lý mà còn ở ngày hôm nay, ngày mai chẳng thể nào biết trước. Còn vì sao lại là gần? Gần là bởi trong tim mỗi đứa con đều ấp ủ dáng hình của mẹ. Từ khi cất tiếng khóc chào đời, khi bi bô tập nói, cho tới những giây phút đớn đau, tuyệt vọng, hạnh phúc hay trút hơi thở cuối cùng, cũng bật lên tiếng: Mẹ ơi! Hình dáng mẹ hao gầy, tảo tần gắn bó với đồng ruộng quê hương, lũy tre làng xóm, bến nước mái đình, áo tơi dầu sương dãi nắng… đã nâng đỡ một người con đang đói rét, cô đơn giữa núi rừng trập trùng sương giăng gió lạnh hiểm nguy mai phục bốn bề. Mẹ như niềm tin, mẹ như vòng nôi êm vỗ về tâm thức, để người lính cảm thấy ấm lòng, được sẻ chia, bảo vệ. Nhờ đó mà mạch thơ lại tiếp tục cuộn trào, thấm đẫm chất bi thương mà hào sảng, kiên cường: “Cuộc chiến xưa dấu tích còn đây/ Bao người lính phơi mình giữa trùng trùng vực thẳm/ Tổ quốc nhuộm trong màu cờ máu thắm/ Anh đứng giữa mây ngàn súng chắc trong tay”.
Giai đoạn mà chàng trai trẻ Nguyễn Đăng Độ ôm súng bám trụ nơi biên cương ngày đó, tuy những diễn biến khốc liệt nhất đã qua, nhưng dư âm vẫn còn đó, bao hiểm nguy vẫn rình rập. Chữ “trùng trùng” một lần nữa được lặp lại trong chủ ý nghệ thuật của tác giả. Nếu ở những dòng thơ mở đầu, trùng trùng để tả đá núi, thì lần này cấp độ nhân lên khi gắn với vực thẳm. Giữa biên cương trùng trùng đỉnh cao, vực sâu dựng lên, đổ xuống hun hút, con người sao tránh khỏi những suy tư, ngẫm ngợi thật rộng dài, thăm thẳm. Dấu tích những ngày khốc liệt đã qua, mà vẫn phơi bày nơi núi cao vực thẳm. Mỗi ngọn cỏ, mỗi rừng cây, từng vách đá, còn hiện hữu từng dấu tích đau thương. Người lính thường cảm nhận điều đó rõ hơn ai khác, bởi những con người đã ngã xuống cũng là người lính như họ, chỉ khác rằng hành trình các anh đi diễn ra trước nhau một chặng. Nhà thơ – người lính khôn nguôi biết ơn, vọng tưởng tới đồng đội đã hy sinh đầy bi tráng. Chữ “phơi mình” lột tả đậm nét tính chất, tinh thần ấy.
Đó là thế hệ những người lính đã “phơi mình” trên đỉnh cao, dưới vực thẳm, trên những cung đường dốc thẳm đèo cao, linh hồn gửi vào từng tán rừng xanh um, gửi vào ngàn mây trắng xóa, máu thấm vào từng dải biên cương để “Tổ quốc nhuộm trong màu cờ máu thắm”. Tinh thần anh dũng quên thân của tiền nhân đi trước thấm đượm trong lòng người lính tiếp bước, để một chàng trai 19 tuổi đầy sức sống, kiên cường có thể tự tin với tinh thần vững vàng, không lùi bước: “Anh đứng giữa mây ngàn súng chắc trong tay”. Không phải là “tôi” mà đại từ nhân xưng ấy được thay bằng “anh” để hòa vào hàng trăm, hàng nghìn, hàng triệu người lính khác. Vừa là tôi, vừa là đồng đội, vừa là những thế hệ sau. Các anh mãi mãi tuổi thanh xuân, mãi mãi oai phong, bất khuất giữa mây ngàn. Đây là một hình ảnh đẹp đẽ, mang tính biểu tượng, như một bức tượng đài lừng lững tạc vào dáng hình sông núi tận mai sau.
“Những vần thơ anh viết hôm nay/ Không kể xiết nỗi niềm sương gió/ Những vần thơ giữa núi rừng nắng nỏ/ Nặng nỗi lòng da diết phía trời quê”. Sự chuyển tiếp về bối cảnh, cảm xúc của khổ thơ tiếp theo khiến người đọc chùng lại, man mác nghĩ ngợi, buồn thương, chạnh lòng. Giọng điệu sâu lắng, thủ thỉ như đang gửi về một người em gái, một chốn quê xa, một góc nhớ thương nồng đượm đang khắc khoải chờ mong ai đó trở về. Rốt cuộc, bến đỗ cuối cùng trong niềm mong nhớ cồn cào vẫn là một phía trời quê, nơi nỗi lòng người lính luôn trĩu nặng, da diết. Khi họ chưa hoặc không thể trở về trong hiện thực, thì luôn có hành trình trở về trong tâm tưởng, trong tinh thần của một người con đang ôm súng chiến đấu xa nhà. Những vần thơ đậm dấu ấn thực tế mà tinh tế đã chạm vào nỗi niềm xúc động và rung động rấtcon người, rất nhân sinh và nhân văn.
Kết thúc bài thơ, tác giả vừa như khép một cánh cửa, lại vừa mở ra một dòng chảy mênh mang, huyền hoặc khiến mỗi người khi chạm vào đó có thể tự mở ra một cánh cửa khác, một hành trình phiêu lưu cho riêng mình bắt đầu từ cội nguồn đầy lắng sâu, da diết trong trái tim người lính: “Những vần thơ hẹn một lời thề/ Khắc trên đá hồn thiêng non nước/ Dòng máu Lạc Hồng cha ông tiếp bước/ Giữ yên chiều biên giới ngàn năm”. Thơ ca nhắc nhớ nhiều tới hẹn thề, thề non hẹn biển, và thường gắn vào con người, lời nói cụ thể, ở đây lại là những vần thơ. Phải tinh tế, sâu sắc và đa cảm lắm người ta mới chọn cách ấy, bởi thơ ca, xét cho cùng, vừa hiện hữu lại cũng chập chờn, mờ ảo. Khi mang những vần thơ làm hẹn ước cho một lời thề, người ta thường không biết con thuyền hư ảo đó sẽ trôi về đâu, có bến bờ hay mông lung vô định, điều duy nhất có thể cảm nhận được, đó là, chắc chắn sẽ là một dòng trôi mơ mộng, an nhiên, có hậu. Vì sao? Vì lời thề kiên trung của người lính đã “khắc trên đá hồn thiêng non nước”, Vì “dòng máu Lạc hồng cha ông tiếp bước”.
Sự hun đúc đầy màu nhiệm từ xa xưa ấy làm nên dáng vóc, tinh thần bất khuất hôm nay để bóng dáng những người lính in đậm trong dáng hình sông núi. “Chiều biên giới” khắp lại với niềm tin về sự bình yên đến tận ngàn năm, và bao nhiêu ngàn năm nối tiếp ngàn năm. Giới hạn của những tâm tư, trải lòng người lính tuổi đôi đã vượt lên, trở thành một câu chuyện chung, một tư tưởng lớn gắn với quê hương, dân tộc và tương lai.
Cựu chiến binh, nhà thơ Nguyễn Đăng Độ hồi tưởng về những năm tháng xưa
Độc giả không ngạc nhiên khi bài thơ “Chiều biên giới” được giới nhạc sĩ rung cảm và chắp cánh bằng âm nhạc. Trong mối cơ duyên đặc biệt, nhạc sĩ - NSƯT Nguyễn Quang Hưng đã “bắt” được ngay hồn vía, tình cảm đầy sâu lắng, thiết tha đến ám ảnh mà bài thơ mang lại và quyết định phổ nhạc. Âm nhạc góp phần mở rộng biên độ cảm nhận của công chúng cho tác phẩm thơ vốn đã ấn tượng, đáng đọc. Những ai từng biết tới bài thơ, rưng rưng xúc cảm, khi nghe ca khúc lại thêm một lần được lắng lòng nghĩ suy, mong nhớ, hồi tưởng về kỷ niệm một thời khốc liệt, đau thương. Những ai vì một lý do nào đó chưa được tiếp cận bài thơ, khi nghe nhạc, chắc hẳn sẽ có một hành trình quay ngược lại để tìm kiếm nguyên tác thơ và có thể sẽ thêm lần rung cảm sâu hơn, mạnh mẽ hơn trước bài thơ mộc mạc, đầy ám gợi được viết bởi một người lính từng căng mình bám trụ chốn biên cương.
Thực ra, một bài thơ, dù ấn tượng nhưng xét một cách công bằng thì đó vẫn chỉ là một góc độ trong tâm hồn con người, trong gia tài mà người lính – nhà thơ Nguyễn Đăng Độ đang cuộn trào, thao thức. Bởi bên cạnh bài thơ “Chiều biên cương”, anh còn rất nhiều sáng tác về chủ đề biên cương, hòa trong nguồn cảm hứng mãnh liệt về tình yêu quê hương, đất nước và tự hào Tổ quốc. Cái hay, cái đáng trọng của nhà thơ là sự lặng lẽ, khiêm nhường. Nhiều chục năm qua, anh lặng lẽ ấp ủ, nâng niu, sáng tác… mà không màng tới công bố, xuất bản, hợp tác cùng các loại hình nghệ thuật khác. Chỉ tới khi được sự động viên của gia đình, bạn hữu… những người hiểu anh, yêu mến tác phẩm của anh thì nhà thơ Nguyễn Đăng Độ mới bước vào thế giới ấy một cách nhẹ nhàng, dè dặt.
Nói như vậy để bạn đọc có thể hiểu thêm rằng, trong tâm hồn một người con miền Trung đầy thương khó, trải qua chiến tranh khốc liệt, căng mình bảo vệ biên cương và suốt chặng đường sau này luôn âm thầm, lặng lẽ… là bao nỗi cồn cào, thao thức, chiêm nghiệm. Đó là một gia tài quý giá của tâm hồn, bản ngã, bản lĩnh… cần được sẻ chia, khám phá và lan tỏa. Càng không ngạc nhiên khi biết rằng, cho đến thời điểm hiện tại, nhà thơ Nguyễn Đăng Độ đã có hàng trăm bài thơ được các nhạc sĩ nổi tiếng phổ nhạc và đông đảo nghệ sĩ biểu diễn khắp cả nước, lưu diễn ở nước ngoài, phát hành MV… bởi cái tình sâu xa, niềm thương bao la, nỗi đau đáu ám ảnh trong thơ bao giờ cũng gợi mở cho các nhạc sĩ, nghệ sĩ nguồn cảm hứng để được tìm đến sẻ chia, chắp cánh thêm cho giá trị thi ca ngày càng vươn cao, bay xa khỏi biên độ thông thường người ta quen hình dung, mường tượng...
Dân tộc ta đã trải qua bao biến động của chiến tranh, trận mạc, đau thương... Tất cả dù qua đi thì vẫn còn ghi dấu nơi biên giới, rừng sâu, biển thẳm… Qua bao thế kỷ, hàng triệu người con anh dùng kiên trung của dân tộc đã dâng hiến tuổi thanh xuân, xương máu… để gìn giữ non sông, để mang lại tự do và hạnh phúc cho thế hệ mai sau... Rất nhiều người trong số các anh đã yên nằm dưới cỏ. Và cũng có những người lính như Nguyễn Đăng Độ được trở về, được dấn thân vào những bước ngoặt của cuộc sống để đến một ngày có thể mang tình cảm, tấm lòng, nhiệt huyết của mình tiếp tục sẻ chia với ký ức, hiện tại và tương lai của đồng bào.
Nếu những người vĩnh viễn nằm lại là linh hồn của non sông đất nước thì những người lính trở về, được sống, được yêu, được gửi trao niềm tin và hy vọng… như thành lũy, như mái nhà, như dòng sông… đang hiện hữu một cách đầy gần gụi, thấm thía, êm đềm, bao dung, da diết. Không muốn “đao to búa lớn”, nhưng ở góc độ thành thật nhất, vẫn cần thừa nhận rằng, những người lính như anh là một “bảo vật” quý bởi họ mang đầy dấu ấn của lịch sử, đời sống, văn hóa thời đất nước gian lao và số phận đã cho họ có may mắn được tồn tại để vừa tiếp nối mạch nguồn cha ông gây dựng, vừa lặng lẽ mang đến cho đời những đóa hoa thơm. Và hoa của thi nhân, bao giờ cũng tỏa hương thơm khiêm nhường, trắng trong, bền bỉ.
Thanh Khê
Bình luận: 0
Tin tức liên quan
- Nam Trực: Tăng cường công tác đảm bảo an toàn giao thông dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 (12:04 26/12/2024)
- Cần hoàn thiện khung pháp lý về hoạt động quảng cáo (10:54 22/12/2024)
- Quy định về hoạt động quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam (10:16 20/12/2024)
- Sự cần thiết xây dựng, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo (12:44 18/12/2024)
- Bộ phim “Mật lệnh hoa sữa” khiến khán giả ngóng chờ từng tập (04:42 16/12/2024)