Miệt mài giữ nghề truyền thống

14:59 10/01/2023 - Văn hóa xã hội
Quá nửa đời người gắn bó với nghề truyền thống của làng, nghệ nhân CCB. Nguyễn Thiên Hùng luôn canh cánh nỗi niềm giữ được tiếng thơm và phát huy các giá trị mà làng nghề dát vàng Kiêu Kỵ (Hà Nội) mang lại.
CCB Nghệ nhân Nguyễn Thiên Hùng:

CCB. Nghệ nhân Nguyễn Thiên Hùng vừa được Viện Nghiên cứu Văn hoá Thăng Long, Tạp chí Tinh hoa Đất Việt vinh danh trong sự nghiệp giữ gìn, tôn tạo bản sắc văn hoá Việt Nam.

Phục hồi nghề Sơn son thếp vàng

Gần 40 năm tâm huyết, gắn bó với nghề, với nghệ nhân Nguyễn Thiên Hùng đấy là hành trình nhiều khó khăn, vất vả nhưng rất đỗi tự hào. 

Sinh ra và lớn lên ở làng Kiêu Kỵ, nghệ nhân Nguyễn Thiên Hùng may mắn đã sớm được thừa hưởng những ưu ái của người con làng nghề truyền thống mấy trăm năm. Trong ký ức của ông, đấy là những năm tháng tuổi thơ làm nên “duyên” nghề của hôm nay: “Từ thuở nhỏ, tôi đã được tiếp xúc với những công đoạn sản xuất và những người thợ già, được nghe những âm thanh hết sức vui tai, được chứng kiến những khuôn mặt rạng ngời khi có những đơn hàng sản xuất quỳ vàng, quỳ bạc phục vụ cho những khách hàng thuở đó (chủ yếu là của các Trường mỹ thuật và một số hợp tác xā Sơn mài). Ngày đó, gia đình tôi lại ở ngay bên cạnh nhà Tràng - là nơi thờ Cụ Tổ nghề và cũng là nơi sản xuất quỳ vàng, quỳ bạc tập trung theo mô hình Hợp tác xã cũ… 

Mọi thứ tự nhiên lại như sắp đặt, tình yêu nghề tuyền thống của làng cứ ngày một lớn dần trong anh. Năm 1983, sau khi nghỉ học cấp ba, Thiên Hùng xin vào tổ sản xuất quỳ của Hợp tác xã ngành nghề, may mắn được các cụ cao niên truyền dạy và ông Đinh Tiến Sơn - là thợ giỏi lúc bây giờ - trực tiếp truyền thụ nên anh sớm thành thục với nghề. 

CCB.Nghệ nhân Nguyễn Thiên Hùng (Làng nghề Kiêu Kỵ).

Chàng trai trẻ Thiên Hùng ngày ấy đã đến với nghề truyền thống của cha ông bằng tất cả tình yêu, mong muốn gắn bó với nghề. Đến năm 1987, theo tiếng gọi của Tổ quốc, Thiên Hùng tạm gác lại ước mơ nghề để tham gia quân ngũ và trực tiếp chiến đấu tại mặt trận Vị Xuyên từ tháng 3 năm 1988 đến tháng 9 năm 1988.

Năm 1989, Thiên Hùng hoàn thành nghĩa vụ quân sự, trở về địa phương và tiếp tục hoạt động nghề. Nhưng cũng vào thời điểm đó, do kinh tế đất nước suy thoái, ngành nghề truyền thống bị ảnh hưởng, công việc ít, cuộc sống rất khó khăn, những người làm nghề của làng và bản thân Thiên Hùng cũng phải xoay thêm nhiều công việc khác để duy trì cuộc sống. 

Cho đến đầu những năm 2000, kinh tế đất nước dần hồi phục. Các công trình di tích lịch sử được nâng cấp, trùng tu và tôn tạo. Theo đó, nghề sản xuất quỳ vàng, quỳ bạc có cơ hội vực dậy, nhiều cơ sở được mở mang sản xuất. Cơ hội sống được với nghề, vì nghề cũng đến với gia đình nghệ nhân Thiên Hùng. Với mong muốn được tiêu thụ chính những sản phẩm quỳ vàng, quỳ bạc do mình làm ra, nghệ nhân Thiên Hùng và một số thành viên khác trong thôn đã mày mò tìm hiểu và phục hồi thành công nghề sơn son thếp vàng mà các cụ cao niên, các nghệ nhân thời chiến tranh loạn lạc đã để lại rồi bị thất truyền khá lâu. Đây là một kết quả góp phần mang lại giá trị lớn cho làng nghề truyền thống Kiêu Kỵ, mang đến niềm tin cho người nghệ nhân, tăng thêm cơ hội việc làm cho người dân làng nghề.

Tâm huyết giữ nghề

Gắn bó từ nhỏ với nghề, ký ức của ông vẫn còn lưu giữ hình ảnh, thời cụ nội làm nghề, thường khăn gói quả mướp xách theo quả búa, đồ nghề đi khắp nơi. Công việc vất vả, mất nhiều thời gian nhưng thu nhập lại bấp bênh. Bây giờ nghề dát vàng đã phát triển ổn định hơn. Tuy có khó khăn nhưng trong khó khăn lại cũng có được những thuận lợi, cơ hội mới. Ông và các nghệ nhân làng nghề Kiêu Kỵ hiện đã tổ chức sản xuất tại nhà. Bản thân ông đã gây dựng và duy trì, phát triển thành công cơ sở sản xuất quỳ vàng, sơn son thiếp vàng tại gia với hơn 10 lao động được đào tạo lành nghề, thu nhập ổn định.

Lý ngư vọng nguyệt - Một tác phẩm dát vàng của Nghệ nhân Thiên Hùng.

Yêu nghề, gắn bó với nghề, nghệ nhân Nguyễn Thiên Hùng hiện là một trong số ít những nghệ nhân của làng Kiêu Kỵ nắm giữ và thành thạo tất cả các công đoạn sản xuất quỳ vàng, quỳ bạc bao gồm, sản xuất giấy giông (quỳ mới), kĩ thuật đập quỳ, nong và trại quỳ (quỳ cũ). Ông cũng nắm giữ và thành thạo kĩ thuật sơn son, thếp vàng trên nhiều chất liệu như: gỗ, đồng, gốm, nhựa composit, xi măng... Vừa làm nghề vừa truyền dạy cho đội ngũ kế cận, tính đến nay, nghệ nhân Nguyễn Thiên Hùng đã truyền nghề cho hơn 100 học viên. Hai cô con gái của ông cũng theo bố  gắn bó với nghề truyền thống của làng. 

Uy tín và luôn đề cao giá trị tiếng tăm của làng nghề truyền thống mấy trăm năm, tiếng lành đồn xa, các sản phẩm dát vàng của nghệ nhân Nguyễn Thiên Hùng không chỉ được trong Nam ngoài Bắc đón nhận mà ông còn sang cả các nước Lào, Campuchia để thực hiện các tác phẩm dát vàng theo yêu cầu. Nhiều sản phẩm của nghệ nhân Nguyễn Hùng Tiến đang được trưng bày tại các bảo tàng, thiền viện như: Quả pháo phi vật thể dát vàng 99.99 trên gỗ được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Văn hóa Việt Nam; tượng Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni cao 6,2 mét dát vàng trên chất liệu đá sa thạch; tượng Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi dát vàng 99.99; tượng Bồ Tát Phổ Hiền Đại Hạnh dát vàng 99.99 lưu giữ tại Thiền viện Trúc Lâm Hàm Rồng, Thanh Hóa…

Không chỉ trực tiếp lao động sản xuất, Nghệ nhân Nguyễn Thiên Hùng còn thường xuyên tham gia vào các hoạt động giữ gìn nghề truyền thống của làng. Ông là một trong mười ba thành viên sáng lập ra Hợp tác xã Công nghiệp Quỳ vàng Kiêu Kỵ, đã phối kết hợp với Trung tâm khuyến công và Phòng Kinh tế huyện mở rất nhiều lớp đào tạo nghề: Dát vàng, bạc quỳ và Sơn son, thếp vàng cho các học viên là người ở trong và ngoài địa phương.

Ghi nhận những đóng góp của nghệ nhân Nguyễn Thiên Hùng, năm 2015, Ủy ban nhân dân TP. Hà Nội đã được phong tặng ông danh hiệu “Nghệ nhân Hà Nội" nghề Dát vàng quỳ; năm 2019 được phong tặng danh hiệu Người tốt việc tốt huyện Gia Lâm;… Và tới đây ông sẽ vinh dự được đón nhận danh hiệu cao quý – Nghệ nhân Ưu tú.

Tâm huyết, bền bỉ theo nghề, với nghệ nhân Nguyễn Thiên Hùng giữ gìn và phát huy nghề truyền thống sơn son thếp vàng, dát vàng không chỉ là trách nhiệm mà còn là niềm tự hào của mỗi người nghệ nhân chân chính. Hạnh phúc nhất, vui nhất khi sản phẩm của mình làm ra được người dùng trân quý, coi trọng, có những sản phẩm còn có tính dài lâu gắn bó từ đời này sang đời khác.

Trần Miêu
 

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Ngày 16/12, tại thành phố Cần Thơ, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.
Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề : "Tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả".
Đó là nhấn mạnh của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trong phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top