Cây đa bến cũ
17:58 22/12/2022
- Văn hóa xã hội
Người trẻ ngẩng cao đầu nhìn tương lai. Cụ già cúi mặt bâng khuâng hoài niệm. Trước mắt các cụ thay vì tương lai là một cái gì đó vô ảnh vô hình. Riêng tôi vẫn còn nhớ như in những chuyến đò dọc chở hàng chở khách vào ra nối liền chợ Kẻ Diên, Quảng Trị với bến Bao Vinh, cố đô Huế.
Nhà báo Phan Quang_Ảnh.TL.
Làng Thượng Xá với bến Sông Nhùng nơi tôi mở mắt chào đời cách chợ Kẻ Diên chừng năm cây số dọc theo đường thiên lý. Từ nhỏ tôi đã mơ màng nghe mẹ hát ru theo nhịp cái nôi đong đưa:
Trăm năm dù lỗi hẹn hò
Cây đa bến cũ con đò vẫn đưa.
Cây đa bến cũ còn lưa
Con đò đã thác năm xưa mô rồi.
Một phần tư thế kỷ xa nhà, giã từ làng quê đi kháng chiến, mấy câu hò mẹ ru con vẫn tươi rói trong trái tim tôi. Đất nước thống nhất tôi về quê thăm lại tuổi thanh xuân. Vào chợ Kẻ Diên nay thuộc xã Hải Thọ đến bến đò xưa có gốc đa bâng khuâng nhìn ra cánh đồng lúa rập rờn với gió mà tưởng như mình thấy những làn sóng nước theo nhịp chèo con đò dọc phá Tam Giang một đêm trăng nào đó.
Tốt nghiệp tiểu học tôi vẫn còn quá nhỏ dại. Một lần, gia đình có việc gì đó, cha bảo tôi vô Huế gặp bà con nội ngoại. Cha khuyên, một mình con không nên đi đường bộ mà hãy bắt chuyến đò dọc từ cái bến sát chợ Kẻ Diên. Nơi đây cứ cách ngày lại có một chuyến đò chở hàng hóa và hành khách từ Huế ra Kẻ Diên bán buôn bán lẻ. Cuối ngày khi chợ đã vãn, con đò lại rời bến rồi xuyên dọc phá Tam Giang vào lại chợ Bao Vinh.
Chuyến đò rời bến vào lúc hoàng hôn, dưới ánh trăng mờ. Thuyền không vào phá luôn như tôi tưởng mà quanh co theo các dòng sông rạch qua cánh đồng lúa bát ngát, chính là cánh đồng lúa xanh tôi hôm nay tôi nhìn thấy kia, qua mấy ngôi làng mới vào đến phá. Từ đây con đò lướt nhẹ trên mặt phá mông mênh nước bạc dưới ánh trăng khi tỏ khi mờ.
Cậu thiếu niên được bác chủ đò xếp cho một chỗ nghỉ ở khoang trước. Nằm nơi đây tôi tha hồ nhìn trời nhìn trăng nhìn nước trong khi tai vẫn nghe vẳng lại câu hò:
Chiều chiều...
Chiều chiều bên bến Ô Lâu (1)
Tôi ngồi tôi câu, tôi sầu tôi thảm, tôi thương tôi cảm, tôi nhớ tôi mong
Thuyền ai lướt sóng trên sông
Nghe câu mái đẩy chạnh lòng nước non...
Tôi từng đọc được ở một cuốn sách nào đó câu chuyện về cây đa bến cũ. Ngày xưa có một chàng trai xuống đò vào Huế dự kỳ thi cứ ba năm tổ chức một lần. Chàng trai bị cuốn hút bởi dáng người thon thả và giọng hò cô lái trẻ dưới ánh trăng non. Cô gái chắc cũng phải lòng bởi đôi mắt thắm thiết chàng thư sinh. Hai bên thầm ước hẹn, sau cuộc thi chàng sẽ trở lại bến đò đón nàng về quê. Chàng trai may mắn đỗ kỳ thi năm ấy, được giữ lại làm việc ở chốn kinh kỳ rồi kết duyên với một cô gái Huế.
Cô lái đò ta mỏi mắt chờ đợi, rồi một phần chắc cũng vì nhớ thương day dứt mà lâm bệnh rồi lặng lẽ qua đời. Một lần chàng trai sực nhớ, quay lại cây đa bến cũ thăm nhau thì nàng đã ra đi. Nàng đã cùng con đò của mình âm thầm ra đi, bà con xóm làng chẳng ai rõ cô gái biệt tăm từ lúc nào. Đương nhiên cuộc sống vẫn còn những con đò dọc, vẫn còn kia bao cô lái trẻ, vẫn còn đó cây đa bến cũ nhưng con đò và cô lái của chàng trai thì đã "thác" năm xưa mô rồi.
Sau ngày đất nước thống nhất, mỗi lần có dịp về quê tôi lại tìm vào chợ Kẻ Diên. Một lần tôi lưu lại vùng này khá lâu, nhằm săn tìm tư liệu viết bài. Tôi lại về bên cây đa bến cũ. Để rồi bâng khuâng kết thúc bài viết có phần đi lạc chủ đề chính của thiên bút ký:
“...Trước đây, ở sát mé chợ Kẻ Diên này có bến đò dọc. Bên bến có cây đa cổ thụ, nay chỉ còn cái gốc, nhìn thật kỹ mới nhận ra. Không rõ nó chết già hay do đạn bom hủy diệt. Xưa kia vào lúc chập tối, khách từ bến chợ xuống đò, sáng hôm sau thấy mình đã cập bến chợ Bao Vinh. Đứng ở bến Kẻ Diên vắng bóng cây đa, tôi nhìn ra cánh đồng lúa, thấy có đường dây điện cao thế băng ngang qua rồi mất hút giữa các cánh đồng. Đã lâu rồi không còn những chuyến đò dọc xuôi ngược trên phá Tam Giang. Đổi lại, có con đường sắt xuyên Việt, có những chuyến xe đò vừa chở hàng vừa chở khách ầm ĩ tiếng còi ngày cũng như đêm.
Có lẽ chỉ có mỗi mình tôi đứng ở bến cũ không còn có cây đa mà bâng khuâng hoài niệm vô lối”.(2)
Phan Quang
Xuân Quý Mão 2023
(1). Chính xác là Văn Lâu (Phú Văn Lâu) nhưng người dân vùng này quen hát Ô Lâu bởi nơi đây có sông Ô Lâu chảy ngang qua các xóm làng.
(2). Bài “Kẻ Diên” đăng Báo Nhân Dân, in lại trong Tập III Tuyển tập Phan Quang 1997 (đoạn cuối có tóm lược).
Bình luận: 0
Tin tức liên quan
- Cần hoàn thiện khung pháp lý về hoạt động quảng cáo (10:54 22/12/2024)
- Quy định về hoạt động quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam (10:16 20/12/2024)
- Sự cần thiết xây dựng, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo (12:44 18/12/2024)
- Bộ phim “Mật lệnh hoa sữa” khiến khán giả ngóng chờ từng tập (04:42 16/12/2024)
- Học sinh trường THPT Newton: “điều đặc biệt ở một trường tư” (10:36 16/12/2024)