Cây bút nhí tỏa sáng với truyện đồng thoại
21:30 19/08/2021
- Văn hóa xã hội
“Ðóa hoa đồng thoại” - cuộc thi sáng tác truyện đồng thoại khởi xướng từ năm 1970 tại Nhật Bản được tổ chức Việt Nam lần đầu tiên vào năm 2018, thu hút sự quan tâm, tham gia của nhiều cây bút nhí. Năm nay, từ hàng nghìn tác phẩm dự thi, giải thưởng cao nhất đã thuộc về những cây bút ở độ tuổi tiểu học.
Các cây bút nhí tham gia giao lưu trực tuyến cùng tác giả truyện tranh Nhật Bản đầu tháng 4/2021
Đồng hành cuộc thi “Đóa hoa đồng thoại” của Nhật Bản là Nhà xuất bản Kim Đồng, Dự án “Mọt sách Mogu” và Quỹ Bắc cầu. Năm nay là lần thứ 4 cuộc thi được tổ chức. Tuy rơi vào thời điểm dịch Covid-19 đang ảnh hưởng toàn xã hội, song số lượng tác phẩm vẫn tăng so với các mùa trước với nội dung phong phú, đa dạng. Nhiều cây bút độ tuổi nhi đồng đã sớm bộc lộ ngôn ngữ, tư duy mới lạ, cuốn hút, thể hiện sinh động thế giới quan tuổi thơ.
Từ 2.332 tác phẩm của thí sinh trong cả nước gửi dự thi ở 3 hạng mục: Tiểu học, Trung học cơ sở và tự do (hơn gần gấp đôi số lượng tác phẩm dự thi ở mùa giải năm 2020). Ban tổ chức đã trao 3 giải nhất, 6 giải nhì, 9 giải 3 và 6 giải khuyến khích.
Giải nhất hạng mục Tiểu học được trao cho tác phẩm “Đoàn tàu gió” của Nguyễn Thanh Ngân (8 tuổi, Hà Nội). Em cũng là tác giả đồng thời được trao giải đặc biệt của cuộc thi với tác phẩm truyện đồng thoại có chất lượng nội dung tốt, tạo được sự bất ngờ và lôi cuốn, thể hiện trí tưởng tượng phiêu lưu, vẻ đẹp nhân văn trong cuộc sống.
Giải nhất hạng mục Trung học cơ sở thuộc về tác phẩm “Mở cửa” của Đặng Phương Lan (13 tuổi, Nam Định); Giải nhất hạng mục tự do được trao cho tác phẩm “Những chú mèo ngủ quên trong ổ trứng” của tác giả Nguyễn Thị Oanh đến từ Đồng Nai.
Từ danh sách tác giả, tác phẩm đoạt giải, có thể thấy lượng tác giả nhí chiếm đa số. Hạng mục Tiểu học và Trung học cơ sở có tổng cộng 16 tác giả đoạt giải, độ tuổi từ 8-14. Các tác phẩm chủ yếu thể hiện câu chuyện nhỏ xoay quanh thế giới trong trẻo, hồn nhiên của tuổi thơ. Nhiều tác giả nắm bắt tinh tế sự chuyển biến của những sự vật, hiện tượng trong cuộc sống, như: phương tiện giao thông, con vật, các nhân vật trong gia đình và ngoài xã hội.
Đặc biệt, ở cuộc thi năm nay, nhiều cây bút nhí đã sáng tác truyện đồng thoại về đề tài dịch Covid-19. Một số tác phẩm nổi bật được trao giải, gồm: “Mẹ tớ, người chiến sĩ áo trắng” của Nguyễn Thanh Mai, 10 tuổi ở Hà Nội; “Thành phố không có nụ cười” của Tô Mộc Hạ, 12 tuổi ở Nghệ An. Ở mùa giải năm ngoái, Giải nhất hạng mục Tiểu học cũng thuộc về 1 tác giả 8 tuổi là Phan Ngọc Ðại Ngọc với truyện “Những hạt mưa đi đâu?”.
Bên cạnh quá trình chấm, chọn tác phẩm, cuộc thi còn có nhiều hoạt động bổ trợ dành cho trẻ em như: giao lưu, thực hành sáng tác viết truyện thiếu nhi cùng diễn giả, khách mời, nổi bật là chuỗi chương trình “Bút kể ta nghe”. Ở các buổi tương tác, trẻ em được thỏa sức chia sẻ về những điều mình quan sát được trong cuộc sống, đưa ra những thắc mắc băn khoăn về cách thể hiện thành tác phẩm. Từ đó, vẻ đẹp của thế giới tuổi thơ được tích lũy, nâng niu và bộc lộ qua từng việc làm cụ thể, thiết thực.
Qua 4 lần tổ chức, cuộc thi “Đóa hoa đồng thoại” ngày càng thu hút sự tham gia của các tác giả khắp mọi vùng miền và không ngừng tăng về số lượng, chất lượng. Nhiều tác giả nhí đoạt giải sau khi bước ra khỏi cuộc thi đã có hành trình sáng tạo văn học đầy khả quan, cho ra mắt những tác phẩm văn học thiếu nhi đa dạng về thể loại, đề tài. Điều đó chứng minh được tác động hiệu quả từ những cuộc thi và cần khuyến khích, nhân rộng hơn nữa để các cây bút nhí thêm nhiều sân chơi, cơ hội thử sức.
Theo nhandan.vn
Bình luận: 0
Tin tức liên quan
- PGS, TS Trần Thanh Giang làm Phó Giám đốc Học viện Hành chính và Quản trị công (09:43 08/01/2025)
- Dinh dưỡng toàn diện, Codoca vì sức khỏe cộng đồng (06:55 08/01/2025)
- Travel Off Path nêu lý do Đà Nẵng là điểm đến lý tưởng cho tín đồ “du mục kỹ thuật số” (06:04 07/01/2025)
- Gala chào Xuân 2025: Tri ân truyền thống, tôn vinh những đóng góp bảo tồn di sản văn hóa (11:21 06/01/2025)
- Sân khấu trao giải Mai vàng lần thứ 30 năm 2024 hứa hẹn điều gì đặc biệt? (04:09 05/01/2025)