Cần thống nhất cách đọc và viết rõ nghĩa của từ trên đài, báo

10:35 24/10/2023 - Diễn đàn
Không phải ngẫu nhiên, mà những ngày gần đây của năm 2023, trên mạng xã hội Facebook nhiều người đã đưa vấn đề chính tả của báo chí ra để bàn luận và rồi... chê. Bởi vì các báo viết sai chính tả, sai ngữ pháp tiếng Việt khá nhiều, dẫn đến sai nghĩa của câu từ, làm ảnh hướng đến uy tín của báo chí...

Tôi còn nhớ là tháng 6/2010, tại TP. Hồ Chí Minh có một hội thảo khoa học toàn quốc về “Phát triển và giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trong thời kỳ hội nhập quốc tế hiện nay”. Hội thảo này do Trường Đại học Ngoại ngữ - Tin học TP. Hồ Chí Minh và Trường Đại học Sài Gòn tổ chức. Sau hội thảo, có một kiến nghị (trong bản kiến nghị gồm năm vấn đề chính được hội thảo đưa ra) mà tôi thấy rất tâm đắc với nghề làm báo của mình. Đó là cần có quy chuẩn quốc gia cho việc sử dụng tiếng Việt, gồm: Tên gọi thống nhất các chữ cái, cách viết chính tả, cách viết tên riêng, nguyên tắc mượn từ ngữ ở các ngoại ngữ...

Chưa nói về việc những kiến nghị trên đã được áp dụng đến đâu. Mà tôi thấy những kiến nghị này là hết sức cần thiết đối với những người làm báo, người viết văn và người soạn thảo các văn bản pháp quy trong hệ thống cơ quan nhà nước. Bởi vì lâu nay, người viết báo - mỗi người viết một cách về chữ hoa, chữ thường hay câu cú, ngữ nghĩa... các tờ báo thì mỗi tờ một kiểu chữ, ví dụ như viết tên tờ báo nào đó, báo thì viết hoa toàn bộ cả tên báo, báo thì viết hoa chữ trước mà không viết hoa chữ sau. Một số đài phát thanh, truyền hình thì có đài đọc chữ nước ngoài theo kiểu phiên âm của người Việt, có đài thì đọc theo tiếng gốc của nước ngoài... cứ loạn cả lên, khiến độc giả khó chịu và không biết phải tin và nên học tập ở báo nào nữa.

Hiện nay, phát thanh viên của các đài truyền hình, phát thanh ai nói cách nào cũng được, theo cách của mình hoặc theo cách mà cơ quan mình quy định. Chính vì vậy mà khán giả và thính giả không biết đài nào đọc đúng âm, đúng nghĩa và đài nào đọc không đúng... Thậm chí ngay trong một nhà đài thôi thì phóng viên đọc theo cách của phóng viên, biên tập viên lại đọc theo cách của biên tập viên. Nhiều khi chỉ trong một bản tin thời sự trên một đài truyền hình, nhưng người dẫn chương trình đọc dẫn tin thì đọc chữ cái tiếng Việt A, B, C theo âm ngữ tiếng Anh là “ây, bi, xi”, nhưng liền đó thì một biên tập viên lại đọc A, B, C theo âm ngữ tiếng Việt là “a, bê, xê”...

Một số chữ viết tắt thường xuyên được đọc trên các đài truyền hình, phát thanh hiện nay như GDP (viết tắt tiếng Anh của Gross Domestic Product, tổng sản phẩm quốc nội), ADB (viết tắt tiếng Anh của The Asian Development Bank, Ngân hàng Phát triển châu Á)... thì mỗi nhà đài (hoặc mỗi người) đọc mỗi kiểu. Có người vẫn đọc các chữ GDP, ADB theo cách lâu nay vẫn đọc (mà nhiều người Việt vẫn nghe và rất dễ hiểu) là “rê đê pê”, “a đê bê”. Nhưng hiện nay cũng có nhiều người đọc theo kiểu tiếng Anh là “gi, đi, pi”, “ây đi bi”. Hoặc chỉ với chữ G8 thôi, nhưng có đài thì đọc là “gờ 8” (như khi đọc về nhóm 8 quốc gia có nền công nghiệp hàng đầu của thế giới, G8), có đài lại đọc G8 là “rê 8”... Điều này khiến nhiều người nghe thấy khó chịu. Chính vì vậy mà trong cuộc sống thường ngày, nhiều người đã gọi một cách vui đùa với các bình luận viên (BLV) và phát thanh viên (PTV) theo cách đọc tiếng Việt là “bờ lờ vờ, pờ tờ vờ”.

  Ảnh minh hoạ

Theo tôi, chữ và nghĩa khi đã dùng trên báo, đài là phải thống nhất về cách đọc và phải đọc đúng, đọc thống nhất và viết đúng, viết thống nhất, nhằm phát triển và giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trong thời kỳ hội nhập quốc tế hiện nay. Vì ai cũng biết là mọi người (đặc biệt là người dân) lâu nay vốn thường chắc mẩm rằng: cái gì báo chí đã nói, đã viết lên, viết ra chắc là... đúng rồi. Có thế họ mới hay nói với nhau là: “Cái nớ báo họ viết rồi, không sai đâu”. Vì vậy, mà khi báo chí nói sai, viết sai về chính tả, câu cú, ngữ pháp cũng rất dễ dẫn đến có nhiều người nói và viết sai theo. Nói như vậy để khẳng định vai trò của báo chí trong tính hướng dẫn, tính định hướng (ngoài về chính trị, dư luận, thông tin...) thì về sự đúng, sai trong ngôn ngữ, ngữ pháp tiếng Việt với mỗi người dân và toàn xã hội là rất lớn. Không chỉ có tính hướng dẫn và định hướng vấn đề và sự kiện, báo chí Việt Nam càng nên góp phần vào việc chuyển tải, đưa thông tin đến cho người đọc, người nghe cách cảm nhận, hiểu và làm theo về sử dụng chữ nghĩa tiếng Việt.

Ở một khía cạnh khác, sự thống nhất trong cách viết tên các tổ chức, cơ quan... cũng cần phải được đặt ra ngay đối với các báo, tạp chí. Ví dụ như chỉ với chữ “báo” thôi, có tờ thì viết chữ “báo” bằng chữ thường, như là báo Tuổi Trẻ, báo Thanh Niên, báo Tiền Phong... Nhưng có tờ thì viết chữ “báo” lại bằng chữ hoa, như là Báo Tuổi Trẻ, Báo Thanh Niên, Báo Tiền Phong... Vậy ở đây, chữ “báo” là chữ đi cùng tên tờ báo, hay là tên của tờ báo luôn? Như vậy các báo, tạp chí, đài cũng cần có một quy định viết thống nhất.

Báo chí hiện nay cũng hay mắc phải những lỗi về cú pháp tiếng Việt: về nghĩa của từ, của câu. Lỗi như vậy trên báo chí sẽ gây ra tình trạng đánh đố bạn đọc, người hiểu thì không nói làm gì, nhưng với người không hiểu sẽ khiến họ bực bội. Ví dụ tít (tên) của một bài báo đã đăng trên một tờ báo: “Đánh bắt hóa chất gây chết hàng loạt cá mú nuôi”. Ở câu này tại sao không thêm hai chữ “cá bằng” vào trước chữ hóa chất và một dấu phẩy vào sau chữ hóa chất, để tạo thành câu đủ nghĩa và dễ hiểu là “Đánh bắt cá bằng hóa chất, gây chết hàng loạt cá mú nuôi”, hoặc hoán đổi vị trí chữ như “Dùng hóa chất đánh bắt cá, gây chết hàng loạt cá mú nuôi”. Hoặc thay chữ “gây” bằng chữ “làm” sẽ càng dễ hiểu và sát nghĩa hơn. Cách đặt tít và dùng câu như trên bạn đọc chắc chắn sẽ hiểu; người ta đang đánh bắt... con hóa chất, gây chết hàng loạt cá mú nuôi. Có tờ báo đã đăng tin với tít: “Trường tiểu học TP. HCM sẽ đón và giao nhận học sinh tại cổng trường”, nói về việc học sinh các trường tiểu học ở TP. HCM trở lại trường sau thời gian cách ly do dịch Covid-19. Điều không đúng trong cách đặt câu này là rất dễ làm cho người đọc nhầm tưởng là ở TP. HCM có một trường tên là “Trường tiểu học TP.HCM”. Đáng lẽ ra nên viết cho rõ nghĩa và dễ hiểu là: “Các trường tiểu học ở TP. HCM sẽ đón và giao nhận học sinh tại cổng trường”.

Có nhiều tờ báo, tạp chí, bản tin viết sai chính tả, sai ngữ nghĩa làm bạn đọc bực bội, không thể chấp nhận được. Ví dụ, đã từng có một tờ tạp chí chuyên ngành văn hóa đăng bản tin có đoạn: “Ngoài ra, có 3   trọng điểm trên đường Trường Sơn qua đất Quảng Bình cũng được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”. Ô hay, trọng điểm thì có chiến tích gì để được là anh hùng? Hóa ra danh hiệu anh hùng ấy là dành tặng cho các đơn vị thanh niên xung phong, bộ đội đã từng phục vụ và chiến đấu ở 3 trọng điểm đó. Cũng trên tờ tạp chí này có một tấm ảnh được ghi chú thích: “Đồ gốm sưu tập được tại Bảo tàng tổng hợp tỉnh”. Bảo tàng là nơi trưng bày hiện vật đồ gốm, chẳng lẽ lại có ai đó đến bảo tàng và “sưu tập” được đồ gốm? Vậy đúng ra phải ghi chú thích là: “Đồ gốm sưu tập được (ở địa phương A, B, C nào đó)...” là đủ và đúng nghĩa. Có báo viết rất khó hiểu, như: “Chuyện gia đình rưng rưng đơn sơ về anh hùng săn bắt cướp...”. Vì chuyện “rưng rưng” và “đơn sơ” xem ra chẳng ăn nhập gì về ngữ, nghĩa cả.

Dù biết nhiều báo hiện đang cố tạo ra cách viết lạ để câu người đọc nhìn vào, nhưng cái tên bài này làm cho người đọc không hiểu là gì. Chẳng lẽ rưng rưng là đang khóc, mà lại có kiểu hay cách khóc... đơn giản và bình dị hay sao?Hay  trên một tờ báo điện tử của tỉnh nọ, trong một bài có đoạn viết: “Thức ăn chủ yếu (của con kỳ nhông) là rau muống, rau khoai và sinh sản, phát triển rất nhanh”. Nếu thức ăn của con kỳ nhông mà có thêm loại... “sinh sản” thì e... dân đỡ trồng rau. Trong câu văn này, rau và sinh sản được phóng viên dùng chẳng ăn nhập gì, chưa nói là sai bét về ngữ - nghĩa của câu. Loại câu văn kiểu này chẳng khác gì nói: trên mình anh B mang hai vết thương, một vết bị ở bụng và một vết bị ở... Khe Sanh.

Qua đây cho thấy, báo, đài nên có cách viết và cách đọc thống nhất về chữ viết tắt, là đọc theo âm Việt ngữ hay theo âm Anh ngữ hoặc có thể các cơ quan quản lý nhà nước về báo chí nên có hướng dẫn bằng văn bản cách viết, đọc trên các báo, đài cho thống nhất, tránh tình trạng mỗi báo, đài nói một kiểu. Điều đó nhằm giúp các báo, đài viết/đọc đúng cú pháp tiếng Việt và rõ nghĩa để công chúng có thể hiểu được ngay; đồng thời, công chúng có thể lấy cách đọc, cách viết trên đài, báo làm chuẩn mực để học cách thức dùng chữ tiếng Việt nhằm làm giàu thêm cho kiến thức chữ, nghĩa của mình. 

Tô Thành Tuyên

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Thay mặt Bộ Chính trị, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đã ký ban hành Quy định số 142-QĐ/TW ngày 23/4/2024 quy định thí điểm giao quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trong công tác cán bộ.
Bình luận, cũng như phỏng vấn, có thể vừa là phương pháp vừa là thể loại báo chí. Theo Từ điển bách khoa Việt Nam (Trung tâm Từ điển bách khoa Việt Nam, 1995) thì: “Bình luận (thông tin) là sự phân tích, đánh giá một vấn đề (chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, kỹ thuật...) trên các phương tiện thông tin đại chúng để tuyên truyền, phổ biến, thuyết phục người nghe, người đọc... Bình luận chủ yếu vận dụng trí tuệ và tư duy logic để phân tích, đánh giá. Bình luận là vũ khí của báo chí nói riêng và các phương tiện thông tin đại chúng khác khi thực hiện các chức năng thông tin, tuyên truyền”.
Bộ Công thương đánh giá cao sự phối hợp và vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan báo chí, góp phần tuyên truyền chủ trương, chính sách đồng thời phổ biến kịp thời kiến thức, điển hình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đến người dân, doanh nghiệp, cơ quan, công sở trên khắp cả nước.
Phải “công tâm, khách quan, khoa học, đặt lợi ích của quốc gia - dân tộc, của Đảng, của nhân dân lên trên hết, trước hết”. Thông điệp trong bài phát biểu quan trọng "Một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIV của Đảng" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phiên họp đầu tiên của Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV của Đảng ta mới đây thu hút sự quan tâm, đồng tình của đông đảo cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân cả nước.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top