Mở rộng không gian chính sách, thúc đẩy liên kết vùng, ngành
16:45 14/04/2017
- Kinh tế
Trước tình hình phát triển nhanh công nghiệp, nông nghiệp Đồng Nai một thời là “vua” các loại cây trồng cao su, cà phê, bắp, mì, tiêu, chôm chôm... và nuôi heo, nuôi gà…, hiện nay nông nghiệp Đồng Nai có vị trí thế nào trong nền kinh tế khi khủng hoảng thừa vẫn xảy ra. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Huỳnh Thành Vinh, Giám đốc Sở NN&PTNT Đồng Nai.
Ông Huỳnh Thành Vinh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Nai.
Trong năm 2016, Đồng Nai thu hút gần 13.071 tỷ đồng vốn đầu tư trong nước và 1,92 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Đến nay, số dự án FDI còn hiệu lực là 1.253 dự án với tổng vốn đăng ký là 25,67 tỷ USD. Các dự án đầu tư đến từ 44 quốc gia và vùng lãnh thổ, chủ yếu thuộc các nước châu Á, đứng đầu là Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản.
Năm 2016, các dự án FDI đã đóng góp cho ngân sách của Đồng Nai khoảng 838 triệu USD, giải quyết việc làm cho 20.000 lao động. Lũy kế đến nay, tại 32 khu công nghiep Đồng Nai có 42 quốc gia và vùng lãnh thổ hoạt động đầu tư với tổng số 1.510 dự án, trong đó có 1.100 dự án vốn FDI với tổng vốn đầu tư xấp xỉ 21 tỷ USD, khoảng gần 10.000 hecta đất dành để xây dựng các KCN.
- PV: Thưa ông, Đồng Nai trong quá khứ đã từng nổi danh với các loại "vua" đậu nành, thuốc lá, cà phê, cao su, tiêu, điều, bắp, mì vì diện tích, sản lượng nhiều nhất của cả nước. Hiện nay, Đồng Nai còn giữ được ngôi "vua" cho những loại cây trồng, vật nuôi nào không?
Ông Huỳnh Thành Vinh: Xu thế giảm diện tích đất nông nghiệp dành cho sản xuất công nghiệp, xây dựng và giao thông đô thị là tất yếu; do vậy đến nay ngoài chôm chôm, Đồng Nai không còn loại cây nào có diện tích đứng đầu cả nước. Tuy nhiên, trong cơ cấu sản xuất nông nghiệp thì ngành chăn nuôi phát triển nhanh chóng, với hai loại vật nuôi quan trọng là heo và gà chiếm ưu thế trong cả nước. Về chôm chôm thì năng suất và sản lượng đứng đầu cả nước với 11.000 ha và 260.000 tấn, cao hơn Vĩnh Long (tỉnh đứng thứ hai về diện tích) tuy nhiên do Đồng Nai không thể sản xuất rải vụ nên giá trị sản xuất chỉ khoảng 1.500 tỷ đồng, thấp hơn Vĩnh Long .
- PV: Như vậy ngành nông nghiệp Đồng Nai vẫn có một vị trí đáng kể cả về diện tích lẫn sản lượng, tổng lượng đàn heo, gà so với các tỉnh mạnh về các cây, con cùng loại của cả nước. Nhưng với một tỉnh đang phát triển mạnh công nghiệp như Đồng Nai, nông nghiệp đang chiếm tỷ trọng như thế nào trong cơ cấu nền kinh tế của tỉnh?
Ông Huỳnh Thành Vinh: Ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 5,3% trong cơ cấu kinh tế tỉnh. Dân số sống và làm việc trong khu vực nông thôn ước 60%, khoảng 1,65 triệu người.
- PV: Nông dân Đồng Nai có kinh nghiệm thâm canh các loại cây trồng, nắm bắt du nhập tiến bộ khoa học kỹ thuật nhanh, lại sống trong vùng kinh tế phát triển, công nghiệp hoá mạnh, vậy tại sao cũng luôn là nơi bắt nguồn từ các cuộc khủng hoảng thừa? Ví dụ như chuối, heo hiện nay, thưa ông?
Ông Huỳnh Thành Vinh: Đồng Nai có khoảng 7.000ha chuối, sản lượng xấp xỉ 120.000 tấn (Sóc Trăng khoảng 10.000ha, sản lượng cũng khoảng 120.000 tấn); giá trị ước 500 tỷ đồng. Một lượng ít xuất khẩu chủ yếu qua Trung quốc bằng đường tiểu ngạch (chủ yếu là chuối già hương, còn gọi là chuối cấy mô), còn lại tiêu thụ trong nước. Riêng đàn heo 1,8 triệu con; gà 17,5 triệu con, đứng đầu cả nước nhưng heo cũng được thương lái mua xuất khẩu bằng đường tiểu ngạch với sản lượng không nhiều nhưng nhu cầu khi cần thì rất “hút hàng”, phần còn lại cũng chủ yếu tiêu thụ trong nước. Điều này cho thấy Đồng Nai có điều kiện thuận lợi để sản xuất nông nghiệp hàng hóa, dễ dàng tăng nhanh sản lượng.
Tuy nhiên sở dĩ đầu ra cho nông sản như chuối, heo, gà... rơi vào tình trạng khủng hoảng thừa, theo tôi là vì chúng ta làm thiếu tính quy hoạch, thiếu thông tin thị trường và sản xuất vẫn chạy theo lợi ích trước mắt mà chưa có giải pháp căn cơ, bền vững lâu dài. Vì theo trào lưu nên dễ bị ép giá khi sản lượng tăng, nhất là khi xuất khẩu tiểu ngạch khựng lại tạo nên tình trạng thừa, bị ép giá là khó tránh khỏi.
Ngành công nghiệp chế biến nông sản của Đồng Nai nhìn chung vẫn còn hạn chế về số lượng lẫn chất lượng, khả năng cạnh tranh còn thấp. Các doanh nghiệp chế biến nông sản đa phần đều có quy mô nhỏ, chưa chủ động chế biến những sản phẩm theo nhu cầu của thị trường. Trong khi, liên kết dọc theo chuỗi giá trị cũng như liên kết ngang giữa các doanh nghiệp chế biến với nhau và với các doanh nghiệp sản xuất phụ trợ lại chưa được hình thành hoặc thiếu chặt chẽ.
Hầu hết các sản phẩm cũng như doanh nghiệp chế biến đều chưa có thương hiệu riêng. Sản phẩm có chất lượng chưa cao, phần lớn sản phẩm xuất khẩu đều ở dạng sơ chế. Mẫu mã sản phẩm lại chậm đổi mới và chưa theo kịp những biến đổi của thị trường…
- PV: Theo ông, từ vụ khủng hoảng thừa heo và chuối hiện nay, từ phía nhà quản lý ngành, ông nhìn nhận thế nào, vì không thể bắt cả xã hội " giải cứu nông sản" khi thừa nếu như "các nhà" không có một giải pháp căn cơ, hữu hiệu hơn?
Ông Huỳnh Thành Vinh: Tôi nghĩ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi tạo ra nguồn hàng hóa lớn, đa dạng sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn, yêu cầu người tiêu dùng và tìm được nơi tiêu thụ ổn định là hướng đi của ngành nông nghiệp.
Điều này trước tiên phải giải quyết bài toán quy hoạch cùng với việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư chế biến nông sản. Cần lựa chọn những loại nông sản đã gắn vùng sản xuất nguyên liệu với chế biến; đồng thời, người sản xuất cần quan tâm đến ký kết các hợp đồng đầu ra (xuất khẩu và trong nước), tham gia chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ và giữ chữ tín trong kinh doanh.
Xu thế của thế giới hiện nay đã chuyển từ số lượng sang chất lượng, trong đó có thêm yêu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm, do đó, cần nâng cao tay nghề cho người sản xuất, nâng cao chất lượng đầu ra của nông sản và đa dạng hóa sản phẩm để đưa nông sản Việt Nam vào chuỗi giá trị toàn cầu (đáp ứng tiêu chuẩn GAP và tương đương).
Cần phải nhìn thẳng vào vấn đề là sản xuất hàng hóa chưa đáp ứng nhu cầu của thị trường tiêu thụ về số lượng và chất lượng. Vì tập trung quá nhanh, quá nhiều vào một số thị trường lớn, dễ tính như Trung Quốc thời gian qua dẫn đến việc nông sản Việt Nam không kịp nâng cao chất lượng, ùn ứ hàng hóa. Trong khi các nước Châu Âu, Châu Mỹ cũng có nhu cầu về hàng nông sản nhưng chúng ta không xuất được bao nhiêu vì chất lượng chưa đáp ứng đầy đủ.
- PV: Liệu rằng địa phương có thể thực hiện các giải pháp như Ông nói để phát triển nền nông nghiệp bền vững không, thưa ông?
Ông Huỳnh Thành Vinh: Trong chuỗi giải pháp từ quy hoạch vùng, “định vị” các cây, con chủ lực đến phát triển công nghiệp chế biến nông sản gắn với đầu tư hệ thống kho vận và xây dựng thương hiệu nhằm khắc phục tình trạng dư thừa, hư hao nguyên liệu, làm tăng giá trị sản phẩm... thì cần mở rộng không gian chính sách để thúc đẩy liên kết vùng, ngành. Tôi nghĩ việc cho phép tích tụ hạn điền là một giải pháp để tiến lên quy mô sản xuất lớn mà Chính phủ đã quan tâm .
Tuy nhiên vẫn cần Chính phủ nghiên cứu và sớm ban hành những chính sách ưu đãi phù hợp để khuyến khích các nhà đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông sản.
Đồng thời có chính sách đẩy mạnh mối liên kết ngang giữa doanh nghiệp chế biến nông sản một cách vững chắc, từ đó tạo thị trường và động lực khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, lĩnh vực chế biến nông sản, có lợi thế cạnh tranh, lợi thế vùng, miền và có giá trị gia tăng cao như cây công nghiệp, cây ăn quả, heo, gà… gắn với xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu.
Thực hiện đầu tư mới và khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi mô hình sản xuất từ chế biến thô sang chế biến tinh, tạo ra những sản phẩm vừa có giá trị gia tăng cao lại vừa phù hợp với thị hiếu thị trường.
Việc khuyến khích phát triển loại hình doanh nghiệp khoa học công nghệ sau thu hoạch cũng là yếu tố không thể thiếu trong chuỗi liên kết để phát huy tổng lực thế mạnh của các ngành kinh tế - kỹ thuật, các địa phương và nông dân.
Tất cả những mảnh ghép trên sẽ tạo ra bức tranh nông nghiệp đẹp, sinh động , xanh, sạch, bảo đảm cho nhu cầu phát triển bền vững.
Xin cảm ơn ông đã chia sẻ góc nhìn của mình trong bức họa về ngành nông nghiệp! Kim Loan
Bình luận: 0
Tin tức liên quan
- BIDV và VRG hợp tác toàn diện giai đoạn 2024 - 2029 (12:25 20/11/2024)
- VPBank trở thành nhà tài trợ chính thức đêm hoà nhạc “The Vienna Concert” (01:48 19/11/2024)
- VietinBank giành cú đúp giải thưởng về Báo cáo thường niên (10:23 19/11/2024)
- VPBank được vinh danh trong nhóm 10 doanh nghiệp quản trị tốt nhất (02:48 18/11/2024)
- BIZ MBBank tài trợ 100% phí thành lập doanh nghiệp, vững bước đồng hành cùng SME (01:33 18/11/2024)