Cảm xúc Đạ Dâng - Đạ Chomo

Có thể nói, nghề báo đã cho chúng tôi những trải nghiệm vô cùng phong phú về muôn mặt của cuộc sống.

Hiện trường giải cứu 12 công nhân bị sập hầm thủy điện Đạ Dâng - Đạ Chomo, ngày 19/12/2014. Ảnh: TL

Có lúc, chúng tôi nhập cuộc với những thông tin kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội ở tầm vĩ mô, nhưng cũng có lúc chúng tôi hóa thân với những thân phận con người khốn khổ nhất của đời thường. Đó cũng là những trải nghiệm đầy ắp các cung bậc cảm xúc... Chúng tôi đã trải qua cảm giác vui sướng đến vỡ òa hy hữu trong cuộc đời mỗi con người, không thể nào quên được, như khi tham gia tác nghiệp và được chứng kiến giờ khắc giải cứu 12 công nhân bị mắc kẹt trong lòng đất trong vụ sập hầm thủy điện Đạ Dâng - Đạ Chomo ở xã Lát, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng.

Lên đường từ cuộc gọi lúc nửa đêm

Lần ấy, tôi nhận lệnh lên đường giữa ngổn ngang bộn bề của những ngày cuối năm. “Em phải túc trực, bám trụ, cập nhật thông tin diễn biến đến khi nào giải cứu được 12 công nhân trong lòng đất mới được về...”, đó là mệnh lệnh ngắn ngủi của Tổng Biên tập.

Tôi cảm nhận được tâm trạng của người chỉ đạo và vác ba lô lên đường với hành trang nặng nề hơn thường ngày bởi những đồ giữ ấm. Thế nhưng, về đến nơi tá túc quen thuộc ở thành phố Đà Lạt (Tịnh Xá Ngọc Cảnh - Ngôi chùa có người thân trụ trì), tôi lại bắt đầu loay hoay với chính hành trang của mình. Và khi mượn được chiếc xe máy để đi luôn vào hiện trường vụ sập hầm kịp trong ngày, tôi chỉ quyết định mang theo một chiếc ba lô với hai chiếc máy ảnh, hai máy laptop, một số đồ dùng cần thiết nhất và mặc luôn vào người hai bộ quần áo. Vừa chạy, vừa hỏi đường, khoảng 30km, tôi đến được hiện trường vụ sập hầm lúc trời vừa sẩm tối.

Tại hiện trường, hàng trăm người tất bật, căng thẳng, khắc khoải, cùng ngóng trông tin tức của 12 người công nhân (11 nam và 1 nữ) đang bị mắc kẹt trong lòng đất tối tăm. Trời rất lạnh, nhưng chúng tôi ai cũng nóng, nóng từ trong nóng ra. Nhiệm vụ của chúng tôi không chỉ nắm bắt tình hình, mà còn phải cập nhật thông tin cho hàng triệu người dân cả nước cũng đang nóng lòng chờ trông “12 công nhân còn sống hết, họ đói, họ lạnh, nước đang dâng, tất cả cùng đu trên một chiếc xe trộn bê tông nhỏ...” là những thông tin ít ỏi mong manh. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ, ngành đã có mặt tại hiện trường, trực tiếp chỉ đạo cuộc giải cứu; Lực lượng Bộ đội Công Binh - Lữ Đoàn 293 chia nhau từng tốp 10 người, thay nhau đào tay khai thông điểm sụp trong hoàn cảnh vô cùng nguy hiểm.

Trời mưa to, nước lũ xuống, mũi khoan gãy... là những thông tin gây ái ngại cho cuộc giải cứu và kéo dài thời gian giải cứu. Đã hơn 80 giờ trôi qua, vừa hy vọng, lại lo âu, chúng tôi bắt đầu tác nghiệp trong sự mỏi mòn, sốt ruột, lo cho tính mạng của 12 công nhân gặp nạn. Tôi cùng các đồng nghiệp có người không ăn, không ngủ, có người chỉ nhớ hình như mình có ăn chút gì đó của ai đó đưa và có người không nhớ gì đến ăn uống.

Các ê-kíp phóng viên của đài VTV và các tờ báo lớn thay nhau túc trực cửa trước, cửa sau và nơi mũi khoan ngang đường hầm để trực tuyến thông tin giải cứu và chờ đợi giải cứu... Bộ trang phục trên người tôi cứ ướt rồi lại khô theo vận động của cơ thể. Không còn cái lạnh nào xâm nhập vào tôi nữa, vì tôi cũng như hàng trăm người có mặt tại hiện trường, lòng ai cũng nóng vô cùng khi thời gian giải cứu cứ ngày càng dài.

Chiến sĩ công binh vui mừng khi đưa công nhân cuối cùng ra khỏi đường hầm cứu hộ. Nguồn: tuoitre.vn

Vỡ òa cảm xúc

Đến 16 giờ 30 phút ngày 19/12/2014, tôi lại cưỡi “con ngựa sắt” rời lán trại, nơi bất đắc dĩ trở thành trung tâm báo chí, chạy trên con đường mòn trên đồi để quay lại cửa hầm. Từ trên đồi cao nhìn về hướng cửa hầm, tôi thấy có 2 người chạy ra la rất to. Tôi lao thẳng xuống cửa hầm, cũng là lúc các chiến sĩ bộ đội công binh cõng người công nhân gặp nạn đầu tiên chạy ra trong tiếng reo la vui mừng của mọi người. Tôi nhìn đồng hồ 16 giờ 36 phút và điện thoại báo tin về Hà Nội cho Tổng Biên tập trong tiếng nấc “giải cứu được rồi anh ơi!”

Rồi người thứ hai, người thứ ba, người thứ tư và đến người thứ mười hai... Chúng tôi vừa tác nghiệp, vừa la, vừa cười to như chưa lúc nào vui hơn được nữa... Những con người xa lạ, đứng cạnh nhau ôm chầm lấy nhau trong niềm vui vỡ òa!

Có lẽ, tôi là một trong những người rời hiện trường trễ nhất so với các đồng nghiệp (đến khi người công nhân cuối cùng trong số 12 người gặp nạn rời hiện trường về bệnh viện tỉnh Lâm Đồng, vì cô ấy đã kiệt sức, phải cấp cứu tại chỗ).

Tôi đã không còn để ý gì đến giờ giấc và cảm thấy mát mẻ, phấn khích vô cùng dù độc hành trên con đường rừng khoảng 30km ấy.

Quỳnh Mỹ

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề : "Tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả".
Đó là nhấn mạnh của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trong phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
Với tinh thần "Lá lành đùm lá rách", ngày 10/9, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành công văn số 457/CV-HNBVN về việc hưởng ứng lời kêu gọi của đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top