Cách làm phát thanh hiện đại
22:01 19/07/2016
- Tác nghiệp
Liên hoan Phát thanh toàn quốc lần thứ 12 năm 2016 được tổ chức tại thành phố
Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa từ ngày 20 đến ngày 22/4/2016 đã chính thức khép lại
với 18 giải vàng, 32 giải bạc, 72 giải đồng và 64 bằng khen, được BTC trao cho
những tác phẩm đạt chất lượng cao.
Một chương trình phát thanh của hệ VOV1, Đài Tiếng nói Việt Nam. Ảnh:TL
Một cái nhìn về phát thanh trực tiếp
Thật ra phát sóng trực tiếp mà chương trình vẫn làm theo kiểu cũ thì hiệu quả vẫn không cao, không có người nghe. Và ngay trong số 24 chương trình Phát thanh trực tiếp (PTTT) dự thi cũng vẫn còn không ít chương trình làm theo kiểu phát sóng trực tiếp mà không có sự đầu tư, không có việc sử dụng những kỹ năng làm trực tiếp của phát thanh hiện đại. Ở đây, chúng tôi nói về những chương trình PTTT được tổ chức sản xuất theo cách làm của phát thanh hiện đại: Nội dung chương trình PTTT và hình thức thể hiện chương trình PTTT. Đương nhiên nội dung là vấn đề được quan tâm hàng đầu. Vì thế trong các chương trình vẫn là những vấn đề thời sự nóng bỏng của đời sống xã hội, nhiệm vụ chính trị hay các vấn đề kinh tế, văn hóa, giáo dục... của Trung ương và địa phương. Điều đáng nói, nhiều chương trình đã thật sự quan tâm đến nhu cầu nghe đài của thính giả để thông tin kịp thời những gì thính giả muốn nghe, muốn biết. Có thể kể ra chương trình PTTT: Theo dòng Thời sự của VOV1 (HC Vàng); Mịt mờ khói hương của VOV 2 (HC Vàng); Từ mùa hạn mặn khốc liệt, tìm phương cách thích ứng cho nông dân đồng bằng sông Cửu Long của Đài PT- TH Cần Thơ (HC Vàng); Kết nối 54, chung tay vì những số phận kém may mắn nơi vùng xa của VOV4; Dân chấm điểm chính quyền (Đài PT-TH Quảng Trị), Khao khát mặt trời (Đài PT-TH Hải Phòng); Câu chuyện danh hiệu văn hóa (Đài PT-TH Phú Thọ)...
Một chương trình PTTT đương nhiên là phải phát sóng trực tiếp. Nhưng quan trọng hơn là nó luôn mang nội dung mở để cập nhật thông tin mới từ phóng viên, từ khách mời, kể cả từ bạn nghe đài. Thính giả không chỉ lắng nghe mà còn cảm nhận được đây là câu chuyện liên quan đến mình, đến địa phương mình, không thể không nghe để rồi lên tiếng tham gia vào chương trình thông qua điện thoại đến phòng thu, thông qua tương tác trên mạng xã hội Facebook... Các phóng sự được thực hiện từ hiện trường được đưa thẳng lên sóng, đầy ắp tiếng động của nhân vật, sự kiện, với lối phản ánh ngắn gọn, sinh động kèm những lời bình rõ ràng, sâu sắc, kịp thời. Còn khách mời trong phòng thu có thể dễ dàng trả lời trực tiếp cả biên tập viên và thính giả thông qua sự tương tác. Tiếng động, âm nhạc chọn lọc, đúng lúc tạo hiệu ứng sâu sắc, làm cho người nghe cảm thấy “đã tai”.... Đó là những chương trình đầy ắp thông tin nóng, thu hút người nghe ngay từ phút đầu tiên đến phút cuối chương trình. Người nghe đài chăm chú theo dõi, đăm chiêu cùng những vấn đề đặt ra, hoặc tự nhiên bật ra tiếng cười trước nhưng rồi lại ngậm ngùi lau nước mắt khi hiểu ra đó không phải là chuyện cười mà là chuyện nghiêm túc.
Với cách làm của phát thanh hiện đại, một chương trình PTTT phải chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng. Nhưng khi diễn ra trên sóng phải thật tự nhiên, dung dị, không cần phải đao to, búa lớn. Phát thanh trực tiếp hướng đến cách làm phát thanh hiện đại yêu cầu kịch bản phải khác, dẫn chương trình phải khác, viết tin, viết phóng sự hay làm phỏng vấn cũng phải khác. Đó là chưa kể đến việc tương tác với thính giả qua điện thoại, qua email hay qua mạng xã hội. Có thể nói, người làm chương trình phát thanh trực tiếp phải đổi mới toàn diện.
Làm phát thanh trực tiếp có dễ?
Câu trả lời là không dễ chút nào. Người làm phải được đào tạo bài bản những kỹ năng làm PTTT và phải làm hàng ngày cho thuần thục. Cũng cần nói thêm về hiệu quả của Dự án Hỗ trợ các đài phát thanh địa phương do Tổ chức hợp tác phát triển quốc tế Thụy Điển (SIDA). thực hiện tại Việt Nam năm 1997 kéo dài cho đến gần 10 năm sau. Hầu hết các đài tham gia dự án, được chuyên gia Thụy Điển chuyển giao công nghệ mới đã làm PTTT rất thành công như Đài PT-TH Huế, Cần Thơ, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Phú Yên, Phú Thọ, Hải Phòng... Tại các kỳ Liên hoan Phát thanh toàn quốc, nhiều đài địa phương đã vận dụng thành công kỹ năng làm phát thanh trực tiếp và đoạt giải cao. Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều địa phương vì lí do khác nhau chưa được tiếp cận với cách làm mới nên chưa thay đổi chất lượng các chương trình phát thanh hàng ngày. Đài TNVN nên tăng cường giúp đỡ các đài địa phương trong việc nâng cao trình độ nghiệp vụ. Đây không chỉ là nhiệm vụ mà còn vì Đài TNVN có đủ điều kiện để hỗ trợ cho các đài địa phương về mặt nghiệp vụ.
Nhiều người cho rằng, bây giờ là thời kỳ hoàng kim của báo mạng vì thế báo in, báo nói và báo hình sẽ dần bị lãng quên. Chúng tôi nghĩ rằng, thị phần báo chí chắc chắn sẽ có sự thay đổi. Nhưng tất cả các loại hình báo chí vẫn tồn tại theo những cách khác nhau để phục vụ nhu cầu đa dạng của công chúng. Báo chí phải đổi mới để tồn tại. Với phát thanh cũng vậy, thính giả chưa bao giờ quay lưng lại với sóng phát thanh. Chỉ chúng ta tự đánh mất thính giả vì không hiểu nhu cầu của người nghe đài hôm nay. Thực tế này đang hiện hữu, không có ngoại lệ cho bất cứ loại hình báo chí nào. Chỉ có không ngừng sáng tạo, đổi mới và quên đi thói quen đổ lỗi cho hoàn cảnh khách quan, báo chí mới có thể tồn tại hữu ích cho cộng đồng.
Tham dự Liên hoan phát thanh toàn quốc lần thứ 12 có 78 đơn vị dự thi với 267 tác phẩm của 62 đài PT-TH và 16 đơn vị thuộc Đài TNVN, với 5 thể loại: Phóng sự, Phỏng vấn, Câu chuyện truyền thanh, Chương trình tổng hợp và Chương trình Phát thanh trực tiếp. Nhiều chương trình phát thanh của đài Trung ương và địa phương đã tiếp cận với cách làm phát thanh hiện đại, có tính thời sự cao, sinh động và hấp dẫn, thu hút được thính giả, đặc biệt là 24 chương trình phát thanh trực tiếp dự thi của VOV1, VOV2, VOV4 (Đài TNVN) và các đài địa phương. |
Đỗ Quốc Cường
©Tạp chí Người Làm Báo số 387 - Tháng 5/2016
Bình luận: 0