Các tổ chức LHQ: Việt Nam đang thực hiện tốt chiến lược vaccine

Trưởng đại diện của WHO tại Việt Nam đánh giá việc Việt Nam huy động nguồn lực từ các cá nhân và khối tư nhân thông qua việc thành lập Quỹ vaccine phòng COVID-19 là vô cùng độc đáo.

Tiêm vaccine cho người dân tại điểm tiêm Trung tâm Văn hoá quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng. Ảnh: Văn Dũng/TTXVN

Thực hiện kết luận, chỉ đạo của Bộ Chính trị và Ban Bí thư, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt chiến lược vaccine toàn diện. Những thành quả bước đầu của chiến lược vaccine đã góp phần giúp cả nước giảm thiểu tối đa và hạ nhiệt căng thẳng những thiệt hại to lớn về người, kinh tế mà đợt bùng phát dịch COVID-19 thứ tư với biến chủng Delta gây ra trong suốt hơn 5 tháng qua.

Theo dõi việc thực hiện chiến lược vaccine của Việt Nam, các tổ chức của Liên hợp quốc như Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Quỹ Nhi đồng của Liên hợp quốc (UNICEF) đều có chung đánh giá Việt Nam đang thực hiện tốt chiến lược vaccine, đồng thời cam kết đồng hành, hỗ trợ Chính phủ, người dân Việt Nam sớm vượt qua đợt bùng phát dịch hiện nay để chuyển sang trạng thái bình thường mới một cách an toàn.

Thực hiện chiến lược đúng hướng

Huy động mọi nguồn lực để đẩy mạnh tiêm chủng và nhanh chóng tạo ra miễn dịch cộng đồng là định hướng mà Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đặt ra cho cuộc chiến chống lại đại dịch COVID-19 trong giai đoạn mới. Muốn vậy phải có vaccine và phải có đủ số lượng cần thiết.

Để giải bài toán trên, Chính phủ đã triển khai đồng bộ “ba mũi giáp công” là Quỹ vaccine phòng COVID-19 (huy động mọi nguồn lực tài chính để mua và sản xuất vaccine); Ngoại giao vaccine (đa dạng hóa nguồn vaccine, tranh thủ sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế) và Chiến dịch tiêm chủng quy mô lớn nhất trong lịch sử (tổ chức tiêm trên quy mô toàn quốc, vaccine phải được tiêm nhanh nhất, nhiều nhất, rộng nhất cho người dân, nhưng phải đảm bảo an toàn, hiệu qủa và công bằng, công khai).

Tính đến ngày 9/10, Quỹ vaccine phòng COVID-19 đã huy động được gần 8,7 nghìn tỷ đồng, trong khi công tác ngoại giao vaccine đã đưa về Việt Nam hơn 54 triệu liều vaccine cùng nhiều trang thiết bị, vật tư y tế. Chiến dịch tiêm chủng đã phổ cập được hơn 50 triệu liều vaccine phòng COVID-19 cho người dân.

Đánh giá về việc Chính phủ Việt Nam lập Quỹ vaccine phòng COVID-19, Tiến sỹ Kidong Park, Quyền Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam, cho rằng vì Việt Nam là nước có thu nhập trung bình và ngân sách nhà nước hạn chế nên việc huy động đầy đủ các nguồn lực cho y tế, nhất là trong tình huống khẩn cấp như đại dịch COVID-19 hiện nay là rất quan trọng.

Mỗi quốc gia đều có một số cơ chế để huy động nguồn lực cho công tác ứng phó và tiêm chủng, chẳng hạn như thông qua ngân sách nhà nước, bảo hiểm y tế xã hội, viện trợ nước ngoài và từ đóng góp của tư nhân nếu các cơ chế khác không phù hợp.

“Trong khi Chính phủ Việt Nam đã rất nỗ lực để huy động ngân sách nhà nước, việc cần nhiều nguồn lực hơn nữa là hoàn toàn dễ hiểu. Việc Việt Nam huy động nguồn lực từ các cá nhân và khối tư nhân thông qua việc thành lập Quỹ vaccine phòng COVID-19 là vô cùng độc đáo. Thông qua việc tự nguyện đóng góp vào quỹ, người dân và doanh nghiệp đang thể hiện sự tin tưởng vào Chính phủ,” ông Kidong Park nhấn mạnh.

Theo ông Kidong Park, những đóng góp này giúp nâng cao nhận thức về khó khăn và thách thức mà cả nước đang phải đối mặt, cũng như tạo cơ hội cho các cá nhân và khối tư nhân đóng góp vào cuộc chiến chống lại COVID-19.

Về việc sử dụng và phát huy hiệu quả quỹ vaccine, Quyền Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc, Trưởng Đại diện WHO, nhấn mạnh điều quan trọng là các nguồn quỹ phải được sử dụng một cách minh bạch và hiệu quả để có thể bảo vệ nhiều người Việt Nam khỏi COVID-19.

Ông Kidong Park khuyến nghị về lâu dài, Chính phủ có thể đảm bảo đủ nguồn lực thông qua việc lập kế hoạch ngân sách phối hợp giữa cấp trung ương và địa phương để chi trả cho các dịch vụ thiết yếu, ví dụ như vaccine phòng COVID-19.

Đồng quan điểm với ông Kidong Park, Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam Rana Flowers khẳng định Quỹ vaccine phòng COVID-19 là “một sáng kiến của Việt Nam.” Các cá nhân, doanh nghiệp quyên góp cho quỹ này tạo điều kiện cho Chính phủ Việt Nam bố trí khoản tiền mua vaccine từ các công ty sản xuất vaccine lớn, bà Rana Flowers chia sẻ.

UNICEF hiện là đối tác phân phối vaccine cho cơ chế đảm bảo quyền tiếp cận công bằng trên toàn cầu đối với vaccine COVID-19 (COVAX). Đánh giá về công tác ngoại giao vaccine của Việt Nam, bà Rana Flowers cho biết một lượng lớn vaccine về Việt Nam là do chính phủ các nước tài trợ và theo các thỏa thuận song phương mà chính phủ đạt được.

Trưởng đại diện của UNICEF nhấn mạnh: “Chắc chắn ngoại giao vaccine đang diễn ra rất thành công trên một số phương diện, phối hợp với các chính phủ có lượng vaccine dư thừa trong và đưa vaccine về Việt Nam một cách kịp thời để triển khai tiêm chủng thành công. Tôi xin gửi lời cảm ơn to lớn tới các chính phủ và chúng tôi sẽ tiếp tục kêu gọi các chính phủ tăng số lượng vaccine gửi tới Việt Nam để Việt Nam có thể đạt được số lượng vaccine cần thiết cho toàn dân.”

Bày tỏ ấn tượng với chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 của Việt Nam, Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam Rana Flowers khẳng định Việt Nam đang triển khai tiêm vaccine đúng hướng và hiệu quả.

Chia sẻ với những khó khăn và tiến độ tiêm có nơi, có lúc còn chậm của Việt Nam, bà Rana Flowers cho rằng qua theo dõi trên khắp toàn cầu, tất cả các nước đều gặp phải vấn đề chậm trễ và có nhiều bất cập, cũng như gặp phải các vấn đề về chuỗi cung ứng vaccine. Việt Nam đã tiếp nhận hơn 50 triệu liều vaccine, trong đó đã có hơn 40 triệu người được tiêm mũi một. Đây là kết quả khả quan.

Theo Trưởng Đại diện UNICEF, đến cuối năm nay, nhiều khả năng Việt Nam sẽ có đủ lượng vaccine cần thiết để đạt 150 triệu liều, đây là số liều vaccine được Chính phủ cam kết và dự đoán là cần thiết. Tại thời điểm này, việc tiếp nhận và triển khai vaccine diễn ra tốt đẹp và thành công.

Trưởng Đại diện UNICEF Rana Flowers cũng cho hay: Ở Việt Nam, tỷ lệ phản ứng nặng sau tiêm chủng, đặc biệt là sau mũi một, thấp hơn nhiều so với con số ở các nước khác. “Xin được chúc mừng những người tham gia hoạt động tiêm chủng và đang tiếp tục tham gia để đảm bảo việc triển khai diễn ra thành công,”  bà Rana Flowers nói.

Chia sẻ quan điểm từ góc độ cơ quan chỉ đạo và điều phối y tế toàn cầu trong hệ thống Liên hợp quốc, Trưởng Đại diện WHO Kidong Park đưa ra khuyến nghị: Điều quan trọng lúc này là Chính phủ cần phải có chiến lược cung cấp vaccine cho những người cần nhất, dựa trên các nhóm ưu tiên, gồm nhân viên y tế và lực lượng chống dịch tuyến đầu, người cao tuổi, những người có bệnh nền và những người có nguy cơ mắc bệnh nặng hoặc tử vong cao nhất.

Những kết quả bước đầu của Chiến lược vaccine cùng những đánh giá tích cực từ Liên hợp quốc đã tạo nền tảng cơ sở để chúng ta tin tưởng vào những nỗ lực của Chính phủ, các cấp chính quyền trong khống chế, kiểm soát được đợt bùng phát dịch thứ tư, từ đó chuyển dần trạng thái sang bình thường mới, ổn định cuộc sống, khôi phục sản xuất kinh doanh.

Lực lượng Cảnh sát giao thông hướng dẫn các lái xe khai báo tại khu vực khai báo y tế tự động tại chốt kiểm soát cầu Bạch Đằng (thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh), ngày 7/10/2021. Ảnh: Thanh Vân/TTXVN

Xây dựng lộ trình chuyển trạng thái sau kiểm soát dịch

Thời gian qua, tình hình dịch COVID-19 đang từng bước được kiểm soát, một số địa phương đã nới lỏng giãn cách xã hội. Trong đó, kể từ ngày 30/9, nhiều tỉnh, thành phố vốn là “điểm nóng” bùng phát dịch trong đợt dịch thứ 4 như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng... đã trở lại trạng thái bình thường mới, chuyển chủ trương từ "Không COVID" sang "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19." Từ Chính phủ đến chính quyền các cấp đã có những kịch bản, lộ trình cẩn trọng trong nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch.

Từ góc độ cơ quan y tế hàng đầu thế giới, Trưởng Đại diện WHO Kidong Park cho rằng trên toàn cầu và tại Việt Nam, virus SARS-CoV-2 sẽ còn tồn tại trong một thời gian và còn tiếp tục lây lan, gây nguy hiểm đến tính mạng của con người. Điều đó có nghĩa là Việt Nam sẽ phải tìm cách để chung sống an toàn với virus này.

Ngoài việc tiếp tục tăng tỷ lệ tiêm chủng, Trưởng Đại diện WHO cho rằng cần đảm bảo phải hạn chế sự lây lan của virus bằng việc áp dụng các biện pháp y tế đã được chứng minh là có hiệu quả như 5K và xây dựng năng lực của hệ thống y tế để phát hiện ca bệnh, điều trị người bệnh và giảm tử vong.

“Chúng ta phải nhanh trí trong việc đưa ra các biện pháp ngăn chặn các thiệt hại về kinh tế-xã hội và sức khỏe do đại dịch này gây ra, đồng thời tạo ra một trạng thái mà chúng ta hoàn toàn kiểm soát được virus chứ không phải virus kiểm soát chúng ta, ông Kidong Park nói.

Khi Việt Nam bắt đầu chuyển sang trạng thái bình thường mới, WHO khuyến khích Chính phủ xây dựng lộ trình để đạt được mục tiêu này và có thể xem xét các hành động cần được ưu tiên.

Thứ nhất, tiêm chủng càng nhanh càng tốt cho các nhóm được ưu tiên, đặc biệt là nhân viên y tế, người cao tuổi, những người có bệnh nền.

Thứ hai, ưu tiên việc tiêm chủng cho các khu vực bị ảnh hưởng nặng bởi dịch bệnh, với hệ thống y tế yếu hơn và điều kiện mỏng hơn.

Thứ ba, tiếp tục thực hiện nghiêm túc các biện pháp 5K tại gia đình, trường học, công sở..., với các hành động tự bảo vệ bản thân và các biện pháp y tế công cộng làm giảm sự lây truyền, kể cả khi một số biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng.

Thứ tư, tăng cường hơn nữa năng lực hệ thống y tế để quản lý bệnh nhân COVID-19 nặng một cách tốt hơn, đồng thời đưa ra mô hình lộ trình chăm sóc phù hợp để tránh quá tải bệnh viện với các ca bệnh nhẹ và trung bình.

Tin tưởng rằng với sự đồng tâm, đồng sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, người dân và sự sát cánh hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, cuộc chiến chống COVID-19 của Việt Nam sẽ đạt được mục tiêu kép: vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế-xã hội./.

TTXVN

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề : "Tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả".
Đó là nhấn mạnh của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trong phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
Với tinh thần "Lá lành đùm lá rách", ngày 10/9, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành công văn số 457/CV-HNBVN về việc hưởng ứng lời kêu gọi của đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top