Các hãng dược phát triển vaccine xịt mũi để sớm đánh bại COVID-19
15:15 21/09/2021
- Báo chí & Khoa học công nghệ
Liệu việc cung cấp khả năng miễn dịch với virus SARS-CoV-2 đến trực tiếp mũi – khu vực dễ bị lây nhiễm nhất – có thể giúp sớm chiến thắng đại dịch COVID-19 hay không?
Một nhà nghiên cứu trong phòng thí nghiệm phát triển vaccine COVID-19 dạng xịt mũi tại Đại học Tours, Pháp. Ảnh: Reuters
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thông báo các thử nghiệm lâm sàng đang được tiến hành để đánh giá 8 loại vaccine xịt mũi chống COVID-19. Một số ứng cử viên nổi bật nhất trong cuộc đua vaccine dạng xịt hiện tại gồm Đại học Hạ Môn, Đại học Hong Kong và Dược sinh học Wantai Beijing đã hoàn thành thử nghiệm giai đoạn 2.
Nhà nghiên cứu Nathalie Mielcarek, người đang làm việc với Viện Pasteur Lille để phát triển một loại vaccine xịt mũi chống lại bệnh ho gà cho biết: “Khi virus lây nhiễm cho con người, nó thường xâm nhập qua mũi. Mục tiêu sản xuất vaccine dạng xịt là nhằm ngăn cản virus xâm lấn”.
Một bài nghiên cứu đăng trên tạp chí Scientific American hồi tháng 3 đã khuyến khích phát triển vaccine xịt mũi vì chúng có tác dụng tức thì đối với virus trong dịch nhầy của người bị bệnh.
Tại đó, chúng kích hoạt sản xuất một loại kháng thể được gọi là immunoglobulin A, giúp ngăn chặn lây nhiễm. Bài báo cho biết: “Phản ứng áp đảo này được gọi là miễn dịch khử trùng, làm giảm cơ hội lây truyền virus cho con người”.
Các loại vaccine hiện có cung cấp khả năng bảo vệ mạnh mẽ chống lại các triệu chứng thể nặng của COVID-19 nhưng kém tin cậy hơn trong việc ngăn chặn sự lây lan của virus.
Theo chuyên gia Mielcarek, kích thích phản ứng miễn dịch trực tiếp tại mũi sẽ giảm nguy cơ lây truyền cho người khác. Ngoài ra, khi bạn ít bị virus lây nhiễm vào phổi hơn, có tải lượng virus thấp hơn thì sẽ có ít khả năng chuyển biến nặng hơn.
Mặt khác, bài nghiên cứu cho hay vaccine xịt mũi sẽ dễ dàng được sử dụng ngay tại nhà cũng như không gây tâm lý sợ sệt kim tiêm.
Và trong một nghiên cứu của Đại học Tours (Pháp) trên chuột vừa được công bố tuần trước, 100% số chuột được xịt vaccine đã sống sót sau khi nhiễm SARS-CoV-2, trong khi những con không sử dụng vaccine đều chết.
Philippe Mauguin, Giám đốc điều hành của viện nghiên cứu ở Pháp đang hy vọng được cấp bằng sáng chế vaccine cho biết: “Những con vật được tiêm phòng có tải lượng virus thấp nên chúng không bị lây nhiễm. Đó là một trong những lợi thế của vaccine xịt mũi”.
Bà Isabelle Dimier-Poisson, người đứng đầu cuộc nghiên cứu có tính khả thi nhấn mạnh: “Vaccine xịt mũi có thể đưa chúng ta trở về cuộc sống bình thường trước khi đại dịch xảy ra, không giãn cách xã hội cũng như không đeo khẩu trang”.
Theo TTXVN
Bình luận: 0
Tin tức liên quan
- Chuyển đổi số báo chí theo nguyên tắc “động", "kịp thời” (10:18 12/05/2023)
- Doanh thu toàn ngành TT&TT đạt khoảng 1,14 triệu tỷ đồng trong 4 tháng (03:43 10/05/2023)
- WHO và UNICEF khuyến khích các nỗ lực tại Việt Nam để bắt kịp chương trình tiêm chủng định kỳ cho trẻ em (11:29 30/04/2023)
- Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong sáng tạo nội dung truyền hình (05:47 30/04/2023)
- Báo chí giải thích, sáng tạo số lên ngôi (10:54 28/04/2023)