Kết nối tạp chí:
  • facebook
  • Tiwer
  • Youtube
  • Google

Bức tranh sống động, chân thực về đất nước

Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XI năm 2016 được đánh giá là một mùa giải thành công, song cũng đặt ra nhiều yêu cầu mới về nâng cao chất lượng, để xứng đáng với sự mong đợi của công chúng và xã hội.

Qua Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XI, công chúng được thưởng lãm một cách tổng quan và toàn diện chặng đường phát triển của đất nước trong năm qua. Ảnh:TL

Phóng viên Tạp chí Người Làm Báo ghi lại ý kiến của một số lãnh đạo cơ quan báo chí, các nhà báo lão thành và thành viên Hội đồng Chung khảo... xung quanh sự kiện quan trọng này.

NHÀ BÁO LÃO THÀNH PHAN QUANG,
NGUYÊN CHỦ TỊCH HỘI NHÀ BÁO VIỆT NAM:

Văn hóa là một hướng đi tốt để nhà báo khai thác

Mặt trận văn hóa trên lĩnh vực báo chí được lãnh đạo Đảng, Nhà nước chú trọng rất nhiều. Đây là một vấn đề rất lớn nhưng Giải lần này chưa có những tác phẩm phản ánh hay. Tôi tin rằng, đây là một hướng đi tốt để nhà báo khai thác. Theo tôi, đừng nên lấy kết quả của một năm để đánh giá cống hiến của báo chí về lĩnh vực này, mà chúng ta còn phải chờ đợi vì văn hóa là vấn đề phải làm rất nhiều năm trong một thời gian dài, nhìn từ nhiều góc độ khác nhau chứ không phải chỉ nói một cách đơn giản được.

NHÀ BÁO LÊ QUỐC TRUNG,
NGUYÊN PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC HỘI NHÀ BÁO VIỆT NAM:

Báo chí địa phương đã có sự vươn lên tương đối rõ nét

So với các Giải Báo chí Quốc gia những năm trước, chất lượng Giải năm 2016 vẫn giữ vững được sự ổn định cả về nội dung và hình thức thể hiện. Báo chí địa phương đã có sự vươn lên tương đối rõ nét so với báo chí Trung ương, có nhiều nội dung phản ánh khá kịp thời các vấn đề xã hội quan tâm, rất nhiều tác phẩm gắn được với Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XII của Đảng; nêu bật những vấn đề bức xúc trong xã hội... Ở các địa phương, trong những năm gần đây đã có nhiều tác phẩm đoạt giải tương đối cao, thậm chí vươn lên đoạt Giải A, trong đó có cả những tác phẩm truyền hình. Điều này đã thể hiện được các cơ quan báo chí địa phương ngày càng chú trọng, đầu tư không chỉ ở việc biết cách phát hiện vấn đề mà còn đầu tư về mặt hình thức thể hiện. Trong 11 thể loại Giải có những thể loại từ trước tới nay vẫn yếu hơn các thể loại khác như ảnh báo chí hay phát thanh. Bởi có một thực tế là ngoài Đài Tiếng nói Việt Nam, các đài địa phương chủ yếu là kết hợp phát thanh với truyền hình nên nhiều khi còn chú trọng về mặt hình ảnh hơn là phát thanh. Vấn đề này đòi hỏi các các cơ quan báo chí ở địa phương cần phải chú trọng hơn nữa để chất lượng báo chí ngày càng nâng cao và tạo sự đồng đều giữa các thể loại báo chí.

Các thành viên Hội đồng Chung khảo Giải Báo chí Quốc gia năm 2016 lựa chọn tác phẩm ảnh xuất sắc nhất. Ảnh Sơn Hải

NHÀ BÁO HÀ MINH HUỆ,
NGUYÊN PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC HỘI NHÀ BÁO VIỆT NAM:

Vẫn chưa có nhiều cây bút quyền uy, mang bản sắc riêng

Nét tích cực của Giải Báo chí Quốc gia năm nay là các tác phẩm tham đã phát hiện được nhiều vấn đề mới quy mô lớn, được phản ánh rộng rãi là những vấn đề được cả xã hội quan tâm. Nhưng có một điều mà các thành viên của Hội đồng Chung khảo đều nhận thấy là những tác phẩm đơn 1 tác giả đứng tên hơi ít, đa số là nhóm tác giả. Có những tác phẩm có từ 5 - 10 tác giả đứng chung 1 tác phẩm. Những tác phẩm của nhóm tác giả mặc dù thể hiện quan điểm chung một tờ báo song nó được nhào nặn dưới sự tổng hợp trí tuệ của nhiều người mà chưa thực sự thể hiện cho độc giả thấy được quan điểm của từng cá nhân tác giả; chưa thực sự xây dựng được một số cây bút quyền uy, mang bản sắc riêng.

NGHỆ SĨ NHIẾP ẢNH VŨ QUỐC KHÁNH,
CHỦ TỊCH HỘI NGHỆ SĨ NHIẾP ẢNH VIỆT NAM:

Phải rất tinh tế về nghệ thuật mới tạo được cảm xúc cho người xem

Trong số các tác phẩm vào Chung khảo, tôi thấy một số tác phẩm có ý nghĩa như tác phẩm về xâm ngập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long, hay bà mẹ bán xôi nuôi con ung thư. Đây là những vấn đề liên quan đến con người, mà nhiều nhà nhiếp ảnh đang tìm kiếm. Còn những đề tài khác cần phải cân nhắc kĩ hơn, nhất là vấn đề chính trị. Báo chí chính trị cần phải lưu ý, nếu không chúng ta sẽ chỉ có những tác phẩm bình bình, không có sự đột phá.

Theo tôi, mỗi bức ảnh báo chí phải được thể hiện một cách tinh tế, đúng chức năng hay bản chất của nhiếp ảnh thì người xem mới cảm nhận rõ được ý đồ của tác giả. Tôi ví dụ khi chụp một tấm chân dung, nếu chúng ta không thấy được những giọt mồ hôi, những nếp nhăn trên mặt của con người đó thì người xem không có cảm giác, cảm xúc. Cho nên, kĩ thuật ở đây đang bị ảnh hưởng đến chất lượng ảnh. Có lẽ chúng ta nên phóng to hơn, không nên dán mảng miếng mà nên dán sát vào nhau để tất cả các ảnh đó theo đúng kĩ thuật của ảnh, bởi một chi tiết nhỏ cũng có thể làm hỏng ảnh nếu chúng ta làm không tốt. Nghĩa là trong ảnh, khâu nào cũng quan trọng từ lựa chọn, biên tập cho đến phóng ảnh, xử lí ảnh hậu kì. Chỉ một khâu trục trặc thì bức ảnh có thể bỏ đi. Vì thế, ảnh rất tinh tế về nghệ thuật, phải hết sức chú ý mới tạo được cảm xúc cho người xem

Ngọc Thành, Nam Dương, Thùy Dung, Ngọc Huyền (thực hiện)

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Ngày 31/5, tại Hà Nội, Hội đồng Giải Báo chí Quốc gia đã khai mạc vòng chấm chung khảo Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVIII năm 2023.
Đạo đức cách mạng là "gốc" của người cách mạng, những người bằng uy tín của mình được nhân dân tín nhiệm giao trọng trách nắm và giương cao ngọn cờ lãnh đạo cách mạng của dân tộc. Kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại (19/5/1890 - 19/5/2024) là dịp để mỗi cán bộ, đảng viên thêm quyết tâm học tập, tu dưỡng, rèn luyện và thực hành đúng, thực chất đạo đức cách mạng, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, mãi là ngọn cờ lãnh đạo dân tộc trong thời kỳ mới.
Thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành Quy định số 144-QĐ/TW ngày 9/5/2024 của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới.
Thay mặt Bộ Chính trị, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đã ký ban hành Quy định số 142-QĐ/TW ngày 23/4/2024 quy định thí điểm giao quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trong công tác cán bộ.