Bộ Tài chính ban hành kế hoạch chuyển đổi số đến năm 2025
21:49 02/08/2022
- Kinh tế
Bộ Tài chính vừa ban hành Quyết định 1484/QĐ-BTC ban hành Kế hoạch chuyển đổi số của Bộ Tài chính đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Cung cấp các dịch vụ tài chính số chất lượng
Kế hoạch chuyển đổi số của Bộ Tài chính nêu rõ mục tiêu tổng quát là chuyển đổi số gắn với xây dựng nền tài chính quốc gia phát triển bền vững, hiện đại và hội nhập, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, tăng cường khả năng chống chịu của nền kinh tế, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và an ninh tài chính quốc gia. Thực hiện chính sách động viên hợp lý, cải thiện dư địa tài khóa, tạo điều kiện thuận lợi để huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài chính, giải quyết hài hòa các vấn đề phát triển kinh tế, xã hội và môi trường với các mục tiêu, nhiệm vụ của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính chủ động áp dụng các thành quả công nghệ của CMCN 4.0, kế thừa kết quả triển khai Chính phủ điện tử để từng bước thực hiện chuyển đổi số ngành Tài chính, cung cấp các dịch vụ tài chính số, tham gia tích cực vào sự phát triển Chính phủ số, Kinh tế số, Xã hội số. Năm 2022 cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu phát triển Tài chính điện tử và phấn đấu đến năm 2025 cơ bản thiết lập nền tảng Tài chính số hiện đại, công khai, minh bạch dựa trên dữ liệu lớn, dữ liệu tài chính mở. Đến năm 2030 hình thành hệ sinh thái Tài chính số phong phú, hiện đại trên mọi lĩnh vực, đảm bảo tính hiệu quả và an toàn thông tin.
Ngành Tài chính đóng vai trò kiến tạo, kết nối, chia sẻ dữ liệu và các nền tảng số hóa, đáp ứng toàn diện nhu cầu giao dịch tài chính công, nhu cầu khai thác sử dụng thông tin số của Chính phủ, người dân, doanh nghiệp và các tổ chức. Công chức, viên chức được đào tạo, cập nhật kỹ năng số nhằm tiếp cận kiến thức, kỹ năng số để cùng tham gia vào quá trình chuyển đổi số.
Cung cấp các dịch vụ tài chính số chất lượng
Kế hoạch chuyển đổi số của Bộ Tài chính cũng đặt ra các mục tiêu cụ thể đến năm 2025, trong đó sẽ cắt giảm, tái cấu trúc, đơn giản hóa, chuẩn hóa, thống nhất các thủ tục hành chính; cung cấp dịch vụ mới trên nguyên tắc đảm bảo chất lượng dịch vụ, giảm chi phí, tăng năng suất lao động xã hội một cách chủ động, kịp thời đáp ứng nhu cầu của xã hội. Người dân, doanh nghiệp có thể sử dụng dịch vụ số theo nhu cầu cá thể hóa, theo suốt cuộc đời, khi cần, theo cách thuận tiện, trực tuyến hoặc trực tiếp, dễ dàng, đơn giản, nhanh chóng, không giấy tờ, không cần sự hiện diện nếu pháp luật không yêu cầu.
100% thủ tục hành chính đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Bên cạnh đó, 100% dịch vụ công trực tuyến được thiết kế, thiết kế lại nhằm tối ưu hóa trải nghiệm người dùng, khi sử dụng được điền sẵn tối đa thông tin, dữ liệu mà người dùng đã cung cấp trước đó theo thỏa thuận hoặc được thu thập, chia sẻ phù hợp với tiêu chuẩn chất lượng. 100% giao dịch trên Cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử của Bộ Tài chính được xác thực điện tử, ngoại trừ các dịch vụ yêu cầu sự hiện diện bắt buộc theo quy định của pháp luật.
Cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử Bộ Tài chính được kết nối, chia sẻ dữ liệu với Cổng Dịch vụ công quốc gia. Tích hợp 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 phổ biến, liên quan tới nhiều người dân, doanh nghiệp được tích hợp lên Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Tối thiểu 80% hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý hoàn toàn trực tuyến; các hệ thống thông tin của Bộ Tài chính có liên quan đến người dân, doanh nghiệp đã đưa vào vận hành, khai thác được kết nối, liên thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu; thông tin của người dân, doanh nghiệp đã được số hóa và lưu trữ tại các CSDL quốc gia không phải cung cấp lại.
Tối thiểu 90% người dân và doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính của Bộ Tài chính. 100% Bộ phận 1 cửa được ứng dụng công nghệ thông tin để giải quyết thủ tục hành chính. 100% doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thuộc trường hợp sử dụng hóa đơn áp dụng quy định về hoá đơn điện tử.
Bộ Tài chính cũng đẩy mạnh triển khai Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN đúng kế hoạch, lộ trình triển khai theo chỉ đạo của Chính phủ và Ủy ban chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN, Cơ chế một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại. Hình thành hệ thống thông tin ngân sách và kế toán Nhà nước số với mục tiêu liên thông, kết nối, chia sẻ với các hệ thống khác trong và ngoài ngành Tài chính theo thời gian thực, đổi mới về công nghệ, phục vụ nhu cầu khai thác của các đơn vị trong và ngoài ngành tài chính. Hình thành hệ thống giám sát thị trường chứng khoán Việt Nam nhằm mục tiêu thu thập, quản lý các thông tin liên quan đến đối tượng thuộc diện quản lý của UBCKNN như các công ty đại chúng, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán…
Vận hành tối ưu các hoạt động
Bộ Tài chính hướng tới mục tiêu cung cấp dịch vụ 24/7, sẵn sàng phục vụ trực tuyến bất cứ khi nào người dân, doanh nghiệp cần. 100% cán bộ, công chức, viên chức ngành Tài chính được gắn định danh số trong xử lý công việc theo lộ trình chung của Chính phủ về định danh, xác thực điện tử.
100% văn bản trao đổi giữa các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Tài chính và giữa Bộ Tài chính với các cơ quan nhà nước khác được thực hiện dưới dạng điện tử, được ký số bởi chữ ký số chuyên dùng, trừ văn bản mật theo quy định của pháp luật. 90% hồ sơ công việc tại Bộ Tài chính được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước).
100% công tác báo cáo định kỳ (không bao gồm nội dung mật) của Bộ Tài chính được cập nhật, chia sẻ trên Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia theo lộ trình chung của Chính phủ, phục vụ hiệu quả hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành. 100% hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức được lưu trữ, quản lý dưới dạng hồ sơ điện tử.
Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài chính và các cơ sở dữ liệu chuyên ngành được đưa vào khai thác vận hành hiệu quả. Một số lĩnh vực cơ bản như ngân sách, thuế, hải quan, kho bạc, chứng khoán, giá... ứng dụng trí tuệ nhân tạo, phân tích thông minh để tối ưu hóa hoạt động. 50% hoạt động kiểm tra của Bộ Tài chính được thực hiện qua môi trường số và hệ thống thông tin của Bộ Tài chính. 100% các đơn vị trong ngành Tài chính triển khai bảo đảm an toàn thông tin theo mô hình 4 lớp. 100% hệ thống có triển khai giám sát, an toàn, an ninh mạng…
Huy động sự tham gia của xã hội
Người dân, doanh nghiệp và các tổ chức khác có thể dễ dàng tham gia ý kiến đóng góp cho hoạt động của Bộ Tài chính, phản ánh những vấn đề của xã hội xung quanh mình tới cơ quan nhà nước và nhận được ý kiến phản hồi về sự tham gia, kết quả tham gia của mình. Doanh nghiệp có thể tham gia cung cấp dịch vụ công hoặc phát triển những dịch vụ mới, sáng tạo, giúp xã hội có thể dễ dàng tiếp cận và sử dụng dịch vụ công của Bộ Tài chính. Bộ Tài chính, người dân, doanh nghiệp và các tổ chức khác cùng tham gia phổ cập việc sử dụng dịch vụ công nói riêng, chuyển đổi số nói chung.
Định hướng đến năm 2030, Bộ Tài chính chuyển đổi cách thức phục vụ người dân, doanh nghiệp phù hợp với lộ trình chuyển đổi số của Chính phủ, giảm chi phí, tăng năng suất của doanh nghiệp, tạo thuận lợi, mang lại sự hài lòng của người dân, giúp người dân, doanh nghiệp tham gia nhiều hơn vào hoạt động của Bộ Tài chính để cùng tạo ra giá trị, lợi ích, sự hài lòng, niềm tin và đồng thuận xã hội.
Theo baochinhphu.vn
Bình luận: 0
Tin tức liên quan
- Khách hàng SHB cần bổ sung thông tin sinh trắc học trong năm 2024 (11:22 11/12/2024)
- VPBank dẫn đầu xu hướng thanh toán “một chạm” bằng tài khoản tại Việt Nam (10:20 11/12/2024)
- VietinBank: Tốp 50 doanh nghiệp niêm yết thực hành quản trị công ty tốt nhất (04:52 10/12/2024)
- Dễ dàng giao dịch chứng chỉ quỹ mở SSIAM trên nền tảng NEO Invest của VPBankS (02:48 10/12/2024)
- HDBank tiếp tục nhận hai giải thưởng danh giá (02:42 10/12/2024)