Bình Phước: Hướng tới chăm sóc sức khỏe toàn dân thông qua BHYT

Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã xác định: “Hướng tới thực hiện bao phủ chăm sóc sức khỏe và bảo hiểm y tế (BHYT) toàn dân; mọi người dân đều được quản lý, chăm sóc sức khỏe”. Điều này được hiểu là bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân phải dựa trên cơ sở nền tảng của bảo hiểm toàn dân hay chính BHYT là phương thức cơ bản để đạt mục tiêu mọi người dân được chăm sóc sức khỏe. Theo đó, tỉnh Bình Phước đã triển khai nhiều chương trình chăm sóc y tế cho người dân, đặc biệt là người dân vùng đồng bào DTTS, vùng còn nhiều khó khăn.

BHXH tỉnh Bình Phước tổ chức tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT.

Đồng bào DTTS tỉnh Bình Phước phần lớn sinh sống tập trung ở vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa, đời sống kinh tế-xã hội còn nhiều khó khăn… Đây cũng là khu vực phát sinh nhiều loại dịch bệnh như: sốt rét, sốt xuất huyết, tiêu chảy... Đặc biệt, đây cũng là địa bàn thường xuyên xảy ra tình trạng di cư tự phát; trong các buôn làng còn tồn tại nhiều hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan. Lợi dụng những hạn chế, khó khăn này, các thế lực thù địch đã dùng nhiều phương thức, thủ đoạn lôi kéo, kích động đồng bào nhằm gây mất ổn định an ninh chính trị và làm giảm lòng tin của người dân vào sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương.

Nhận thức rõ vấn đề này, từ nhiều năm nay, tỉnh Bình Phước đã xác định nâng cao hiệu quả chăm sóc y tế cho nhân dân là chương trình ưu tiên, đột phá trong chiến lược xây dựng, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS. Theo đó, ngành y tế đã triển khai nhiều chương trình, phong trào, huy động nhiều nguồn lực xã hội đầu tư y tế cho khu vực biên giới, vùng sâu, vùng xa.

Một trong những dấu ấn tạo chuyển biến quan trọng là chương trình đầu tư, chuyển giao kỹ thuật cho hệ thống trạm y tế cấp xã. Bước chuyển biến quan trọng này đã giúp địa phương kéo giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu cho bà con. Đến nay, Bình Phước đã xây dựng được mạng lưới y tế cơ sở toàn diện, đáp ứng những nhu cầu cơ bản, thiết yếu về khám, điều trị, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân. 

Các chương trình mục tiêu y tế-dân số như: phòng, chống suy dinh dưỡng, phòng, chống các dịch bệnh được triển khai hiệu quả. Hiện, số bác sĩ/vạn dân đạt hơn 8,6%; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng chỉ chiếm dưới 9%; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 94%; nhiều chính sách đặc thù hỗ trợ viện phí cho đồng bào khám, chữa bệnh tại cơ sở y tế công, kiểm soát dịch bệnh được triển khai, giúp đồng bào yên tâm bám thôn bản, ổn định cuộc sống.

Công tác chăm sóc sức khỏe cho đồng bào DTTS ngày càng được quan tâm, hệ thống cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh ngày càng củng cố và phát triển: Tỷ lệ xã có trạm y tế đạt chuẩn quốc gia đạt 85,60%; tỷ lệ trạm y tế có bác sỹ đạt 58,56%; tỷ lệ trạm xá có hộ sinh hoặc y sỹ sinh sản đạt 100%... Công tác khám, chữa bệnh vùng DTTS được đảm bảo, đã có những bước tiến quan trọng, nhiều danh mục kỹ thuật không ngừng được chuyển giao, áp dụng điều trị hiệu quả cho người bệnh; các chương trình y tế quốc gia, y tế cộng đồng được thực hiện tốt; công tác tiêm chủng, chăm sóc sức khoẻ trẻ em được triển khai đầy đủ.

Bà Nguyễn Thị Kim Liên, ngụ khu phố Ninh Phước, thị trấn Lộc Ninh, huyện Lộc Ninh dù đã lớn tuổi nhưng may mắn vẫn còn sức khỏe, có thể lao động kiếm tiền nuôi sống bản thân. Tuy nhiên, không phải cá nhân, người thân trong gia đình lúc nào cũng mạnh khỏe mà có lúc ốm đau, bệnh tật ập đến phải chữa trị tốn kém. May mắn là lúc nào cả gia đình bà cũng có thẻ BHYT “cứu cánh”, chia sẻ bớt gánh nặng chi phí khi phải điều trị bệnh.

Không chỉ được hưởng các quyền lợi, dịch vụ tốt nhất khi tham gia BHYT, mà khi đi khám, chữa bệnh, người dân được sử dụng hình ảnh thẻ BHYT bằng ứng dụng VSSID-BHXH số trên nền tảng thiết bị di động do ngành BHXH Việt Nam thiết lập. Đây là một trong những khâu cải cách thủ tục hành chính của ngành BHXH đem lại nhiều tiện ích cho người dân khi tiết kiệm thời gian đăng ký khám, chữa bệnh, không sợ quên mang thẻ BHYT, căn cước công dân hay nỗi lo mất thẻ, bị hỏng thẻ…Trong thời đại điện thoại di động thông minh trở nên phổ biến và mạng Internet phủ rộng khắp, quy định này được nhiều người dân hưởng ứng nhiệt tình bởi những tiện ích của ứng dụng mang lại là vô cùng lớn. Bà Nguyễn Thị Nhi, xã Phú Sơn, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước chia sẻ: Thời gian trướcsử dụng bằng thẻ BHYT giấy hay bị thất lạc, bị quên khi đi khám, nhưng bây giờ sử dụng điện thoại tiện ích hơn nhiều. Mọi thông tin đều nằm trên máy tính không cần phải mang các loại hồ sơ, giấy tờ, đồng thời khi làm thủ tục cũng nhanh hơn nhiều.

Bác sĩ Trần Phước Tâm, Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Hoàn Mỹ, tỉnh Bình Phước cho biết, qua hơn 2 năm triển khai, đến nay hơn 30% bệnh nhân đến khám tại bệnh viện đã sử dụng hình ảnh thẻ BHYT bằng ứng dụng VSSID-BHXH số trên thiết bị di động. “Đa số người dân đã sử dụng điện thoại thông minh nên việc cài áp phần mềm VSSID trên điện thoại rất thuận tiện. Khi cài đặt thông tin người bệnh đã hiển thị sẵn, mã thẻ, hình ảnh hoặc quyền lợi được hưởng hoặc thời gian tham gia BHYT đều có đủ trên phần mềm VSSID nên người bệnh không phải mang thẻ BHYT hoặc giấy tờ tùy thân kèm theo. Đây là giải pháp tránh trường hợp thông tin thẻ không rõ ràng, mờ, mất thẻ, đặc biệt là người bệnh luôn thuận tiện mọi lúc, mọi nơi”, Bác sĩ Trần Phước Tâm chia sẻ.

Để hướng tới chăm sóc sức khỏe toàn dân thông qua bảo hiểm y tế toàn dân, theo ông Quách Ái Đức, Giám đốc Sở Y tế, thời gian tới ngành y tế tỉnh Bình Phước sẽ tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng KCB ở các tuyến, phát triển y tế ngoài công lập, bệnh viện tuyến tỉnh tăng cường hợp tác KCB từ xa, chuyển giao kỹ thuật, hội chẩn với các bệnh viện tuyến Trung ương, chú trọng phát triển kỹ thuật cao, kỹ thuật chuyên sâu. Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao tại bệnh viện tuyến tỉnh, khắc phục dần tình trạng thiếu bác sĩ ở tuyến huyện, tuyến xã. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính, chú trọng triển khai thực hiện, ứng dụng có hiệu quả hồ sơ sức khỏe cá nhân, hồ sơ, bệnh án điện tử...

Năm 2022, tỉnh Bình Phước có 142.942 người tham gia BHXH bắt buộc; 11.499 người tham gia BHXH tự nguyện; 926.211 người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ 92,3% dân số, độ bao phủ BHXH đạt trên 35% lực lượng lao động trong độ tuổi. Theo đó, cùng với việc mở rộng diện bao phủ BHXH, BHYT, số thu về Quỹ BHXH, BHYT, BHTN cũng không ngừng tăng, với tổng số thu 3.627.921 triệu đồng, đạt 102,9% kế hoạch năm. Năm 2023, tỉnh Bình Phước phấn đấu bao phủ BHYT toàn dân đạt 93%.

Hà Thanh

Tags
Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề : "Tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả".
Đó là nhấn mạnh của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trong phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
Với tinh thần "Lá lành đùm lá rách", ngày 10/9, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành công văn số 457/CV-HNBVN về việc hưởng ứng lời kêu gọi của đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top