BHXH, BHYT: Chính sách an toàn, tin cậy, thiết thực, ưu việt

13:51 04/05/2023 - Văn hóa xã hội
Chính sách BHXH, BHYT là hai chính sách nhân văn, ưu việt của Đảng và Nhà nước ta, giữ vai trò trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội (ASXH) quốc gia. Chính sách BHXH, BHYT do nhà nước tổ chức, thực hiện, hoạt động vì mục đích ASXH, không vì lợi nhuận nhằm ổn định lâu dài đời sống người dân, người lao động (NLĐ); bảo đảm mọi công dân đều được thụ hưởng các quyền lợi an sinh (các chế độ ốm đau, thai sản, hưu trí…) được khám chữa bệnh (KCB), hưởng quyền lợi các dịch vụ kỹ thuật y tế, thuốc… do quỹ BHYT chi trả, góp phần bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Người lao động yên tâm vì lương hưu luôn được điều chỉnh phù hợp để đảm bảo cuộc sống.

Vì mục tiêu ASXH, không vì lợi nhuận

Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, cơ chế, chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT ngày càng hoàn thiện, đồng bộ theo hướng gia tăng quyền, lợi ích của người tham gia, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế – xã hội của đất nước và thông lệ quốc tế, góp phần bảo đảm tốt hơn đời sống vật chất và tinh thần của người dân trước những biến cố, rủi ro, giúp bảo đảm ASXH. Với ý nghĩa đó, Luật BHXH đang tiếp tục được sửa đổi theo hướng mở rộng, gia tăng quyền, lợi ích, tạo sự hấp dẫn để thu hút NLĐ tham gia BHXH; hoàn thiện quy định quản lý nhà nước và hệ thống tổ chức thực hiện chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu quả, công khai, minh bạch.

Hiện nay, chính sách BHXH được thực hiện với hai loại hình BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện. Trong đó, chính sách BHXH bắt buộc có vai trò đặc biệt quan trọng không chỉ với NLĐ mà còn cả với doanh nghiệp (DN). Ngoài việc giúp NLĐ ổn định cuộc sống ngay khi đang làm việc, chính sách BHXH còn trợ giúp NLĐ khi không còn khả năng lao động thông qua thụ hưởng 5 chế độ: ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hưu trí và tử tuất. Với doanh nghiệp, việc NLĐ được tham gia chính sách BHXH, BHYT đầy đủ sẽ có thêm động lực giúp DN phát triển sản xuất, kinh doanh mà không phải lo lắng về nguồn lao động. Mặt khác, thực tế nhiều DN khi tuyển dụng lao động thì tiêu thức được tham gia BHXH, BHYT cũng là một quyền lợi quan trọng để thu hút được NLĐ vào làm việc.

Chung mục tiêu với BHXH bắt buộc để ngày càng có nhiều người được bảo đảm ASXH sau khi hết tuổi lao động, chính sách BHXH tự nguyện ra đời từ năm 2008 nhằm tạo cơ hội cho mọi NLĐ ở khu vực phi chính thức được tham gia BHXH. Chính sách BHXH tự nguyện được thực hiện đã đem lại lợi ích rất rõ, giúp tất cả mọi người đều có thể tiếp cận được chính sách hưu trí và được cấp thẻ BHYT miễn phí khi hết tuổi lao động. 

Chế độ hưu trí trong chính sách BHXH đang được thiết kế rất có lợi cho NLĐ với mức hưởng đang cao hơn nhiều so với mức đóng góp. Mức hưởng lương hưu không phải mức cố định tại thời điểm nghỉ hưu mà định kỳ được điều chỉnh tăng theo chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế để đảm bảo cuộc sống. Từ năm 1995 đến nay, nhà nước đã thực hiện 22 lần điều chỉnh lương hưu và trong các năm qua dù tình hình kinh tế khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng lương hưu vẫn được điều chỉnh với mức chung là 7,4% từ ngày 01/01/2022. 

Tạo “điểm tựa” an sinh vững chắc

Với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị từ trung ương tới địa phương cùng sự nỗ lực, chủ động, trách nhiệm của ngành BHXH Việt Nam, những năm qua, các chính sách BHXH, BHYT đã được thực hiện tốt trên phạm vi cả nước. Các kết quả đạt được có ý nghĩa quan trọng, góp phần khẳng định sâu sắc hơn giá trị nhân văn, ưu việt của chính sách BHXH, BHYT; giúp Nhân dân và NLĐ ngày càng yên tâm, tin tưởng, tích cực tham gia. Theo đó, diện bao phủ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) ngày càng được mở rộng với 17,5 triệu người tham gia BHXH tính hết năm 2022 (trong đó: Số người tham gia BHXH bắt buộc tăng từ 2,3 triệu người năm 1995 lên hơn 16 triệu người năm 2022, tăng trên 7,5 lần; Số người tham gia BHXH tự nguyện tăng từ 6 nghìn người năm 2008 lên gần 1,5 triệu người năm 2022, tăng 250 lần); Số người tham gia BHTN tăng từ gần 6 triệu người năm 2009 lên hơn 14,3 triệu người năm 2022, tăng gần 2,4 lần).

Người tham gia và thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT, BHTN luôn được đảm bảo kịp thời. Kết quả, từ năm 1995 đến hết năm 2022, đã có khoảng hơn 136 triệu lượt người hưởng các chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe; từ năm 2010 đến hết năm 2022 có gần 8,7 triệu người hưởng các chế độ BHTN. Đến cuối năm 2022, tổng số người đang hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng của cả nước khoảng 3,3 triệu người. 

Với những ý nghĩa thiết thực của chính sách BHYT, những năm qua, số người tham gia BHYT ở nước ta cũng có sự tăng trưởng nhanh và vượt mục tiêu đề ra. Số người tham gia BHYT tăng từ 7,1 triệu người năm 1995 lên hơn 91,1 triệu người năm 2022, tăng 12,8 lần, đạt tỷ lệ bao phủ 92,04% dân số - cơ bản hoàn thành mục tiêu BHYT toàn dân). Cùng với đó, cơ hội tiếp cận các dịch vụ KCB BHYT ngày càng mở rộng, số lượt KCB BHYT được quỹ BHYT chi trả cũng tăng cao. Từ năm 2003 đến 2022, có trên 2.368 triệu lượt người được đảm bảo quyền lợi KCB BHYT. 

Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, chính sách BHXH, BHYT đã thực sự phát huy hiệu quả tích cực giúp hàng triệu người dân, NLĐ ổn định cuộc sống, DN phục hồi sản xuất, kinh doanh. Nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ NLĐ và người SDLĐ gặp khó khăn từ quỹ BHXH, BHTN được Quốc hội, Chính phủ ban hành. Kết quả, các gói hỗ trợ từ các quỹ này với tổng số tiền trên 47,2 nghìn tỷ đồng đã được ngành BHXH Việt Nam chi trả từ quỹ BHXH, BHTN, hỗ trợ nhanh gọn, chính xác đến tận tay người hưởng.

Bên cạnh đó, quỹ BHYT đã cùng ngân sách nhà nước góp phần không nhỏ trong công tác khắc phục hậu quả và phòng chống dịch Covid-19, tiếp tục khẳng định vai trò trụ cột của chính sách BHYT trong hệ thống an sinh xã hội quốc gia.

Có thể khẳng định, chính sách BHXH, BHYT là chính sách rất nhân văn của Đảng và Nhà nước, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận. Quỹ BHXH, BHYT được Nhà nước bảo hộ và đã trở thành các quỹ an sinh lớn nhất, được quản lý, sử dụng đúng mục đích, an toàn, hiệu quả, công khai, minh bạch dưới sự giám sát của Quốc hội, Chính phủ, Hội đồng quản lý BHXH. Với vai trò quan trọng, quỹ BHXH, BHYT được đảm bảo ổn định, cân bằng, bền vững, nhờ đó NLĐ và nhân dân ngày càng yên tâm, tin tưởng khi tham gia BHXH, BHYT. 

Là cơ quan tổ chức, thực hiện chính sách BHXH, BHYT, với phương châm "Lấy người dân, DN làm chủ thể, trung tâm phục vụ”, BHXH Việt Nam đã không ngừng nỗ lực và đạt được những thành tựu đáng kể, toàn diện nhằm đảm bảo quyền lợi đầy đủ, kịp thời cho người tham gia và thụ hưởng chính sách.

Gia Linh

Tags
Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Ngày 16/12, tại thành phố Cần Thơ, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.
Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề : "Tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả".
Đó là nhấn mạnh của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trong phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top