Bảo tàng Đồng quê: Nơi gặp gỡ của văn hóa và lịch sử - Bài 2: Tôn vinh truyền thống, lan tỏa tình yêu quê hương đất nước

18:05 15/05/2024 - Văn hóa xã hội
Hơn một thập niên cho một hình hài tỏa sáng và khẳng định những giá trị văn hóa, tinh thần vô giá. Tôn vinh truyền thống, lan tỏa tình yêu quê hương đất nước, Bảo tàng Đồng quê đã trở thành dấu ấn văn hóa, điểm đến lịch sử của mảnh đất "thành Nam", của những người yêu văn hóa dân tộc.

Năm 2021, tôi có dịp về thăm bảo tàng, tận mục sở thị những hiện vật tưởng chừng như đã bị lãng quên, được chứng kiến sự đóng góp hy sinh thầm lặng của ông bà giáo để hồi ức tươi đẹp của cha ông một thời dựng nước và giữ nước được hiện diện đủ đầy theo từng lớp lang lịch sử.

GS, TS Hoàng Chí Bảo cảm động viết: “... tôi rất vui mừng và xúc động được tham quan Bảo tàng Đồng quê. Đây là một công trình văn hóa, lịch sử rất độc đáo, đặc sắc, có ý nghĩa to lớn để giáo dục truyền thống và bản sắc văn hóa dân tộc... Xin bày tỏ lòng biết ơn và trân trọng vì tâm huyết, công lao của Thiếu tướng, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Hoàng Kiền và nhà giáo Ngô Thị Khiếu, Giám đốc Bảo tàng Đồng quê đóng góp vào sự tôn vinh truyền thống văn hóa Việt Nam và lan tỏa tình yêu quê hương đất nước đến mọi thế hệ người Việt Nam”.

Phải chăng, Bảo tàng Đồng quê hiện hữu như một phần chứng nhân của lòng người quê luôn dạt dào thương nhớ vô ngần và luôn khát khao giữ gìn, tôn vinh truyền thống cha ông, dựng xây văn hóa.

1. Như điểm hẹn văn hóa, lịch sử, Bảo tàng Đồng quê với khoảng 10 nghìn hiện vật, hầu hết là hiện vật gốc. Cùng với các di sản văn hóa được lưu giữ hàng nghìn năm của ông cha ta sáng tạo ra, như những công trình khoa học, nghệ thuật, mỹ thuật thể hiện trong những ngôi nhà cổ, những bộ sưu tập đặc biệt là kỹ thuật đúc đồng, kỹ thuật canh tác, thích ứng với tự nhiên, nghệ thuật ăn, ở, canh tác, sinh hoạt. “Hữu xạ tự nhiên hương”, mang trong mình dòng chảy văn hóa truyền thống, lịch sử cha ông, sức hút của Bảo tàng Đồng quê cứ thế lan tỏa những giá trị tinh thần vô giá mà nó mang lại .

Bộ cày đã từ lâu không còn xuất hiện trong hoạt động sản xuất nông nghiệp. 

Một vị giáo sư người Pháp hoạt động trong ngành Bảo tàng vì yêu mến mà đã hai lần về tham quan Bảo tàng Đồng quê, bày tỏ sự cảm phục và xúc động, ông viết: "Bảo tàng Đồng quê là một trong những bảo tàng về nghệ thuật và truyền thống dân tộc mà tôi chưa từng được thấy; một trong những bảo tàng đầy đủ nhất, giới thiệu về những ngôi nhà, hiện vật, hoạt động rất chi tiết, rất dễ chịu, những cổ vật bằng đồng, bằng gốm sứ thực sự là những bảo vật quốc gia để cho những người trẻ Việt Nam hiểu hơn về truyền thống văn hóa dân tộc".

Mỗi hiện vật ở bảo tàng là mỗi câu chuyện của mỗi giai đoạn lịch sử có thật. Tái hiện không gian văn hóa nông thôn Việt Nam trải qua nhiều thế kỷ, từ phong kiến đến thời đại Hồ Chí Minh, Bảo tàng Đồng quê thành công kể câu chuyện của văn hóa, lịch sử.

Những mâm đồng, thau đồng, trải qua bao đổi thay của lịch sử, nhờ tay người chăm lo gìn giữ vẫn giữ nguyên sắc màu như thuở mới khai sinh

Những mâm đồng, thau đồng, trải qua bao đổi thay của lịch sử, nhờ tay người chăm lo gìn giữ vẫn giữ nguyên sắc màu như thuở mới khai sinh. Chiếc cối xay đất, chiếc nơm úp ở đầu hè… gợi nhớ bao hoài niệm. Người xay thóc một thời chỉ xin “quay ngược” lại mấy vòng để mường tượng rõ hơn, nhung nhớ nhiều hơn tháng năm hoài niệm. Không có một thời “cổ xưa, cũ kỹ”, đâu có hôm nay hiện đại, đủ đầy. Ta lớn khôn từ hạt lúa mẹ trồng, từ mái nhà tre nứa mấy mùa cha góp nhặt dựng xây, manh chiếu bà chêm gắng giữ ấm mỗi khi Đông về. Ngọn đèn dầu leo lét ôm ấp ước mơ cho con chữ tượng hình.

Hồn cốt cha ông một thuở dựng xây đất nước. Lịch sử một thời đất nước chia ly, triền miên trận mạc, ta gặp lại một thời tiền tuyến - hậu phương khắc khoải mong chờ, thương nhớ.

Các loại tiền cổ được trưng bày tại Bảo tàng Đồng quê.

Mười lăm năm kể từ khi hình thành ý tưởng, mười hai năm đi vào hoạt động, tiếng lành đồn xa, Bảo tàng Đồng quê đã đón gần 300.000 lượt khách đến tham quan, học tập, nghiên cứu. Hình ảnh, giá trị di sản văn hóa của Bảo tàng Đồng quê đã lan rộng cả trong nước và quốc tế. Đã có biết bao những cuộc viếng thăm, những dòng suy tưởng được lưu giữ tại bảo tàng, những giọt nước mắt khi ký ức trở về trong khắc khoải và cả những hoan ca khi vẻ đẹp trong lao động, chiến đấu được ngợi ca.

2. Những hạt giống tâm hồn được nuôi dưỡng bởi những gì chân thực nhất của cuộc sống cha ông; bởi những điều giản dị, khiêm nhường nhưng mang sức mạnh lớn lao. Bảo tàng Đồng quê như điểm đến kết nối của không gian, thời gian và lịch sử; điểm đến kết nối của trái tim rung động, thổn thức, vỡ ào; điểm đến của tri thức, giáo dục.

Tại Bảo tàng Đồng quê ta gặp lại một thời tiền tuyến - hậu phương khắc khoải mong chờ, thương nhớ

Xúc động biết bao, trong đoàn người ngày ngày tề tựu về đây; ta bắt gặp ánh mắt em thơ trong sáng rạng ngời của những lớp mầm, lớp lá; những cô cậu học trò tinh nghịch, ham học, ham chơi. Có lẽ, sinh ra trong thời đất nước hội nhập, trong các em không thể hình dung một thời đất nước chung lưng đấu cật, một thời ông cha đã sống và lao động trong điều kiện gian khó. Không ai ước hẹn một ngày được gặp lại cuộc sống cha ông trong hình hài hôm nay. Những câu chuyện trong sách vở hiện hữu. Mỗi hiện vật, mỗi góc hình là bài học quý giá giáo dục các em lòng tự hào, biết ơn, biết trân trọng cuộc sống hòa bình và tình yêu quê hương đất nước đẹp giàu.

Cảm nhận một khung cảnh thanh bình như tranh vẽ. Kia mô hình ruộng lúa, ruộng đay, ao cá với mô phỏng giếng làng khi xưa, hàng rào râm bụt rực đỏ quanh năm; giàn bầu bí mướp dập dìu bướm lượn; luống rau bốn mùa xanh tươi. Xa xa, vườn cây rì rào trong gió với đủ chay, sắn thuyền, cậy, vối, dành dành vươn mình xanh tốt, những loài cây mấy mươi năm tưởng chừng như vắng bóng.

Mỗi hiện vật, mỗi góc hình là bài học quý giá giáo dục các em lòng tự hào, biết ơn, biết trân trọng cuộc sống hòa bình và tình yêu quê hương đất nước đẹp giàu

Và kia hai dãy nhà tranh (tái hiện nguyên trạng nhà của giai cấp bần nông, trung nông thời phong kiến) với chum, vại, cối xay, cối giã gạo…; đối lập với hình ảnh cơ hàn là ngôi nhà địa chủ 5 gian, sân rộng, đúng nguyên bản được mua lại từ một gia đình trong xã Giao Thịnh với tủ chè, sập gụ, nào rương, tráp, tràng kỷ,…; kia ta gặp lại dáng hình mẹ cha bên thềm nhà với giường tre, võng gai, bàn trà giản đơn,…

Có giấy bút nào tô thắm được quê hương? Bên một “đồng quê” có một “tiền tuyến” mang hơi thở của một thời cha ông sẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước. Mô hình kết hợp “có một không hai” ấy làm sinh động biết bao mối quan hệ tiền tuyến - hậu phương thời trận mạc.

Trước mắt các em một thế giới “Đồng quê” độc đáo và đặc biệt. Ở thế giới ấy, từng hạt giống tâm hồn được nảy nở; mạnh nguồn truyền thống văn hóa, lịch sử của cha ông, đất nước sẽ nuôi dưỡng, nâng đỡ giúp các em hoàn thiện nhân cách, rèn luyện ý chí, vươn lên mạnh mẽ xứng đáng với sự hy sinh to lớn của lớp lớp các thế hệ cha anh đi trước.

Tình yêu con trẻ hòa cùng tình yêu quê hương, đất nước, trách nhiệm giữ gìn truyền thống văn hóa cha ông, giá trị giáo dục mà Bảo tàng Đồng quê, những người tâm huyết làm nên bảo tàng muốn gửi trao

Tình yêu con trẻ hòa cùng tình yêu quê hương, đất nước, trách nhiệm giữ gìn truyền thống văn hóa cha ông, giá trị giáo dục mà Bảo tàng Đồng quê, những người tâm huyết làm nên bảo tàng muốn gửi trao. Giờ đây, bảo tàng không chỉ là hình ảnh của nông thôn Việt Nam xưa, mà hôm nay, Bảo tàng Đồng quê còn là sự hiện diện góp mình vào thành công của nông thôn mới quê hương. Nông thôn của những thế kỷ tương lai sáng lạn đang từng ngày làm thay đổi cuộc sống của người dân, bộ mặt nông thôn ngày càng hiện đại.

Ghi nhận những đóng góp trên, Bảo tàng Đồng quê đã được các cấp, ngành trao tặng nhiều bằng khen, giấy khen. Trong đó, năm 2020, Bảo tàng Đồng quê vinh dự là 1 trong 12 bảo tàng trên tổng số 166 bảo tàng cả nước được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Quá khứ về một thời đất nước chung lưng đấu cật, về một thuở ông cha vất vả dựng xây thật không nhiều. Ta chỉ được gặp lại những hình ảnh ấy và mường tượng về chúng trong câu chuyện của bà của mẹ, qua bài giảng thầy cô. Hôm nay, quá khứ hiện về từng lớp lang đầy đặn, 100 năm mà như mới hôm qua, bức tranh hiện thực cuộc sống hiện ra sinh động, trọn vẹn.

Bài cuối: Đau đáu tâm can… “ngày về hưu”

Nam Giao

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề : "Tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả".
Đó là nhấn mạnh của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trong phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
Với tinh thần "Lá lành đùm lá rách", ngày 10/9, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành công văn số 457/CV-HNBVN về việc hưởng ứng lời kêu gọi của đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top