Kết nối tạp chí:
  • facebook
  • Tiwer
  • Youtube
  • Google

Hiện diện một vùng ký ức sôi động và quật cường

Những buổi lễ hiến tặng hiện vật cho Bảo tàng Báo chí Việt Nam luôn là những sự kiện được đông đảo các cơ quan, đơn vị báo chí, các tập thể và cá nhân những người làm báo trong cả nước quan tâm, dành nhiều tình cảm và tâm huyết, gửi gắm và chia sẻ.

TS Mai Đức Lộc, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam tiếp nhận hiện vật hiến tặng cho Bảo tàng báo chí Việt Nam

Tiếng gọi từ di sản báo chí của miền Trung - Tây Nguyên

Ca khúc Bài ca không quên mở đầu Lễ Phát động hiến tặng hiện vật Bảo tàng Báo chí Việt Nam Khu vực miền Trung – Tây Nguyên do Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức do một cán bộ Ban Quản lý các dự án thành phần Đề án xây dựng Bảo tàng Báo chí Việt Nam (BQL) thể hiện đã nói lên phần nào tinh thần của buổi lễ. Hội trường của Hội Nhà báo Đà Nẵng sáng 22/9/2016 gần như kín chỗ.

Báo chí miền Trung - Tây Nguyên trong nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau, đã có những đóng góp to lớn, với những thành tựu đặc biệt. Di sản báo chí của Miền Trung - Tây Nguyên luôn là tiếng gọi, là thách thức lớn đối với các nhà báo làm công tác bảo tàng của Hội. Nếu tổ chức tốt được Lễ Phát động hiến tặng và khai thác được những di sản báo chí quý giá tại khu vực này.

Bảo tàng Báo chí Việt Nam khi mở cửa chắc chắn sẽ tự tin hơn và hấp dẫn hơn vì được bổ khuyết và làm đầy bằng những hiện vật chứa đầy ký ức sôi nổi và hào hùng gắn liền với những trang sử của một miền đất – một trong những cái nôi của báo chí Việt. Đó cũng chính là lý do, là động lực, là quyết tâm để BQL đề xuất lãnh đạo Hội cho phép triển khai thực hiện Lễ Phát động hiến tặng hiện vật cho Bảo tàng Báo chí Việt Nam tại khu vực này vào thời điểm bận rộn cho việc chuẩn bị thiết kế trưng bày bảo tàng.

Tự hào và kiêu hãnh, nhiều hiện vật tư liệu báo chí của Miền Trung và Tây Nguyên được mang đến trao tặng tại buổi lễ dường như đã chắc chắn được đặt vào những vị trí trưng bày trang trọng của bảo tàng khi mở cửa bởi giá trị lịch sử độc đáo của mình.

Báo chí bắc miền Trung khá hùng hậu với sự tham gia hiến tặng của các đoàn từ Nghệ An đến Bình Trị Thiên. Nghệ An với chiếc hộp đèn dầu được các nhà báo sử dụng thời chống Mỹ gợi nhớ một thời làm báo trong bom đạn cùng một bản thảo viết tay từ năm 1969 “xin hứa sẽ thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh” trong lễ tang của Người; một hiện vật thể khối liên quan đến hoạt động báo chí thời bình khi phải đối mặt với thử thách thiên tai là chiếc máy ảnh Nikon sử dụng trong trận lụt lớn lịch sử tại Nậm Giải, Quế Phong, Nghệ An tháng 8/2007 (NB Trần Duy Ngoãn với chiếc máy trên tay đã bị lũ cuốn trôi suýt nguy hiểm đến tính mạng)...;

Báo chí Hà Tĩnh với Thư Bác Hồ gửi báo Hà Tĩnh; Huy hiệu Bác Hồ tặng báo; Kỷ vật của nhà báo Trần Chỉ, chủ nhiệm đầu tiên của báo Hà Tĩnh; Di vật của nhà báo liệt sỹ Phạm Hồ... cùng chiếc máy ảnh Pentak được sử dụng tại mặt trận 872 Lào những năm 1972 – 1973 của NB chiến trường Trương Quang Hường (Báo Quân khu 4) và tấm ảnh tư liệu quý giá có bút tích chữ ký của Đại tướng mà ông luôn giữ bên mình trong suốt 40 năm qua;

Báo chí Quảng Bình với những bức ảnh các nhà báo nước ngoài tác nghiệp tại trong chiến tranh chống Mỹ; là tờ báo Quảng Bình số 1; là bức ảnh các nhà báo Quốc Vinh, Hữu Thọ, Hồng Vinh, tổ thường trú báo Nhân Dân tại Quảng Bình trong những năm chống Mỹ…;

BTC cũng nhận được từ Quảng Trị hiện vật phục chế rất đặc biệt mà tới đây BTC sẽ phải thuê xe tải để vận chuyển về Hà Nội là chiếc loa nén 500W đặt bên bờ Hiền Lương trong kháng chiến chống Mỹ - một hiện vật “khủng” về kích thước cũng như trọng lượng mà HNB Quảng Trị chỉ có thể trao tượng trưng qua ... ảnh và một số các tờ báo quý bản gốc như Quảng Trị giải phóng số 1, Báo Cứu quốc số 1, Báo Cứu nước, Báo Thống Nhất ...

Đặc biệt, một số kỷ vật của nhà báo liệt sỹ Hoàng Kim Tùng, nguyên Phó Tổng Biên tập báo Quảng Đà, hy sinh tại Hòn Tàu như Thư gửi gia đình của nhà báo từ 1965 – 1968, Giấy thông hành ra khu vực biên giới cấp cho nhà báo ở Sơn La; Sổ ghi chép năm 1965 –1967- 1968; Báo Cờ Giải phóng số Xuân năm 1967 cũng đã được gia đình nhà báo tin cậy gửi gắm cho Bảo tàng …

Từ HNB Thừa Thiên Huế, 01 thùng cac-tông gồm 162 cuốn Tạp chí Sông Hương và Tạp chí Huế Xưa & nay, bảng danh mục tác phẩm gồm 808 bài viết từ 1930-1954 của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và của nhiều tác giả viết về Đại tướng, 01 số báo Giải phóng  (1966); báo Quyết Thắng (1967); bản file mềm báo Tiếng Dân  (1936 – 1937)...  đã được trao tận tay Ban Tổ chức.

Tại Đà Nẵng, gia đình cố NB Đoàn Bá Từ - nguyên Trưởng phân xã TTXVN tại tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng đã bàn giao cho Bảo tàng tổng cộng gần 300 HVTL, trong đó có nhiều bản thảo viết tay và sưu tập báo cắt dán công phu; NB Đặng Xuân Thu, Giám đốc Trung tâm THVN tại Đà Nẵng - VTV8 trực tiếp giao lại chiếc camera mà ông dùng quay cảnh bộ đội Việt Nam rút khỏi Campuchia năm 1989 và đại diện Báo Đà Nẵng với những số báo Đà Nẵng đặc biệt...

Những món quà bất ngờ

Tây Nguyên, địa bàn có nhiều tờ báo cách mạng nổi tiếng trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, ngỡ như rất khó khăn để khai thác hiện vật tư liệu hiến tặng, thực sự đã tạo ra một bất ngờ lớn với BTC bởi sự xuất hiện hùng hậu tại Lễ hiến tặng. Đó là Lâm Đồng với khoảng 40 HVTL, từ tờ tạp chí xuất bản trong các thập kỷ 50-60, thiết bị micro của đài phát thanh chế độ cũ, chiếc camera cũ kỹ sử dụng từ 1975 khi Đài PTTH tỉnh mới thành lập; những tấm ảnh NB Võ Trần Phú chụp trong và sau chiến tranh; những số báo Lâm Đồng từ 1976 được lưu giữ cẩn thận…

Một số hình ảnh tại Lễ hiến tặng hiện vật  khu vực miền Trung - Tây Nguyên ngày 22/9/2016

ĐăkLăk với máy chữ, máy ghi âm, băng cối ghi các chương trình phát thanh đặc sắc văn hóa Tây Nguyên, những tấm áo là trang phục truyền thống của đồng bào được NB Y Nang và các đồng nghiệp sử dụng thời là biên tập viên khi lên hình, những tấm ảnh ghi lại các thời điểm đáng nhớ của Đài PTTH ĐăkLăk từ khi mới thành lập…; những tờ báo đầu tiên ra đời và phát hành tại Tây Nguyên hiện chỉ còn trong Bảo tàng tỉnh hay những bản thảo viết tay để đọc trước máy phát thanh một thời của NB, NV Trúc Hoài …, tất cả đều chứa chan những tình cảm yêu mến mà các nhà báo dành cho Bảo tàng Báo chí.

Và những món quà bất ngờ HNB Gia Lai đem đến: chiếc loa phóng bằng chất liệu nhôm trắng Liên Xô sản xuất năm 1962 mà theo những nguồn tin tin cậy xác minh được, có xuất xứ từ bờ bắc sông Bến Hải; hoặc chiếc đồng hồ trở kháng đo đường dây phát thanh hữu tuyến có trước khi đài phát thanh tỉnh thành lập; chiếc máy ghi âm của phóng viên làm phát thanh hiệu Porland cũng có từ thời điểm Đài thành lập...

Báo chí Kon Tum sau ngày tách tỉnh, rất khó khăn để tìm kiếm các hiện vật có bề dày lịch sử. Tuy nhiên, ngoài cuốn Kontum tỉnh chí phát hành từ năm 1933 cùng hàng chục bản scan những tờ báo cách mạng đầu tiên trên địa bàn mà Hội Nhà báo tỉnh mang đến, còn có chiếc camera M7 trông rất bình thường nhưng gắn liền với một thời kỳ không thể nào quên: từng được coi là tài sản quý nhất của Đài PTTH tỉnh những năm đầu thập kỷ 90, vừa quay phim vừa phải “cõng” thêm nhiệm vụ thu âm, phát chương trình…

Nhiều nhà báo các tỉnh không về dự được vì lý do sức khỏe và xa xôi nhưng vẫn hết lòng ủng hộ bảo tàng. Từ Bình Định, NB Nguyễn Trưng gửi tặng chiếc máy quay phim Bolex sử dụng từ năm 1969 tại chiến trường Liên khu 5 gắn liền với câu chuyện cảm động của ông và một liệt sĩ nhà báo đã hy sinh; nữ nhà báo Lệ Thu, tác giả của cuốn Nhật ký nữ nhà báo chiến trường được nhiều người tìm đọc, gửi tặng chiếc máy đánh chữ chiến lợi phẩm của Bộ chỉ huy địa phương thu được trong chiến tranh chống Mỹ  mà bà được tặng để phục vụ công viết viết báo nhiều năm qua.

Gia đình cố NB Trần Cơ – nguyên phóng viên Đài PTTH Khánh Hòa  gửi tặng BTC một tư liệu quý liên quan đến chủ quyền biển đảo là bộ sưu tập ảnh gốc về “Quần đảo Trường Sa đầu năm 1980” ...

Lễ Phát động hiến tặng hiện vật cho Bảo tàng Báo chí Việt Nam khu vực miền Trung - Tây Nguyên với trên 4500 hiện vật, tài liệu tiếp nhận từ các tập thể và cá nhân là một khởi đầu ngoài mong đợi.

Nhờ sự chung tay góp sức của các cấp Hội, các cơ quan báo chí, các nhà báo, các thư viện, bảo tàng bạn... đường đến đích của ngày mở cửa Bảo tàng Báo chí Việt Nam dường như đang được rút ngắn dần.


     Kim Hoa

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Báo chí nói chung là một trong những kênh chính tạo dư luận xã hội. Báo chí cách mạng Việt Nam càng cần trách nhiệm xã hội cao, vì báo chí là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội, tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước và thế giới theo tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí, phục vụ lợi ích quốc gia - dân tộc, cộng đồng xã hội. Chính vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, vai trò của người làm báo trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội của báo chí là cực kỳ quan trọng, bởi họ có trách nhiệm phản ánh một cách chính xác, đa chiều cạnh và đa dạng về thực tế xã hội,... mang lại thông tin có giá trị, kịp thời cho độc giả.
Tháng 8/1945, chớp thời cơ chiến lược “ngàn năm có một”, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam tiến hành cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước, tạo nên một bước ngoặt lớn trong lịch sử dân tộc. Từ đây, nhân dân Việt Nam thoát khỏi thân phận nô lệ trở thành người chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình; đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội. Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 là một trong những chiến công vĩ đại nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, là bản hùng ca bất diệt trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
Theo thông tin từ Hội đồng chuyên môn bảo vệ sức khỏe cán bộ Trung ương, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sau thời gian lâm bệnh, mặc dù được Đảng, Nhà nước, tập thể các giáo sư, bác sĩ tận tình cứu chữa, gia đình hết lòng chăm sóc, nhưng do tuổi cao, bệnh nặng, đồng chí đã từ trần lúc 13 giờ 38 phút, ngày 19-7-2024, tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Hưởng thọ 80 tuổi. Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết: “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Nhà lãnh đạo lỗi lạc, trọn đời vì nước, vì dân” của Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam:
Ngày 31/5, tại Hà Nội, Hội đồng Giải Báo chí Quốc gia đã khai mạc vòng chấm chung khảo Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVIII năm 2023.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top