Bảo tàng Báo chí Việt Nam: Nơi lưu giữ những miền ký ức
07:01 24/11/2022
- Báo chí & Công chúng
Lịch sử báo chí Việt Nam đã vắt qua hai thế kỷ, gần 1 thế kỷ hình thành và phát triển. Mỗi hiện vật, tư liệu hiện diện tại bảo tàng báo chí cách mạng ngày hôm nay đều có trong nó một phần dấu tích lịch sử và mang hơi thở của quá khứ. Trong hơn 20.000 hiện vật là những dấu ấn là sợi chỉ đỏ xuyên suốt hành trình tác nghiệp của các nhà báo cách mạng Việt Nam đã cống hiến trọn đời cho nghề.
Những ấn tượng khó phai
Đến thăm bảo tàng Báo chí Việt Nam, bước chân vào không gian trưng bày theo từng chủ đề và tiến trình phát triển của nền báo chí cách mạng Việt Nam, được nhìn tận mắt, sờ tận tay hiện vật, nhìn thấy những tờ báo đầu tiên của đất nước theo từng giai đoạn lịch sử, những ghi chú, những vật dụng… gắn bó với từng nhà báo, chắc chắn rằng, trong lòng mỗi du khách tham quan sẽ trào dâng niềm xúc động bồi hồi và vô cùng biết ơn thế hệ những người làm báo đi trước.
Không gian trưng bày tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam. |
Trong hơn 20.000 hiện vật, tư liệu quý hiếm có những hiện vật, những tờ báo là cột mốc quan trọng đánh dấu sự ra đời của Báo chí cách mạng Việt Nam. Đó là những tư liệu quý về số báo đầu tiên: Gia Định báo, Thanh Niên, Tiếng Dân bản gốc, hay những kỷ vật có một không hai từng là hành trang không thể thiếu của các nhà báo tác nghiệp trong chiến trường.
Khu trưng bày của nhà báo Cách mạng Hồ Chí Minh.
Theo báo cáo của Bảo tàng Báo chí Việt Nam, tính đến nay, Bảo tàng đã đón 15.000 lượt khách tham quan. Hiện, kho cơ sở của Bảo tàng đang lưu giữ, bảo quản hơn 30.000 hiện vật, tư liệu. Trong đó, phần lớn là tài liệu hiện vật giấy được khai thác trực tiếp từ 63 tỉnh, thành trong cả nước. Bên cạnh các khu vực trưng bày thường xuyên, khu vực trải nghiệm các loại hình báo chí và các khu chức năng khác, Bảo tàng Báo chí Việt Nam còn dành riêng không gian để khách tham quan đọc sách báo, tra cứu tài liệu. Trước khi rời đi, các vị khách có thể ghi lại cảm tưởng của mình và ký tên lưu niệm trên vách.
Dòng lưu bút của sinh viên Hồ Kiều Trang, Học viện Phụ nữ. Ảnh: PV
Đọc hàng trăm dòng cảm xúc của các nhà báo, sinh viên, du khách khi đến tham quan Bảo tàng, tôi hiểu rằng, để có được thành công đó là nhờ sự cố gắng không ngừng nghỉ của cán bộ, nhân viên bảo tàng. Với số lượng khách tham quan tăng lên từng ngày, Bảo tàng Báo chí Việt Nam liên tục bổ sung các cuốn sổ ghi cảm tưởng mới và tăng thêm không gian để các du khách có thể lưu lại chữ ký của mình ở nơi đây.
Sinh viên Học viện Phụ nữ Việt Nam tham quan Bảo tàng Báo chí Việt Nam. |
"Truyền lửa" đến thế hệ sau...
Những hiện vật có trong bảo tàng ngày hôm nay đã nói lên rất nhiều về quá khứ hào hùng của báo chí nước nhà. Báo chí Việt Nam ra đời từ khá sớm, nếu tính từ ngày 15/4/1865 khi tờ Gia Định báo ra mắt tại Sài Gòn, thì đến nay đã trải qua hơn 150 năm với nhiều giai đoạn phát triển thăng trầm. Và, kể từ khi Nguyễn Ái Quốc ra tờ Thanh Niên (1925) đầu tiên, đến nay, báo chí nước nhà đã trải qua 97 năm phát triển. Đây là những cột mốc lịch sử hết sức vẻ vang, mà không phải nền báo chí nào cũng có.
Trong khói lửa của các cuộc kháng chiến, các nhà báo yêu nước là những chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng, dùng ngòi bút để khơi dậy lòng yêu nước, kêu gọi lớp lớp thanh niên lên đường ra trận, đấu tranh giành độc lập, thống nhất nước nhà. Trong hòa bình, các nhà báo cũng là những chiến sĩ góp phần xứng đáng vào thành tựu phát triển chung của đất nước. Nhiều nhà báo là những tấm gương sáng, là anh hùng lao động…
Thầy và trò Học viện Phụ nữ Việt Nam thăm quan bảo tàng.
Việc sưu tầm, bảo quản, tổ chức trưng bày hiện vật báo chí của các nhà báo tiền bối không chỉ có ý nghĩa biết ơn, tiếp lửa cho các thế hệ sau, mà còn là việc làm quan trọng để giáo dục lòng yêu nước, ý thức tự hào dân tộc. Những kỷ vật được hiến tặng cho Bảo tàng Báo chí Việt Nam sẽ cùng kể tiếp những câu chuyện lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam cho lớp lớp thế hệ mai sau. Hiện vật trong bảo tàng giúp chúng ta minh chứng những thành quả lao động trong quá khứ và tạo nên sự thuyết phục của thông tin. Với tôi, đằng sau mỗi hiện vật là một số phận, một câu chuyện, nó không chỉ nói về quá khứ mà còn làm nên sự thôi thúc của hiện tại và tương lai./.
Hồ Kiều Trang
Bình luận: 0
Tin tức liên quan
- Hoa hậu Môi trường thế giới năm 2023 Nguyễn Thanh Hà: Môi trường chỉ có thể tốt hơn nếu lối sống của chúng ta thay đổi (08:18 09/11/2024)
- Hội đồng nữ doanh nhân Việt Nam - ASEAN báo công dâng Bác (03:43 22/10/2024)
- Báo chí kiến tạo, phát triển để hội nhập với nền báo chí hiện đại trên thế giới (02:21 27/08/2024)
- Ngành Thông tin và Truyền thông quyết liệt thực hiện chuyển đổi số quốc gia (03:02 30/07/2024)
- Thành phố Hồ Chí Minh: Trao giải và triển lãm ảnh “Khoảnh khắc tươi đẹp quanh ta” (09:18 29/06/2024)