Hội nghị giao ban trực tuyến toàn quốc tháng 8/2020
05:29 07/08/2020
- TRUYỀN THÔNG BHXH VIỆT NAM
Ngày 4/8, BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban trực tuyến toàn quốc tháng 8/2020. Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh chủ trì hội nghị.
Cùng tham dự tại điểm cầu Trung ương có các Phó Tổng Giám đốc: Nguyễn Đình Khương, Phạm Lương Sơn, Đào Việt Ánh, Lê Hùng Sơn; lãnh đạo các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam. Điểm cầu địa phương có lãnh đạo BHXH 63 tỉnh, thành phố; lãnh đạo các phòng trực thuộc BHXH tỉnh và BHXH các quận, huyện trên toàn quốc.
Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, tính đến hết tháng 7, số người tham gia BHXH khoảng 15,271 triệu người, đạt tỷ lệ khoảng 31% so với LLLĐ trong độ tuổi. Số người tham gia BHYT là 85,915 triệu người. Tổng số thu toàn Ngành đạt 216.673 tỷ đồng; đạt 53% KH của Ngành. Tỷ lệ nợ hiện chiếm 5,1% số phải thu.
Ngành BHXH bảo đảm giải quyết 70.878 hồ sơ hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng; 539.118 người hưởng các chế độ trợ cấp 1 lần; 5.393.768 lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức, phục hồi sức khỏe. Phối hợp với ngành Lao động - Thương binh và Xã hội giải quyết cho 580.634 người hưởng chế độ BHTN. Thanh toán chi phí khám, chữa bệnh khám, chữa bệnh BHYT cho 92,490 triệu lượt người.
Thời gian qua, BHXH Việt Nam cũng đã tích cực xây dựng, hoàn thiện các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Ngành. Đặc biệt đã kịp thời ban hành các văn bản, chỉ đạo, hướng dẫn BHXH các tỉnh, thành phố tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp (Covid-19); các văn bản hướng dẫn về giải quyết chế độ BHXH đối với người lao động bị buộc thực hiện biện pháp cách ly y tế phòng dịch viêm đường hô hấp cấp; thực hiện thanh toán chi phí điều trị nghi ngờ nhiễm virus Covid-19; tăng cường, triển khai các biện pháp để hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19...
Theo báo cáo của BHXH các tỉnh, thành phố tính đến hết ngày 30/6/2020, số đơn vị đã nộp hồ sơ được phê duyệt tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 là 1.519 đơn vị, tương ứng với 130.794 lao động và ước số tiền khoảng 475 tỷ đồng. BHXH Việt Nam đã xây dựng dự thảo văn bản hướng dẫn tiếp tục tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đối với doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đến hết tháng 12/2020, gửi xin ý kiến Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để tiếp tục triển khai thực hiện.
BHXH Việt Nam chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố phối hợp với các sở ngành liên quan, tuyên truyền, giải thích, ngăn chặn tình trạng một số đối tượng (ở một số địa phương) tranh thủ dịch bệnh Covid-19 trục lợi thu gom, mua bán sổ BHXH của người lao động bị ngừng việc; phối hợp với cơ quan Bưu điện triển khai thực hiện chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH tháng 4, 5/2020 tại nhà cho người hưởng, đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid-19 theo chỉ đạo của Chính phủ. Đồng thời, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 vừa bùng phát trở lại, BHXH Việt Nam đã kịp thời ban hành văn bản chỉ đạo các địa phương có nguy cơ cao thực hiện chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH tháng 8, 9/2020 vào cùng một kỳ chi trả.
Về BHYT, BHXH các tỉnh, thành phố chủ động phối hợp với Sở Y tế và các cơ sở y tế trên địa bàn tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người bệnh có thẻ BHYT được kịp thời khám, chữa bệnh hoặc chuyển tuyến khám, chữa bệnh BHYT khi nghi ngờ nhiễm Covid-19; thực hiện thanh toán chi khám, chữa bệnh BHYT và sử dụng kinh phí từ quỹ khám, chữa bệnh BHYT hỗ trợ chống dịch Covid-19; cấp thuốc điều trị ngoại trú đối với các trường hợp mắc bệnh mãn tính, điều trị dài ngày trong thời gian chống dịch Covid-19 để đảm bảo giãn cách xã hội;
Sau khi kết thúc thời gian cách ly, giãn cách xã hội, BHXH các tỉnh, thành phố tập trung xây dựng và triển khai các kịch bản, phương án nhằm tăng tốc trở lại công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHTN, BHYT; phối hợp ngành Bưu điện tổ chức các Lễ ra quân tuyên truyền, vận động người dân trên địa bàn tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình; tiếp tục triển khai nhiệm vụ thu BHXH tự nguyện, BHYT qua các Đại lý thu, điểm thu Bưu điện cấp xã; thực hiện rà soát, khai thác đối tượng tham gia BHXH, BHYT từ dữ liệu do cơ quan Thuế cung cấp…
Tại hội nghị, lãnh đạo một số Vụ, ban chuyên môn, Giám đốc BHXH một số tỉnh, thành phố phát biểu đánh giá, phân tích kỹ hơn tình hình thực tế với nhiều khó khăn trong phát triển đối tượng, tăng thu, giảm nợ đọng… Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, số tham gia BHXH bắt buộc giảm, các biện pháp đưa ra chú trọng phát triển nhóm BHXH tự nguyện, BHYT học sinh, sinh viên. Về quyền lợi BHXH, BHYT, một mặt BHXH các tỉnh, thành phố bảo đảm nâng cao hiệu quả cải cách thủ tục hành chính, chi trả các chế độ nhanh chóng, kịp thời, hạn chế các tác động của ảnh hưởng từ dịch bệnh; mặt khác tăng cường các biện pháp ngăn ngừa trục lợi chính sách, nhất là xử lý tình trạng thu gom, mua sổ BHXH, trục lợi chế độ ốm đau, thai sản, truyền thông để hạn chế nhận BHXH một lần…. Thực hiện đúng quy định về thanh toán BHYT với các trường hợp xét nghiệm, điều trị bệnh Covid-19.
Phát biểu tại hội nghị, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực của cán bộ công chức, viên chức, người lao động trong toàn Ngành, triển khai đa dạng các giải pháp, năng động, sáng tạo, hoàn thành các mặt công tác trong bối cảnh nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19.
Nền tảng kết quả 07 tháng qua đã tạo đà rất tốt, tuy nhiên, vẫn còn không ít thách thức khó khăn phía trước. Dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, trong khi các chỉ tiêu nhiệm vụ của năm 2020 còn khá cao. Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam nhấn mạnh: toàn Ngành tiếp tục triển khai nhiệm vụ với nguyên tắc: Phân công rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ quy trình, rõ kết quả với từng cán bộ, từng đại lý thu; Bám sát chỉ đạo thường xuyên từ cấp trên, từ đó tham mưu, triển khai hiệu quả; Tinh thần phối hợp phải luôn chủ động và sẵn sàng, chặt chẽ giữa các bộ phận, đơn vị trong ngành và cả các cơ quan ngoài ngành.
Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh chỉ đạo các nhiệm vụ cơ bản cần tập trung trong các tháng cuối năm. Theo đó, về phát triển mở rộng đối tượng, rà soát, chuẩn hóa số liệu các nhóm chưa tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình – xác định nhóm ưu tiên. Dư địa còn lớn, căn cứ các yếu tố, đặc điểm, đặc thù địa phương để tác động, vận động nhóm dễ trước, nhóm khó sau. Phối hợp chặt chẽ, linh hoạt với cơ quan thuế, cơ quan kế hoạch đầu tư, từ đó có cơ sở thông tin để tăng số tham gia BHXH bắt buộc. Lưu ý cả nhóm đang tham gia nhưng chưa đảm bảo tính bền vững; cần thường xuyên chia sẻ thông tin, nắm bắt tâm tư nguyện vọng để tác động, nâng cao nhận thực, bảo đảm tham gia dài lâu. Phát huy vai trò tham mưu của các đơn vị, đa dạng hóa các nguồn hỗ trợ tham gia BHXH, BHYT tới người dân, từ nguồn ngân sách địa phương, từ các hoạt động từ thiện.
Trong công tác truyền thông, phải phối hợp chặt chẽ với đại lý để tuyên truyền, vận động; cơ quan BHXH phát huy vai trò, chủ động ngay từ cơ sở, bảo đảm truyền thông đúng, trúng, đa dạng, linh hoạt, phong phú… Bên cạnh đó, rà soát, đánh giá lại các phương pháp, hình thức truyền thông, phát huy các kênh truyền thông hiệu quả. Xây dựng tài liệu cẩm, nang truyền thông cần mang tính động, mở, có thể linh hoạt sử dụng phù hợp với thực tiễn ở từng cơ sở, địa phương, từng nhóm đối tượng, tránh dập khuôn máy móc.
Về công tác thu, giảm nợ đọng, dù còn không ít khó khăn song vẫn còn dư địa, phải có giải pháp cụ thể, quyết liệt, mạnh. Tăng cường rà soát, kiểm tra, thanh tra phù hợp với tình hình thực tế.
Chú trọng bảo đảm chặt chẽ quyền lợi BHXH, BHYT của người dân; chi trả lương hưu kịp thời, an toàn, phù hợp với các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; chi trả đúng, đủ quyền lợi khám, chữa bệnh BHYT. Đồng thời, tăng cường các biện pháp ngăn ngừa và xử lý nghiêm các trường hợp trục lợi, gian lận chính sách. Nêu cao trách nhiệm người đứng đầu, nâng cao hiệu quả quản lý chi phí khám, chữa bệnh BHYT, từng bước đổi mới phương thức thanh toán
Tiếp tục nâng cao hiệu quả cải cách hành chính, đẩy nhanh, mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường kết nối dữ liệu giữa các mảng nghiệp vụ, hoàn thiện các phần mềm quản lý đáp ứng yêu cầu thực tế.
Các vụ, ban chuyên môn chủ động nghiên cứu nắm bắt thực tiễn, tháo gỡ khó khăn của các địa phương. Tổng kết thực tiễn, nghiên cứu để tham mưu, sửa đổi quy trình nghiệp vụ, đề xuất hoàn thiện các Luật về BHXH, BHYT, BHTN.
Về hợp tác quốc tế, tăng cường các hình thức trao đổi song phương, đa phương phù hợp trong bối cảnh mới.
Càng trong khó khăn, càng cần phát huy hiệu quả các phong trào thi đua, nhân rộng điển hình tiên tiến, tổ chức thành công Đại hội thi đua yêu nước Ngành BHXH lần thứ V, tạo động lực, lan tỏa tinh thần nỗ lực, sáng tạo trong toàn Ngành.
Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh chỉ đạo, cán bộ công chức, viên chức, người lao động toàn Ngành phải tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thực thi công vụ, nêu cao tinh thần trách nhiệm, vai trò nêu gương của người đứng đầu, nâng cao hơn nữa chất lượng phục vụ người dân./.
TH
Bình luận: 0
Tin tức liên quan
- BHXH tự nguyện: Nhiều mô hình thiết thực, tạo “điểm tựa” an sinh vững chắc cho người lao động (09:38 13/05/2023)
- Tập trung mọi nguồn lực trong giải quyết chế độ BHXH, BHYT (10:05 11/05/2023)
- Đoàn đại biểu Bộ Lao động và Phúc lợi xã hội Lào thăm và làm việc tại BHXH Việt Nam (02:45 10/05/2023)
- Hướng dẫn thay đổi, cập nhật tài khoản trên ứng dụng VssID - Bảo hiểm xã hội số (08:41 27/04/2023)
- Đề xuất bỏ quy định chỉ rút bảo hiểm xã hội một lần sau 1 năm nghỉ việc (10:01 10/04/2023)