Báo chí với vấn đề biến đổi khí hậu ở Việt Nam hiện nay
16:39 06/10/2016
- Báo chí & Công chúng
Biến đổi khí hậu là một trong những thách thức lớn nhất đối với nhân
loại trong thế kỷ XXI. Với Việt Nam, quốc gia bị uy hiếp cao nhất bởi những tác
động của biến đổi khí hậu.
Việc nâng cao nhận thức cho cộng đồng về những tác động tích cực và mặt trái nghiêm trọng của biến đổi khí hậu (BĐKH) và ứng phó với BĐKH là việc làm cần thiết và cấp bách của báo chí hiện nay.
Cơ hội và thách thức
Việt Nam là một trong 6 quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất của BĐKH. Trong những năm qua, BĐKH không chỉ đe dọa nghiêm trọng đến an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp mà còn khiến tần suất và cường độ thiên tai ở nước ta ngày càng gia tăng, gây ra nhiều tổn thất to lớn về người, tài sản, các cơ sở hạ tầng về kinh tế, văn hoá, xã hội, tác động xấu đến môi trường. Chỉ tính trong 10 năm gần đây (2005 - 2015), các loại thiên tai như: Bão, lũ, lũ quét, sạt lở đất, úng ngập, nóng, lạnh bất thường, hạn hán, xâm nhập mặn và các thiên tai khác đã làm thiệt hại đáng kể về người và tài sản.
Những thách thức và cơ hội đan xen đòi hỏi Đảng, Nhà nước và Chính phủ phải có những nỗ lực hơn nữa trong các chính sách, biện pháp nhằm nâng cao nhận thức và năng lực thích nghi và ứng phó với BĐKH, song song với phát triển kinh tế để tăng cường sức cạnh tranh của nền kinh tế và vị thế quốc gia trên trường quốc tế. Bám sát những định hướng chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, báo chí nước ta thời gian qua đã kịp thời tuyên truyền, phổ biến, giải thích đường lối, chính sách, pháp luật về BĐKH và ứng phó với BĐKH. Những thông tin mà báo chí cung cấp đã giúp người dân, cộng đồng thêm hiểu biết, có niềm tin và cơ sở để hành động trong thực tiễn.
Là lực lượng xung kích, mũi nhọn, sắc bén trên mặt trận đấu tranh bảo vệ môi trường, giảm thiểu tiêu cực của BĐKH, những năm qua, các cơ quan báo chí và các nhà báo đã góp phần tích cực trong việc tuyên truyền phòng ngừa và kiên quyết đấu tranh chống các hành động hủy hoại môi trường, làm gia tăng tác hại của BĐKH. Không ít những sự kiện thu hút sự quan tâm mạnh mẽ của dư luận thời gian qua như: hạn hán kéo dài ở Tây Nguyên, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long, Formosa Hà Tĩnh gây cá chết hàng loạt ở 4 tỉnh miền Trung... đã được báo chí theo sát, phản ánh kịp thời, đa chiều và xác đáng.
Bên cạnh việc khai thác, đăng tải thông tin về các hiện tượng thiên tai, thời tiết cực đoan như hạn hán, lũ lụt, xâm nhập mặn, nắng nóng, rét đậm, rét hại bất thường... cùng những hậu quả nặng nề mà người dân và xã hội phải gánh chịu thì các cơ quan báo chí từ trung ương đến địa phương những năm qua đã có những đổi mới, triển khai có hiệu quả phương thức tuyên truyền thông qua các chủ đề chuyên sâu như: thế nào là BĐKH; những biểu hiện và tác động của BĐKH đối với Việt Nam; mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với BĐKH; những cảnh báo từ việc phát triển kinh tế thiếu bền vững trong bối cảnh tác động của BĐKH; tác động của BĐKH đối với đời sống con người; phương cách thích ứng và giảm thiểu thiệt hại do BĐKH gây ra, nhất là ở những vùng bị tác động nặng nề như Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên, khu vực ven biển miền Trung...
Có thể khẳng định, các cơ quan báo chí đã có nhiều cố gắng, nỗ lực, đóng góp không nhỏ vào việc thông tin, truyền thông nâng cao nhận thức cho cộng đồng về BĐKH và ứng phó với BĐKH. Tuy nhiên, trong công tác thông tin và truyền thông về chủ đề “nóng” BĐKH, báo chí nước ta cũng còn không ít khó khăn, hạn chế.
Ảnh minh họa
Thứ nhất, đó là hiện tượng một số lãnh đạo cơ quan chủ quản và cơ quan báo chí chưa nhận thức đúng và đầy đủ tầm quan trọng, cần thiết thông tin, tuyên truyền về BĐKH và ứng phó với BĐKH cho cộng đồng; đội ngũ phóng viên, biên tập viên đa số chưa có kiến thức sâu về BĐKH; chưa tổ chức được đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học, cộng tác viên ổn định tham gia vào hoạt động này; chuyên trang, chuyên mục chưa có hoặc không ổn định; số lượng tin, bài, ảnh... chưa thường xuyên; công tác phát hành báo in khó khăn; thời lượng phát sóng trên phát thanh - truyền hình chưa nhiều; thiếu chuyên nghiệp; nội dung và hình thức chưa đáp ứng nhu cầu của cộng đồng và xã hội...
Ngoài ra, một số hạn chế cũng thường gặp hiện nay là báo chí chỉ tập trung thông tin về BĐKH theo phong trào, từng đợt. Cũng có không ít tác phẩm báo chí chỉ thông tin về biểu hiện và hậu quả của BĐKH, thiếu những phân tích sâu về nguyên nhân, các giải pháp, cách thức ứng phó và thích nghi cụ thể, những kinh nghiệm hay hoặc những nhận định, bình luận, đánh giá có tính dự báo cao... Nhiều cơ quan báo chí còn lúng túng khi thông tin các vấn đề gây tranh cãi, các ý kiến trái chiều; có nhiều bài viết về chủ trương, chính sách, hoạt động ứng phó với BĐKH ở tầm vĩ mô, nhưng lại ít các bài viết tiếp cận vấn đề theo hướng từ cộng đồng đi lên, hoặc chỉ mô tả hoạt động, quan điểm, nguyện vọng của người dân cũng như của cộng đồng.
Thứ hai, đó là một số lãnh đạo các Bộ, Ngành, địa phương chưa quan tâm và coi trọng đúng mức công tác thông tin, tuyên truyền về BĐKH; việc nâng cao nhận thức, hiểu biết và hành động về ứng phó với BĐKH cho cộng đồng của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, doanh nghiệp còn hạn chế; cán bộ làm công tác này chủ yếu là kiêm nhiệm; sử dụng chưa hiệu quả nguồn lực; cơ sở vật chất, tài chính chưa đáp ứng yêu cầu và nhu cầu của xã hội; việc thực thi pháp luật về môi trường, ứng phó với BĐKH chưa nghiêm; công tác thanh tra, kiểm tra chưa thường xuyên và hiệu lực... Bên cạnh đó, sự phối hợp, hỗ trợ của các ngành chức năng, cơ quan chuyên môn, các nhà khoa học, các cá nhân... đối với phóng viên báo chí để khai thác, đưa thông tin về các vấn đề liên quan đến BĐKH không phải lúc nào cũng thuận lợi, nhịp nhàng và hiệu quả.
Ảnh minh họa
Một số giải pháp
Các cấp lãnh đạo cần nhận thức đúng, đầy đủ tầm quan trọng, cần thiết và cấp thiết về BĐKH và ứng phó với BĐKH để chỉ đạo sâu sát, quyết liệt các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức, cá nhân, cộng đồng trong đó có báo chí trong cuộc chiến ứng phó, thích nghi, hài hòa và “sống chung” với BĐKH, phục vụ đắc lực cho phát triển bền vững kinh tế, xã hội của địa phương và đất nước.
Lãnh đạo các cơ quan báo chí cũng nhận thức việc thông tin, tuyên truyền nhanh chóng, kịp thời, đầy đủ, chính xác về BĐKH và ứng phó với BĐKH là một trong những nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên và trách nhiệm của những người làm báo. Phải thể hiện được vai trò, tác động, hiệu quả của báo chí trong việc nâng cao nhận thức cho cộng đồng về BĐKH và ứng phó với BĐKH để phục vụ thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Các ngành tài nguyên và môi trường, nông nghiệp và phát triển nông thôn cùng một số ngành liên quan từ Trung ương đến địa phương cần tăng cường hợp tác với các cơ quan báo chí để tuyên truyền định kỳ, thường xuyên và có định hướng đúng về những vấn đề liên quan đến BĐKH, giúp cộng đồng biết, kịp thời chủ động thích ứng, phòng tránh, hạn chế thấp nhất tác hại do BĐKH gây ra. Bộ Tài nguyên và Môi trường có thể phối hợp với một số cơ quan báo chí thành lập mạng lưới truyền thông về BĐKH. Đây sẽ là cơ sở quan trọng để kết nối đội ngũ những người làm truyền thông chuyên viết về BĐKH.
Các cơ quan chức năng cần chủ động và có trách nhiệm hơn trong việc cung cấp thông tin về BĐKH cho các cơ quan báo chí. Ngoài ra, ưu tiên cho các cơ quan báo chí tham gia ngay từ đầu quá trình xây dựng, triển khai thực hiện các chương trình, dự án liên quan đến ứng phó với BĐKH. Cần thiết kế và đưa nội dung giảng dạy về BĐKH - môi trường như một nội dung chuyên sâu trong các trường truyền thông - báo chí, nhằm đào tạo đội ngũ những người làm truyền thông - báo chí chuyên sâu về BĐKH - môi trường.
Nâng cao trình độ, chuyên môn, kỹ năng tác nghiệp cho phóng viên, biên tập viên về BĐKH và ứng phó, thích nghi với BĐKH (đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn trong và ngoài nước, đi thực tế nơi ảnh hưởng nặng nề của BĐKH... để xây dựng tác phẩm có tính chuyên nghiệp cao).
Các cơ quan báo chí cần có sách lược, chiến lược xây dựng tin, bài, ảnh, chương trình phát thanh, truyền hình và các tác phẩm báo chí khác về BĐKH và ứng phó với BĐKH một cách bài bản, ổn định, hệ thống, lâu dài và chuyên nghiệp. Tăng cường các tác phẩm báo chí có tính ứng dụng cao, thiết thực, cụ thể, hữu ích, trực tiếp cho cộng đồng để người dân thực thi, vận dụng được trong môi trường BĐKH, bảo đảm sinh kế bền vững cho họ ngay tại nơi tác động xấu của BĐKH, “sống chung” với BĐKH, như vậy mới thực sự bền vững, phát triển lâu dài. Tạo điều kiện, cơ chế chính sách tốt để tôn vinh, khen thưởng kịp thời các nhà báo có tác phẩm báo chí tốt về lĩnh vực này.
Để tăng cường thông tin phản biện mang tính khoa học về BĐKH và ứng phó với BĐKH, các cơ quan báo chí rất cần sự giúp đỡ, hợp tác từ các chuyên gia, nhà khoa học. Vì vậy, cần xây dựng mối quan hệ nhiều chiều giữa các cơ quan báo chí với các hội, đoàn, tổ chức, các nhà khoa học để nâng cao hiệu quả truyền thông về BĐKH và ứng phó với BĐKH.
Khai thác, lựa chọn và sử dụng có hiệu quả sức mạnh và lợi thế của Internet, của truyền thông xã hội trong việc chuyển các thông điệp về BĐKH. Đa dạng hóa, tận dụng mọi kênh truyền thông xã hội: Facebook, Twitter, Youtube, Blog... để tương tác, chia sẻ, kết nối với cộng đồng. Đây là những phương tiện truyền thông mới đang tạo ra bước đột phá làm thay đổi thói quen và cách thức truyền thông hiện nay.
Bài báo này là một phần kết quả nghiên cứu đề tài nghiên cứu khoa học cấp ĐHQGHN, mã số QG.15.57. “Báo chí với vấn đề biến đổi khí hậu ở Việt Nam hiện nay” do PGS. TS Đinh Văn Hường làm chủ nhiệm |
PGS,TS Đinh Văn Hường - TS Nguyễn Minh Trường
---
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Nghị quyết số 24 - NQ/TW ngày 3/6/2013 của Ban chấp hành Trung ương về “Chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường”;
2. Văn phòng Chính phủ, “Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu”, Quyết định số 2139 /QĐ-TTg, ngày 5/12/2011;
3. Văn phòng Chính phủ, “Chương trình mục tiêu quốc gia Ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2012 - 2015”, Quyết định số 1183/QĐ-TTg, ngày 30/8/2012;
4. Công ước Khung của LHQ về BĐKH (UN- FCCC), năm 1992;
5. Nghị định thư Kyoto về cắt giảm khí nhà kính, năm 1997;
6. Tài liệu Hội thảo “Truyền thông và nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu hướng tới COP21”, ngày 23 - 24/9/2015 tại Hà Nội;
7. Tài liệu Hội thảo “Vai trò của Báo chí trong việc ngăn chặn và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu”, ngày 24 - 25/4/2013 tại Cần Thơ;
8. Huy Vũ, “Báo chí tuyên truyền về biến đổi khí hậu: Nhìn từ đồng bằng sông Cửu Long”, Tạp chí Cộng sản, số ra ngày 29/10/2013.
Bình luận: 0
Tin tức liên quan
- Hoa hậu Môi trường thế giới năm 2023 Nguyễn Thanh Hà: Môi trường chỉ có thể tốt hơn nếu lối sống của chúng ta thay đổi (08:18 09/11/2024)
- Hội đồng nữ doanh nhân Việt Nam - ASEAN báo công dâng Bác (03:43 22/10/2024)
- Báo chí kiến tạo, phát triển để hội nhập với nền báo chí hiện đại trên thế giới (02:21 27/08/2024)
- Ngành Thông tin và Truyền thông quyết liệt thực hiện chuyển đổi số quốc gia (03:02 30/07/2024)
- Thành phố Hồ Chí Minh: Trao giải và triển lãm ảnh “Khoảnh khắc tươi đẹp quanh ta” (09:18 29/06/2024)