Kết nối tạp chí:
  • facebook
  • Tiwer
  • Youtube
  • Google

Báo chí với phát triển kinh tế biển, đảo

15:03 21/02/2017 - Kinh tế
Thời gian qua, báo chí nước ta đã kịp thời thông tin tuyên truyền, phổ biến nhiều vấn đề về phát triển kinh tế biển, giúp nhân dân hiểu được mục đích của Chiến lược biển Việt Nam, nhằm phát huy cao nhất các tiềm năng lợi thế về công nghiệp, dịch vụ và kinh tế biển.

Ảnh minh họa

Nội dung thông tin phong phú

Kết quả nghiên cứu nội dung thông tin đăng tải trên các báo trong thời gian qua cho thấy, các báo, tạp chí, đài phát thanh, truyền hình và báo chí điện tử có nhiều bài viết về phát triển kinh tế biển như: đánh bắt - nuôi trồng - chế biến hải sản; du lịch biển đảo; kinh tế hàng hải; nghề làm muối; dịch vụ tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn; khai thác và chế biến khoáng sản biển; phát triển kinh tế đảo, thông tin liên lạc biển; khoa học và công nghệ biển; đào tạo nhân lực phục vụ phát triển kinh tế biển đảo; điều tra tài nguyên môi trường biển. Mục đích của những thông tin trên giúp cho công chúng hiểu và nhận thức đúng về phát triển bền vững kinh tế biển, từ đó có những hành động trong thực tế.

Ngoài ra, các cơ quan báo chí cũng kịp thời thông tin tuyên truyền, phổ biến, giải thích chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về chính sách phát triển đánh bắt hải sản, hỗ trợ khai thác, nuôi trồng và chế biến hải sản trên các vùng biển xa; về các giải pháp phát triển vận tải biển; phát triển cảng biển và dịch vụ hàng hải; hỗ trợ vốn, đóng tàu công suất lớn, đóng tàu vỏ thép, lắp đặt các thiết bị thông tin liên lạc; các hình thức chế biến, hướng dẫn bảo quản, cảnh báo về vệ sinh an toàn thực phẩm; cơ sở hạ tầng, sản phẩm du lịch, liên kết phát triển du lịch vùng, thương hiệu du lịch biển đảo; vấn đề được mùa, mất mùa; vấn đề đầu ra, giống, giá cả, dịch bệnh; vấn đề lọc hóa dầu;...

Mặt khác, báo chí cũng kịp thời phản ánh hoạt động của người dân trong cách chế biến, nuôi trồng, đánh bắt hải sản; những kiến thức về luật biển; thông tin về các lực lượng hải quân, hải giám, cảnh sát biển; thời tiết biển; cứu hộ cứu nạn; khai thác và bảo vệ nguồn tài nguyên biển... Đây là những thông tin quan trọng, cần thiết giúp cho các hoạt động kinh tế biển phát triển, duy trì sinh kế bền vững, lâu dài cho ngư dân, bảo đảm phát triển bền vững ở các địa phương và trong cả nước.

Ngoài việc thông tin tuyên truyền về vị trí, vai trò của biển đảo; vấn đề chủ quyền, báo chí còn tập trung vào tuyên truyền về những định hướng phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ môi trường và hệ sinh thái;...

Mục đích của những thông tin này nhằm nâng cao nhận thức cho nhân dân về khó khăn và lợi thế của biển đảo, để cổ vũ tinh thần vượt khó, ý chí làm giàu. Đồng thời, báo chí cũng thông tin về quan hệ hợp tác, trao đổi giữa các địa phương với nhau, giữa địa phương với Trung ương, giữa địa phương với nước ngoài và ngược lại. Các mối quan hệ hợp tác, trao đổi này góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm, nguồn lực và hành động chung để phát triển kinh tế biển.

Hình thức chuyển tải đa dạng

Báo in chủ yếu sử dụng các thể loại gồm tin, bài phản ánh, phóng sự, phỏng vấn, bình luận và một số thể loại mang tính chất nghiên cứu sâu của chuyên gia hoặc của người trực tiếp quản lý chính lĩnh vực đó như bài chuyên luận, bài nghiên cứu,... Trong đó bài phản ánh, điều tra, phóng sự, kí sự,...có tác động và hiệu quả nhất định bởi thông tin nhanh, mới, kịp thời, có chiều sâu và có tính thực tiễn cao. Ngoài ra, các báo cũng dùng khá nhiều hình ảnh, đồ họa, biểu đồ, sơ đồ, bản đồ... cho các chuyên mục, chuyên trang hoặc cho từng bài góp phần chuyển tải nội dung sinh động, hấp dẫn.

Ảnh minh họa

Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số hạn chế như: một số lãnh đạo cơ quan báo chí chưa nhận thức hết tầm quan trọng cần thiết thông tin về kinh tế biển; tính phản biện còn hạn chế; đội ngũ phóng viên, biên tập viên chưa có kiến thức sâu về biển, chưa tập hợp được đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học. Về phía khách quan, một số lãnh đạo địa phương chưa thực sự quan tâm và coi trọng công tác tuyên truyền về phát triển kinh tế biển, chưa có chiến lược dài hơi trong truyền thông về phát triển kinh tế biển.

Đi tìm giải pháp

Thứ nhất, các cấp lãnh đạo cần nhận thức đúng, đầy đủ tầm quan trọng, cần thiết của phát triển kinh tế biển để chỉ đạo sát sao các cơ quan, ban ngành, người dân, trong đó có báo chí.

Thứ hai, lãnh đạo các cơ quan báo chí cần có chiến lược truyền thông lâu dài đối với việc phát triển kinh tế biển. Mở chuyên mục, hoặc tăng thời lượng phát sóng về phát triển kinh tế biển trên báo, đài, góp phần quan trọng vào công tác tuyên truyền nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Thứ ba, nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng tác nghiệp cho phóng viên, biên tập viên (đào tạo, bồi dưỡng trong và ngoài nước, đi thực tế...). Đồng thời, xây dựng đội ngũ các chuyên gia, nhà khoa học, cộng tác viên và công chúng tham gia tích cực vào phát triển kinh tế biển.

Thứ tư, cần xây dựng chiến lược tin, bài, ảnh, chương trình phát thanh, truyền hình và các sản phẩm truyền thông khác về phát triển kinh tế biển một cách ổn định, lâu dài. Tăng cường các sản phẩm báo chí có tính ứng dụng cao, thiết thực, cụ thể.

Thứ năm, tăng cường trao đổi, hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm công tác thông tin và truyền thông trong các cơ quan báo chí, các Viện nghiên cứu, cơ sở đào tạo...

Thứ sáu, đầu tư cơ sở vật chất, kinh phí và nhân lực cho các cơ quan báo chí để thực hiện tốt nhất công tác thông tin và truyền thông về phát triển bền vững kinh tế biển ./.

PGS,TS Dương Xuân Sơn

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Ngày 31/5, tại Hà Nội, Hội đồng Giải Báo chí Quốc gia đã khai mạc vòng chấm chung khảo Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVIII năm 2023.
Đạo đức cách mạng là "gốc" của người cách mạng, những người bằng uy tín của mình được nhân dân tín nhiệm giao trọng trách nắm và giương cao ngọn cờ lãnh đạo cách mạng của dân tộc. Kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại (19/5/1890 - 19/5/2024) là dịp để mỗi cán bộ, đảng viên thêm quyết tâm học tập, tu dưỡng, rèn luyện và thực hành đúng, thực chất đạo đức cách mạng, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, mãi là ngọn cờ lãnh đạo dân tộc trong thời kỳ mới.
Thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành Quy định số 144-QĐ/TW ngày 9/5/2024 của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới.
Thay mặt Bộ Chính trị, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đã ký ban hành Quy định số 142-QĐ/TW ngày 23/4/2024 quy định thí điểm giao quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trong công tác cán bộ.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top