Kết nối tạp chí:
  • facebook
  • Tiwer
  • Youtube
  • Google

Báo chí và mạng xã hội trong cuộc đua thông tin

17:28 11/12/2023 - Góc nhìn
Hơn một thập kỷ trở lại đây, mạng xã hội (MXH) phát triển mạnh mẽ, tác động sâu rộng đến mọi lĩnh vực, ngành nghề, trong đó có báo chí. Trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay, các nhà báo, cơ quan báo chí cần phải làm gì để báo chí vẫn khẳng định được vị thế và vai trò tiên phong trong việc thông tin, định hướng dư luận?

Mạng xã hội tác động đến báo chí ở Việt Nam

Theo We Are Social (2023), Việt Nam có 77,93 triệu người sử dụng Internet, với thời gian truy cập trung bình 6 giờ 23 phút mỗi ngày. Ngoài ra 5 nền tảng được sử dụng nhiều nhất ở Việt Nam là Facebook (91.6%), Zalo (90,1%), Tiktok (77,5%). Với đặc điểm dễ tiếp cận, dễ chia sẻ, thông tin nhanh nhạy và đa dạng, mạng xã hội (MXH) đang là một kênh tin tức được đông đảo công chúng lựa chọn.

Chị Trần Thị Liên (28 tuổi, Nam Định) cho biết, bản thân đã dần hình thành thói quen tìm kiếm và đọc thông tin trên Facebook thay vì tìm đến các ứng dụng đọc báo mạng điện tử: “Mỗi ngày khi có thời gian rảnh tôi hay sử dụng Facebook để cập nhật tin tức, vì ứng dụng này khá “đa-zi-năng”, cùng trong khoảng thời gian lướt Facebook, tôi vừa có thể tương tác với bạn bè, mà vừa có thể xem những thông tin hot trong ngày một cách nhanh chóng”.

Đặc trưng nổi bật của mạng xã hội là khả năng tự tạo nội dung của người dùng. Trên các nền tảng này, mỗi chủ tài khoản có thể trở thành những “nhà báo công dân” bằng cách tự đưa tin. Những thông tin do công chúng sản xuất trên các nền tảng Facebook, Youtube, Tiktok,… rất phong phú, đa dạng và được xã hội đón nhận một cách tích cực. Chính điều này, đã khiến báo chí từ vị thế độc quyền về thông tin, giờ đây đang bị MXH chia sẻ thị phần và gặp khó khăn trong việc thu hút quảng cáo, ảnh hưởng đến nguồn thu cũng như sự phát triển của các cơ quan báo chí truyền thông trong tương lai.

Tại Diễn đàn Kinh tế Báo chí 2023, đại diện Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết: Qua khảo sát, nắm bắt số liệu của 159 cơ quan báo chí in và điện tử (81 báo, 78 tạp chí), trong 2 năm đại dịch, tổng doanh thu đều giảm, trong đó, tổng doanh thu khối báo trong năm 2021 giảm 30,6% so với năm 2020; doanh thu Đài phát thanh - truyền hình năm 2021 cũng giảm 10% so với năm 2020. Nếu như trước đây, doanh thu từ quảng cáo luôn chiếm trên 60%, thậm chí với một số cơ quan báo chí là 90% thì giờ đây sụt giảm nghiêm trọng, đặc biệt là báo in.

Bên cạnh đó, trước sự linh hoạt, nhạy bén của MXH trong việc cập nhật những thông tin mới ở tất cả các mặt trong đời sống, báo chí cũng bị đặt vào một thế cạnh tranh khó khăn, khi vừa phải đảm bảo về tốc độ đưa tin, vừa phải khẳng định sự đáng tin cậy của mình với công chúng. Trong nhiều trường hợp, thông tin về sự kiện mới xảy ra xuất hiện trên MXH trước khi xuất hiện trên báo chí.

Chẳng hạn, khi một vụ hoả hoạn diễn ra, trong khi nhà báo phải trải qua một quá trình bài bản từ đi lấy tin, viết bài, chụp ảnh, phỏng vấn,… để thông tin chi tiết, đầy đủ về vụ cháy đến độc giả, thì những người dân xung quanh chứng kiến vụ hoả hoạn đồng thời là những người sử dụng MXH chỉ cần mất vài giây cùng vài cú click chuột, bằng cách phát livestream trên trang Facebook cá nhân của mình thì “công chúng” của họ đã có thể theo dõi vụ cháy và nhanh chóng chia sẻ trên các hội nhóm để nhiều người khác cùng xem mà không gặp rào cản về cả không gian và thời gian.

Dù có tốc độ lan truyền nhanh chóng, liên tục theo từng giây và phạm vi tương tác đa chiều, song những thông tin này mới chỉ dừng cấp độ đơn lẻ, các vấn đề, sự việc chỉ được nhìn nhận dưới lăng kính của cá nhân, chưa được kiểm chứng và nhìn chung là được lan truyền theo kiểu “một đồn mười, mười đồn trăm”. Những thông tin nóng hổi, giật gân nhưng sai sự thật, bịa đặt chỉ với mục đích câu like, câu view có tác động tiêu cực đến việc định hướng dư luận và khiến nhiều độc giả đã suy giảm niềm tin đối với báo chí chính thống.

Lợi dụng sự lỏng lẻo trong việc kiểm duyệt thông tin trên MXH, các thế lực thù địch tung tin xấu độc, cắt ghép hình ảnh, video, xuyên tạc chống phá Đảng và Nhà nước, gây hoang mang trong nhân dân_Ảnh: Internet

Một vấn nạn nhức nhối khác mà các cơ quan báo chí thường xuyên gặp phải là bị ăn cắp bản quyền nội dung mà chưa có giải pháp đáng tin cậy để ngăn chặn. Khảo sát của Liên minh Chống vi phạm bản quyền (CAP) châu Á cho thấy, Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ cao về vi phạm bản quyền qua dịch vụ phát nội dung online, mạng xã hội hay tin nhắn trực tuyến. Cụ thể, có tới 41% vi phạm qua nền tảng mạng xã hội, ứng dụng nhắn tin. Tỷ lệ sử dụng các nền tảng vi phạm bản quyền cũng chiếm tới 61%.

Để sản xuất ra những sản phẩm báo chí chất lượng, đòi hỏi sự đầu tư cả về thời gian, công sức, vật chất thậm chí bằng cả sức khỏe, tính mạng của đội ngũ phóng viên, nhà báo. Tuy nhiên, chỉ trong một thời gian ngắn sau khi đăng tải, nhiều trang tin tức điện tử, các hội nhóm trên mạng xã hội đã tự ý sao chép và đăng tải, thậm chí họ còn trở thành những “biên tập viên” tùy tiện chỉnh sửa nội dung bài viết theo ý muốn riêng, làm méo mó, sai lệch thông tin, gây hiểu lầm và ảnh hưởng tiêu cực đến cộng đồng, xã hội. Nhiều trang MXH nhờ việc lấy thông tin của các cơ quan báo chí đã thu hút được nhiều người dùng, từ đó đã khai thác quảng cáo trên trang của mình, thu lợi nhuận.

Nội dung đi kèm ảnh đã bị "cải biên" để thu hút người dùng mạng xã hội, cuối bài chỉ ghi: "Theo: VTC News", mà không dẫn nguồn link (đường liên kết) của báo_Ảnh: Chụp màn hình

Mạng lưới rộng và tính lan truyền của mạng xã hội còn góp phần không nhỏ vào việc gia tăng tốc độ của xu hướng “lá cải hóa” trong môi trường báo chí. Lá cải hoá ở đây có thể hiểu là việc các tờ báo lợi dụng đưa những tin tức giật gân, những scandal, những thông tin về đời tư của người nổi tiếng để thu hút sự chú ý, kích thích độc giả tham gia tương tác, thảo luận và chia sẻ, từ đó tăng lượng truy cập. Lượng truy cập cao đồng nghĩa doanh thu quảng cáo của tờ báo sẽ cao hơn.

Trong khi đó, tại Điều 4, Luật Báo chí 2016, đã chỉ rõ: báo chí có nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước tới các tầng lớp nhân dân, góp phần ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao dân trí, đáp ứng nhu cầu văn hóa lành mạnh của nhân dân, bảo vệ và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Như vậy, xu hướng “lá cải hóa” báo chí khiến báo chí không đáp ứng đúng tôn chỉ và mục đích ban đầu.

Thêm vào đó, trước áp lực làm thế nào để có nguồn tin mới, độc đáo, không ít nhà báo đã chủ quan, qua loa trong các bước phối kiểm thông tin, nhiều khi bị thay thế bằng sự kiểm chứng của đám đông hoặc bị chạy theo những thông tin trên mạng xã hội để rồi “sập bẫy” trước nguồn tin sai sự thật.

Chủ động tìm cơ hội trong thách thức

Báo chí không cần phải “chạy thi” với MXH trên mọi đường đua. Cách báo chí nên làm là lựa chọn những gì cần thông tin, nhất là những thông tin đang tạo sóng dư luận. Trong khi mạng xã hội là nơi phát tán thông tin chưa qua kiểm định, thì truyền thông chính thống phải có trách nhiệm hơn trong việc cung cấp thông tin tới công chúng. Báo chí phải mang đến một cái nhìn có chiều sâu, bóc tách, phân tích vấn đề đến nơi đến chốn, để dẫn dắt cộng đồng theo định hướng đúng đắn, nhân văn và thượng tôn pháp luật, để bạn đọc thấy rằng, họ có thể đã nhìn thấy thông tin này trên các trang MXH, nhưng thông tin đúng và đáng tin vẫn là trên báo chí.

Mỗi nhà báo khi đưa tin, cần trang bị “đầu lọc” nghiên cứu nguồn tin thật chặt chẽ, luôn tự kiểm chứng và tái kiểm chứng thông tin bằng cách sử dụng đa dạng nguồn tin, để từ đó xuất bản tin tức với các dữ liệu và kết luận chính xác.

Bên cạnh đó, các nhà báo, phóng viên có thể tận dụng tốt ưu thế của mạng xã hội để thu thập thông tin chất lượng, nhanh chóng hoặc tận dụng MXH như một công cụ đắc lực trong việc truyền thông, phát triển thương hiệu báo chí của mình và tương tác với công chúng. Để từ đó, có thể viết bài, đăng tải các tin tức sao cho phù hợp với nhu cầu của độc giả. 

Nhà báo, tòa soạn báo có thể dễ dàng theo dõi được các ý kiến góp ý, các quan điểm, sự nhận xét của độc giả về vấn đề được nói đến trong bài báo đó thông qua phần thích, bình luận, chia sẻ_Ảnh: Chụp màn hình

Ngoài ra, các cơ quan báo chí cần liên tục cập nhật các ứng dụng công nghệ trong phát triển mô hình tòa soạn số, trong đó cần chú ý ứng dụng công nghệ trong ngăn chặn việc vi phạm bản quyền. PGS, TS Đỗ Thị Thu Hằng, Trưởng Ban Nghiệp vụ, Hội Nhà báo Việt Nam cho biết: "Đoàn kết tạo nên sức mạnh. Ý thức của chủ thể mang quyền sở hữu trí tuệ. Sự đoàn kết và liên kết mạnh mẽ giữa các cơ quan báo chí, giữa cơ quan báo chí với các cơ quan quản lý báo chí truyền thông, các đối tác, tập đoàn công nghệ vì sự phát triển của một nền báo chí Việt Nam chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại sẽ là dấu hiệu tích cực cho việc đấu tranh chống vi phạm bản quyền đang rất nhức nhối hiện nay".

Mạng xã hội và báo chí có mối quan hệ mật thiết. Mặc dù, báo chí bị MXH cạnh tranh gay gắt nhưng khi biết tận dụng mối quan hệ này thì báo chí sẽ có thêm một trợ thủ đắc lực, một môi trường tương tác và có nhiều điều kiện thuận lợi hơn để phát triển.

Giữa cuộc cạnh tranh gay gắt từ MXH và bê bối tin giả đang ngày càng khó kiểm soát, giữa cơn bão phát triển công nghệ truyền thông mới, nhiều chuyên gia khẳng định hiện tại đang là thời đại vàng của báo chí. "Nhưng thời đại vàng chỉ đến với những cơ quan báo chí biết sử dụng các công cụ và nền tảng mới để bắt kịp tốc độ thích nghi công nghệ mới của chính độc giả của họ. Thời đại vàng sẽ chỉ là vàng với những cơ quan báo chí dám thay đổi, những tờ báo lưỡng lự và chậm chân sẽ phải thu hẹp, và nhiều tờ báo thậm chí sẽ không còn tồn tại”, ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh. 

Bùi Thị Huyền Minh

Bình luận: 0

Tin tức liên quan

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
Với tinh thần "Lá lành đùm lá rách", ngày 10/9, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành công văn số 457/CV-HNBVN về việc hưởng ứng lời kêu gọi của đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3.
Báo chí nói chung là một trong những kênh chính tạo dư luận xã hội. Báo chí cách mạng Việt Nam càng cần trách nhiệm xã hội cao, vì báo chí là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội, tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước và thế giới theo tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí, phục vụ lợi ích quốc gia - dân tộc, cộng đồng xã hội. Chính vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, vai trò của người làm báo trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội của báo chí là cực kỳ quan trọng, bởi họ có trách nhiệm phản ánh một cách chính xác, đa chiều cạnh và đa dạng về thực tế xã hội,... mang lại thông tin có giá trị, kịp thời cho độc giả.
Tháng 8/1945, chớp thời cơ chiến lược “ngàn năm có một”, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam tiến hành cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước, tạo nên một bước ngoặt lớn trong lịch sử dân tộc. Từ đây, nhân dân Việt Nam thoát khỏi thân phận nô lệ trở thành người chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình; đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội. Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 là một trong những chiến công vĩ đại nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, là bản hùng ca bất diệt trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top