Báo chí cấp phát góp phần giữ gìn bản sắc riêng của các dân tộc

Chính sách cấp báo chí không thu tiền cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn là một trong hơn 40 chương trình, mục tiêu, dự án lớn mà Nhà nước đầu tư hỗ trợ phát triển vùng. Việc cấp không thu tiền một số loại ấn phẩm báo, tạp chí cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng đặc biệt khó khăn là chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước, thể hiện sự quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Báo chí cấp phát không thu tiền cho vùng dân tộc thiểu số. Ảnh minh họa

Qua báo chí, các chính sách được thẩm thấu vào cuộc sống của đồng bào. Đặc biệt, lượng thông tin trên các tờ báo cấp phát cho vùng dân tộc, miền núi (không thu tiền) là cẩm nang, tài liệu tập huấn, là người bạn đồng hành của đồng bào trong phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao dân trí, ổn định cuộc sống. Báo chí còn đóng vai trò lớn trong việc thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào; góp phần quan trọng trong phát hiện, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, thể hiện rõ nét ở các mặt sau:

Thứ nhất, tuyên truyền thường xuyên, kịp thời đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến cán bộ lãnh đạo, cán bộ chủ chốt các ban, ngành đoàn thể, các vị chức sắc tôn giáo, những người có uy tín trong cộng đồng dân tộc. Thông qua đó, giúp đồng bào nắm bắt, nhận thức đúng và thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Các dân tộc ít người có trình độ dân trí, trình độ phát triển kinh tế - xã hội không đều nhau; trình độ dân trí của một bộ phận còn hạn chế, nhiều tục tập lạc hậu, đời sống còn khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao. Vì vậy, cán bộ chủ chốt ở địa phương; những già làng, trưởng bản, người có uy tín đóng vai trò rất quan trọng trong việc tuyên truyền, vận động bà con thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Trong mô hình truyền thông trên, các ấn phẩm báo, tạp chí đóng vai trò là nguồn thông tin quan trọng, là bước đầu tiên trong chu trình truyền thông nhằm tác động làm thay đổi những nhận thức, quan niệm lạc hậu của bà con.

Thứ hai, cung cấp thông tin về nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, giúp đồng bào nâng cao tri thức, trình độ dân trí, hiểu biết và ứng dụng khoa học - kỹ thuật để nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất, từng bước thoát nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Điều kiện tiếp xúc với thông tin của đồng bào sinh sống trong vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn hạn chế về địa lý, trình độ dân trí, nhận thức xã hội... Do vậy, báo chí được cấp phát là nguồn chính đem tới cho người dân thông tin khoa học - kỹ thuật, tác động làm thay đổi nhận thức, phương thức canh tác cũ kỹ... của người dân, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, cải thiện chất lượng cuộc sống.

Thứ ba, phản ánh tình hình đời sống, sản xuất, những đổi thay trong vùng đồng bào dân tộc, những mô hình, điển hình tiên tiến trong sản xuất, kinh doanh, thoát nghèo bền vững, vươn lên để nhiều người cùng học tập, làm theo.

Các ấn phẩm báo chí còn đóng vai trò là kênh chuyển tải thông tin về bài học kinh nghiệm, những thành công trong xây dựng kinh tế của đồng bào các dân tộc nhằm nhân rộng thêm trong vùng dân tộc và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn. Chính những tấm gương, những thành công của người dân tộc ít người có sức hút, sức thuyết phục mạnh mẽ đối với bà con các dân tộc. Bởi vì, mong muốn được nhắc đến, được tôn vinh là tâm lý chung của con người, nhất là đồng bào vùng dân tộc và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn thường tâm lý mặc cảm, quan niệm an phận lạc hậu. Những thành công, gương điển hình tiên tiến góp phần giải tỏa tâm lý trên và tiếp thêm động lực, củng cố niềm tin đồng bào vươn lên trong cuộc sống.

Thứ tư, cung cấp thông tin văn hóa, văn nghệ, giải trí nhằm nâng cao đời sống văn hóa - tinh thần và góp phần gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc.

Do điều kiện sống của đồng bào vùng dân tộc và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn còn nghèo nàn, lối sống lạc hậu nên các ấn phẩm báo chí được cấp không thu tiền đem tới cho bà con những thông tin văn hóa, văn nghệ và giải trí. Đồng thời, góp phần giữ gìn bản sắc riêng của các dân tộc qua việc thông tin, phản ánh về những phong tục, tập quán, nét văn hóa đẹp của đồng bào.

Nhìn chung, ấn phẩm dành để cấp, phát không thu tiền cho đồng bào vùng dân tộc và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn được in trên giấy trắng, đẹp, thu hút sự chú ý của đồng bào. Tuy nhiên, một số ấn phẩm “tham” về nội dung thông tin, đăng tải những bài dài, nhiều số liệu, thông tin hướng dẫn khoa học kỹ thuật cứng nhắc ... dẫn đến không đạt hiệu quả như mong muốn, thậm chí phản tác dụng.

Đặc biệt, ấn phẩm dành cho đồng bào vùng dân tộc và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn nên sử dụng nhiều hình ảnh, tranh vẽ... để minh họa, hướng dẫn. Chẳng hạn, để hướng dẫn kỹ thuật cách phòng bệnh cho cá giống, tòa soạn nên chuyển tải thông tin bằng hình vẽ mô phỏng với ghi chú rõ ràng để bà con dễ hiểu, dễ thực hiện, tránh sử dụng quá nhiều con số.

Quy cách, hình thức trình bày của các ấn phẩm báo chí cấp phát cũng đóng vai trò quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả tuyên truyền. Với trình độ nhận thức hạn chế, bà con ngại đọc nhiều, vì vậy, ấn phẩm dày vài chục trang như một số ấn phẩm chuyên đề Dân tộc và Miền núi hiện nay khó tạo hứng thú đối với đồng bào dân tộc. Ấn phẩm dày, “nhiều chữ”, đặc biệt là ngôn ngữ khoa học cũng làm cho cán bộ chủ chốt của các xã, thôn, bản; các già làng, trưởng bản lúng túng trong việc nghiên cứu cũng như truyền thông tới bà con.

Ngoài ra, để việc cấp, phát ấn phẩm báo chí không thu tiền cho đồng bào vùng dân tộc và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn đạt được hiệu quả, cần điều tra bạn đọc theo từng giai đoạn để đánh giá hiệu lực và hiệu quả truyền thông. Nội dung thông tin đến bà con phải phù hợp với trình độ nhận thức và phong tục, tập quán của từng vùng miền, từng đối tượng.

Có thể thấy, việc cấp phát, không thu tiền các ấn phẩm báo chí phục vụ vùng dân tộc và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn là chủ trương đúng đắn và cần thiết cần được tiếp tục duy trì. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả truyền thông như mục tiêu đã đề ra, cần có sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan chức năng của các Bộ, ngành; sự nghiên cứu, đánh giá một cách khoa học, phù hợp với lý thuyết truyền thông và yêu cầu thực tế đời sống cũng như sự quan tâm đầu tư, đổi mới cách trình bày, cách làm báo của các cơ quan báo chí để những ấn phẩm báo chí đến với bà con thực sự thu hút và phù hợp./.

Một trong các nguyên tắc cần lưu ý là viết, biên tập ngắn gọn, dễ đọc, dễ nhớ, dễ làm theo, phù hợp trình độ dân trí, bản sắc văn hóa, phong tục, tập quán của từng dân tộc thiểu số, từng vùng dân tộc thiểu số khác nhau. Thay vì dùng những con số trên, có thể thay bằng đơn vị ước tính quy đổi mà bà con có thể hình dung, bắt chước làm theo.


ThS. Nguyễn Thị Thanh Thủy

Tạp chí Người Làm Báo số 385 - Tháng 3/2016

 

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề : "Tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả".
Đó là nhấn mạnh của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trong phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
Với tinh thần "Lá lành đùm lá rách", ngày 10/9, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành công văn số 457/CV-HNBVN về việc hưởng ứng lời kêu gọi của đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top