Kết nối tạp chí:
  • facebook
  • Tiwer
  • Youtube
  • Google

Trở về thủ đô gió ngàn: Báo chí đồng hành cùng Thái Nguyên phát triển

Nhân kỷ niệm 72 năm ngày thành lập Hội Nhà báo Việt Nam (21/4/1950 – 21/4/2022), ngày 18/4, được sự đồng ý của lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam, Tạp chí Người Làm Báo /Cổng thông tin/ Trung tâm bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí (Hội Nhà báo Việt Nam) phối hợp với UBND tỉnh Thái Nguyên, Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo tỉnh và một số đơn vị Sở ngành của tỉnh Thái Nguyên tổ chức Diễn đàn trực tuyến: “Trở về Thủ đô gió ngàn: Báo chí đồng hành cùng Thái Nguyên phát triển”.

Diễn đàn trực tuyến

Dự diễn đàn trực tuyến, có Nhà báo Lê Quốc Minh – Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng biên tập báo Nhân Dân, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam.

Tại điểm cầu Tỉnh Thái Nguyên, có Đ/c Lê Quang Tiến – Uỷ viên BCH Đảng bộ tỉnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên.

Đầu cầu tại trường quay Hội Nhà báo Việt Nam, chủ trì Diễn đàn, có nhà báo Nguyễn Đức Lợi – Nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, Nguyên Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam; Ông Nguyễn Lâm Thành – Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc Quốc hội, Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ Hữu nghị Việt Nam Hy Lạp, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên; PGS.TS, Nguyễn Thành Lợi - Ủy viên BCH Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Liên Chi Hội cơ quan TW Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Người Làm Báo.

Các điểm cầu trực tuyến có nhà báo Hà Minh Huệ – nguyên Đại biểu Quốc Hội khoá XIII, Nguyên Phó chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam.

Điểm cầu Thành phố Hồ Chí Minh, có nhà báo Trần Trọng Dũng - Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam phụ trách phía Nam.

Điểm cầu Hội Trường UBND tỉnh Thái Nguyên: Nhà báo Nguyễn Bảo Lâm - Chủ tịch Hội Nhà báo Tỉnh Thái Nguyên; lãnh đạo Sở TT Truyền thông Thái Nguyên; lãnh đạo Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTT DL) Thái Nguyên; lãnh đạo Ban quản lý Khu di tích lịch sử - sinh thái ATK Định Hoá, Thái Nguyên.

Cùng các cơ quan đơn vị sở ngành tỉnh Thái Nguyên, Đài PTTH, Báo Thái Nguyên, cùng các lãnh đạo, Chủ tịch, Phó chủ tịch Hội nhà báo tỉnh thành phố trên cả nước, các cơ quan thông tấn báo chí trung ương và địa phương và các đơn vị và doanh nghiệp….

Các đại biểu dự trực tuyến

Phát biểu đề dẫn diễn đàn, PGS.TS, Nguyễn Thành Lợi - Ủy viên BCH Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Liên Chi Hội cơ quan TW Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Người Làm Báo cho biết: Ngày này, 72 năm về trước, Ngày 21/4/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh – Người Thầy của Báo chí cách mạng Việt Nam, đã thành lập “Hội Những người viết báo Việt Nam”, nay là Hội Nhà báo Việt Nam, đó là niềm tự hào, là truyền thống 97 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam. Nhân kỷ niệm 72 năm ngày thành lập Hội Nhà báo Việt Nam (21/4/1950 – 21/4/2022), Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Thái Nguyên, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở VHTT Du lịch Tỉnh Thái Nguyên, Hội nhà báo Tỉnh Thái Nguyên, UBND Huyện Định Hoá tổ chức diễn đàn trực tuyến: “Trở về Thủ đô gió ngàn” – Báo chí đồng hành cùng Thái Nguyên phát triển. Chương trình được tổ chức với mong muốn ôn lại truyền thống vẻ vang của tổ chức Hội Nhà báo Việt Nam, tôn vinh những đóng góp của Hội, cũng như các thế hệ nhà báo trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc, đồng thời cũng là dịp gặp gỡ, giao lưu của các nhà báo trên khắp mọi miền Tổ quốc trong hành trình về nơi thành lập Hội tại mảnh đất ATK Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên.


Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh phát biểu chỉ đạo tại diễn đàn trực tuyến

Phát biểu chỉ đạo diễn đàn, nhà báo Lê Quốc Minh – Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập báo Nhân Dân, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh: Trong buổi gặp mặt trực tuyến hôm nay, các đại biểu sẽ ôn lại truyền thống xây dựng, trưởng thành của Hội Nhà báo Việt Nam; thăm trực tuyến Nhà trưng bày của Hội Nhà báo Việt Nam, nơi lưu giữ những kỷ vật, bức ảnh về các hoạt động Hội qua các thời kỳ từ khi thành lập đến nay. Thông qua chương trình này, tôi đề nghị các cấp Hội cần phát huy truyền thống của các thế hệ đi trước, không ngừng đổi mới nội dung và phương thức hoạt động Hội, đồng thời quan tâm việc bảo vệ quyền lợi chính đáng và hợp pháp của hội viên, của người làm báo cả nước.

Lẵng hoa chúc mừng diễn đàn của Đồng chí Nguyễn Thanh Hải - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên

Nhà báo Lê Quốc Minh cho biết thêm: Diễn đàn: “Trở về Thủ đô gió ngàn, Báo chí đồng hành cùng Thái Nguyên phát triển” hôm nay cũng là dịp để các cấp Hội trên cả nước tiếp tục thực hiện thật tốt nghị quyết Đại hội lần thứ XI Hội Nhà báo Việt Nam đã đề ra, với phương châm "Đoàn kết – Kỷ cương – Đổi mới – Sáng tạo – Phát triển". Đây là động lực và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, sẽ định hướng cho các cấp Hội thực hiện tốt công tác tuyên truyền nói chung và công tác Hội nói riêng.

Tại Diễn đàn, đồng chí Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng mảnh đất Thái Nguyên là “cái nôi” của báo chí Cách mạng Việt Nam: “Cùng với tổ chức Hội Nhà báo, Thái Nguyên cũng là nơi ra đời của nhiều tờ báo cách mạng. Đặc biệt, trong những năm tháng khó khăn ấy, Bác Hồ đã rất quan tâm đến tổ chức của những người viết báo và công tác bồi dưỡng nghiệp vụ làm báo cách mạng cho các nhà báo. Tại thôn Bản Rạ, xã Tân Thái, huyện Đại Từ, lớp báo chí Huỳnh Thúc Kháng - lớp báo chí cách mạng đầu tiên đã được tổ chức... Ngày 21/4 /1950, thực hiện chỉ đạo của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại hội lần thứ nhất đã được tổ chức tại xóm Roòng Khoa, xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên; Mảnh đất Thái Nguyên cũng là nơi ra đời của nhiều tờ báo cách mạng, gắn với sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Bác Hồ đối với nền báo chí cách mạng Việt Nam, ghi mốc son trong sự nghiệp phát triển của báo chí cách mạng Việt Nam.”

Đồng chí Lê Quang Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại điểm cầu tỉnh Thái Nguyên

Đánh giá cao vai trò của báo chí đối với tỉnh Thái Nguyên, đồng chí Lê Quang Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên thông tin: Năm 2021 với nhiều khó khăn thách thức, đặc biệt là đại dịch Covid 19. Tỉnh Thái Nguyên đã đồng lòng từ sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, các cấp chính quyền, sự vào cuộc tích cực của các sở ban ngành, sự đồng thuận của nhân dân và đặc biệt là sự ủng hộ của các cơ quan báo chí. Đã có 23/25 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch năm. Kinh tế tăng trưởng ước đạt 6,56% (cao gấp 2 lần bình quân chung của cả nước); tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) bình quân đầu người đạt 95,1 triệu đồng; thu ngân sách nhà nước đạt 18.000 tỷ đồng (bằng 146% dự toán Bộ Tài chính giao, nằm trong số 20 tỉnh, thành phố có số thu cao nhất toàn quốc); giá trị sản xuất công nghiệp đạt 844 nghìn tỷ đồng (tăng 7,7%); giá trị xuất khẩu đạt trên 28,8 tỷ đô la Mỹ (tăng 2,4% so với kế hoạch), tiếp tục duy trì thứ hạng thứ 4/63 tỉnh, thành phố và đứng thứ 2 vùng Thủ đô Hà Nội. Kết thúc năm 2021, kết quả giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh đạt trên 147% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Trên địa bàn tỉnh hiện có 169 dự án FDI còn hiệu lực với tổng số vốn đăng ký trên 9,68 tỷ USD. Các chỉ tiêu về Văn hóa – Xã hội đều có sự khởi sắc, chính sách an sinh xã hội được thực hiện đầy đủ…. Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã thay mặt lãnh đạo tỉnh Thái nguyên cảm ơn sự quan tâm của các đồng chí lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam. Đồng chí cũng đánh giá cao Diễn đàn trực tuyến Trở về Thủ đô gió ngàn đã tạo điều kiện để tỉnh Thái Nguyên được trao đổi, giao lưu, chia sẻ với báo chí cả nước.

Tiếp đó, Diễn đàn đã diễn ra với nhiều phát biểu từ các điểm cầu trên cả nước, với những vấn đề nóng tập trung về tỉnh Thái Nguyên như trao đổi thông tin giữa thời kỳ công nghệ 4.0, báo chí góp phần phát triển kinh tế xã hội. Đồng chí Trần Trọng Dũng, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam phụ trách khu vực phía Nam mạnh dạn đề nghị có thêm nhiều chương trình kết nối giữa tỉnh Thái Nguyên với báo chí khu vực phía Nam…

Chia sẻ về tình hình báo chí Thái Nguyên, nhà báo Nguyễn Bảo Lâm - Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh cho biết: Cách đây 30 năm, ngày 15/6/1992 Hội Nhà báo tỉnh Thái Nguyên ra đời chỉ với 40 hội viên công tác tại các cơ quan báo chí. Tới nay, Hội Nhà báo tỉnh Thái Nguyên đã có 226 hội viên sinh hoạt tại 5 Chi hội, Liên Chi hội (Liên Chi hội Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh, Chi hội Báo Thái Nguyên, Chi hội hội Báo Quân khu 1, Chi hội Báo Văn nghệ và Trung tâm Thông tin tỉnh, Chi hội Văn phòng Hội Nhà báo). Hội Nhà báo tỉnh Thái Nguyên luôn làm tốt các vai trò, chức năng nhiệm vụ được giao như tổ chức Hội Báo xuân hàng năm; tổ chức các chuyến đi về nguồn, đón tiếp các đoàn báo chí hành hương về nguồn; tổ chức tập huấn nghiệp vụ, đi thực thế cho các hội viên. Đặc biệt, hàng tháng, Hội Nhà báo tỉnh đồng chủ trì Hội nghị giao ban báo chí cùng Ban Tuyên giáo tỉnh ủy và Sở Thông tin – Truyền thông xử lý các vấn đề báo chí nêu về tỉnh Thái Nguyên.

Đồng chí Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Thái Nguyên nhấn mạnh: “Báo chí Thái Nguyên sẽ luôn làm tốt vai trò giữ lửa, luôn cố gắng phát huy truyến thống để xứng đáng là “cái nôi” của báo chí Cách mạng Việt Nam”. Đồng chí cũng mong rằng các đơn vị báo chí truyền thông sẽ tiếp tục đồng hành, đưa nhưng thông tích cực của tỉnh Thái Nguyên đến với công chúng cả nước đồng thời tạo điều kiện cho những người làm báo tỉnh Thái Nguyên tiếp cận thông tin từ các tỉnh thành để tuyên truyền tới bạn đọc trong tỉnh.
 

Hướng dẫn viên Hoàng Hiệp trực tiếp giới thiệu về nơi thành lập Hội Nhà báo Việt Nam tại ATK Thái Nguyên

Chia sẻ tại diễn đàn, Nhà báo Đoàn Minh Long - Ủy viên BCH Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Khánh Hòa xúc động với truyền thống Hội Nhà báo Việt Nam, mãi ghi nhớ công ơn những người đi trước. Chia sẻ thêm về tỉnh Khánh Hòa, nhà báo Đoàn Minh Long cho biết, hiện nay, tỉnh Khánh Hòa đang thực hiện quyết liệt Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 28-1-2022 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045,…. 500 hội viên Hội Nhà báo Khánh Hòa luôn đồng sức đồng lòng cùng tỉnh Khánh Hòa. Qua diễn đàn này, Nhà báo Đoàn Minh Long mong rằng Hội Nhà báo Việt Nam tiếp tục quan tâm thực hiện nhiều diễn đàn chuyển đổi số cho các cơ quan báo chí, đồng thời phê duyệt các hồ sơ thẻ hội viên Hội Nhà báo Việt Nam vào 21/4 hằng năm.

Nhà báo Lê Quốc Trung (nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam) - một trong những người có công xây dựng toà nhà Hội Nhà báo Việt Nam chia sẻ: Ông rất cảm kích khi Hội Nhà báo Việt Nam cùng toàn thể các cơ quan báo chí đã tổ chức một buổi diễn đàn trực tuyến rất ý nghĩa. Ông bồi hồi nhớ lại kỷ niệm xây dựng nhà di tích lịch sử phát triển và xây dựng của Hội Nhà báo Việt Nam mặc dù có nhiều khó khăn nhưng nhờ sự ủng hộ tận tâm giúp đỡ của các đồng chí lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên bao gồm Lãnh đạo Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân tỉnh và ban lãnh đạo của huyện Định Hoá, xã Điềm Mặc cùng với các bà con nhân dân. Nhờ có sự ủng hộ giúp đỡ về tài chính của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam. Đó là kỷ niệm sâu sắc và may mắn khi được góp phần tạo ra một không gian lịch sử của Hội Nhà báo Việt Nam - mang ý nghĩa uống nước nhớ nguồn.

Nhà báo Kiều Thanh Hùng – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo TP Hà Nội đánh giá diễn đàn trực tuyến được tổ chức rất ý nghĩa. Thông tin về Hội Nhà báo Hà Nội, nhà báo Kiều Thanh Hùng cho biết các hội viên rất tích cực triển khai nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII cũng như Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVII. Bên cạnh đó gần 11000 hội viên của 11 Chi hội, Liên Chi hội cùng các cơ quan báo chí trong thành phố tích cực đưa nghị quyết Đại hội XI Hội Nhà báo Việt Nam đi vào cuộc sống. Riêng Hội Nhà báo tỉnh Thái Nguyên thì Hội Nhà báo Hà Nội đã có nhiều hoạt động gắn bó 40 năm nay, ví dụ như những công tác giáo dục truyền thống yêu nước cho phóng viên, hội viên đươc hội tổ chức thường xuyên. Hội Nhà báo Hà Nội đã cùng Đảng bộ của Liên Chi hội, báo Hà Nội mới, Đài PTTH Hà Nội cùng với các cơ quan báo chí khác của thành phố đã tổ chức kết nạp Đảng, kết nạp Hội chiến binh tại Đền thờ Bác và trụ sở Hội Nhà báo Việt Nam chúng ta. Đồng chí chia sẻ thêm sẽ tổ chức nhiều hoạt động nâng cao nghiệp vụ nâng cao truyền thống về việc uống nước nhớ nguồn cho các hội viên. Một nhiệm vụ nữa tập trung thực hiên quy hoạch báo chí theo đúng kế hoạch lộ trình cua thành phố và bộ thông tin đã đề ra kết hợp với việc bố trí lại các hoạt động tác nghiệp của từng cơ quan báo chí theo kịp xu thế cách mạng 4.0 đang đặt ra hiện nay. Hội rất mong muốn cùng Hội Nhà báo Thái Nguyên và các Hội Nhà báo khác có kế hoạch phát huy thế mạnh của các Hội Nhà báo để tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực đóng góp xây dựng Hội nhà báo Việt Nam.

Nhà báo Trương Văn Chuyển – Ủy viên Ban Thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà báo TP Cần Thơ, Tổng Biên tập Báo Cần Thơ chia sẻ: Ông rất vui và cảm thấy ý nghĩa khi được xem tư liệu thành lập và phát triển của Hội Nhà báo Việt Nam. Hội Nhà báo Việt Nam đã quy tụ rất nhiều người làm báo và có liên kết các hoạt động rất sôi nổi, đồng thời chăm lo nghiệp vụ cho các phóng viên, hội viên. Chia sẻ đặc biệt về Hội Nhà báo TP Cần Thơ, nhà báo Trương Văn Chuyển cho biết thời gian tới, Hội cùng Tạp chí Người Làm Báo tổ chức trao giải thưởng báo chí về Đồng bằng Sông Cửu Long. Hội Nhà báo TP Cần Thơ cảm thấy rất tự hào, phấn khởi khi được cùng hợp tác với Tạp chí Người Làm Báo. Hội Nhà báo TP Cần Thơ rất hy vọng Hội Nhà báo Việt Nam và Hội Nhà báo các tỉnh sẽ có dịp gặp mặt tổ chức chuyến đi thực tế nhớ nguồn.

TS. Nguyễn Minh Phong

Dưới góc nhìn của một chuyên gia kinh tế, theo TS. Nguyễn Minh Phong, Thái Nguyên là vùng đất giầu truyền thống cách mạng đáng tự hào, nơi chở che và nuôi dưỡng chính quyền cách mạng và nền báo chí cách mạng nước nhà thời non trẻ. Thái Nguyên cũng là địa phương nhiều tiềm năng và thu gặt được nhiều thành quả phát triển kinh tế quan trọng và vượt trội, so với trước đây và cả so với nhiều tỉnh trong vùng, cũng như trong cả nước. Thái Nguyên nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc thủ đô Hà Nội, là trung tâm chính trị, kinh tế của khu Việt Bắc nói riêng, của vùng Trung du miền núi Đông Bắc nói chung, là cửa ngõ giao lưu kinh tế xã hội giữa vùng trung du miền núi với vùng đồng bằng Bắc Bộ. Tỉnh đông dân thứ 27 toàn quốc và đứng thứ 3 các tình trong vùng Trung du miền núi phía Bắc, với 46/54 dân tộc tại Việt Nam sinh sống và một trung tâm đào tạo nguồn nhân lực lớn của cả nước. Tỉnh có trữ lượng vonfram lớn nhất thế giới (sau Trung Quốc); Trữ lượng than lớn thứ 2 cả nước; Tỉnh đứng đầu 14 tỉnh trung du miền núi phía Bắc về về tổng thu ngân sách nhà nước, về xây dựng nông thôn mới và về giá trị sản xuất công nghiệp (đứng thứ tư toàn quốc)...

Theo TS. Nguyễn Minh Phong, nhiều căn cứ để bạn đọc báo chí tin rằng, với sức mạnh nội lực tiềm tàng, với thành quả vững vàng, sự quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo của TW, sự gắn kết chặt chẽ với các địa phương, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trên địa bàn, cùng với sự quan tâm và đồng hành tích cực của lực lượng báo chí cả nước, Tỉnh sẽ sớm hiện thực hóa tất cả mục tiêu kế hoạch đề ra trong chiến lược phát triển KT-XH của mình, củng cố sự gắn bó chặt chẽ hơn, hiệu quả hơn giữa đội ngũ cán bộ, doanh nhân và nhà báo cùng đồng lòng vì một Thái Nguyên ngày càng giàu đẹp, điểm đến đầu tư tin cậy và nơi đáng sống, đến năm 2030, T.P Thái Nguyên sẽ trở thành đô thị văn minh, hiện đại, là trung tâm kinh tế của tỉnh, là “đầu tầu” kinh tế, thu hút và lan tỏa các động lực phát triển kinh tế, góp phần hiện thực hóa khát vọng hùng cường chung trong vùng và của cả nước…

Ông Nguyễn Lâm Thành – Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc Quốc hội, Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ Hữu nghị Việt Nam Hy Lạp, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên phát biểu

Để thủ đô gió ngàn Thái Nguyên phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới, Ông Nguyễn Lâm Thành – Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc Quốc hội, Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ Hữu nghị Việt Nam Hy Lạp, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên kiến nghị tỉnh Thái Nguyên cần tiếp tục tập trung vào các lợi thế sẵn có: Một là khai thác tiềm năng vị trí địa kinh tế Vùng Thủ đô; Hai là tập trung nguồn lực phát triển khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao, công nghiệp điện tử, công nghiệp phụ trợ, xây dựng chính quyền số, xã hội số. Ba là, chú trọng phát triển khu vực kinh tế tư nhân; khuyến khích hình thành những cụm sản xuất có sự tương quan trong cũng lĩnh vực làm tiền đề, cơ sở kết nối chuỗi sản xuất, chuỗi sản phẩm, chuỗi giá trị nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Bốn là phát huy lợi thế về tự nhiên khi vừa có núi, trung du và đồng bằng với nhiều hệ sinh thái cho phát triển nông lâm nghiệp. Đặt trọng tâm là phát triển các sản phẩm nông nghiệp hóa chủ lực, thế mạnh của địa phương, nâng cao chất lượng, giá trị cây chè và sản phẩm trà. Hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, sản xuất nông nghiệp an toàn, hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao. Năm là, phát huy vị thế là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu nhân lực cho phát triển kinh tế xã hội. Sáu là phát huy truyền thống lịch sử văn hóa Vùng Chiến khu cách mạng, giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc thiểu số để phát triển du lịch. Bảy là phát huy và làm bền chặt hơn nữa truyền thống đoàn kết của Đảng bộ và chính quyền nhân dân các dân tộc, tạo sự đồng thuận cao bằng cách thực hiện tốt công tác dân tộc, tôn giáo theo nguyên tắc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, đúng pháp luật, giúp đỡ nhau cùng phát triển, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc. Và cuối cùng, Thái Nguyên cần quảng bá hình ảnh và tiềm năng của tỉnh nhiều hơn nữa thông qua hệ thống báo chí của địa phương và trung ương. Đồng thời, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, tiếp tục củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại của địa phương.

Nhà báo Nguyễn Đức Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà Báo Việt Nam phát biểu

Phát biểu bế mạc diễn đàn, Nhà báo Nguyễn Đức Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà Báo Việt Nam cho biết: Chương trình “về nguồn” năm này đúng dịp kỷ niệm 132 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2022), Trước anh linh của Người, tập thể cán bộ, hội viên, nhà báo - Hội Nhà báo Việt Nam bày tỏ lòng thành kính với Bác – người thầy vĩ đại của Báo chí cách mạng Việt Nam. Truyền thống 72 năm qua là điểm tựa, tiếp sức cho thế hệ người làm báo cả nước nói chung và người làm báo Thái Nguyên nói riêng trong hành trình phát triển. Năm nay cả nước và thế giới đang gồng mình chống đại dịch Covid-19 dẫn đến nhiều sự kiện không thể tổ chức được để đảm bảo yêu cầu an toàn. Trước anh linh của Người, tập thể cán bộ, hội viên, nhà báo - Hội Nhà báo Việt Nam đã bày tỏ lòng thành kính với Bác – người thầy vĩ đại của báo chí cách mạng Việt Nam. Đoàn cũng đã dâng hương báo công lên Bác các thành tích mà Hội Nhà báo Việt Nam đã đạt được trong thời gian qua.

Có thể nói, việc tổ chức hành trình về nguồn là hoạt động thường niên của Hội Nhà báo Việt Nam, mang nhiều ý nghĩa thiết thực, góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ cán bộ, hội viên Hội Nhà báo Việt Nam hôm nay, từ đó phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, đóng góp tích cực xây dựng nền báo chí cách mạng Việt Nam giàu tính chiến đấu, nhân văn, chuyên nghiệp và hiện đại và đặc biết tổ chức nhiều hoạt động thiết thực hơn nữa trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, nhà báo Nguyễn Đức Lợi đánh giá cao diễn đàn trực tuyến đã giúp các hội viên ở xa có cơ hội được tham quan những di tích, hiện vật tại nơi thành lập Hội Nhà báo Việt Nam. Qua đó giúp các hội viên ở xa hiểu biết hơn về truyền thống Hội Nhà báo Việt Nam. Diễn đàn trực tuyến đã giúp tiết kiệm trong công tác tổ chức, đồng thời hưởng ứng quyết tâm chuyển đổi số của Hội Nhà báo Việt Nam.

Ban tổ chức diễn đàn chụp ảnh lưu niệm

LỊCH SỬ DI TÍCH NƠI THÀNH LẬP HỘI NHÀ BÁO VIỆT NAM

Cách đây 72 năm, ngày 21/4/1950, tại chính địa điểm này, đã diễn ra Hội nghị thành lập Hội những người viết báo Việt Nam (Tức Hội nhà báo Việt Nam ngày nay) do đồng chí Xuân Thủy làm Hội trưởng. Điều lệ của Hội được thông qua, nêu rõ mục đích của Hội đó là xây dựng nền dân chủ nhân dân bằng chính nghề nghiệp của mình, bênh vực quyền lợi của những người viết báo, nâng cao vệ thế của người làm báo. Đây cũng được xác định là Đại hội lần thứ I.

Tháng 7/1950, tại Đại hội lần III của Tổ chức quốc tế các nhà báo họp tại Hensiki, thủ đô Phần Lan đã quyết định công nhận Hội những người viết báo Việt Nam là một thành viên chính thức với trên 300 hội viên.

Hội những người viết báo Việt Nam ra đời vào thời điểm cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp của dân tộc ta đang trong giai đoạn vô cùng cam go, khốc liệt. Hội đã trở thành mái nhà chung quy tụ những người làm báo, dùng ngòi bút, trang giấy để phục vụ cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Từ mái nhà chung ấy, các phóng viên, nhà báo đã tỏa đi khắp các chiến trường. Những thước phim, hình ảnh, những bài báo liên tục được gửi về đã phản ánh chân thực nhất, sinh động nhất cuộc đấu tranh của nhân dân ta và tội ác của kẻ thù. Có những khó khăn, gian khổ, những giọt nước mắt đã rơi, thậm chí máu của các anh chị đã đổ xuống...

Để ghi dấu lại sự kiện vô cùng quan trọng này, năm 2004, địa điểm di tích đã được xếp hạng Di tích lịch sử cấp Quốc gia. Năm 2005, nhà bia di tích được xây dựng. Năm 2010, nhân dịp kỉ niệm 60 năm ngày thành lập Hội nhà báo Việt nam Nhà trưng bày di tích được xây dựng. Tầng 1 là nơi đón tiếp khách thăm quan. Tầng 2 lưu giữ hơn 100 tài liệu, hiện vật, hình ảnh giới thiệu khái quát về sự phát triển của báo chí Việt Nam qua các thời kỳ.

Nhà trưng bày Hội nhà báo được trưng bày theo 4 giai đoạn:

Giai đoạn 1: Báo chí Việt Nam thời kì từ năm 1865 đến năm 1925.

Giai đoạn 2: Báo chí cách mạng thời kỳ trước khi thành lập Hội nhà báo Việt Nam ( 1950).

Giai đoạn 3: Hội nhà báo Việt Nam từ năm 1950 đến 1985.

Giai đoạn 4: Hội nhà báo Việt Nam từ 1986 đến nay.

Giữa gian long trọng là bức tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh – Người khai sinh ra nền báo chí cách mạng Việt Nam, người thầy mẫu mực của các nhà báo!

+ Năm 1858, Thực dân Pháp nổ tiếng súng đầu tiên tại bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng – Mở đầu cho cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Nam Kỳ trở thành xứ thuộc địa và cũng được hưởng quyền tự do báo chí giống như chính quốc. Điều này đã dẫn tới sự ra đời của tờ Gia Định Báo – Tờ báo tiếng Việt đầu tiên ở nước ta, ngày 15/4/1865 tại Sài Gòn.

Tiếp sau đó, rất nhiều tờ báo khác ra đời cả ở Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ: Trung Bắc tân văn, Nông cổ mín đàm...Ở giai đoạn này còn phải kể đến tờ báo viết bằng tiếng Pháp, được xuất bản tại Pari và đã được đưa về Việt Nam để truyền bá Chủ nghĩa Mác – Lenin, đó là tờ Le Paria – Người cùng khổ - do Nguyễn Ái Quốc sáng lập và chủ bút vào năm 1922.

Ngày 21/6/1925 tại Quảng Châu – Trung Quốc, Nguyễn Ái Quốc sáng lập tờ báo Thanh Niên – Tờ báo theo chủ nghĩa Mác – Lenin nhằm đấu tranh giải phóng dân tộc. Với tờ báo này, Nguyễn Ái Quốc đã trở thành người khai sinh ra nền báo chí cách mạng Việt Nam.

Tiếp sau đó, rất nhiều tờ báo khác đã ra đời. Chỉ tính đến tháng 6/1936 đã có 120 tờ báo của Đảng được xuất bản cả bí mật lẫn công khai. Thực tế này đã đặt ra 1 yêu cầu: Phải có 1 tổ chức chung của những người làm báo. Chính vì vậy, đầu năm 1947, Đoàn báo chí kháng chiến được thành lập tại ATK Định Hóa.

Đặc biệt, vào đầu buổi chiều ngày 21/4/1950 tại Hội trường 8 mái tại Ròong Khoa đã diễn ra Hội nghị thành lập Hội những người viết báo Việt Nam( Hội nhà báo Việt Nam ngày nay).

Trải qua 72 năm thành lập, cùng 11 kỳ Đại hội, Hội nhà báo Việt Nam đã không ngừng trưởng thành, lớn mạnh, trở thành tiếng nói của Đảng, Nhà nước, nhân dân.

Địa điểm di tích Nơi thành lập Hội nhà báo Việt Nam ghi dấu sự quan tâm sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh – Người khai sinh nền báo chí cách mạng Việt Nam, người thầy mẫu mực của các nhà báo. Đây cũng trở thành lối đi về quen thuộc của thế hệ các nhà báo hôm nay và cả mai sau!

Nhóm PV

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Ngày 31/5, tại Hà Nội, Hội đồng Giải Báo chí Quốc gia đã khai mạc vòng chấm chung khảo Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVIII năm 2023.
Đạo đức cách mạng là "gốc" của người cách mạng, những người bằng uy tín của mình được nhân dân tín nhiệm giao trọng trách nắm và giương cao ngọn cờ lãnh đạo cách mạng của dân tộc. Kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại (19/5/1890 - 19/5/2024) là dịp để mỗi cán bộ, đảng viên thêm quyết tâm học tập, tu dưỡng, rèn luyện và thực hành đúng, thực chất đạo đức cách mạng, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, mãi là ngọn cờ lãnh đạo dân tộc trong thời kỳ mới.
Thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành Quy định số 144-QĐ/TW ngày 9/5/2024 của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới.
Thay mặt Bộ Chính trị, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đã ký ban hành Quy định số 142-QĐ/TW ngày 23/4/2024 quy định thí điểm giao quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trong công tác cán bộ.