Báo chí đồng hành cùng du lịch Việt Nam vượt qua đại dịch Covid-19
15:38 27/11/2021
- Hoạt động công tác Hội
Ngày 27/11, tại Hà Nội, Tạp chí Người Làm Báo – Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Tổng cục Du lịch, Hiệp hội lữ hành Việt Nam, Truyền hình HITV/Truyền hình Cáp Hà Nội tổ chức Diễn đàn trực tuyến "Báo chí đồng hành cùng du lịch Việt Nam vượt qua khủng hoảng Covid-19".
Dự diễn đàn có đại diện Tổng cục Du lịch, Hội Nhà báo các tỉnh TP, Sở Du lịch các tỉnh TP, đặc biệt có sự hiện diện của lãnh đạo Sở VHTTDL tỉnh Vĩnh Phúc, Sở VHTTDL Lạng Sơn, Sở Du lịch Khánh Hoà, Sở Du lịch Quảng Bình, lãnh đạo Hiệp hội du lịch Lạng Sơn, Khánh Hoà, lãnh đạo Hội nhà báo Tỉnh Lạng Sơn, Khánh Hoà và Trung tâm Truyền thông Tỉnh Quảng Ninh, cùng các phóng viên, nhà báo theo dõi truyền hình trực tuyến trên nền tảng mạng xã hội Facebook…
Ban Chủ trì diễn đàn trực tuyến
Chủ trì diễn đàn là Ông Nguyễn Quý Phương - Vụ trưởng Vụ Lữ hành– Tổng cục Du lịch Việt Nam; Ông Phùng Quang Thắng - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist; PGS.TS. Nguyễn Thành Lợi - Ủy viên BCH Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí Người làm báo, Hội Nhà báo Việt Nam và PGS. TS. Dương Văn Sáu - Trưởng Khoa Du lịch – Đại học Văn Hoá Hà Nội.
Phát biểu đề dẫn diễn đàn, PGS.TS. Nguyễn Thành Lợi cho biết: Năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, du lịch Việt Nam chịu tổn thất nặng nề nhất. Lượng khách quốc tế cả năm 2020 ước chỉ đạt 3,8 triệu lượt, giảm gần 80% so với năm trước; khách du lịch trong nước cũng giảm đến 50%; tổng thu du lịch cả nước thiệt hại lên đến hàng trăm nghìn tỷ đồng.
PGS.TS. Nguyễn Thành Lợi phát biểu đề dẫn
PGS.TS. Nguyễn Thành Lợi dẫn thông tin: Tổ chức Du lịch thế giới dự báo du lịch quốc tế sẽ phải mất từ 3 - 4 năm để phục hồi. Trong khi đó, lúc này, đại dịch COVID-19 đã bào mòn năng lực của doanh nghiệp, phần lớn các doanh nghiệp du lịch đang gặp khó khăn về tài chính, nhiều doanh nghiệp chuyển hướng kinh doanh; thu nhập người lao động bị giảm, tâm lý hạn chế chi tiêu ảnh hưởng lớn tới tiêu dùng du lịch của đại bộ phận người dân, nhu cầu thị trường giảm sút… Điều này buộc ngành Du lịch phải chuyển hướng vào tập trung phát triển du lịch nội địa. Du lịch phải cùng lúc thực hiện "nhiệm vụ kép": vừa bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe người dân vừa duy trì kinh doanh. Theo các chuyên gia, 2021 - 2022, du lịch nội địa sẽ là đòn bẩy quan trọng để ngành phục hồi sau COVID-19, trong đó yếu tố an toàn vẫn được đặt lên hàng đầu. Chú trọng phát huy liên kết giữa các địa phương, doanh nghiệp theo phương châm "Liên kết, hành động và phát triển". …
Các đại biểu dự diễn đàn trực tuyến
Năm 2021, ngành Du lịch đề ra 5 nhiệm vụ chính, trong đó tiếp tục tập trung tăng cường truyền thông và triển khai ứng dụng các tiêu chí du lịch an toàn; tiếp tục đề xuất và phối hợp triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ của Chính phủ đối với doanh nghiệp du lịch; đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch; tăng cường xúc tiến thị trường du lịch trong nước, duy trì quảng bá ra thị trường du lịch nước ngoài; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch. Nhưng trước khó khăn, thách thức, du lịch Việt Nam đã nỗ lực chủ động thích ứng, phát huy nội lực và khôi phục hoạt động trong tình hình mới - PGS.TS. Nguyễn Thành Lợi cho biết.
Bà Nguyễn Thị Lệ Thanh - Giám đốc Sở Du lịch Khánh Hoà, Tỉnh Khánh Hoà phát biểu
Mở đầu phiên thứ nhất về công tác truyền thông về du lịch Việt Nam vượt qua Đại dịch Covid-19, bà Nguyễn Thị Lệ Thanh - Giám đốc Sở Du lịch Khánh Hoà, Tỉnh Khánh Hoà đã nêu lại những khó khăn của du lịch Việt Nam trong đó có du lịch tỉnh Khánh Hòa trong đại dịch Covid-19, đồng thời bà cũng ca ngợi vai trò của báo chí truyền thông đối với ngành du lịch lữ hành...
Ông Lê Xuân Thơm – Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hải Đăng (Hải Đăng Group) phát biểu
Tiếp đó doanh nhân Lê Xuân Thơm – Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hải Đăng (Hải Đăng Group) nêu chủ đề: Các Doanh nghiệp Du lịch gồng mình vượt qua đại dịch, cần có giải pháp để vực dậy ngành du lịch…! Bên cạnh những khó khăn chung, ông đã chia sẻ những khó khăn về tài chính của các doanh nghiệp du lịch lữ hành trong giai đoạn vừa qua. Ông mong muốn Chính phủ có chính sách giãn nợ cho các doanh nghiệp du lịch lữ hành, để từ đó các doanh nghiệp dần phục hồi trở lại. Ông kêu gọi người Việt Nam, hãy đi du lịch Việt Nam, kích cầu du lịch trong nước đồng thời thu hút thêm du khách nước ngoài. Bên cạnh đó, ông cũng đề xuất các doanh nghiệp du lịch lữ hành cần thực hiện tiêm phòng vắc xin Covid-19 cho các nhân viên, lễ tân,... để góp phần chống lại Covid-19 tốt nhất. Ngoài ra ông cũng đề xuất tỉnh Khánh Hòa mở lại các con đường một chiều thành hai chiều (mà trước đây để dành cho du khách) để người dân có thể đi lại hai chiều, tạo điều kiện thuận lợi cho di chuyển và các hàng quán cũng dễ dàng bán hàng. Ngoài ra hiện tại, giao thông Khánh Hòa đang khá thoáng đãng do ít du khách, ông cũng đề xuất tỉnh Khánh Hòa cho phép các xe du lịch trên 45 chỗ có thể di chuyển vào trong nội thành cho đến khi lượng khách đông trở lại. Bên cạnh đó, ông cũng đề xuất tỉnh Khánh Hòa nên nới giờ cho các quán bar, cửa hàng có thể mở cửa qua nửa đêm để phát triển tốt hơn kinh tế ban đêm.
Ông Đặng Đông Hà – Phó GĐ Sở Du lịch Quảng Bình phát biểu
Ông Đặng Đông Hà – Phó GĐ Sở Du lịch Quảng Bình nêu chủ đề về Các Doanh nghiệp Du lịch Quảng Bình và Sở Du lịch Quảng Bình tìm hướng đi để khắc phục khó khăn do dịch bệnh Covid19. Ông nêu giải pháp liên kết du lịch với các tỉnh lân cận như Quảng Nam, Đà Nẵng, rồi các quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản.. tổ chức hội thảo xúc tiến du lịch đảm bảo phòng chống Covid-19. Ông cũng chia sẻ những chính sách của tỉnh Quảng Bình đối với doanh nghiệp du lịch lữ hành như triển khai tiêm vắc xin, giãn nợ hoãn nợ cho doanh nghiệp,... Ông đã đề xuất Tổng cục Du lịch tìm giải pháp để đồng bộ tuyến đường du lịch của các du khách đã tiêm vắc xin Covid-19, không làm ảnh hưởng đến khách du lịch khi họ tham gia các chuyến du lịch qua các tỉnh thành...
Phóng viên Lại Thúy Hà - Báo Văn Hóa tại hiện trường
Phóng viên Lại Thúy Hà - Báo Văn Hóa đã truyền hình trực tuyến tại Bảo tàng lịch sử Việt Nam. Chị đã mô tả lại không khí du lịch tại các cơ sở du lịch hiện nay. Chị mong muốn du lịch Việt Nam sẽ sớm phục hồi trở lại để kinh tế xã hội Việt Nam phát triển hơn nữa.
Ông Ngô Hải Dương - Phó Tổng Biên tập Tạp chí Du lịch phát biểu
Nhà báo Ngô Hải Dương - Phó Tổng Biên tập Tạp chí Du lịch đã nhấn mạnh vai trò cơ quan báo chí trong việc phục hồi du lịch. Trong 2 năm đồng hành cùng du lịch trước tác động của dịch COVID-19, các cơ quan báo chí luôn dành sự quan tâm trong việc truyền thông để thúc đẩy du lịch phát triển, phù hợp với từng diễn biến dịch. Theo ông, từ trước đến nay hệ thống báo chí Việt Nam có vai trò trong quảng cáo du lịch Việt Nam đặc sắc, thông tin đáng tin cậy đóng góp 1 phần không nhỏ vào thành công du lịch. Báo chí có vai trò quan trọng với du lịch và ngược lại du lịch cũng khai thác báo chí phát triển. Báo chí đã đang có vai trò quan trọng đối với ngành du lịch phát triển. Không chỉ góp phần tuyên truyền chiến lược thúc đẩy du lịch nội địa với phương châm “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”, các cơ quan báo chí cũng thường xuyên cập nhật thông tin, chính sách và các giải pháp phục hồi du lịch của các nước khác trên thế giới, để tạo động lực và kinh nghiệm cho các doanh nghiệp du lịch Việt Nam trong việc phục hồi thị trường nội địa và quốc tế.
Theo nhà báo Ngô Hải Dương, do ảnh hưởng của dịch Covid 19, ngành du lịch bị thiệt hại nặng nề. Báo chí đã kịp thời chia sẻ khó khăn, các loại hình du lịch mới phù hợp với tình hình dịch. Theo các thống kê trên thế giới, ông tin chắc rằng du lịch sẽ phát triển trở lại nhanh nhất hiện nay. Ngoài động viên báo chí còn chủ động cập nhật thông tin trên thế giới. Tổ chức các chương trình, diễn đàn đề xuất đóng góp ý kiến cho ngành du lịch trong thời gian tới, Tạo thêm động lực cho du khách du lịch trở lại. Tiếp tục có sự cổ vũ động viên đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Ông Hoàng Quốc Hoà – Phó GĐ Trung tâm Thông tin Du lịch – Tổng cục Du lịch Việt Nam phát biểu
Ông Hoàng Quốc Hoà – Phó GĐ Trung tâm Thông tin Du lịch – Tổng cục Du lịch Việt Nam đã trình bày tham luận về Cách mạng công nghiệp 4.0 và tiến trình phát triển du lịch thông minh tại Việt Nam sau đại dịch Covid.
Theo ông Hòa, các địa phương, doanh nghiệp du lịch trong nước cũng đã chú trọng tới hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ phát triển du lịch, quảng bá sản phẩm, điểm đến, phục vụ tìm kiếm, chia sẻ thông tin, đặt dịch vụ, thanh toán trực tuyến. Nhiều địa phương đã xây dựng kế hoạch phát triển du lịch thông minh trên địa bàn.
Ông Hòa thông tin thêm: Triển khai thực hiện “Đề án tổng thể ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2025” và các chương trình, kế hoạch chuyển đổi số, Tổng cục Du lịch hướng đến mục tiêu hình thành hệ sinh thái thông minh trong ngành du lịch, xây dựng các nền tảng số để kết nối các chủ thể trong ngành (khách du lịch, nhà cung cấp dịch vụ, điểm đến và cơ quan quản lý) như Cơ sở dữ liệu Du lịch Việt Nam, Hệ thống Cơ sở dữ liệu du lịch Việt Nam an toàn, Hệ thống truyền thông trên nền tảng website và mạng xã hội…
Ông Nguyễn Quý Phương - Vụ trưởng Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch Việt Nam phát biểu
Tổng kết phiên thứ nhất, ông Nguyễn Quý Phương cho biết Dịch bệnh Covid-19 đã khiến ngành du lịch chịu thiệt hại trực tiếp và nặng nề nhất. Mặc dù đã rất nỗ lực kích cầu du lịch nội địa, nhưng các chỉ số tăng trưởng của ngành vẫn sụt giảm nghiêm trọng… Nhằm tháo gỡ khó khăn, các doanh nghiệp đề xuất các giải pháp khôi phục và phát triển du lịch, đề xuất đẩy mạnh công tác truyền thông điểm đến du lịch an toàn; Cùng với đó là cơ chế chính sách hoàn thuế, giảm thuế; miễn phí cho các doanh nghiệp vận tải du lịch…. Để thực hiện khôi phục hoạt động du lịch Việt Nam sau dich, bên cạnh hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục hoạt động kinh doanh, đẩy mạnh chuyển đổi số và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch và chất lượng dịch vụ... Du lịch sẽ tập trung công tác xúc tiến truyền thông điểm đến an toàn, đầu tư xây dựng các sản phẩm du lịch mới, tổ chức các sự kiện hấp dẫn quy mô lớn để thu hút khách du lịch cũng như tăng cường liên kết hợp tác để phát triển du lịch nội địa… Đây là thời điểm phù hợp để các đơn vị, doanh nghiệp cùng "ngồi lại", đánh giá "sức khỏe" của ngành, của doanh nghiệp cũng như định hướng lại thị trường nhằm đưa ra giải pháp hữu hiệu vực dậy thị trường du lịch, từng bước đưa Du lịch Việt Nam trở lại thời "hoàng kim" như trước khi diễn ra COVID-19.
Bà Nông Bích Diệp - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Lạng Sơn phát biểu
Bước vào phiên thứ hai, Bà Nông Bích Diệp - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Lạng Sơn cho biết hiện nay, Thành phố Lạng Sơn hết sức chú trọng phát triển du lịch. Lạng Sơn có nhiều thuận lợi trong du lịch như tuyến quốc lộ Hà Nội - Lạng Sơn thuận lợi, nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng và gần 600 di tích lịch sử; 7 dân tộc cùng phát triển trên tỉnh Lạng Sơn tạo nên bản sắc dân tộc đa dạng, các hoạt động lễ hội, festival ẩm thực,... Bà mong muốn báo chí cùng ngành truyền thông tiếp tục truyền thông du lịch phản hồi kịp thời nhiều hình thức du lịch an toàn đa dạng, phù hợp với tình hình hiện nay. Đặc biệt với các đơn vị du lịch, nhà lữ hành đã tổ chức thành công các đoàn du lịch từ đó học tập, áp dụng du lịch nội địa phù hợp với tình hình dịch hiện nay. Bà cũng mong muốn các cơ quan báo chí tích cực đồng hành cùng các công ty du lịch để xúc tiến các sản phẩm du lịch tốt trong giai đoạn hiện nay. Bên cạnh đó bà rất cảm ơn khi với tư cách của một cơ quan quản lý nhà nước tham dự diễn đàn này, qua đó nắm bắt thông tin để đưa ra những chính sách thiết thực phát triển du lịch kinh tế xã hội trong tỉnh.
Nhà báo Mai Vũ Tuấn - Giám đốc Trung tâm Truyền thông Quảng Ninh, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Quảng Ninh phát biểu
Nhà báo Mai Vũ Tuấn - Giám đốc Trung tâm Truyền thông Quảng Ninh, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Quảng Ninh cho biết: Ngành du lịch Việt Nam luôn là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn. Báo chí với nhiệm vụ quan trọng của truyền thông là vai trò chủ đạo trong góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế quốc gia, địa phương. Truyền thông du lịch góp phần phát triển đất nước, tăng nguồn thu ngân sách, quảng bá đất nước Việt Nam và con người ra trong nước và quốc tế
Theo nhà báo Mai Vũ Tuấn: Để du lịch phát triển với công chúng đặc biệt các du khách có thể bằng các hình thức trực tiếp như là famtrip, roadshow, giới thiệu các chính sách kích cầu, hội nghị trực tiếp,… thông qua các trang mạng xã hội, ấn phẩm các cơ quan báo chí truyền thông có vai trò hết sức quan trọng. Các cơ quan báo chí truyền thông với ưu thế có uy tín, tầm ảnh hưởng rộng, đã lan tỏa mạnh mẽ và không ngừng đổi mới, tương tác ngày càng cao. Vai trò quan trọng trong quảng bá, giới thiệu du lịch, quảng bá, hướng dẫn đã tạo niềm tin cho du khách. Đặc biệt là trong bối cảnh dịch Covid 19 hiện nay, vai trò này càng thể hiện khi đưa ra những thông điệp nội dung hướng dẫn du khách an toàn, góp phần tăng nhu cầu du lịch bằng các hoạt động truyền thông trong đó nòng cốt là các sản phẩm báo chí đã cung cấp các điểm đến thúc đẩy ngành du lịch phát triển. Ngoài ra, là một cơ quan phản biện xã hội, báo chí đặt ra các nội dung liên quan đến kiểm soát du lịch trở nên lịch sự văn minh thu hút du khách nhiều hơn, góp phần tích cực công tác quản lý về du lịch.
Là một trong các tỉnh phát triển du lịch, một trong các giải pháp thúc đẩy du lịch tỉnh Quảng Ninh là quan tâm đến công tác truyền thông trong đó có các chương trình truyền thông như: bầu chọn Vịnh Hạ Long là 1 trong 7 kỳ quan thiên nhiên mới, con thuyền “Vịnh Hạ Long” trong cuộc đua thuyền buồm vòng quanh thế giới danh tiếng,... góp phần tăng vị thế của Vịnh Hạ Long ra quốc tế mạnh mẽ. Vai trò truyền thông lại được khẳng định không những trong nước mà còn ở quốc tế. Hợp nhất các loại hình báo chí địa phương, hợp tác các cơ quan báo chí phía Bắc tổ chức các chương trình hội thảo, trao đổi chương trình thúc đẩy phát triển du lịch, hợp tác quốc tế với các đài phát thanh truyền hình Trung Quốc, Hàn Quốc trao đổi chương trình. Với Nghị quyết 128 của Chính phủ du lịch sẽ thích ứng một cách mạnh mẽ du lịch quay lại Việt Nam, truyền thông "hộ chiếu vaccine" sẽ là đóng góp quan trọng trong phục hồi lại du lịch. Cơ quan truyền thông tỉnh Quảng Ninh cùng các cơ quan báo chí trong cả nước đạt được mục tiêu phục hồi ngành du lịch.
Ông Phạm Văn Tuấn – Giám đốc chiến lược truyền thông Tập đoàn Trọng Tín – tỉnh Lạng Sơn
Ông Phạm Văn Tuấn – Giám đốc chiến lược truyền thông Tập đoàn Trọng Tín – tỉnh Lạng Sơn cho biết: Những khó khăn của ngành du lịch và của du lịch mua sắm Lạng Sơn nói trên không phải là vấn đề có thể giải quyết trong một sớm một chiều mà nó đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ của các cấp các ngành từ Trung ương đến địa phương. Giải quyết được những khó khăn trên sẽ tạo đà phát triển cho ngành du lịch Lạng Sơn, tăng đóng góp cho nền kinh tế địa phương nói riêng và cho kinh tế Việt Nam nói chung.
Ông Phạm Văn Tuấn chia sẻ: Về mặt tự nhiên Lạng Sơn được thiên nhiên ban tặng nhiều danh lam thắng cảnh, hang động kỳ thú và nhiều di tích lịch sử văn hoá, trong đó có những di tích danh thắng đã đi vào thi ca và lòng người như: Động Tam Thanh, Nhị Thanh, Nàng Tô Thị, núi Mẫu Sơn. Bên cạnh đó trong quá trình dựng nước và giữ nước của cha, ông Lạng Sơn cũng có nhiều di tích lịch sử, di tích cách mạng như: Ải Chi Lăng, Thành Nhà Mạc… Ngoài ra đây còn là một vùng quê xinh đẹp, với non nước xanh biếc của dòng sông Kỳ Cùng thơ mộng. Với những tiềm năng đó, trong quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, du lịch luôn được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn. Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh đã có các chủ trương về phát triển du lịch thông qua Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch của tỉnh giai đoạn 2010 – 2020, tầm nhìn đến năm 2030; các Chỉ thị, Nghị quyết, Chuyên đề và Chương trình hành động về tiếp tục đẩy mạnh phát triển Du lịch Lạng Sơn.
Ông Phạm Văn Tuấn nhấn mạnh: Phát triển du lịch Lạng Sơn tương xứng với tiềm năng thế mạnh trên địa bàn để nhanh chóng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Phát triển du lịch phải tạo ra sự liên kết chặt chẽ giữa các ngành kinh tế, văn hóa - xã hội; phải gắn với việc giữ gìn và phát huy truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc; kết hợp giữa việc bảo vệ và cải thiện môi trường sinh thái; giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội hướng tới phát triển bền vững để Lạng Sơn trở thành một trong những trung tâm du lịch lớn của vùng Đông Bắc. Với những định hướng phát triển cơ bản nêu trên, cùng với sự nỗ lực các cấp các ngành, sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các ngành chức năng, đặc biệt là bằng năng động sáng tạo của các doanh nghiệp du lịch và cộng đồng xã hội trên địa bàn tỉnh, tin tưởng rằng du lịch Lạng Sơn sẽ có bước phát triển mạnh mẽ và bền vững hơn trong giai đoạn tiếp theo, phấn đấu là một trong những trung tâm phát triển du lịch vùng trung du miền núi phía Bắc.
TS. Nguyễn Hồng Hà - Ban khoa giáo Đài Truyền hình Việt Nam phát biểu
TS. Nguyễn Hồng Hà - Ban khoa giáo Đài Truyền hình Việt Nam đã đề xuất những phương thức truyền thông mới trong ngành du lịch. Bên cạnh đó TS. Nguyễn Hồng Hà cũng đề xuất việc chia sẻ hình ảnh, video, clip giữa các cơ quan báo chí để có thể tạo ra những sản phẩm truyền thông du lịch tốt nhất...
Nhà báo Phùng Khiêm, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Tỉnh Lạng Sơn phát biểu
Nhà báo Phùng Khiêm, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Tỉnh Lạng Sơn đã chia sẻ về hoạt động phòng chống Covid-19 của tỉnh Lạng Sơn và công tác thông tin truyền thông xúc tiến du lịch của tỉnh Lạng Sơn trong thời gian qua. Ông kiến nghị các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp cung cấp thông tin cho phóng viên, nhà báo để có những sản phẩm báo chí truyền thông tốt phục vụ phát triển du lịch Việt Nam...
Ông Phạm Duy Nghĩa – Giám đốc Lucky Land, TGĐ Công ty Du lịch Bàn chân Việt (Vietfoot Travel) phát biểu
Ông Phạm Duy Nghĩa – Giám đốc Lucky Land, TGĐ Công ty Du lịch Bàn chân Việt (Vietfoot Travel) đã nêu những khó khăn thách thức của doanh nghiệp du lịch cần vượt qua sau Dịch. Thứ nhất, là nguồn khách (khách dè dặt đi lại, kinh tế cạn kiệt, dịch vụ bị ngắt kết nối do nhiều nhà cung cấp phá sản...., vẫn còn e ngại vì bệnh dịch nên chưa đi du lịch mặc dù một số tỉnh đã mở cửa đón khách như Quảng Ninh, Đà Nẵng, Khánh Hoà, phú quốc và Cát Bà Hải Phòng.... Thứ hai, là nhân sự của công ty, phần lớn đã nghỉ do không có việc, nhiều nhân viên đã phải tìm mọi cách để chuyển đổi để ổn định phần nào cuộc sống, nên nếu cty còn hoạt động hoặc tái khởi động thì phần lớn phải lo kiếm nhân sự được việc nếu không thì cũng phải đào tạo để lành nghề, nhiều nhân viên ở công ty du lịch khác có ý chuyển công ty nhưng phần lớn không phù hợp với công ty đang cần do nhiều yếu tố như tuổi tác, trình độ nghiệp vụ... Thứ ba, trường vốn để làm ăn hoặc tái khởi động lại doanh nghiệp, cần phải chuyển đổi hoặc tìm sản phẩm thay thế để phù hợp, nhất là các công ty tư nhân phải tự lo về tài chính của doanh nghiệp. Thứ tư, vấn đề về sản phẩm để phù hợp nhưng vẫn phải theo xu hướng (Trending) với xã hội, cần phải làm việc theo ekip, theo team mà hiện thì đang bị khuyết thiếu. Thứ năm, là truyền thông quảng bá sản phẩm . Ngày nay xu hướng sử dụng công nghệ ứng dụng 4.0 đang nhiều. Đòi hỏi các doanh nghiệp phải đầu tư chỉ tài chính, công nghệ, nhân sự chuyên nghiệp …trong khi hiện nay sau gần 2 năm vì dịch bệnh các 95% các doanh nghiệp du lịch gặp quá nhiều khó khăn, ngủ đông và đóng cửa cho nên thiếu thốn cả về nguồn lực và vật lực …Do vậy cần có sư chung tay của các cơ quan công quyền, hiệp hội, các tập đoàn, doanh nghiệp từ trung ương đến địa phương cùng nhau sát cách truyền thông quảng bá các sản phẩm du lịch đặc sắc của từng địa phương nhằm kích cầu du lịch trở lại. Ví dụ như các các Chương trình famtrip liên kết …
Về giải pháp, ông Phạm Duy Nghĩa đã đề xuất kết hợp du lịch và bất động sản. Theo đó, các đơn vị Lữ hành phải tạo ra những tuyến điểm, mô hình mới kết hợp với các Chủ đầu tư BĐS nghỉ dưỡng tại các vùng miền để tạo ra các chuỗi sản phẩm liên kết giữa BĐS Du lịch để lên kế hoạch Tour du lịch (2N1Đ, 3N2Đ, 4nN3Đ) vừa tham quan các danh lam thắng cảnh kết hợp đầu tư BĐS tại địa phương… Ông Nghĩa đề xuất phân bố 3 sản phẩm BĐS du lịch chính là: Condotel, Villa, Shophouse liên kết với các Chủ đầu tư tại các địa phương như: Hòa Bình, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Hải Phòng, Quảng Bình, Huế, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang, Phú Quốc…
Theo ông Nghĩa, sự kết hợp BĐS du lịch đã phát triển vài năm trở lại đây với việc Khách hàng mua Condotel, Resort villa tại các Tỉnh thành… giao cho chủ Đầu tư BĐS quản lý, khai thác cho thuê và chia sẻ lợi nhuận theo lợi nhuận kinh doanh thực tế của căn hộ…
Ông Nghĩa kết luận BĐS du lịch tại nước ta đã có sự phát triển đa dạng về loại hình sản phẩm, gần như toàn bộ các loại hình sản phẩm BĐS du lịch đều đã có mặt tại Việt Nam. Điều này thể hiện sự nhạy bén của các nhà đầu tư trong việc nắm bắt nhu cầu của khách, mở ra nhiều dòng sản phẩm khác nhau phục vụ nhu cầu đa dạng của du khách Du lịch & phù hợp với mục tiêu đầu tư, khả năng tài chính của các nhóm nhà Đầu tư BĐS khác nhau…
Ông Trương Quốc Hùng - Chủ tịch CLB Lữ hành Unesco Hà Nội phát biểu
Ông Trương Quốc Hùng - Chủ tịch CLB Lữ hành Unesco Hà Nội đề xuất các doanh nghiệp du lịch lữ hành đẩy mạnh hợp tác với các cơ quan báo chí để thực hiện truyền thông du lịch tốt hơn. Theo ông, truyền thông là hết sức quan trọng để xúc tiến du lịch, làm thế nào để du lịch Việt Nam phục hồi dần như Thái Lan, trong khi hai quốc gia đều đang phòng chống dịch quyết liệt như hiện nay.
Ông Trương Quốc Hùng mong muốn các doanh nghiệp lữ hành sẽ được tiếp cận các nguồn vốn tốt hơn, dễ dàng hơn từ các ngân hàng, qua đó giúp phục hồi và phát triển du lịch Việt Nam mạnh mẽ hơn. Bên cạnh đó, ông đề nghị các doanh nghiệp tái đào tạo và tuyển mới nguồn nhân lực để đáp ứng tình hình trong điều kiện mở cửa du lịch và thích ứng với Covid-19.
Bà Hoàng Ánh Nguyệt - đại diện Công ty TNHH TMDL Quốc tế Đình Anh (Minh Châu Beach Resort) phát biểu
Bà Hoàng Ánh Nguyệt - đại diện Công ty TNHH TM Du lịch Quốc tế Đình Anh (Minh Châu Beach Resort) cho biết: Tôi tham gia diễn đàn hôm nay rất vui khi được trao đổi cùng các anh chị - những trái tim nóng luôn cống hiến cho ngành du lịch Việt Nam. Tôi là người quản lý du lịch trẻ, tôi đã được đi khá nhiều nơi, tôi mong muốn báo chí truyền thông đưa du lịch Việt Nam phát triển theo hướng bền vững với việc bảo vệ môi trường thật tốt. Tôi là đại diện của Minh Châu Beach Resort nằm tại đảo Quan Lạn, nơi được hưởng không khí rất sạch, nguồn biển sạch, được sống và làm việc trong môi trường của tỉnh Quảng Ninh, được tỉnh quan tâm rất nhiều. Vừa qua chúng tôi có một đoàn khách nhưng rất tiếc chưa thể khởi hành do dịch Covid-19 bùng phát. Tuy nhiên sau đó, chúng tôi đã có đoàn khách khoảng 200 người. Lãnh đạo Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh rất chào đón đoàn, sẵn sàng ra đầu đường để đón, tặng hoa cho đoàn. Tôi thấy đó là sự hỗ trợ rất tốt của ban lãnh đạo tỉnh. Việt Nam là đất nước an toàn, ổn định và an ninh, bảo vệ môi trường tốt, đi đến đâu biển cũng rất sạch, người dân có ý thức. Tôi luôn cố gắng đào tạo nhiều hơn về nghiệp vụ du lịch cho người dân đảo Quan Lạn theo những quy chuẩn tốt, chỉn chu, lịch sự, theo tư duy phát triển du lịch bền vững. Chúng tôi mang trái tim trẻ cống hiến vô điều kiện cho du lịch Việt Nam.
Phát biểu bế mạc diễn đàn, PGS.TS. Nguyễn Thành Lợi - Ủy viên BCH Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí Người Làm Báo cho biết: Diễn đàn đã nhận được 15 ý kiến từ các doanh nghiệp, nhà báo, lãnh đạo các tỉnh thành... Các đại biểu đều đồng nhất ý kiến rằng: Đại dịch Covid-19 đã tác động rất lớn đến các ngành, khó khăn chồng khó khăn về tài chính, nhân lực, tiêm vắc xin, về công nghệ,... Ngành du lịch của nước ta rất mong sự vào cuộc kịp thời của các cấp, các ngành, trong đó đặc biệt là vai trò của truyền thông. Làm thể nào để giúp quảng bá, phát triển du lịch trong thời gian tới, báo chí truyền thông phải đồng hành, hỗ trợ, giúp doanh nghiệp, cụ thể cung cấp thông tin nhiều hơn nữa cho các cơ quan chức năng, cơ quan quản lý nhà nước, để qua đó nhà nước có những chính sách thay đổi hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua Covid-19. Đặc biệt báo chí phải đưa tin khách quan, trung thực, đảm bảo ngành du lịch phát triển. Bên cạnh đó, báo chí cần phối hợp với truyền thông xã hội và các phương tiện truyền thông mới để tạo ra sản phẩm truyền thông hiệu quả, đặc biệt chú trọng vai trò của chính quyền địa phương và các cơ quan cấp hội nhà báo. Thông qua các sản phẩm tốt về du lịch địa phương giúp cho chính địa phương phát triển, phục hồi kinh tế vượt qua đại dịch. Bên cạnh đó, báo chí phải đưa tin sao cho vừa phát triển du lịch, vừa phòng chống dịch một cách hiệu quả, qua đó, thúc đẩy hoạt động kinh tế xã hội thích nghi tốt với đại dịch
PGS.TS. Nguyễn Thành Lợi kết luận: Để phát triển du lịch, phải thay đổi nhận thức tư duy, đặc biệt hoàn thiện thể chế chính sách giúp cho du lịch phát triển bền vững, nâng cao chất lượng dịch vụ, đa dạng hóa thị trường khách du lịch; phát triển sản phẩm du lịch; đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá, xây dựng thương hiệu du lịch và hợp tác, hội nhập quốc tế về du lịch; ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản phẩm du lịch, đưa du lịch Việt Nam vượt qua đại dịch Covid-19.
Nhóm PV
Bình luận: 0
Tin tức liên quan
- Giải Vô địch Bóng bàn Hội Nhà báo Việt Nam sẽ diễn ra trong tháng 12/2024 (04:01 18/11/2024)
- Hội Nhà báo Việt Nam tiếp xã giao đoàn Đại sứ Cuba (05:29 21/10/2024)
- Vinh danh 22 tác phẩm đoạt Giải báo chí Tây Nguyên lần thứ I (12:41 05/08/2024)
- Đoàn công tác Hội Nhà báo Việt Nam thăm, chúc mừng Sư đoàn 312 (05:21 26/12/2023)
- Nâng cao đạo đức nghề nghiêp, trách nhiệm của người làm báo (01:02 18/11/2023)