Báo chí Đồng bằng sông Hồng ứng phó với biến đổi khí hậu

Hải Phòng, Thái Bình và Nam Định, từ thập niên 90 của thế kỷ XX đến nay đã hứng chịu khoảng 30 trận bão, 3 trận lốc, 4 trận lũ... gây thiệt hại lớn về người và tài sản, ước tính hàng chục nghìn tỷ đồng....

Cấp bách ứng phó với biến đổi khí hậu (Ảnh minh họa, nguồn Internet)

Các hiện tượng thời tiết cực đoan như nhiệt độ tăng cao, nắng nóng kéo dài, lượng mưa thay đổi bất thường, mức độ rét đậm, rét hại, áp thấp nhiệt đới, bão lũ, hạn hán, sạt lở đất, nước biển dâng, dịch bệnh, xâm nhập mặn... đang đặt ra cho các địa phương và cả nước nói chung những thách thức nghiêm trọng tới sự phát triển bền vững.

Báo chí góp phần phát triển bền vững

Hải Phòng, Thái Bình và Nam Định xác định báo in và các đài PT-TH là lực lượng chủ lực. Đây là hai cơ quan báo chí lớn nhất, là tiếng nói của đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương. Báo chí Trung ương và địa phương có ưu thế và hạn chế riêng. Tuy nhiên ở địa phương thì vai trò, tác động của báo chí địa phương có ý nghĩa trực tiếp, thiết thực, hữu ích và cần thiết hơn.

Về nội dung:

Hầu hết 3 tờ báo in và 3 đài PT-TH của 3 tỉnh, thành phố đã quan tâm, kịp thời tuyên truyền, phổ biến, giải thích cho công chúng các vấn đề về biến đổi khí hậu (BĐKH): Thế nào là BĐKH? Nguyên nhân của BĐKH? Tác động tích cực và tiêu cực của BĐKH đối với Việt Nam và chính địa phương như thế nào? Giải pháp ứng phó, thích ứng và hài hòa với BĐKH ra sao? Thế nào là phát triển bền vững? Mục đích của những thông tin trên là từng bước giúp cho công chúng địa phương hiểu biết và nhận thức đúng để hành động trong thực tế.

Báo chí địa phương cũng kịp thời tuyên truyền, phổ biến, giải thích chủ trương, đường lối của Đảng, của Tỉnh ủy, Thành ủy và cơ chế, chính sách, pháp luật của nhà nước, UBND tỉnh, các cấp, các ngành trong tỉnh, thành phố về ứng phó với BĐKH ở địa phương. Những thông tin này giúp công chúng hiểu biết, có niềm tin và cơ sở để hành động trong thực tiễn. Đây cũng là thông tin quan trọng, thiết thực, hữu ích cho mọi người.

Báo chí các tỉnh đã phản ánh kịp thời các hoạt động của người dân trong việc phòng ngừa, giảm thiểu thiên tai và ứng phó với BĐKH như trồng rừng ngập mặn, đắp đê, kè bờ, củng cố kênh mương, bê tông hóa mặt đê... đặc biệt là các cách thức mà người dân đang thích ứng dần và sống hài hòa với BĐKH như chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, thay đổi mùa vụ, lai tạo giống, cải tạo nhà cửa, sắp xếp lại cuộc sống... để “sống chung” với BĐKH. Đây là những biện pháp quan trọng, cần thiết để ứng phó, thích nghi, hài hòa với BĐKH, từ đó duy trì sinh kế bền vững, ổn định, lâu dài cho người dân, bảo đảm phát triển bền vững ở địa phương và cả nước.

Một trong những nội dung quan trọng mà báo chí 3 địa phương đề cập là thông tin, phổ biến về các sáng kiến, kinh nghiệm, giải pháp để ứng phó với BĐKH, phục vụ phát triển bền vững. Báo chí đã cung cấp khá kịp thời, sinh động các giải pháp do các chuyên gia, nhà khoa học đề xuất; kinh nghiệm, sáng kiến của người dân và cả hiểu biết của giới báo chí về vấn đề này. Báo chí đã nêu quá trình nhận thức hợp lý, đúng đắn của con người về BĐKH như từ chống BĐKH sang ứng phó với BĐKH và nay là thích nghi, hài hòa, “sống chung” với BĐKH. Nhận thức này quan trọng vì phù hợp với quy luật tự nhiên và xã hội. Theo đó các giải pháp trong thực tiễn cũng được báo chí thông tin kịp thời để giúp người dân, đặc biệt là vùng có ảnh hưởng trực tiếp của BĐKH để ứng xử đúng, phù hợp với điều kiện cụ thể.

Báo chí địa phương cũng phản ánh kịp thời cách thức, giải pháp để thích nghi và “sống chung” với xâm nhập mặn, hạn hán như nghiên cứu và thử nghiệm giống lúa, cây ăn quả, thủy, hải sản, động vật có khả năng chống chịu và sinh trưởng tốt trong môi trường nước mặn và đất hạn hán. Những giải pháp cụ thể như vậy mới tạo sinh kế lâu dài, ổn định và phát triển bền vững cho người dân địa phương và cả nước.

Những thông tin này rất hữu ích, thực tế, cần thiết, quý giá cho người dân và cộng đồng. Qua khảo sát, nghiên cứu, tìm hiểu các cơ quan báo chí của ba tỉnh, thành phố, chúng ta còn biết một lượng thông tin không nhỏ được phản ánh là quan hệ hợp tác, trao đổi về ứng phó với BĐKH giữa các địa phương với nhau, giữa địa phương với Trung ương, giữa địa phương với nước ngoài và ngược lại. Các mối quan hệ hợp tác, trao đổi này góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm, nguồn lực và hành động chung để ứng phó, thích nghi, hài hòa, “sống chung” với BĐKH.

Nhìn chung báo chí Hải Phòng, Thái Bình và Nam Định đã thông tin, phản ánh khá đa dạng, phong phú, kịp thời nội dung về ứng phó với BĐKH ở địa phương, góp phần tích cực, cụ thể cho phát triển bền vững ở chính địa phương mình và cho cả nước.

Hình thức chuyển tải thông tin

Đối với các tờ báo in của Hải Phòng, Thái Bình và Nam Định thì hình thức chuyển tải thông tin về ứng phó với BĐKH chủ yếu qua hai yếu tố, thứ nhất là chữ viết (văn tự) bao gồm tin, bài phản ánh, phóng sự, điều tra... của phóng viên, cộng tác viên, thông tin viên và công chúng. Trong số này, chúng tôi thấy bài phản ánh, điều tra, phóng sự... có tác động và hiệu quả nhất định bởi thông tin nhanh, mới, có chiều sâu và tính thực tiễn cao. Hai là, thông tin qua hình ảnh tĩnh (phi văn tự) bao gồm ảnh chụp, đồ họa, biểu đồ, sơ đồ... cho chuyên mục, chuyên trang hoặc cho từng bài góp phần chuyển tải nội dung sinh động, hấp dẫn. Trong các yếu tố này, ảnh chụp và đồ họa có sức hấp dẫn, lôi cuốn hơn bởi tính xác thực, sinh động, bắt mắt và thuyết phục cao. Nhìn chung hai yếu tố chữ viết (văn tự) và hình ảnh tĩnh (phi văn tự), bổ sung, tác động cho nhau, tạo sức mạnh riêng của báo in (bên cạnh hạn chế vốn có của loại hình này).

Đối với phát thanh - truyền hình ở ba địa phương thì chuyển tải thông tin qua hai loại hình là đọc trên đài phát thanh (người nghe tiếp nhận qua radio, loa truyền thanh hoặc máy tính bảng, điện thoại di động, báo điện tử (audio) và trên truyền hình với hình ảnh động hấp dẫn, sinh động. Mỗi loại hình có điểm mạnh, điểm yếu riêng, nhưng qua theo dõi, khảo sát đa số người dân vẫn thích xem các hình ảnh động qua phóng sự, ghi nhanh, phim tài liệu... về ứng phó với BĐKH trên truyền hình hơn. Đây là điều dễ hiểu bởi đặc trưng và thế mạnh của truyền hình.

Tuy nhiên, báo chí ở ba địa phương cũng còn không ít khó khăn, hạn chế. Về phía chủ quan đó là một số lãnh đạo cơ quan báo chí chưa nhận thức hết tầm quan trọng, cần thiết thông tin về ứng phó với BĐKH phục vụ phát triển bền vững địa phương; đội ngũ phóng viên, biên tập viên đa số chưa có kiến thức sâu về BĐKH; chưa tổ chức được đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học, cộng tác viên ổn định tham gia vào hoạt động này; số lượng tin, bài, ảnh... trên báo in chưa thường xuyên; công tác phát hành báo in khó khăn; thời lượng phát sóng trên phát thanh - truyền hình chưa nhiều, chưa chuyên nghiệp; nội dung và hình thức chưa đáp ứng nhu cầu của nhân dân...

Từ phía khách quan, đó là một số lãnh đạo địa phương chưa quan tâm và coi trọng công tác này; nhận thức, hiểu biết và hành động về ứng phó với BĐKH tại địa phương của một bộ phận cán bộ, nhân dân, doanh nghiệp còn thấp; cán bộ làm công tác này chủ yếu là kiêm nhiệm; sử dụng chưa hiệu quả nguồn lực; cơ sở vật chất, tài chính chưa đáp ứng yêu cầu và nhu cầu của địa phương; việc thực thi pháp luật về môi trường, ứng phó với BĐKH chưa nghiêm; công tác thanh tra, kiểm tra chưa thường xuyên và hiệu lực...

Một số giải pháp

Lãnh đạo địa phương nhận thức đúng, đầy đủ tầm quan trọng, cần thiết và cấp thiết ứng phó với BĐKH để chỉ đạo sát sao, quyết liệt các cơ quan, ban ngành và mọi người dân địa phương, trong đó có báo chí trong cuộc chiến ứng phó, thích nghi, hài hòa và “sống chung” với BĐKH, phục vụ đắc lực cho phát triển bền vững địa phương.

Có sách lược, chiến lược xây dựng tin, bài, ảnh, chương trình phát thanh, truyền hình và các sản phẩm truyền thông khác về ứng phó với BĐKH một cách bài bản, ổn định, hệ thống, lâu dài và chuyên nghiệp. Tăng cường các sản phẩm báo chí có tính ứng dụng cao, thiết thực, cụ thể, hữu ích, trực tiếp cho người dân để họ thực thi, vận dụng được trong môi trường BĐKH, bảo đảm sinh kế bền vững cho họ ngay tại nơi tác động xấu của BĐKH. Xây dựng đội ngũ các chuyên gia, nhà khoa học, cộng tác viên và công chúng tham gia tích cực, ổn định và lâu dài vào hoạt động thông tin và truyền thông về ứng phó, thích nghi với BĐKH ở địa phương để phục vụ phát triển bền vững cho chính địa phương.

Tăng cường trao đổi, hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm công tác thông tin và truyền thông giữa với cơ quan báo chí Trung ương và địa phương, với các Viện nghiên cứu, các cơ sở đào tạo, cá nhân, tập thể về ứng phó, thích nghi với BĐKH để tạo sức mạnh chung cho báo chí địa phương và toàn quốc.

Đầu tư thích đáng cơ sở vật chất, kinh phí và nhân lực cho các cơ quan báo chí để thực hiện tốt nhất công tác thông tin và truyền thông về ứng phó, thích nghi với BĐKH, phục vụ bền vững địa phương.

PGS, TS Đinh Văn Hường​

----------

Bài báo này là một phần kết quả nghiên cứu của Đề tài NCKH cấp ĐHQGHN, mã số: QG.15.57 “Báo chí với vấn đề biến đổi khí hậu ở Việt Nam hiện nay” do PGS,TS Đinh Văn Hường làm Chủ nhiệm.

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề : "Tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả".
Đó là nhấn mạnh của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trong phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
Với tinh thần "Lá lành đùm lá rách", ngày 10/9, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành công văn số 457/CV-HNBVN về việc hưởng ứng lời kêu gọi của đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top