Kết nối tạp chí:
  • facebook
  • Tiwer
  • Youtube
  • Google

Báo chí – doanh nghiệp đồng hành cùng Chính phủ vì một Việt Nam phát triển bền vững

Ngày 29/6, tại  Hà Nội, Tạp chí Người Làm Báo, Ban Nghiệp vụ – Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức diễn đàn “Báo chí – doanh nghiệp đồng hành cùng chính phủ vì một Việt Nam phát triển bền vững”.

Clip đề dẫn diễn đàn

Dự diễn đàn có các đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Vũ Việt Trang - Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc TTXVN; Trần Thanh Lâm - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Phạm Tấn Công - Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI); cùng các đại diện là lãnh đạo cơ quan quản lý Nhà nước, Hội Nhà báo Việt Nam, lãnh đạo các cơ quan báo chí ở Trung ương và Hà Nội, các cấp Hội Nhà báo và các doanh nhân, doanh nghiệp tham dự Diễn đàn.

Đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu khai mạc

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho biết: Đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến sự phát triển kinh tế, ngân sách khó khăn, khả năng thanh khoản của doanh nghiệp giảm mạnh, công ăn việc làm của công nhân bị ảnh hưởng, Chính phủ đã đưa ra các gói hỗ trợ để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua đại dịch, cùng với đó, việc Chính phủ đặt ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao thể hiện quyết tâm cao của Đảng và Nhà nước trong việc đảm bảo sinh kế cho người dân...

Quang cảnh diễn đàn

Đồng chí Lê Quốc Minh khẳng định, trong quá trình thực hiện “mục tiêu kép”, báo chí đã thể hiện vai trò quan trọng trong việc tháo gỡ những khó khăn của doanh nghiệp khi phải đảm bảo vừa sản xuất vừa phải chống dịch, qua đó, góp phần vào sự phát triển chung của đất nước. Ngược lại, trong bối cảnh dịch bệnh xuất hiện nhiều thông tin đa chiều, thông tin xấu độc gây hoang mang dự luận, những thông tin chính thống trên báo chí đã trở thành điểm tựa cho chính doanh nghiệp vững tin kinh doanh sản xuất, khi doanh nghiệp thực hiện đúng đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước. Bên cạnh đó, quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp còn thể hiện ở sự đồng hành giữa báo chí trong hoạt động xây dựng thương hiệu, quảng cáo sản phẩm.

Còn theo bà Trần Thị Lan Anh, Tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), vai trò của báo chí đối với sự phát triển của doanh nghiệp cần được xác định là bệ đỡ đưa thương hiệu doanh nghiệp đến với người tiêu dùng, là nhân tố quan trọng góp phần xây dựng môi trường cạnh tranh lành mạnh, bảo vệ công lý, hỗ trợ doanh nghiệp làm ăn chân chính và phát triển.

Tuy nhiên, báo chí cũng cần thực hiện tốt tôn chỉ mục đích, thông tin trung thực, khách quan, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, hạn chế các hoạt động tiêu cực và thông tin sai lệch, không chính xác, ảnh hưởng đến doanh nghiệp và môi trường kinh doanh; đẩy mạnh xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí, đồng thời phát huy vai trò của báo chí cho việc cổ vũ, góp phần xây dựng văn hóa, chuẩn mực đạo đức kinh doanh văn minh hội nhập cho doanh nghiệp.

Nhà báo Nguyễn Anh Tú - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Hải Phòng phát biểu

Tại diễn đàn, Nhà báo Nguyễn Anh Tú - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Hải Phòng chia sẻ thông tin về kinh tế Hải Phòng. Theo ông, trong bối cảnh hiện nay, nhu cầu lao động chất lượng cao chiếm tỉ lệ ngày càng lớn bởi hầu hết doanh nghiệp trong KCN đều sử dụng công nghệ cao, hiện đại, tuy nhiên, những năm gần đây, nguồn lao động của Hải Phòng đang có xu hướng giảm, đứng trước nguy cơ không đáp ứng đủ nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp. Một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là dân số Hải Phòng bắt đầu bước vào giai đoạn già hóa, nguồn lao động trẻ làm việc tại KCN giảm; các chính sách thu hút, tuyển dụng của doanh nghiệp chưa hấp dẫn; chi phí sinh hoạt tại thành phố ngày càng cao, trong khi lương của người lao động thấp; ảnh hưởng của đại dịch Covid-19,…

Ban chủ trì diễn đàn

Theo nhà báo Nguyễn Anh Tú: Cùng với khó khăn về thiếu lao động trong các khu công nghiệp trên địa bàn, các doanh nghiệp ở Hải Phòng cũng gặp khó khăn do chậm chuyển đổi số. Hiện trên địa bàn Hải Phòng có hơn 37.000 doanh nghiệp đang hoạt động, với khoảng 97% doanh nghiệp ở quy mô nhỏ và vừa. Tuy nhiên, có tới 76% doanh nghiệp trong số này còn đứng ngoài cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Những thách thức lớn nhất là doanh nghiệp thiếu nhận thức đầy đủ về chuyển đổi số; cho rằng chuyển đổi số tốn nhiều chi phí; lo lắng về vấn đề thiếu nhân lực công nghệ; lo lắng về vấn đề bảo mật thông tin nội bộ, bí mật kinh doanh; và đặc biệt là doanh nghiệp khó khăn trong việc xác định hướng đi, lộ trình cụ thể để chuyển đổi số trong doanh nghiệp..

Bà Nguyễn Thị Thúy Hường, Giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ Trường học Quang Minh (QMS) cho rằng: Khi mà báo chí và doanh nghiệp là những người bạn song hành trong công cuộc đổi mới cùng Chính phủ thì đất nước ta sẽ phát triển với nền kinh tế tri thức vững mạnh. Trong thời đại công nghệ 4.0, chúng ta cũng ghi nhận sự phát triển với tốc độ vũ bão về số lượng, đa dạng hóa các hình thức truyền thông và báo chí. Báo chí đã đổi mới nhanh, nhạy bén với công nghệ 4.0 để người đọc dễ dàng tiếp cận thông tin mọi lúc, mọi nơi. Điều này đã chứng tỏ Báo chí luôn là một trong những lực lượng tuyến đầu trong các mặt trận quan trọng của Đảng như: phòng chống tiêu cực, tham nhũng, là tuyến đầu trong công tác tuyên truyền phòng chống đại dịch Covid – 19…  góp phần thúc đẩy hợp tác phát triển kinh tế, xã hội. Nhưng chính vì số lượng phát triển ồ ạt nên đâu đó vẫn còn hiện tượng “con sâu làm rầu nồi canh”. Bên cạnh các “ngòi bút” chân chính vẫn còn những “ngòi bút” chưa khách quan, chưa trung thực, còn những báo cáo Tổng biên tập chưa đúng đắn để đạt động cơ không lành mạnh nào đó. Đâu đó còn những Nhà báo chưa đồng hành cùng doanh nghiệp, chưa đồng hành cùng địa phương, chưa đứng vị trí quản lý nhà nước của địa phương để cung cấp những thông tin thiết thực, đúng mực góp phần cùng địa phương thực hiện tốt nhiệm vụ, chủ trương của Đảng và Nhà nước.

Theo doanh nhân Thúy Hường: Ai làm gì cũng có cái đích cuối là hiệu quả. “Hiệu quả” cho báo chí là sự lan tỏa các giá trị tốt đẹp, sự phấn khởi lạc quan trong xã hội để hướng tới 1 xã hội tốt đẹp. Báo chí và doanh nghiệp cần thấu hiểu nhau, trong đó, người viết báo phải biết lắng lòng lại, biết buồn khi viết về một cái sai của người nào đó, của doanh nghiệp nào đó mà không thể “chữa” được buộc nghề nghiệp mình phải viết lên để làm bài học cảnh tỉnh cho xã hội tránh, chứ không phải với tâm trạng hồ hởi, hân hoan khi mình vạch ra được cái sai này với 1 động cơ khác.

Doanh nhân Thúy Hường nhấn mạnh: Đôi khi sự không trung thực của một vài “cây bút” đã đánh mất đi niềm tin của độc giả mà không nhận thức được đó là sự tạo nghiệp xấu cho chính mình nói riêng và cho nghề báo chí nói chung, điều này làm xói mòn dần giá trị cao quý của bản thân và cho nghề nghiệp cao quý của mình. Nhà báo là người định hướng dư luận xã hội,vậy nên người định hướng dư luận xã hội rất quan trọng và phải là người có được chữ “Tâm” và chữ “Tầm” (2T). Ở đây tôi không nhắc tới chữ “Trí”  vì có Trí tuệ mới có Tầm. Tôi luôn nghĩ và hành động: làm việc có Tâm, có Tầm, chữ thứ 3 là chữ Tiền tự nhiên sẽ tới. Chúng ta phải thừa nhận rằng: Sự phát triển của Doanh nghiệp do nhiều yếu tố trong đó có sự đồng hành của Chính phủ, Cơ quan quản lý Nhà nước. Báo chí là phương tiện để lan tỏa các hình ảnh tốt của Doanh nghiệp cho xã hội nhân lên để cùng phát triển. Người viết báo khi kết thúc bài viết cần xác định bài viết của mình sẽ định hướng dư luận xã hội từ ý nghĩ, hành động tới cái “chân” nào, tới cái “thiện” nào hay tới cái “mỹ” gì? Hay bài viết của mình định hướng dư luận nghĩ xấu về ai, về doanh nghiệp nào để họ triệt tiêu, vv…

TS. Vũ Văn Luật - Chủ Tịch Hội Đồng Quản Trị Tập đoàn SM phát biểu

Tại diễn đàn, TS. Vũ Văn Luật - Chủ Tịch Hội Đồng Quản Trị Tập đoàn SM nêu những khó khăn cho các doanh nghiệp khi tiếp cận thông tin về tôn chỉ mục đích của các cơ quan báo chí. Ông nêu thực trạng một số cơ quan báo chí hoạt động sai tôn chỉ mục đích, gây khó khăn cho các doanh nghiệp. TS. Vũ Văn Luật bày tỏ: “Trong quá trình tiếp xúc với báo chí, có một số cơ quan báo chí, đặc biệt là các tạp chí, ít công khai tôn chỉ mục đích hoạt động của mình. Nhiều báo, tạp chí thường xuyên đăng nhưng không đúng tôn chỉ mục đích. Vì vậy, tôi đề nghị lãnh đạo cơ quan báo chí phải công khai về tôn chỉ mục đích để cộng đồng doanh nghiệp hiểu được vai trò, tôn chỉ mục đích. Ngoài ra, báo chí nên phổ biến nhiều hơn về quy định của pháp luật, phổ biến chính sách pháp luật mới của Chính phủ cơ quan nhà nước thường xuyên hơn”.

Nhà báo Nguyễn Hồng Sâm - Tổng Giám đốc Cổng TTĐT Chính phủ

Nhà báo Nguyễn Hồng Sâm - Tổng Giám đốc Cổng TTĐT Chính phủ nêu những giải pháp của Cổng TTĐT Chính phủ trong công tác truyền thông chính sách đến doanh nghiệp và người dân. Bên cạnh đó, nhà báo Hồng Sâm ca ngợi vai trò của báo chí và doanh nghiệp trong phòng chống đại dịch Covid-19... Về báo chí giải pháp, với tư cách của một cơ quan báo chí, nhà báo Hồng Sâm mong muốn các phóng viên, nhà báo bên cạnh việc phản ánh thực trạng, cần biết đề xuất các giải pháp. Về mối quan hệ với các doanh nghiệp, ông mong muốn các doanh nghiệp coi báo chí là đối tác để chủ động cung cấp thông tin...

Bà Hà Thị Dung - doanh nghiệp về thực phẩm chức năng trình bày

Là doanh nghiệp nữ tại diễn đàn, bà Hà Thị Dung - đại diện cho một doanh nghiệp về thực phẩm chức năng chia sẻ về quá trình khởi nghiệp của mình. Bà nêu thực trạng về quá trình thông tin thực phẩm chức năng trên báo chí hiện nay hay sự khó khăn trong việc áp dụng luật về thực phẩm chức năng tại Việt Nam. Bà mong muốn các cơ quan báo chí quan tâm đồng hành, để dược liệu Việt Nam ngày càng phát triển hơn nữa. 

Nhà báo Phạm Đức Thái - Phó Bí thư Đảng ủy, Ủy viên Ban Biên tập Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam phát biểu

Nhà báo Phạm Đức Thái - Phó Bí thư Đảng ủy, Ủy viên Ban Biên tập Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam chia sẻ về công tác thông tin kinh tế Việt Nam ra công chúng nước ngoài. Ông mong muốn công tác thông tin đối ngoại được các Ban ngành Trung ương quan tâm hơn nữa để luôn đúng, trúng và có hiệu quả vì một Việt Nam phát triển bền vững.

Nhà báo Lê Trọng Minh - Tổng Biên tập Báo Đầu tư phát biểu

Nhà báo Lê Trọng Minh - Tổng Biên tập Báo Đầu tư mong muốn các cơ quan báo chí và doanh nghiệp phục vụ lẫn nhau, cùng nhau đi lên. Theo ông, doanh nghiệp luôn luôn là nguồn cảm hứng để các cơ quan báo chí đưa thông tin. Ông hy vọng các doanh nghiệp sẵn sàng cung cấp những thông tin của doanh nghiệp mình để độc giả biết đến, doanh nghiệp cần coi báo chí là một kênh truyền thông để lan tỏa thương hiệu doanh nghiệp.

Nhà báo Nguyễn Đức Thành - đại diện báo Lao Động phát biểu

Nêu tham luận về "Báo chí đồng hành cùng Chính phủ - Lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực”, nhà báo Nguyễn Đức Thành - đại diện báo Lao Động cho biết: Không có nghề nào là nhẹ nhàng. Báo chí càng là một nghề gian khó. Bởi vinh quang có thể được phủ lên sau những ngày vất vả đi tìm sự thật, nhưng cũng chính vinh quang ấy có thể thiêu đốt những thành công nếu như nhà báo không tự chiến thắng bản thân khỏi những cám dỗ. Có nhiều nghề mà mỗi người vẫn phải tự nỗ lực vượt qua chính bản thân để chiến thắng sự ma mị của bạc tiền, danh vọng. Nhưng ở nghề báo, chiến thắng bản thân thôi chưa đủ. Còn cần cả tinh thần đồng đội, tinh thần cống hiến, tinh thần hi sinh cái riêng để bảo vệ cái chung. Tháng sáu – là chuỗi ngày vinh danh những người làm báo. Có lẽ không có nhiều nghề mà sự vinh danh được xã hội tự nhiên kéo dài gần như cả tháng. Cũng dễ hiểu thôi, báo chí cách mạng – là nền báo chí phụng sự nhân dân, song hành cùng doanh nghiệp và đồng hành cùng Chính phủ...

Nhà báo Lê Hồng Thanh - Phó GĐ Đài PT-TH Phú Thọ phát biểu

Nhà báo Lê Hồng Thanh - Phó GĐ Đài PT-TH Phú Thọ nêu những giải pháp của Đài PT-TH Phú Thọ trong công tác đồng hành cùng doanh nghiệp, qua đó tuyên truyền đậm nét những đóng góp của doanh nghiệp trong phát triển kinh tế - xã hội và hoạt động an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh Phú Thọ.

Nhà báo Kiều Thanh Hùng - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo TP Hà Nội phát biểu

Nhà báo Kiều Thanh Hùng - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo TP Hà Nội nêu các giải pháp: Thứ nhất là tăng cường cung cấp thông tin giữa doanh nghiệp - báo chí. Thứ hai là phải xây dựng mối quan hệ đối thoại giữa báo chí - doanh nghiệp.

Đồng chí Phạm Tấn Công - Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phát biểu

Phát biểu tại diễn đàn, đồng chí Phạm Tấn Công - Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) ca ngợi vai trò của báo chí trong giai đoạn đất nước có chiến tranh cũng như hòa bình hiện nay. Trong thời bình, báo chí động viên người lính doanh nghiệp trên mặt trận kinh tế... 

Đồng chí Phạm Tấn Công nêu ra 3 giải pháp: thứ nhất là sự đồng hành vì mục tiêu chung, hai bên có cơ chế thông tin xây dựng niềm tin chung. Thứ hai là xây dựng văn minh của cả hai giới. Thứ ba là xây dựng khuôn khổ hợp tác giữa báo chí - doanh nghiệp.

Nhà báo Nguyễn Đức Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu tổng kết diễn đàn

Tổng kết diễn đàn, nhà báo Nguyễn Đức Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, diễn đàn đã nhận được gần 20 ý kiến và tham luận của các đại biểu. Diễn đàn là cơ hội để các cơ quan báo chí, các nhà báo, doanh nghiệp thảo luận, phân tích làm rõ thực trạng và vấn đề đặt ra trong hoạt động thực tiễn về mối quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp, chia sẻ kinh nghiệm tác nghiệp, từ đó, nâng cao hơn nữa hiệu quả truyền thông doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập quốc tế; Khẳng định vai trò của báo chí là cầu nối giữa Nhà nước với doanh nghiệp, từ đó thắt chặt mối quan hệ đồng hành giữa báo chí và doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững của xã hội.

Theo nhà báo Nguyễn Đức Lợi, trong thời gian tới, mối quan hệ đồng hành giữa báo chí và doanh nghiệp cần được duy trì và phát triển hơn nữa, tuy nhiên, để mối quan hệ này thực sự có hiệu quả, các doanh nghiệp cần chủ động và minh bạch thông tin với báo chí. 

Nhà báo Nguyễn Đức Lợi đề xuất có sự ký kết hợp tác sâu rộng giữa Hội Nhà báo Việt Nam và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam trong thời gian tới.

Nhóm PV

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Ngày 31/5, tại Hà Nội, Hội đồng Giải Báo chí Quốc gia đã khai mạc vòng chấm chung khảo Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVIII năm 2023.
Đạo đức cách mạng là "gốc" của người cách mạng, những người bằng uy tín của mình được nhân dân tín nhiệm giao trọng trách nắm và giương cao ngọn cờ lãnh đạo cách mạng của dân tộc. Kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại (19/5/1890 - 19/5/2024) là dịp để mỗi cán bộ, đảng viên thêm quyết tâm học tập, tu dưỡng, rèn luyện và thực hành đúng, thực chất đạo đức cách mạng, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, mãi là ngọn cờ lãnh đạo dân tộc trong thời kỳ mới.
Thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành Quy định số 144-QĐ/TW ngày 9/5/2024 của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới.
Thay mặt Bộ Chính trị, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đã ký ban hành Quy định số 142-QĐ/TW ngày 23/4/2024 quy định thí điểm giao quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trong công tác cán bộ.