Bài 5: Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh - Báo chí trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên khai sáng toàn cầu

Một thế kỷ đi qua, báo chí cách mạng đã và đang đồng hành với sự nghiệp đấu tranh, bảo vệ, xây dựng đất nước Việt Nam hưng thịnh và phát triển. Trải qua các giai đoạn lịch sử, từ khi khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (2/9/1945), đến thống nhất nước nhà (30/4/1975) và quá trình 40 năm đổi mới, báo chí cách mạng được Đảng, Nhà nước, nhân dân ghi nhận và đánh giá cao. Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII cũng đã thống nhất biện chứng giữa mục tiêu cụ thể và mục tiêu lâu dài, phấn đấu xây dựng xã hội “vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh”. Với định hướng đúng đắn và khát vọng trường tồn của đất nước, với thành tựu vượt bậc vì một nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc, sánh vai với các cường quốc năm châu, hiện thực hóa khát vọng 100 năm thành lập nước (2045) và 100 năm báo chí cách mạng (2025) phụng sự đất nước, dân tộc và thực hiện thành công tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và ước vọng của dân tộc trong thời đại Hồ Chí Minh.

Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ vĩ đại trong sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam_ Ảnh: Tư liệu

Báo chí cách mạng, một thế kỷ thực hiện sứ mệnh tiên phong
Gần một thế kỷ trước (21/6/1925), Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đầu tiên đặt nền móng cho báo chí cách mạng Việt Nam. Trong tiến trình lịch sử cách mạng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh, báo chí đã trở thành công cụ sắc bén tuyên truyền bảo vệ lợi ích của quốc gia, dân tộc và nhân dân, là cầu nối giữa Đảng và nhân dân, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong công cuộc xây dựng và phát triển ngày nay, báo chí đã phát huy vai trò tích cực, kiên quyết đấu tranh với cái cũ, tàn dư của chế độ phong kiến, thực dân, đế quốc; cổ vũ, biểu dương, phổ biến những cái mới, điển hình tiên tiến trong lao động, học tập và chiến đấu. Báo chí làm tốt sứ mệnh giáo dục tư tưởng, chính trị; góp phần lan tỏa sự tiến bộ xã hội trong thời đại mới - thời đại Hồ Chí Minh.
Nhìn lại lịch sử vẻ vang của nền báo chí cách mạng, từ năm 1860 đã có một số tờ báo ra đời ở Sài Gòn, Hà Nội và một vài địa phương khác. Những năm đầu thế kỷ XX, hàng loạt tờ báo được xuất bản, tập hợp nhiều nhà văn, nhà báo, nhà trí thức, nhưng có các khuynh hướng chính trị khác nhau, nên không thể tập hợp vào chung một tổ chức thống nhất. Đến ngày 21/6/1925, tại Quảng Châu (Trung Quốc), tờ báo Thanh Niên do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập, ra mắt số đầu tiên thì dòng báo chí cách mạng Việt Nam mới bắt đầu hình thành. Tờ báo Thanh Niên được coi là cơ quan ngôn luận của tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội.  
Với sứ mệnh tiên phong của mình và cần có tổ chức hội những người làm báo. Ngày 02/6/1950, Chính phủ chính thức quyết định cho thành lập Hội “Những người viết báo Việt Nam” (Hội Nhà Báo Việt Nam ngày nay). Năm 1951, Báo Nhân Dân, Tạp chí Cộng sản, Tạp chí Sinh hoạt nội bộ, Báo Quân đội nhân dân lần lượt ra đời. Tháng 02/1985, Ban Bí thư Trung ương Ðảng ra Quyết định số 52 - QĐ/TW, ngày 05/02/1985 lấy ngày ra số đầu tiên của Báo Thanh Niên làm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925); nhằm nâng cao vai trò và trách nhiệm xã hội của báo chí, thắt chặt mối quan hệ giữa báo chí với công chúng, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với báo chí. Ngay sau cách mạng tháng Tám thành công, hàng loạt cơ quan, tổ chức báo chí (Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam, Việt Nam Thông tấn xã, Bộ Thông tin Tuyên truyền...) được thành lập và ngày 27/12/1945.

Bác Hồ đọc Báo Nhân Dân ở chiến khu Việt Bắc năm 1951_Ảnh: Tư liệu

Ngay từ buổi ban đầu thành lập, Đảng đã xác định báo chí là một mặt trận, một mặt trận quan trọng trong lĩnh vực văn hóa, tư tưởng và mỗi nhà báo là một chiến sĩ. Hội nghị thành lập Hội khai mạc ngày 21/4/1950 tại xóm Roòng Khoa, xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa - Thái Nguyên đã thống nhất thông qua Điều lệ, Chương trình hoạt động chính thức tổ chức Hội Nhà báo ra đời. Kể từ khi tờ Thanh Niên mở đường, cho đến cuối năm 1929, báo chí cách mạng Việt Nam đã có trên 50 tờ báo và tạp chí là cơ quan của các cấp hội. Trong gần 50 năm cầm bút, Chủ tịch Hồ Chí Minh là tác giả của hơn 2.000 bài báo, 276 bài thơ, gần 500 trang truyện và ký với gần 200 bút danh được sử dụng, trong đó, mỗi con chữ là những trăn trở về con đường cứu nước, giúp dân, mỗi bài viết là lời hiệu triệu, truyền bá lý tưởng cộng sản và con đường giải phóng dân tộc. Người đã để lại nhiều bài học quý giá về nghề báo và kỹ năng làm báo cách mạng cho thế hệ ngày hôm nay.
Quá trình hình thành, phát triển và đổi mới đất nước, báo chí cách mạng Việt Nam phát triển mạnh mẽ cả về nội dung, hình thức; từng bước đổi mới để thích ứng với sự phát triển của công nghệ thông tin, truyền thông. Thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông cho đến ngày 21/12/2023, cả nước có 6 cơ quan truyền thông đa phương tiện chủ lực, 127 cơ quan báo, 671 cơ quan tạp chí (trong đó có 319 tạp chí khoa học, 72 tạp chí văn học nghệ thuật), 72 cơ quan Đài Phát thanh - Truyền hình. Nhân sự hoạt động trong lĩnh vực báo chí có khoảng 41.000 người, trong đó khối phát thanh, truyền hình xấp xỉ 16.500 người. Tổng số người được cấp thẻ nhà báo kỳ hạn 2021 - 2025 tính đến tháng 12/2023 là 20.508 trường hợp. Với sự lớn mạnh ấy, báo chí đã đóng góp không nhỏ vào thành quả chung của công cuộc xây dựng và đổi mới đất nước. Trải qua 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Việt Nam có hơn 500 nhà báo liệt sĩ đã ngã xuống trên khắp các chiến trường, vì lý tưởng “không có gì quý hơn độc lập, tự do”. 
Gần một thế kỷ với sứ mệnh tiên phong, đồng hành cùng dân tộc, báo chí cách mạng Việt Nam trở thành công cụ sắc bén về chính trị, văn hóa của Đảng, Nhà nước, các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội; là diễn đàn tin cậy của nhân dân. Các cơ quan báo chí, các nhà báo, đều tin tưởng tuyệt đối, trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước; luôn giữ vững tôn chỉ, mục đích của báo chí; cổ vũ phong trào hành động cách mạng của nhân dân vì mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Tuyệt đại bộ phận người làm báo trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân, những người làm báo hôm nay luôn theo gương người thầy, vị lãnh tụ kính yêu Chủ tịch Hồ Chí Minh và các thế hệ đi trước, tiên phong có mặt ở những tuyến đầu, “điểm nóng”, thực hiện trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân về thông tin, đáp ứng nhu cầu thông tin của công chúng, xứng đáng với lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về trách nhiệm, nghĩa vụ của người làm báo trong thời đại mới, thời đại Hồ Chí Minh. 
Dưới ngọn cờ của Đảng, báo chí cách mạng tiên phong, đổi mới, vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân, không ngừng phát triển toàn diện về quy mô, về tính chất, về phẩm giá, về sức mạnh và về uy tín, khẳng định vị thế, vai trò quan trọng trong sự nghiệp cách mạng. Gần một thế kỷ thật vẻ vang, tất cả góp phần khẳng định và tôn vinh vị thế, sức mạnh và uy tín Việt Nam suốt một thế kỷ qua góp phần thực hiện “xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”, vì khát vọng Việt Nam hùng cường trong tầm nhìn tới năm 2045. Hơn bao giờ hết, báo chí cách mạng Việt Nam bằng truyền thống và sứ mệnh tiên phong của mình, tiếp tục khơi dậy mạnh mẽ hơn nữa khát vọng Việt Nam phồn vinh, thịnh vượng; cổ vũ, động viên tinh thần đổi mới; tiếp thêm năng lượng, cùng toàn dân vượt qua những khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025 và cho những tầm nhìn lịch sử kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng năm 2030 và kỷ niệm 100 năm thành lập nước năm 2045.

Báo chí với sứ mệnh phụng sự, vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân
Nền báo chí cách mạng Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, tổ chức, lãnh đạo và rèn luyện, đã trải qua thời gian gần một thế kỷ. Trong suốt chặng đường vẻ vang của nền báo chí nước nhà, thấm nhuần những quan điểm báo chí cách mạng của Người, các thế hệ người làm báo trong suốt chặng đường qua, đã nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thực hiện tốt sứ mệnh vẻ vang của mình, phụng sự dân tộc, góp phần quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, bảo vệ và xây dựng, phát triển đất nước. Với sự lớn mạnh không ngừng trong chặng đường phát triển, báo chí đã đóng góp không nhỏ vào thành quả chung của công cuộc xây dựng và đổi mới đất nước. Đất nước đang tiến bước mạnh mẽ tới những mục tiêu phát triển mới cũng là khi lịch sử đang đặt lên vai báo chí cách mạng Việt Nam những sứ mệnh mới: Tích cực phát hiện, đấu tranh kiên quyết với hành vi tham nhũng, lãng phí; tham gia giám sát, phản biện xã hội, phát huy vai trò dân chủ của người dân; đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Báo chí cũng đấu tranh phản bác thông tin sai trái, quan điểm thù địch, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa; tuyên truyền hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế. Những sứ mệnh ấy, có thể chưa từng có tiền lệ nhưng gần 100 năm đồng hành cùng lịch sử và đất nước đã cho thấy Báo chí Cách mạng Việt Nam đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng luôn đi lên từ chính vị thế của mình và trở thành nguồn nội lực phát triển mạnh mẽ cho đất nước và cho dân tộc.
Ngay từ những bước đi đầu tiên, đã được định danh là “báo chí cách mạng”, với sứ mệnh “phụng sự nhân dân”. Hiếm có nền báo chí nào có một xuất phát điểm gắn chặt với xuất phát điểm của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc của một đất nước như thế. Hiếm có một nền báo chí nào ra đời và gắn bó sâu sắc, được vị lãnh tụ vĩ đại, một Danh nhân văn hóa thế giới luôn chăm chút, chỉ đường như thế. Xuất phát điểm đó của tờ Thanh Niên, với mục tiêu truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin, tuyên truyền lý luận cách mạng, con đường làm cách mạng đến với nhân dân cần lao, chính là nền tảng để báo chí Việt Nam được định danh là nền “báo chí cách mạng”.
Suốt cuộc đời cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gắn bó với báo chí. Từ bài báo đầu tiên của Người (bài “Vấn đề bản xứ” đăng trên tờ L’Humanité ngày 2/8/1919) cho đến tác phẩm cuối cùng trước khi Người ra đi (bài “Nâng cao trách nhiệm chăm sóc và giáo dục thiếu niên, nhi đồng” đăng trên Báo Nhân Dân ngày 1/6/1969), Người vẫn luôn luôn nắm vững và phát huy vai trò chính trị của báo chí. Và, thứ vũ khí này đã theo Người trong suốt cuộc đời cách mạng vĩ đại, suốt cuộc đời hy sinh tất cả vì Tổ quốc, vì nhân dân. Từ khởi đầu mang tính nền tảng đó, nền báo chí cách mạng Việt Nam liên tục đồng hành với các cuộc đấu tranh chống xâm lược, thống nhất giang sơn, xây dựng đất nước, tới đổi mới, hội nhập ngày càng sâu rộng với bạn bè quốc tế.
Trong suốt chiều dài lịch sử, hiếm có vị lãnh tụ nào như Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh. Những tờ báo cách mạng đều có một nhiệm vụ duy nhất, một sứ mệnh duy nhất là phụng sự nhân dân, phụng sự Tổ quốc, vì nền độc lập của dân tộc, vì cuộc sống tự do, hạnh phúc cho đồng bào mình. Người đã nhiều lần nhắc lại, nhấn mạnh sứ mệnh đó của báo chí. Tại Đại hội lần thứ II, Hội Nhà báo Việt Nam (ngày 16/4/1959), Bác đã chia sẻ với các nhà báo: “Về nội dung viết, mà các cô, các chú gọi là “đề tài”, thì tất cả những bài Bác viết chỉ có một ‘“đề tài” là: chống thực dân đế quốc, chống phong kiến địa chủ, tuyên truyền độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”. Năm 1962, tại Đại hội lần thứ III Hội Nhà báo Việt Nam, Bác tiếp tục nhấn mạnh: “Nhiệm vụ của báo chí là phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh với các nhà báo tại Đại hội III, Hội Nhà báo Việt Nam, năm 1962_Ảnh: Bảo tàng Báo chí Việt Nam.

Bước vào giai đoạn phát triển và đổi mới đất nước, cùng với niềm tự hào “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”, chúng ta cũng đang đối mặt với nhiều nguy cơ, thách thức: Tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, mau lẹ và khó lường. Ở trong nước, kinh tế - xã hội phát triển vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của đất nước. Đời sống văn hóa xã hội còn những biểu hiện thiếu lành mạnh. Sự suy thoái về tư tưởng chính trị, sự xuống cấp về đạo đức, tha hóa về lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên vẫn chậm được ngăn chặn, đẩy lùi. Các thế lực phản động, thù địch lợi dụng internet, mạng xã hội để lan truyền các thông tin tiêu cực, xấu độc, xuyên tạc, kích động hòng chống phá về chính trị, tư tưởng, làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Trước tình hình đó, báo chí cách mạng Việt Nam cần không ngừng phấn đấu thực hiện tốt nhiệm vụ nặng nề nhưng rất vẻ vang là thông tin, định hướng kịp thời đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, phản ánh, biểu dương khí thế của các tầng lớp Nhân dân ta đang đồng tâm, hiệp lực xây dựng Tổ quốc Việt Nam giàu mạnh, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. "Đây là bước phát triển rất đáng tự hào của báo chí cách mạng - đội quân xung kích trên mặt trận tư tưởng - văn hóa của Đảng ta".
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Một tờ báo không được đại đa số (dân chúng) ham muốn thì không xứng đáng là một tờ báo”. Người cho rằng, để báo chí hoàn thành sứ mệnh là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước và quần chúng “cho nên, làm báo phải hết sức cẩn thận về hình thức, về nội dung, về cách viết”. Thấm nhuần tư tưởng của Người, ngày nay, việc học tập, tu dưỡng, rèn luyện nghề cũng như rèn luyện bản lĩnh của người cầm bút là một quá trình nối tiếp nhau không có điểm đầu mà cũng không có điểm kết thúc. Dũng cảm “phò chính”, “trừ tà” để mỗi nhà báo có thể tự hào nói rằng: Chúng tôi là những người làm báo vì nhân dân, vì đất nước. Những lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn mãi là kim chỉ nam cho hành động của đội ngũ các nhà báo cách mạng Việt Nam. Học tập những lời dạy của Người để thêm “sáng mắt, sáng lòng”, mỗi người làm báo càng rõ thêm trách nhiệm của mình, để không ngừng nâng cao ý thức trách nhiệm và ý thức nghề nghiệp, phấn đấu không ngừng cho một nền báo chí cách mạng Việt Nam ngày càng vững mạnh và phát triển.
Gần 100 năm đã qua kể từ ngày Nhà báo Nguyễn Ái Quốc - Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập cho báo chí cách mạng Việt Nam với tờ Thanh Niên, báo chí Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh. Trong hành trình đó, tư tưởng, phong cách báo chí, những căn dặn tâm huyết về nghề, về đạo đức nghề báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn là kim chỉ nam của mỗi người làm báo, để mỗi người làm báo soi rọi, học tập và trưởng thành. Các thế hệ người làm báo Việt Nam có quyền tự hào về những lớp người đã cống hiến, hy sinh trong đấu tranh giành độc lập dân tộc; đã lăn lộn, tìm tòi trong công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước. Đó không gì khác, chính là “phụng sự nhân dân”. Đó không gì khác, chính là báo chí chân chính đang thực hiện sứ mệnh thiêng liêng, to lớn của mình - của một nền báo chí cách mạng được Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, rèn luyện, để phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân.

Báo chí cách mạng 100 năm Đảng lãnh đạo, ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh soi đường
Với sứ mệnh tiên phong, luôn đổi mới, luôn sáng tạo, vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân. Thực tiễn đã chứng minh, gần 100 năm Đảng lãnh đạo, nền báo chí đã phát triển và lớn mạnh, nhằm thực hiện từng bước thắng lợi cương lĩnh cách mạng, có thể rút ra những vấn đề cốt tử có ý nghĩa không chỉ như sự đúc kết đánh giá những kinh nghiệm trong quá khứ, mà còn có giá trị như cơ sở thực tế cho việc hoạch định chính sách, tổ chức, phát triển hệ thống báo chí trong tương lai và vận mệnh đất nước. Có thể nói rằng việc đánh giá đúng tầm quan trọng và to lớn của báo chí là nhận thức nhất quán từ khi thành lập Đảng đến các kỳ đại hội Đảng, từ Chủ tịch Hồ Chí Minh đến các đồng chí có trách nhiệm cao trong các cơ quan lãnh đạo của Đảng và Nhà nước các cấp. Báo chí hoạt động nhằm truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin, giáo dục, cổ vũ lòng yêu nước, tổ chức nhân dân đứng vào hàng ngũ cách mạng. Từ thực tiễn gần 100 năm Đảng lãnh đạo, nền báo chí đã phát triển và lớn mạnh nhằm thực hiện từng bước thắng lợi cương lĩnh cách mạng, có thể rút ra những vấn đề cốt tử có ý nghĩa không chỉ như sự đúc kết đánh giá những kinh nghiệm trong quá khứ mà còn có giá trị như cơ sở thực tế cho việc hoạch định chính sách, tổ chức, phát triển hệ thống báo chí trong tương lai. 
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nền báo chí cách mạng Việt Nam đã được xây dựng, phát triển nhằm thực hiện mục tiêu cao cả của cách mạng là giải phóng dân tộc và xây dựng xã hội chủ nghĩa. Vì thế, nền báo chí ấy gắn liền với số phận nhân dân, hoạt động vì nhân dân. Tính chất của nền báo chí ấy được định bởi cương lĩnh của Đảng, bởi mục tiêu của cách mạng mà Đảng lãnh đạo, tổ chức thực hiện, được khái quát bằng một câu: “Báo chí vừa là tiếng nói của Đảng, của Nhà nước, của các đoàn thể vừa là diễn đàn của nhân dân”. Ngay từ Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 2 (tháng 3, năm 1931), Đảng đã khẳng định “Các báo của Đảng là những cơ quan liên lạc của Đảng và quần chúng lao khổ”. Tính nhân dân, tính dân tộc và hiện đại của nền báo chí nước ta được thể hiện từ nội dung đến hình thức, từ quy mô phát triển lẫn hình thức phát hành. 

Bác Hồ thăm và chúc Tết cán bộ phóng viên Báo Nhân Dân năm 1957_Ảnh: Tư liệu

Nhìn một cách tổng thể, gần 100 năm lịch sử oanh liệt và anh hùng của dân tộc ta cũng là 100 năm liên tục phát triển và trưởng thành của nền báo chí cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng quang vinh. Trong suốt 100 năm ấy, dưới ánh sáng chỉ dẫn của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nền báo chí cách mạng luôn là đội quân xung kích, đi đầu trên mặt trận công tác tư tưởng, góp phần to lớn vào mỗi chiến công của cách mạng, vào từng bước chuyển biến đi lên của đất nước. Nền báo chí cách mạng Việt Nam chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại cũng tự hào đã đứng vững trên lập trường cách mạng, kiên định trước mọi thử thách khắc nghiệt, đấu tranh có hiệu quả với kẻ thù giai cấp, kẻ thù dân tộc trung thành son sắt với lý tưởng cách mạng, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, với sự tin yêu của nhân dân.

Báo chí tiên phong, hướng tới Khát vọng Việt Nam hùng cường năm 2045
Báo chí cách mạng Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và lãnh đạo, đã luôn đồng hành cùng những chặng đường đấu tranh kiên cường của Đảng ta, nhân dân ta, vì độc lập dân tộc, vì chủ nghĩa xã hội. Trong các cuộc kháng chiến anh dũng chống xâm lược, bảo vệ Tổ quốc, báo chí nước ta đã trở thành một binh chủng quan trọng trên mặt trận tư tưởng; nhiều tác phẩm báo chí đã thực sự là "lời hịch cách mạng", "tiếng gọi non sông" thúc giục đồng bào cả nước cùng ra trận. Từ trong máu lửa chiến tranh, hàng trăm nhà báo - chiến sĩ đã anh dũng hy sinh, góp phần tô thắm thêm trang sử vẻ vang của báo chí cách mạng và của dân tộc. Trong thời kỳ đổi mới, gần 40 năm qua, những người làm báo tiếp tục là đội quân chủ lực trong việc định hướng dư luận xã hội, tuyên truyền, cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo. Sự nghiệp đổi mới của chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. 
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại lễ trao Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XII. Tổng Bí thư nhấn manh: “Đất nước ta đang bước vào thời kỳ phát triển mới với thế và lực mới, nhiều thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển mạnh mẽ, nhiệm vụ của báo chí rất nặng nề nhưng cũng rất vẻ vang. Tôi mong muốn Hội Nhà báo Việt Nam và các hội viên cả nước, phát huy truyền thống cách mạng của mình, xây dựng Hội ngày càng phát triển, trong sạch, vững mạnh; không ngừng chăm lo bồi dưỡng tư tưởng, chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, nhất là đạo đức nghề nghiệp cho các hội viên. Các cấp hội, mỗi nhà báo hãy thấm nhuần và thực hiện thật tốt lời dạy của Bác Hồ kính yêu: "Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ", tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, để thật sự là địa chỉ tin cậy trong hoạt động nghiệp vụ của các nhà báo. 
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đến thăm và làm việc với Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam tháng 6/2023. Thủ tướng nhấn mạnh: "Để báo chí Việt Nam thực sự cách mạng, chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại, Hội Nhà báo, các cơ quan báo chí cần đẩy mạnh hoạt động tập hợp, xây dựng đội ngũ những người làm báo và hội viên có phẩm chất chính trị, tư tưởng, bản lĩnh, năng lực, trình độ chuyên môn cao để “phụng sự Tổ quốc”, “phụng sự nhân dân”, “phụng sự giai cấp và nhân loại” như lời Bác Hồ kính yêu từng căn dặn. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, báo chí là công cụ tuyên truyền trên mặt trận tư tưởng văn hóa của Đảng, phương tiện thông tin thiết yếu, món ăn tinh thần không thể thiếu đối với đời sống xã hội. “Phải xây dựng và phát triển đội ngũ người làm báo nhạy bén về chính trị, nhạy cảm về kinh tế, sâu sắc về khoa học - công nghệ và nhân văn; xây dựng nền báo chí cách mạng Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, nhân văn; vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì ấm no, hạnh phúc của Nhân dân”.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu ngày 16/6, nhân dịp kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam. Chủ tịch khẳng định: "Báo chí cách mạng Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và lãnh đạo đã luôn đồng hành cùng cách mạng trong suốt 98 năm qua, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Nền báo chí cách mạng Việt Nam không ngừng phát triển toàn diện về tính chất, quy mô và vị thế dưới ngọn cờ của Đảng. Lớp lớp thế hệ những người làm báo nước nhà đã vươn tầm xứng đáng với dân tộc, hội nhập tự tin, giàu bản sắc với nhịp đập phát triển của báo chí và truyền thông quốc tế. Tất cả đã khẳng định và tôn vinh vị thế, sức mạnh và uy tín Việt Nam. Báo chí cũng phải là người đi tiên phong trong việc xây dựng tầm nhìn trí tuệ và ý chí thống nhất, hành động quyết liệt, bản lĩnh kiên cường để bảo vệ và phát triển toàn vẹn công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ, hội nhập quốc tế với Khát vọng Việt Nam hùng cường năm 2045".
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dự, phát biểu và trao giải tại Lễ trao Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVII: ‘Chúng ta đang tiến đến rất gần dấu mốc lịch sử quan trọng - 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam. Chúng ta cũng đang ở năm bản lề của nhiệm kỳ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII với rất nhiều nhiệm vụ to lớn đòi hỏi quyết tâm chính trị và nỗ lực cao hơn để hiện thực hóa khát vọng và tầm nhìn phát triển đất nước trong giai đoạn mới, đặt ra cho báo chí cách mạng Việt Nam nhiệm vụ ngày càng nặng nề, vinh dự và trọng trách ngày càng lớn lao, đòi hỏi người làm báo, các cơ quan báo chí phải nỗ lực, cố gắng hơn nữa để xứng đáng với niềm tin của nhân dân, đáp ứng yêu cầu: "Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại". Trước hết, tôi đề nghị cơ quan báo chí và những người làm báo phải ý thức trách nhiệm cao trước Đảng, Nhà nước và nhân dân, với bạn đọc, về sứ mệnh mà mình gánh vác. Người làm báo phải luôn nhận thức sâu sắc "làm báo là làm cách mạng, người làm báo là chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tư tưởng - văn hóa của Đảng", "nhiệm vụ của báo chí là phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng" như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn.

Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp gỡ phóng viên các cơ quan báo chí trong và ngoài nước tại Thủ đô Hà Nội (5/1968)_Ảnh: TTXVN

Báo chí thực hiện cuộc vận động học tập tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh 
Kể từ khi thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đã được triển khai trong cả hệ thống chính trị, lan tỏa sâu rộng trong toàn xã hội, đáp ứng được nguyện vọng và nhận được sự đồng tình, hưởng ứng của đông đảo của toàn dân trong đó có đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên. Thực hiện Nghị quyết Đại hội XI, ngày 14-5-2011, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 03-CT/TW về “Tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Nghị quyết Đại hội XII của Đảng khẳng định: “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; coi đó là công việc thường xuyên của các tổ chức đảng, các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội, địa phương, đơn vị gắn với chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”. Thực hiện cuộc vận động sâu rộng về chính trị, báo chí cách mạnh Việt Nam đã luôn vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong việc thực hiện cuộc vận động “Học tập và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
Cũng nằm trong việc vận dụng nội dung tư tưởng của Hồ Chí Minh trong hoạt động báo chí, tháng 12/2016, Hội Nhà báo Việt Nam công bố “10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam”. Những điều quy ước 2005, quy định 2016 nói trên là sự cụ thể hóa từ tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức báo chí và đó cũng là một trong những nội dung “học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” về báo chí cách mạng Việt Nam đó là:
Một là, báo chí cách mạng Việt Nam phải quan tâm và bảo vệ lợi ích dân tộc, lợi ích quốc gia, lợi ích của đa số nhân dân. Hồ Chí Minh quan niệm rằng đạo đức là nền tảng và là sức mạnh của người cách mạng, nên nhà báo phải có đạo đức cách mạng. Đó là phẩm chất quan trọng hàng đầu của các cán bộ cách mạng nói chung và của các nhà báo cách mạng nói riêng. 
Hai là, báo chí phải lấy nhiệm vụ chung của toàn Đảng, toàn dân làm nhiệm vụ chính của báo chí. Phẩm chất đạo đức của người làm báo là sự tuyệt đối trung thành với lý tưởng cách mạng của Đảng, chiến đấu cho sự thắng lợi của chân lý cách mạng, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Tại Đại hội lần thứ III, Hội Nhà báo Việt Nam tháng 9/1962, Hồ Chí Minh khẳng định: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sỹ cách mạng. Cây bút, trang viết là vũ khí sắc bén của họ. Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng”. Trong thư gửi anh em văn hoá và trí thức Nam bộ ngày 25/5/1947, Người viết: “Ngòi bút của các bạn cũng là những vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính, trừ tà” [1].
Ba là, báo chí phải gương mẫu chấp hành pháp luật, làm tròn nghĩa vụ công dân, làm tốt trách nhiệm xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đầu tiên đã xây dựng mối quan hệ chặt chẽ giữa pháp luật và đạo đức. Người làm báo được Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, giúp đỡ, tạo hành lang pháp lý để hành nghề một cách có hiệu quả nhất. Trong xu thế hội nhập và phát triển, họ phải không ngừng cải tiến, nâng cao chất lượng nội dung và hình thức sản phẩm báo chí, nên nhà báo phải có tinh thần trách nhiệm nghề của mình và xã hội.
Bốn là, nhà báo phải sống lành mạnh, trong sáng, không được lợi dụng nghề nghiệp để vụ lợi và làm trái pháp luật. Theo Hồ Chí Minh đạo đức, lối sống của người làm báo không có gì khác, mỗi cán bộ, phóng viên, biên tập viên mỗi ngày phải tự kiểm điểm, tự phê bình, tự sửa chữa như mỗi ngày phải rửa mặt. Người từng nói “trăm điều phải có thần linh pháp quyền”. Những quan điểm đó cho thấy Hồ Chí Minh rất quan tâm đến việc thực thi pháp luật và dùng pháp luật để giáo dục đạo đức con người trở thành người tốt, có ích cho xã hội.
Năm là, báo chí Việt Nam phải trung thực với nguồn tin, khách quan và tôn trọng sự thật. Hồ Chí Minh đòi hỏi các nhà báo trong mọi trường hợp khen cũng như chê đều với động cơ trong sáng, khách quan; không thể viết báo vì mục đích vụ lợi, cá nhân, ích kỷ. Về tác nghiệp, người làm báo phải khách quan, trung thực, tôn trọng sự thật, không cắt xén, cường điệu, xuyên tạc. Theo Hồ Chí Minh, viết phải thiết thực, kịp thời, “nói có sách, mách có chứng”. Hồ Chí Minh coi trung thực là một tiêu chuẩn đạo đức rất quan trọng trong hoạt động báo chí. Người nói: “Không biết rõ, hiểu rõ, chớ nói, chớ viết. Khi không có gì cần nói, không có gì cần viết, chớ nói, chớ viết càn”, “chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa biết rõ, chớ nói, chớ viết”; “Viết giản dị thôi, và phải đúng sự thật, không được bịa ra... Nêu cái hay, cái tốt thì phải có chừng mực, chớ phóng đại... Phê bình thì phải phê bình một cách thật thà, chân thành, đúng đắn” [2]. 
Sáu là, nhà báo Việt Nam phải khiêm tốn, cầu tiến bộ và nêu cao tinh thần học tập, nâng cao trình độ chính trị, văn hóa, chuyên môn nghiệp vụ.. Hồ Chí Minh nói: “Một người phải biết học nhiều người. Hơn nữa, cần phải làm cho món ăn tinh thần được phong phú, không nên bắt mọi người chỉ được ăn một món thôi. Cũng như vào vườn hoa, cần cho mọi người được thấy nhiều loại hoa đẹp” [3]; Mỗi nhà báo phải coi học tập là nhiệm vụ thường xuyên, suốt đời. Theo Người: “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ, học để phụng sự đoàn thể, phụng sự giai cấp và nhân dân, phụng sự Tổ quốc và nhân loại ” [4]; 
Bảy là, nhà báo Việt Nam phải biết phê bình và tự phê bình. Hồ Chí Minh thường nhắc nhở: mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi ngày phải tự kiểm điểm, tự phê bình, tự sửa chữa như mỗi ngày phải rửa mặt. Hồ Chí Minh căn dặn những người làm báo: “Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng, cố gắng trau dồi tư tưởng, nghiệp vụ và văn hoá; chú trọng học tập chính trị để nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ, đi sâu vào thực tế, đi sâu vào quần chúng lao động”[5]. Khi dự Đại hội lần thứ III, Hội Nhà báo Việt Nam tháng 9/1962, Người chỉ rõ: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang viết là vũ khí sắc bén của họ. Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng”[6]. 
Để phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế trong việc thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XI (về việc “tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ công chức đảng viên vừa hồng vừa chuyên thực hiện tốt hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa), do vậy, cần thiết phải vận dụng tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh vào từng lĩnh vực công tác cụ thể, trong đó có lĩnh vực báo chí. Để “Xây dựng nền báo chí cách mạng, chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại”, mỗi nhà báo cần nắm vững, thấm nhuần tư tưởng đạo đức của Người, vận dụng sáng tạo tư tưởng đó vào hoạt động nghiệp vụ của mình, để xứng đáng là chiến sỹ xung kích trên mặt trận tư tưởng, văn hóa của Đảng, Nhà nước, thực hiện tốt trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân đối với sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội trong thời đại mới - thời đại Hồ Chí Minh và trong kỷ nguyên mới – kỷ nguyên khai sáng toàn cầu./.

TS Hoàng Anh Tuấn

TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1.Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. (tr 368)
2.Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. (Tr 306)
3.Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 5, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. (tr.415)
4.Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 3, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.(tr.161,162)
5.Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 13, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.(tr.466)
6.Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 13, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. (tr.466)
7.Nguyễn Thị Trường Giang. Từ Nguyễn Ái Quốc đến Hồ Chí Minh – Lãnh tụ báo chí cách mạng Việt Nam, Tạp chí Tuyên giáo (tuyengiao.vn)
8. Đào Duy Quát, Đỗ Quang Hưng, Vũ Duy Thông: Tổng quan lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam (1925 – 2010), Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2010, tr.32, 227.
9.Hà Huy Phượng: Học bác Hồ làm báo chuyên Nghiệp, https://www.qdnd.vn/van-hoa/doi-song/hoc-bac-ho-lam-bao-chuyen-nghiep-662654.
10. Lịch sử Báo chí cách mạng Việt Nam (1925 - 2010), NXB Chính trị Quốc gia. Hà Nội 2013.Tr 46.

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề : "Tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả".
Đó là nhấn mạnh của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trong phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
Với tinh thần "Lá lành đùm lá rách", ngày 10/9, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành công văn số 457/CV-HNBVN về việc hưởng ứng lời kêu gọi của đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top