Bài 1: "Nhịp cầu" giữa ý Đảng và lòng dân

16:49 26/10/2022 - Văn hóa xã hội
66 tuổi, mắc căn bệnh ung thư quái ác, phải đi xạ trị nhiều đợt, trong hoàn cảnh éo le này đáng ra bà phải nghỉ ngơi. Thế nhưng, người phụ nữ K’ho với cái tên Roda Nai Linh tại tổ dân phố M’lọn, thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng đã làm điều ngược lại. Bà dành hết thời gian của mình để lo việc làng, việc nước, việc xóm, việc thôn, rong ruổi sưu tầm, bảo tồn giá trị văn hóa... Người thân, con cháu khuyên bà nên nghỉ ngơi, nhưng bà từ chối quyết liệt. Với bà, được làm việc, cống hiến, đó là niềm vui và hạnh phúc. Những công việc bà Roda Nai Linh làm cho dân, cho bản làng, xứ sở cứ thế ngọt lịm những ân tình…      
Người đi ngược lời khuyên

Bà Nai Linh báo cáo thành tích tại đại hội các dân tộc thiểu số tỉnh Lâm Đồng.

Làm việc… vì dân

Về với huyện Đơn Dương khi mùa thu đã cạn ngày nhưng mùa đông thì vừa chạm ngõ. Dù đã hẹn trước nhưng chúng tôi đành phải chờ vì chủ nhà - bà Roda Nai Linh phải đi xuống nhà dân để giải quyết công việc. Trong lúc chờ đợi, hàng xóm của bà Nai linh cho biết: “tìm bà Nai Linh không dễ đâu, trưa đứng bóng hoặc lúc mặt trời đi ngủ thì bà mới về nhà. Bà ấy đi xuống dưới xóm nhắc nhở bà con treo cờ Tổ quốc rồi. Chắc mấy chú phải chờ”.

Đúng như lời của người hàng xóm bà Roda Nai linh, chúng tôi phải chờ khá lâu thì bà mới trở về nhà. Sau lời xin lỗi vì lỡ hẹn và mời khách chén trà, bà bảo: “Công việc của tôi nhiều nhưng vì yêu, vì gắn bó, vì muốn cho làng trên, xóm dưới hòa thuận, đồng lòng nên mình chịu vất vả một chút cũng không sao”. Đem thắc mắc của mình, tôi nhấn mạnh: “Bà có thể nói rõ hơn những công việc hằng ngày của mình?” “Đi hòa giải ở tổ dân phố, nhắc nhở bà con treo cờ Tổ quốc, làm hồ sơ cho bà con vay vốn, vận động người dân hiến đất làm đường, xử lý tranh chấp đất đai, cho đến việc hòa giải vợ chồng đòi ly hôn… mình làm hết. Mình là Trưởng  Ban Công tác mặt trận tổ dân phố M’lọn mà”. Bà bảo, làm công tác ở thôn, buôn, địa bàn có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống không phải nói một lần mà họ nghe theo, mà phải đi nhiều và giải thích cho họ “ưng cái bụng” thì mới được.

Là một địa bàn có hơn 300 nhân khẩu, tổ dân phố M’lọn có 4 cụm dân cư trong đó có 3 cụm người đồng bào K’ho và 1 cụm là đồng bào Churu cho nên việc tuyên truyền đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước phải hết sức nhẹ nhàng, uyển chuyển và linh hoạt. Quan điểm xử lý công việc của bà vẫn là chọn cách làm đơn giản nhưng trước tiên vẫn phải hiểu đường lối, rõ chủ trương, đưa lợi ích chính đáng của dân lên trên hết thì mọi việc mới trôi chảy. “Học và làm theo Bác Hồ mà, cứ cái gì có lợi cho dân thì ra sức làm, cái gì có hại đến dân thì tránh xa”. Bà Nai Linh trải lòng. Minh chứng cho cách làm này bà kể: “Dạo trước, ở đây nhà nước xây dựng và mở rộng hai tuyến đường là Huỳnh Thúc Kháng và Trần Hưng Đạo. Kinh phí nhà nước hỗ trợ nhưng điều quan trọng là phải mở rộng diện tích mặt đường từ 3m lúc đầu lên 8m khi hoàn thành. Đa số người dân đồng tình nhưng vẫn còn một số gia đình không chịu hiến đất giao mặt bằng”. Bằng kinh nghiệm của mình, bà Nai Linh đến tận nhà dân để vận động. Lần thứ nhất, chủ nhà không tiếp, lần thứ hai, bà Nai Linh bị đuổi về, lần thứ 3 họ không cho vào nhà. Lần thứ 4, bà Nai Linh tiếp tục đến vận động và “vận may” đã mỉm cười với bà. Như để rõ hơn về cách làm việc của bà Nai Linh, tôi hỏi: “Đối với trường hợp này, bà vận động như thế nào cho hiệu quả?”. “Trước hết mình nói về lợi ích thiết thực cho họ hiểu khi có con đường mới. Giao thông thuận tiện hơn, con em đi học không còn cảnh nắng bụi, mưa sình. Nông sản làm ra có xe 4 bánh vào tận nhà để thu mua, kinh tế sẽ khá giả hơn. Nếu ai cũng đồng lòng nhất trí thì địa phương có con đường rất đẹp. Khi dân giàu thì nước mới mạnh được”, bà Nai Linh đáp lời. Từ những lời lẽ thuyết phục, bà Nai Linh đã nhận được “quả ngọt” sau 2 ngày chủ nhà suy nghĩ với kết quả đồng ý hiến đất. Vậy là những “nút thắt” quan trọng nhất của việc làm đường giao thông đã được bà tháo gỡ. Từ thành quả này, hai tuyến đường khang trang, sạch đẹp đã hoàn thành với sự hân hoan chào đón của cả khu phố M’lọn. Cứ thế công việc vận động người dân hiến đất làm đường được bà Nai Linh thực hiện một cách nhẹ nhàng, nhuần nhuyễn. Hiện nay, trong 5 tuyến đường được cải tạo, làm mới tại tổ dân phố M’lọn đều có sự tham gia vận động của bà Nai Linh. Việc làm của bà Nai Linh không quá phô trương nhưng đã để lại cho người dân M’lọn bao thương nhớ. “Nhờ có bà Nai Linh vận động mà người dân trong khu vực này họ hiểu, đồng ý hiến đất làm đường. Tổ dân phố M’lọn đã có những con đường khang trang sạch đẹp, thuận tiện rất nhiều trong việc đi lại”. Bà Nai Loan - người dân M’lọn phấn khởi khi các tuyến đường giao thông tại địa phương đã được hoàn thành. 

Bà Nai Linh (phía trước) - đại biểu tham dự đại hội các dân tộc thiểu số tỉnh Lâm Đồng.

Chiều muộn nhưng nắng còn ngổn ngang. Công việc qua lời kể của bà Nai Linh lúc nào cũng khiến cho người nghe nồng nàn cảm xúc. Với quan điểm việc gì có lợi cho dân thì phải gắng làm hết sức nên đã bao lần bà Nai Linh phải bỏ lỡ bữa cơm đầm ấm gia đình, bỏ những ngày lên nương, bỏ lại những vườn cà phê đang ngậm mùa bội thu để đi giải quyết việc của tổ dân phố. Đó là những kỷ niệm không quên về những tháng ngày gõ cửa từng nhà, rà từng người, vận động người dân bỏ các thủ tục lạc hậu như: thách cưới, tảo hôn, rút ngắn thời gian trong lễ bỏ mã của người đồng bào dân tộc K’ho. Bà nói rằng: “để học và làm theo tấm gương của Bác Hồ đối với tôi không phải là điều gì đó quá cao siêu mà là những việc bình thường, hằng ngày ở tổ, ở thôn. Cứ tới tận nhà để lắng nghe dân, gần dân và đem đường lối của Đảng, chủ trương của Nhà nước mà nói cho dân hiểu, làm cho dân tin, mang lợi ích chính đáng cho dân là được. Để vận động người đồng bào dân tộc ở đây theo Đảng, Nhà nước, bãi bỏ các hủ tục thì tốt nhất là tới từng nhà để nói chuyện với họ. Nói một lần chưa được thì nói hai, ba lần. Đi một lần không gặp thì đi hai, ba lần. Đó là cách làm hiệu quả nhất để chủ trương, đường lối của cấp trên đi vào lòng dân”. Cứ như thế, quãng thời gian làm công tác mặt trận ở địa phương, bà Nai Linh trở thành một chỗ dựa tin cậy cho người dân nơi buôn làng. Xuôi mạch cảm xúc bà kể thêm: “Làm công tác mặt trận nhiều khi cười ra nước mắt chú ạ. Có lần tôi đi hòa giải cho một đôi vợ chồng người K’ho cùng tổ dân phố. Người chồng nằng nặc đòi ly dị vợ vì vợ thường xuyên ăn cơm quán, không nấu cơm nước cho gia đình. Khi đến nhà, người chồng nhờ tôi viết đơn ly dị. Tôi bảo, tôi đến là để hòa giải và hàn gắn chứ không phải để chia rẽ. Sau một hồi khuyên can và giải thích, cùng với người trong họ hàng tác động, hai vợ chồng đã làm hòa với nhau”.

Bỏ tiền túi mua cờ Tổ quốc cho dân 

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Tây Nguyên đầy nắng và gió, bà Roda Nai Linh năm nay đã đi qua 66 mùa trăng nơi đại ngàn. Ba nhiệm kỳ làm công tác mặt trận của tổ dân phố M’lọn, thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Đơn Dương có lẽ là quãng thời gian để lại cho bà nhiều kỷ niệm nhất. Vui có, buồn có, việc quan trọng có mà việc "cỏn con" cũng rất nhiều. Bởi theo bà, khi đã là công dân của vùng đất này thì phải sống trách nhiệm với nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Vì cách nghĩ ấy mà việc nào bà cũng có mặt, từ việc vay vốn cho những đứa học sinh khát con chữ nơi giảng đường đại học đã nhờ đến bà làm mấy bộ hồ sơ; rồi cũng vì sợ người dân ít cơm, lạt muối mà bà Trưởng Ban Công tác Mặt trận hay chữ đã biên cho những hộ nghèo mấy tờ đơn để vay vốn tái canh cà phê; rồi tranh chấp đất đai; rồi tổ chức Tết Trung thu, các chính sách với người già, người có công, thậm chí có những vụ mất gà, mất vịt cũng nhờ bà Nai Linh giải quyết. Bởi theo bà, việc dù nhỏ cũng không để cho người dân mất đoàn kết, mất đi cái tình, cái nghĩa nơi làng quê.

Chuyện về bà Nai Linh là một câu chuyện dài với nhiều tình tiết hấp dẫn, càng nghe nhiều, càng thấy thú vị và càng trân quý hơn đối với những công việc bà đã làm. Vào năm 2012, để vận động bà con treo cờ Tổ quốc vào các ngày lễ quan trọng của đất nước, bà tự bỏ tiền của mình mua 30 lá cờ Tổ quốc tặng cho người dân để họ treo trước cổng nhà. Chính những việc làm của bà Nai Linh đã được nhiều người biết đến, cộng đồng người K’ho yêu quý và chính quyền địa phương không hề lãng quên. Ông Lê Văn Quang - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Đơn Dương tự hào lắm khi nói về bà Roda Nai Linh: “Bà Nai Linh là người có uy tín cao tại địa phương, đặc biệt là trong cộng đồng người K’ho. Là người nhiệt tâm, nhiệt tình nên công việc được bà ấy làm rốt ráo, nhất là vận động bà con hiến đất làm đường, xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư”.

Chiều đông đi qua, nắng đã sẫm màu. Dù dấu ấn thời gian đã hằn lên thân thể nhưng những việc mà bà Roda Nai Linh làm cho quê hương, cho cộng đồng vẫn chưa có hồi kết. Ngoài những việc làm cho dân, cho bản làng, xứ sở, bà Nai Linh còn có cả một câu chuyện dài về bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống ngay tại tư gia của mình. Câu chuyện này chắc hẳn cũng làm cho người đọc, người nghe trượt dài theo nỗi nhớ chênh vênh…

Thành Nam

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Ngày 16/12, tại thành phố Cần Thơ, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.
Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề : "Tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả".
Đó là nhấn mạnh của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trong phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top