Kết nối tạp chí:
  • facebook
  • Tiwer
  • Youtube
  • Google

Bắc Ninh: Bao phủ BHYT đến 100% người cao tuổi

Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Ninh vừa ban hành Nghị quyết số 11/2023/NQ-HĐND về việc Quy định chính sách hỗ trợ đối tượng bảo trợ xã hội thuộc hộ nghèo, người cao tuổi và các đối tượng khó khăn khác trên địa bàn tỉnh.

Khám chữa bệnh cho người cao tuổi tại huyện Yên Phong (Bắc Ninh)

Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1/1/2024, trong đó quy định hỗ trợ 100% kinh phí tham gia Bảo hiểm Y tế đối với người cao tuổi từ đủ 60 tuổi đến dưới 80 tuổi.

Theo đó, chính sách hỗ trợ tham gia Bảo hiểm Y tế đối với người cao tuổi quy định hỗ trợ 100% kinh phí tham gia bảo hiểm y tế hằng năm đối với người cao tuổi từ đủ 60 tuổi đến dưới 80 tuổi thường trú và đang sinh sống trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh theo quy định của Luật Cư trú và chưa tham gia bảo hiểm y tế theo các đối tượng khác. Như vậy, số người cao tuổi được hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế tại Bắc Ninh sẽ được mở rộng hơn đáng kể. 

Ông Nguyễn Văn Cậy, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Ninh nhấn mạnh đây là chính sách nằm trong chủ trương nâng cao mức sống của người dân trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh. Với việc thông qua chính sách này, Bắc Ninh trở thành địa phương đầu tiên trên cả nước đạt bao phủ bảo hiểm y tế đến 100% người cao tuổi.

Trước đó, Bắc Ninh cũng đã thực hiện chính sách hỗ trợ 100% đóng bảo hiểm y tế với người từ 65 tuổi đến dưới 80 tuổi (theo Nghị quyết số 101/2018/NQ-HĐND ngày 17/4/2018). Năm 2022, số người cao tuổi được hỗ trợ tham gia bảo hiểm y tế theo diện này là trên 39.000 người.

Dự kiến tổng kinh phí hỗ trợ hằng tháng và hỗ trợ bảo hiểm y tế đối với người cao tuổi hằng năm khoảng 35 tỷ đồng; trong đó, hỗ trợ hằng tháng 30,8 tỷ đồng; hỗ trợ bảo hiểm y tế 4,2 tỷ đồng.

Bắc Ninh là một trong những địa phương đã xây dựng được nhiều cơ chế hỗ trợ người dân tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Theo đó, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh đang có nhiều chính sách hỗ trợ các nhóm đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Ngoài nhóm người cao tuổi, Bắc Ninh cũng đang hỗ trợ bảo hiểm y tế với hộ cận nghèo, hộ cận nghèo vừa thoát nghèo, người hiến bộ phận cơ thể, cựu quân nhân, công nhân thu gom rác, chức sắc tu hành…

Về bảo hiểm xã hội tự nguyện, người dân Bắc Ninh cũng được hỗ trợ thêm 30% mức đóng từ ngân sách của tỉnh.

Nghị quyết số 11/2023/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Ninh cũng quy định hỗ trợ thêm hằng tháng cho các đối tượng bảo trợ xã hội thuộc hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều của trung ương đang sinh sống trên địa bàn tỉnh, gồm người cao tuổi cô đơn, người khuyết tật nặng, người khuyết tật đặc biệt nặng, người nhiễm HIV/AIDS, người đơn thân nuôi con, nhằm đảm bảo tổng kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước bằng với mức thu nhập chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025 do Chính phủ quy định.

Theo đó, tổng mức hỗ trợ và trợ cấp xã hội đối với người cao tuổi cô đơn, người khuyết tật nặng, người khuyết tật đặc biệt nặng, người nhiễm HIV/AIDS khu vực nông thôn là 1,5 triệu đồng/người/tháng, khu vực thành thị là 2 triệu đồng/người/tháng.

Đối với người đơn thân nuôi con, ở khu vực nông thôn, tỉnh hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người/tháng đối với người nuôi 1 con và hỗ trợ 2 triệu đồng/người/tháng đối với người nuôi 2 con trở lên; ở khu vực thành thị, được hỗ trợ 2 triệu đồng/người/tháng đối với người nuôi 1 con và hỗ trợ 2,5 triệu đồng/người/tháng đối với người nuôi 2 con trở lên.

Hiện nay, các đối tượng được hưởng mức trợ cấp xã hội hằng tháng theo mức 440.000 đồng/tháng/đối với người đơn thân đang nuôi 1 con; 660.000 đồng/tháng đối với người cao tuổi cô đơn dưới 80 tuổi, người khuyết tật nặng, người bị người nhiễm HIV/AIDS; 880.000 đồng/tháng đối với người cao tuổi cô đơn trên 80 tuổi, người khuyết tật đặc biệt nặng, người bị người nhiễm HIV và 1,1 triệu đồng/tháng đối với trẻ em dưới 4 tuổi bị nhiễm HIV/AIDS.

Gia Linh

Tags
Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
Với tinh thần "Lá lành đùm lá rách", ngày 10/9, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành công văn số 457/CV-HNBVN về việc hưởng ứng lời kêu gọi của đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3.
Báo chí nói chung là một trong những kênh chính tạo dư luận xã hội. Báo chí cách mạng Việt Nam càng cần trách nhiệm xã hội cao, vì báo chí là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội, tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước và thế giới theo tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí, phục vụ lợi ích quốc gia - dân tộc, cộng đồng xã hội. Chính vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, vai trò của người làm báo trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội của báo chí là cực kỳ quan trọng, bởi họ có trách nhiệm phản ánh một cách chính xác, đa chiều cạnh và đa dạng về thực tế xã hội,... mang lại thông tin có giá trị, kịp thời cho độc giả.
Tháng 8/1945, chớp thời cơ chiến lược “ngàn năm có một”, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam tiến hành cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước, tạo nên một bước ngoặt lớn trong lịch sử dân tộc. Từ đây, nhân dân Việt Nam thoát khỏi thân phận nô lệ trở thành người chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình; đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội. Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 là một trong những chiến công vĩ đại nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, là bản hùng ca bất diệt trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top