Australia phát triển vaccine ngừa COVID-19 dạng nhỏ mũi
22:32 19/11/2022
- Báo chí & Khoa học công nghệ
Các nhà nghiên cứu thuộc trường Đại học Sydney và Viện Centenary của Australia đã phát triển một loại vaccine dạng nhỏ mũi có thể giúp cơ thể tăng cường khả năng bảo vệ trước virus gây bệnh COVID-19 và giảm thiểu sự lây truyền của virus.
Vaccine đường mũi tạo ra khả năng miễn dịch tại chỗ ở vùng mũi họng và tạo thêm một rào cản đối với virus tìm cách xâm nhập vào cơ thể_Ảnh minh họa: nguồn Internet.
Báo cáo kết quả thử nghiệm tiền lâm sàng đối với loại vaccine mới này đã được công bố trên tạp chí Nature Communications. Nghiên cứu trên chuột cho thấy vaccine cấu trúc dưới phân tử nói trên khi kết hợp với protein gai đột biến của virus SARS-CoV-2 và thành phần tá dược Pam2Cys có thể tạo ra các kháng thể trung hòa đáng kể chống lại virus, với sự gia tăng phản ứng của tế bào T trong phổi và hệ hô hấp.
Nhà khoa học Anneliese Ashhurst - tác giả chính của nghiên cứu trên - cho biết: "Các loại vaccine ngừa SARS-CoV-2 hiện nay giúp giảm đáng kể tỷ lệ tử vong và các ca bệnh nghiêm trọng, tuy nhiên khả năng bảo vệ chống lây nhiễm lại kém hiệu quả hơn. Những người được tiêm vaccine vẫn mắc COVID-19 và có thể truyền bệnh cho người khác, dẫn tới hiện tượng lây nhiễm đột phá. Khác với hầu hết các loại vaccine ngừa COVID-19 hiện nay, loại vaccine do chúng tôi phát triển cho phép tạo ra phản ứng miễn dịch trực tiếp ở những vùng cơ thể có khả năng là điểm tiếp xúc đầu tiên của virus, mũi, đường hô hấp và phổi.”
Theo bà Ashhurst, bà cùng các cộng sự đã thử nghiệm vaccine này bằng cách tiêm hoặc nhỏ mũi. Bà cho biết: "Mặc dù cả hai phương thức đều hiệu quả, nhưng việc tiếp nhận vaccine qua đường mũi đã cải thiện đáng kể các phản ứng miễn dịch cục bộ trong mũi, đường hô hấp và phổi. Chúng tôi đã phát triển để vaccine đạt được sự bảo vệ tuyệt đối trước nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2”.
Ngoài ra, nghiên cứu trên khẳng định rằng các phiên bản hiệu chỉnh của vaccine dạng nhỏ mũi mới này cũng có thể được áp dụng cho các bệnh đường hô hấp khác do virus hoặc vi khuẩn gây ra.
Theo TTXVN
Bình luận: 0
Tin tức liên quan
- Chuyển đổi số báo chí theo nguyên tắc “động", "kịp thời” (10:18 12/05/2023)
- Doanh thu toàn ngành TT&TT đạt khoảng 1,14 triệu tỷ đồng trong 4 tháng (03:43 10/05/2023)
- WHO và UNICEF khuyến khích các nỗ lực tại Việt Nam để bắt kịp chương trình tiêm chủng định kỳ cho trẻ em (11:29 30/04/2023)
- Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong sáng tạo nội dung truyền hình (05:47 30/04/2023)
- Báo chí giải thích, sáng tạo số lên ngôi (10:54 28/04/2023)