APEC: hội nhập kinh tế được ưu tiên hàng đầu

17:26 14/02/2017 - Kinh tế
Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Singapore Lim Hng Kiang cho biết mặc dù vẫn còn một khoảng cách khá xa để đạt mục tiêu tự do hóa thương mại, song các nền kinh tế thành viên Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) vẫn cần tiếp tục theo đuổi con đường hội nhập kinh tế và coi đây là ưu tiên hàng đầu.

Hội nghị quan chức cấp cao APEC lần thứ nhất (SOM 1) được tổ chức tại Nha Trang từ ngày 18/2 - 3/3/2017. Ảnh Internet

Bộ trưởng Lim Hng Kiang đưa ra phát biểu trên tại Hội nghị Hội đồng Hợp tác Kinh tế Thái Bình Dương (PECC) Singapore 2017.  Ông khẳng định, tầm nhìn của APEC sẽ vẫn là thúc đẩy tăng trưởng thông qua hợp tác kinh tế sâu rộng hơn và tăng cường hội nhập trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. 

Theo ông,  việc thực hiện Khu vực Mậu dịch tự do châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP) nên tiếp tục là "chìa khóa" trong chương trình nghị sự của APEC để tăng cường hội nhập kinh tế khu vực và góp phần vào việc thực hiện mục tiêu tự do hóa thương mại. 

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn cho biết với tư cách là nước chủ nhà đăng cai APEC 2017, Việt Nam nỗ lực cùng với các thành viên thảo luận các vấn đề dựa trên 4 trụ cột của APEC và đã đạt được sự đồng thuận rất cao. 

Đầu tháng 3 tới, Hội nghị quan chức cấp cao APEC lần thứ nhất (SOM 1) được tổ chức tại Nha Trang. Việt Nam với tư cách là nước chủ nhà đăng cai đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng các sáng kiến và các kiến nghị trên tất cả các lĩnh vực để có thể đưa ra bàn thảo cùng các thành viên.

Những vấn đề trọng tâm sẽ được bàn thảo cụ thể như:  tăng cường liên kết kinh tế khu vực; thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm; hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ nâng cao tính cạnh tranh của kỷ nguyên số; xây dựng nền nông nghiệp bền vững để ứng phó với biến đổi khí hậu nhằm tiến tới thống nhất để có thể đưa lên cấp cao hơn là ở Hội nghị Bộ trưởng và sau đó là các nhà lãnh đạo tại Tuần lễ cấp cao APEC vào cuối năm nay. 

Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn cũng nhấn mạnh,  thành công của APEC 2017 hay việc APEC có đem lại lợi ích cho các nền kinh tế thành viên cũng như cho cộng đồng dân cư ở từng nền kinh tế thành viên được hay không phụ thuộc vào sự đóng góp của tất cả các thành viên, trong đó Việt Nam sẽ đóng vai trò đầu tàu thông qua việc kiên trì đường lối cải cách cũng như hội nhập quốc tế sâu rộng.

Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Singapore về Hợp tác kinh tế Thái Bình Dương (SINCPEC), Tiến sỹ Tan Khee Giap khẳng định, Việt Nam đã có những đóng góp tích cực trong việc thúc đẩy thương mại đầu tư. Tuy nhiên, Việt Nam cũng cần thể hiện tiếng nói mạnh mẽ hơn nữa để thúc đẩy toàn cầu hóa, tạo sự gắn kết giữa các thành viên nhằm thúc đẩy tự do hóa thương mại cũng sự tạo sự tăng trưởng, thịnh vượng và phát triển bền vững ở khu vực./.

TH

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề : "Tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả".
Đó là nhấn mạnh của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trong phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
Với tinh thần "Lá lành đùm lá rách", ngày 10/9, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành công văn số 457/CV-HNBVN về việc hưởng ứng lời kêu gọi của đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top