Áp lực mới cho giải ngân vốn đầu tư công

15:31 31/07/2021 - Kinh tế
Hết quý III, các bộ, ngành, địa phương trong cả nước phải giải ngân tối thiểu 60% kế hoạch vốn đầu tư công để đạt mục tiêu phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân cả năm 2021 khoảng 95 - 100% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao.

Ðó là yêu cầu mới đặt ra đối với hoạt động đầu tư từ ngân sách nhà nước sáu tháng cuối năm tại Nghị quyết 63/NQ-CP của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022.

Công khai phương án bồi thường đối với người dân vùng dự án sân bay Long Thành (Ảnh: THIÊN VƯƠNG).

Bước vào năm đầu tiên của kỳ đầu tư công trung hạn 5 năm tới, Chính phủ đã có quyết tâm mới, hành động mới. Yêu cầu đầu tiên đặt ra là khắc phục cho được tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí, kém hiệu quả.

Với tổng ngân sách được phân bổ, các bộ, ngành, địa phương phải suy nghĩ, tính toán, điều chỉnh lại các dự án đầu tư theo hướng trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào ba khâu đột phá chiến lược và các dự án, công trình đầu tư phục vụ an sinh xã hội như: phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, chăm lo các đối tượng yếu thế...

Vì vậy, trong giai đoạn 2021 - 2025, tổng vốn từ ngân sách nhà nước dành cho đầu tư công tăng hơn 30% so giai đoạn 5 năm trước, nhưng tổng số dự án, công trình giảm khoảng 50%, tương đương khoảng 5.000 dự án.

Vừa qua, gần 1.500 dự án đã được rà soát, đưa ra khỏi danh mục đầu tư chỉ sau một tuần kể từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 13 về đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Ðây là việc chưa có tiền lệ bởi đối với nền kinh tế Việt Nam, đóng góp vào tăng trưởng của yếu tố vốn vẫn chiếm tỷ trọng lớn so với yếu tố lao động và các nhân tố tổng hợp khác, cho nên các địa phương vẫn có tâm lý dành thật nhiều nguồn lực đầu tư để thúc đẩy tăng trưởng, dẫn đến tình trạng đầu tư dàn trải, manh mún.

Không ít địa phương còn nghèo, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) nhỏ nhưng vẫn lên kế hoạch đầu tư hàng trăm dự án trong một nhiệm kỳ để sau đó, cơ quan tham mưu tổng hợp phải đau đầu tính toán, cân nhắc cắt bỏ những dự án không cấp thiết, kém hiệu quả trước khi trình Chính phủ.

Bên cạnh đó, một số bộ, ngành, địa phương không "tiêu" hết số vốn đã phân bổ, xin trả lại hàng nghìn tỷ đồng để điều chuyển cho các dự án hiệu quả cũng gây nên những xáo trộn không nhỏ trong việc phân bổ nguồn lực.

Thực tế, việc chậm giải ngân vốn đầu tư công vẫn chưa được cải thiện căn bản. Sáu tháng đầu năm nay có tới 37/50 bộ, ngành giải ngân dưới 20% vốn kế hoạch, các công trình trọng điểm của đất nước như: dự án cao tốc bắc - nam mới giải ngân được 30% kế hoạch năm, dự án giải phóng mặt bằng sân bay Long Thành mới giải ngân đạt 43% kế hoạch vốn.

Nguyên nhân cơ bản vẫn là chưa tháo gỡ được nút thắt về giải phóng mặt bằng; khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, sự thiếu quyết liệt của người đứng đầu… và nảy sinh thách thức mới là tình trạng tăng giá vật liệu xây dựng làm đội vốn dự án, công trình khiến nhà thầu phải ngừng thi công chờ phê duyệt đơn giá mới.

Ðầu tư công có vai trò dẫn dắt và tạo tính lan tỏa cao đối với nền kinh tế, cứ 1 đồng vốn đầu tư công sẽ kéo theo 1,61 đồng vốn đầu tư ngoài nhà nước, dự báo giải ngân vốn đầu tư công tăng thêm 1% sẽ làm GDP tăng thêm 0,058%. Bởi vậy, tăng vốn đầu tư công có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt cho tăng trưởng kinh tế nước ta giai đoạn 2021 - 2025.

Ðể đẩy mạnh giải ngân và nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn đầu tư công, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu người đứng đầu các cơ quan, đơn vị phải quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, mạnh dạn làm vì dân, vì nước, cắt giảm các dự án chưa cấp thiết để tập trung vốn cho các dự án hiệu quả hơn. Cương quyết xóa bỏ cơ chế "xin - cho", chống tiêu cực trong đầu tư công, chấm dứt tình trạng dàn trải, manh mún, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tạo khí thế, quyết tâm mới trong phát triển. Ðây là áp lực cần thiết để nâng chất lượng hoạt động đầu tư công trong giai đoạn tới.

Theo nhandan.vn

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề : "Tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả".
Đó là nhấn mạnh của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trong phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
Với tinh thần "Lá lành đùm lá rách", ngày 10/9, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành công văn số 457/CV-HNBVN về việc hưởng ứng lời kêu gọi của đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top