Anh rời liên hiệp châu Âu (EU): Sau Brexit, là Bregret

22:13 22/07/2016 - Thế giới
Kết quả phần đông cử tri Anh ủng hộ Brexit (Anh rời EU) trong cuộc trưng cầu ý dân đã gây chấn động thế giới. Ngay sau sự kiện chưa có tiền lệ tại châu Âu này, người Anh rơi vào trạng thái bàng hoàng và hoang mang. Ngay lập tức, cả triệu người ký vào thỉnh nguyện thư kêu gọi tổ chức một cuộc bỏ phiếu nữa. Ý muốn sửa sai cũng lập tức được gọi tên là Bregret - Nước Anh hối hận!

Một người đàn ông Anh cầm cờ EU với nét mặt buồn bã sau khi biết kết quả cuộc trưng cầu dân ý. Ảnh: BBC

“Cuộc chiến hai phe” trên báo chí

Sau cảm giác bàng hoàng khi đối mặt cơn địa chấn cả về chính trị lẫn tài chính do cuộc trưng cầu ý dân hôm 23/6, không chỉ những cử tri nói không với Brexit, mà nhiều người bỏ phiếu ủng hộ “nước Anh rời đi” cũng cảm thấy hối tiếc. Phần đông ý kiến đổ lỗi cho việc họ bị lừa dối. Họ tìm đủ lý do, từ chương trình truyền thông của chính phủ không hiệu quả khiến họ chưa thấy rõ tác động của Brexit, đến cả việc vị Tổng thống từ bên kia Đại Tây Dương trong chuyến thăm Luân Đôn thời điểm hai tháng trước cuộc trưng cầu ý dân đã cảnh báo Anh sẽ chao đảo nếu rời EU, khiến họ muốn chứng minh điều ngược lại qua lá phiếu. Cả giới truyền thông cũng bị gán trách nhiệm, vì đẩy cử tri vào “ma trận thông tin”.

Cuộc chiến Brexit trên báo chí Anh được cho là do The Sun, tờ báo của ông trùm truyền thông R.Murdoch, khởi xướng với cả một chuyên san “hãy rời đi”, đăng trên số báo ra ngày 14/6. Tờ báo có số lượng độc giả lớn nhất ở Anh này kêu gọi: “Đây là cơ hội cuối cùng để chúng ta rút khỏi bộ máy quan liêu, phi dân chủ của Brussels”; và “Ở lại nghĩa là chúng ta phải chấp nhận điều tồi tệ nhất trong các vấn đề nhập cư, lương bổng và lối sống”.

Chia sẻ quan điểm với các đồng nghiệp ở The Sun, ấn phẩm khác cùng tập đoàn của ông trùm Murdoch là The Sunday Times bổ sung lý do ủng hộ “phe rời đi”. Để khuyến khích bạn đọc ủng hộ, tờ báo này nhắc đến điều mà Luân Đôn lâu nay phản đối kịch liệt, đó là khả năng EU lập quân đội riêng. “Trường hợp Anh không còn là thành viên EU, Brussels sẽ rộng đường theo đuổi chiến lược an ninh toàn cầu. Khi đó, chúng ta sẽ đứng ngoài. Vì chúng ta chỉ cần NATO bảo đảm an ninh là đủ” - tờ báo viết.
Quan điểm chung của phe Brexit được tờ The Sunday Telegraph gói gọn trong lập luận đề cao một nước Anh hùng mạnh, tự chủ và tự do trong các quyết sách quốc gia khi đứng ngoài “mái nhà chung”. Một EU liên kết lỏng lẻo, quan liêu, áp đặt ý chí lên người dân... là lý do để Anh phá vỡ sự gắn kết với Eu, mà nhiều tờ báo gọi là “cuộc hôn nhân không êm ả” kéo dài hơn 40 năm.

Bên phía các tờ báo ủng hộ “phe ở lại”, có cả tờ The Times của Murdoch, cũng đưa ra lập luận thuyết phục chẳng kém. Một loạt tờ báo lớn trong đó The Guardian, The Mail on Sunday, The Observer... đã cùng gia nhập “đội quân ở lại”. Vào Chủ nhật tuần cuối cùng trước cuộc trưng cầu ý dân, trong khi tờ The Observer đăng bài báo có hàng tít dài hiếm thấy “Vì một nước Anh ngày càng quốc tế hóa, tự do hóa và cởi mở với thế giới, chúng ta phải là một phần của EU”, thì tờ The Mail on Sunday cũng dành trọn hai trang cho chuyên mục bình luận phản đối Brexit. Một loạt bài bình luận trên các tờ báo thuộc “phe ở lại” được cho là nỗ lực cuối cùng thuyết phục cử tri.

Hầu hết các bài báo đều tập trung vào vấn đề khủng hoảng người di cư và tị nạn, vốn là chủ đề thống lĩnh cuộc tranh cãi giữa hai phe, trong đó chỉ rõ, những người ủng hộ Brexit thậm chí còn chưa biết phải làm gì để đối phó dòng người di cư khi Luân Đôn “đứng riêng”. chỉ trích Brexit là “sự ảo tưởng nguy hiểm”, các bài báo của phe này chỉ rõ, một nước Anh từ bỏ mọi cơ cấu, thị trường, hạn chế chung của Eu sẽ đối mặt sự quay lưng của thị trường thế giới, một giai đoạn thiếu ổn định kinh tế; sẽ phải tự đứng lên, tự chiến đấu vì sự tồn tại trong thế giới toàn cầu hóa khốc liệt...

Tìm kiếm cơ hội sửa sai

Không hoàn toàn vô lý khi người Anh đổ lỗi cho truyền thông về kết quả cuộc trưng cầu ý dân. Lý lẽ của các bên trong “cuộc chiến hai phe” đều thuyết phục, khiến cử tri Anh rối bời khi đưa ra quyết định lựa chọn. Nhiều người bỏ phiếu “rời đi” khi vẫn thấy nhiều lý do để “ở lại”, thậm chí nhiều người ủng hộ Brexit vẫn không tin họ đã chiến thắng.

Kết quả điều tra của google còn cho thấy điều khác thường, đó là sau khi cuộc trưng cầu ý dân kết thúc, số người tìm hiểu về Brexit mới tăng vọt. Vài ngày sau cuộc bỏ phiếu, những cụm từ như “Brexit là gì” hay “EU là gì” vẫn được tìm kiếm nhiều nhất trên Google. Phải chăng, vẫn có nhiều người Anh dường như không hiểu rõ lắm về mục đích họ bỏ phiếu, hoặc ít ra cũng không lường trước được hệ lụy nghiêm trọng khi Anh rời EU?

Mổ xẻ nguyên nhân phe Brexit chiến thắng, nhiều tờ báo còn viện tới một nghịch lý rằng, dường như dư luận Anh tin tưởng thông tin của thị trường cá cược hơn là kết quả các cuộc thăm dò chính thức. Rất nhiều cử tri vẫn lạc quan về triển vọng Anh tiếp tục trụ lại “mái nhà EU”, cho dù càng gần đến ngày bỏ phiếu, các cuộc khảo sát càng cho nhiều kết quả có lợi cho phe Brexit. Bởi lẽ, hãng cá cược Ladbrokes đã khẳng định chắc chắn về thất bại của brexit, khi cung cấp thông tin cho thấy tỷ lệ cử tri chọn “ở lại” dự báo lên tới 82%. có lẽ, người Anh không còn tin kết quả thăm dò là do rút kinh nghiệm từ thất bại cay đắng của các hãng khảo sát dư luận Anh đã dự báo sai về chiến thắng của công đảng trong cuộc tổng tuyển cử năm 2015, cuộc bầu cử mà đảng bảo thủ giành thắng lợi, với cam kết của Thủ tướng David cameron tiến hành trưng cầu ý dân về “ra đi” hay “ở lại”. Dù các dự báo về brexit lần này không lặp lại sai lầm là trái ngược hoàn toàn với kết quả bỏ phiếu, nhưng vẫn bị chỉ trích là làm “chệch hướng” dư luận. Thực tế, trong cuộc trưng cầu ý dân vừa rồi, hầu hết cử tri trẻ tuổi bỏ phiếu ủng hộ nước Anh ở lại Eu. Khảo sát của hãng yougov trước đó cũng cho kết quả, có tới 75% cử tri độ tuổi từ 18 đến 24 quyết định bỏ phiếu “ở lại”, trong khi tỷ lệ cử tri trên 65 tuổi lựa chọn tương tự chỉ ở mức 39%. Dự báo này càng tạo cảm giác, phe brexit yếu thế hơn. Tuy nhiên, cuộc khảo sát của Yougov và chiến dịch vận động “ở lại” tiến hành chủ yếu trên các mạng xã hội, như Twitter hay Facebook, nơi người trẻ hoạt động tích cực. Nhưng, thực tế, số cử tri lớn tuổi ủng hộ Brexit lại lớn hơn nhiều số cử tri trẻ muốn Anh ở lại...

Không khí thất vọng và hoang mang bao trùm nước Anh sau thắng lợi của phe Brexit. Tràn ngập trên báo chí và các mạng xã hội ở Anh giờ đây là các từ như Bregret hay Regrexit, phản ánh tâm trạng hối tiếc của người Anh. Chỉ vài ngày sau cuộc trưng cầu ý dân, gần ba triệu người vội vã ký đơn đề nghị Quốc hội tổ chức thêm một cuộc bỏ phiếu/.

Chu Hồng Thắng
Tạp chí Người Làm Báo số 389 - Tháng

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề : "Tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả".
Đó là nhấn mạnh của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trong phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
Với tinh thần "Lá lành đùm lá rách", ngày 10/9, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành công văn số 457/CV-HNBVN về việc hưởng ứng lời kêu gọi của đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top