Agribank ký kết với các tổ chức trung gian, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt

18:56 14/12/2021 - Kinh tế
Xu hướng thanh toán số, không sử dụng tiền mặt ngày càng phát triển rộng rãi bởi tính bảo mật an toàn và sự tiện dụng khi thanh toán cho người sử dụng. Bắt nhịp xu thế đó, Agribank nhanh chóng chuyển đổi công nghệ, hiện đại hóa hệ thống công nghệ thông tin nhằm cung cấp những sản phẩm dịch vụ ngân hàng tiện ích cho khách hàng.

Khách hàng có nhiều sự lựa chọn khi thanh toán qua các kênh thanh toán tiện ích của Agribank

Xác định hiện đại hóa giao dịch thanh toán phục vụ khách hàng trên nền tảng công nghệ thông tin là vấn đề then chốt để nâng cao chất lượng dịch vụ thanh toán cung cấp cho khách hàng, hiện nay tất cả các giao dịch thanh toán qua hệ thống Agribank đều được thực hiện theo hướng an toàn về tài sản, bảo mật thông tin cho khách hàng, chuyển dần từ giao dịch trực tiếp tại quầy sang giao dịch điện tử qua Mobile Banking và Internet Banking, sử dụng phương thức thanh toán tự động với các tiện ích vượt trội. Đến nay, phương thức thanh toán tự động tại Agribank chiếm khoảng 81% tổng số giao dịch thanh toán của khách hàng. 

“Bắt tay” với các tổ chức trung gian thanh toán để đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ

Agribank đã triển khai ký thỏa thuận hợp tác với trên 2000 nhà cung cấp dịch vụ để thực hiện các dịch vụ thanh toán thu hộ, chi hộ phục vụ nhu cầu thanh toán của khách hàng với số lượng giao dịch hàng năm trên 30 triệu giao dịch, doanh số giao dịch gần 60 ngàn tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng hàng năm khoảng 35%. Để đáp ứng nhu cầu giao dịch của khách hàng qua các kênh điện tử, Agribank đã liên kết với các trung gian thanh toán như: Momo, Moca, Shopee Pay, VNPT Pay, Zalo Pay, Sen Pay, Smart Pay… Số lượng giao dịch qua các ví điện tử này hàng tháng đạt khoảng 18 triệu giao dịch thanh toán. Ngoài ra, Agribank phối hợp với Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Kho bạc Nhà nước triển khai thu ngân sách Nhà nước qua hệ thống của Agribank một cách thuận tiện, nhanh chóng và chính xác. Số lượng khách hàng nộp thuế vào ngân sách Nhà nước bằng tiền mặt tại Agribank giảm đáng kể so với những năm trước.

Bên cạnh đó, Agribank phối hợp với các đơn vị cung ứng dịch vụ (Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Tập đoàn điện lực, VNPT, cấp nước, các trường đại học…) triển khai dịch vụ thu tiền điện, nước, điện thoại, truyền hình cáp… qua các kênh thanh toán tại quầy, Internet Banking, Mobile Banking, ATM. Agribank đồng thời phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam triển khai thu, cấp trả kinh phí công đoàn. Phát triển đa dạng các hình thức thanh toán qua kênh điện tử, Agribank đã góp phần tăng các phương tiện thanh toán theo hướng đa kênh cung cấp sản phẩm dịch vụ thanh toán cho khách hàng. 

Thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn

Agribank là ngân hàng dẫn đầu về số lượng khách hàng giao dịch thanh toán trên thị trường liên ngân hàng, trong đó đối tượng khách hàng trên địa bàn nông nghiệp nông thôn luôn chiếm ưu thế. Mạng lưới giao dịch rộng khắp từ thành thị đến nông thôn gồm 2.300 chi nhánh và phòng giao dịch, gần 4.000 máy ATM, gần 25.000 máy POS và 68 Điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng hoạt động tại các địa bàn nông nghiệp nông thôn. Mạng lưới thanh toán của Agribank có quy mô phục vụ thanh toán cho số lượng khách hàng lớn, với gần 20 triệu khách hàng có tài khoản tiền gửi thanh toán, gần 16 triệu khách hàng sử dụng thẻ ATM, gần 15 triệu khách hàng đăng ký sử dụng dịch vụ thanh toán qua kênh Agribank E-Mobile Banking, Internet Banking, SMS Banking, gần 3,4 triệu khách hàng vay vốn trong đó khách hàng là hộ gia đình, cá nhân ở khu vực nông nghiệp nông thôn chiếm tỷ lệ gần 80%. 

Việc sở hữu và sử dụng thẻ Agribank đã dần phổ biến tại địa bàn vùng sâu, vùng xa, góp phần đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt tại địa bàn nông thôn

Với phân khúc chính là “tam nông”, Agribank đã triển khai Đề án đẩy mạnh phát triển dịch vụ thẻ tại thị trường nông nghiệp nông thôn. Việc triển khai thực hiện Đề án có vai trò và ý nghĩa kinh tế xã hội hết sức quan trọng trong việc đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt tại thị trường nông nghiệp nông thôn theo Nghị quyết của Chính phủ, Chỉ thị của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Đây cũng là nội dung quan trọng trong thực hiện chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 theo Quyết định số 149/QĐ-TTg ngày 22/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ. Đề án này giúp lành mạnh hóa thị trường tín dụng vi mô, hạn chế và đầy lùi nạn “tín dụng đen” trên địa bàn nông nghiệp, nông thôn.

Thanh toán không tiền mặt - Giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm trong bối cảnh dịch bệnh

Trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát trên diện rộng và nguy hiểm như hiện nay, thanh toán không dùng tiền mặt đã thể hiện rõ ưu thế về tính an toàn, hạn chế sự lây lan, truyền nhiễm. Do vậy, xu hướng dịch chuyển mạnh mẽ từ các hoạt động thanh toán tiền mặt sang thanh toán không dùng tiền mặt trở nên phổ biến và được khách hàng ưu tiên lựa chọn sử dụng. Thấu hiểu và mong muốn đem lại sự thuận tiện, an toàn tối đa cho khách hàng khi sử dụng các sản phẩm dịch vụ ngân hàng trong mùa dịch, Agribank cung cấp cho khách hàng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt qua các kênh điện tử. 

Để khuyến khích khách hàng sử dụng các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, chia sẻ khó khăn với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, Agribank đã thực hiện chương trình miễn phí chuyển tiền trong nước qua các kênh giao dịch tại quầy, dịch vụ ngân hàng điện tử, phát hành thẻ ATM miễn phí cho khách hàng… 

Nhằm giảm thiểu rủi ro cho khách hàng khi tiếp xúc trực tiếp trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát, Agribank phối hợp với các cửa hàng, trung tâm mua sắm, siêu thị thực hiện các chương trình ưu đãi khi khách hàng thực hiện thanh toán bằng QRPay trên ứng dụng Agribank E-Mobile Banking. Đặc biệt từ tháng 09/2021, Agribank triển khai áp dụng công nghệ định danh điện tử eKYC cho phép khách hàng mở tài khoản trên điện thoại mà không cần phải đến quầy giao dịch, vừa đảm bảo an toàn, vừa tiết kiệm thời gian đi lại, cũng như mang đến những trải nghiệm hiện đại, thuận tiện cho khách hàng.

Với những tính năng tiện ích từ sản phẩm dịch vụ ngân hàng, khách hàng đã lựa chọn phương thức thanh toán không tiền mặt thay cho cho thói quen giao dịch truyền thống

Với quyết tâm đồng lòng cùng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước trong việc đưa chủ trương thanh toán không dùng tiền mặt phổ cập rộng rãi, Agribank sẽ tiếp tục nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong việc đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ, kênh phân phối, hướng tới mô hình ngân hàng số, nâng cao công tác an ninh, an toàn bảo mật, giảm chi phí cũng như rủi ro cho khách hàng.

Anh Thư

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Ngày 16/12, tại thành phố Cần Thơ, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.
Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề : "Tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả".
Đó là nhấn mạnh của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trong phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top