Kết nối tạp chí:
  • facebook
  • Tiwer
  • Youtube
  • Google

Thủ tướng làm việc tại Cao Bằng

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tới thăm huyện miền núi Trà Lĩnh, thị sát cửa khẩu quốc gia Trà Lĩnh (Việt Nam) - Long Bang (Quảng Tây, Trung Quốc) và thăm Đồn Biên phòng Trà Lĩnh trong chuyến công tác Cao Bằng ngày 8/1.

Hoạt động thương mại, dịch vụ tại cửa khẩu quốc gia Trà Lĩnh gia tăng, góp phần quan trọng đưa kinh tế - xã hội địa phương ngày một khởi sắc. Ảnh: VGP

Tại buổi làm việc, Thủ tướng động viên cán bộ, chiến sỹ các đơn vị, lực lượng ở cửa khẩu nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt hơn nữa nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng cửa khẩu an ninh, an toàn, hữu nghị và hiệu quả kinh tế cao.

Vui mừng khi chứng kiến đà phát triển nhanh chóng của địa phương. Cơ sở hạ tầng của huyện được nâng cấp mạnh mẽ. Đời sống của người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số được cải thiện. Hoạt động thương mại, dịch vụ tại cửa khẩu Trà Lĩnh gia tăng, góp phần quan trọng đưa bộ mặt địa phương ngày một khởi sắc.

Thăm, chúc Tết Đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc huyện Trà Lĩnh, Thủ tướng cho rằng, nhiệm vụ trọng tâm của địa phương là khắc khục tình trạng tỷ lệ đói nghèo còn ở mức cao, với tỷ lệ hộ nghèo lên đến gần 36%, hộ cận nghèo chiếm hơn 18%.

Theo Thủ tướng, phát triển thương mại dịch vụ là hướng đi đúng của Cao Bằng nói chung và Trà Lĩnh nói riêng, tận dụng thị trường rộng lớn tại các địa phương giáp biên của nước bạn. Việc xây dựng Cửa khẩu Trà Lĩnh thành cửa khẩu quốc tế là hướng đi quan trọng nhưng cần tiến hành đồng bộ với việc hình thành những nhóm mặt hàng là thế mạnh xuất khẩu.

Đồng thời, chính quyền các cấp trong tỉnh, huyện chú trọng hơn nữa đến công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại; giữ gìn tình hữu nghị và an ninh trật tự khu vực biên giới. Đi liền với đó là trách nhiệm xây dựng, cải thiện đời sống cho người dân, không ngừng nâng cao cảnh giác trước các hành vi lợi dụng, kích động, lôi kéo của các thế lực xấu, phá hoại bình yên cuộc sống và khối đại đoàn kết toàn dân.

Thủ tướng thăm hỏi, tặng quà cho bà con đồng bào các dân tộc huyện Trà Lĩnh. Ảnh: VGP

Thủ tướng yêu cầu tỉnh Cao Bằng và huyện Trà Lĩnh phải tổ chức cho nhân dân đón Tết Nguyên đán Đinh Dậu an toàn, vui tươi, nhất là đồng bào các dân tộc có hoàn cảnh khó khăn, sinh sống tại các vùng sâu, vùng xa. 

Nhân dịp trước thềm Xuân mới Đinh Dậu 2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới thăm, tặng quà cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Trà Lĩnh, đơn vị làm nhiệm vụ trên đoạn biên giới hơn 26km đất liền Việt Nam - Trung Quốc. Thủ tướng chia sẻ với những khó khăn, vất vả của cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Trà Lĩnh, nhất là nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền Tổ quốc trên tuyến biên giới và nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự khu vực cửa khẩu Trà Lĩnh.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm hỏi, nói chuyện và tặng quà cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu Trà Lĩnh. Ảnh: VGP

Chúc Tết tập thể cán bộ, chỉ huy, chiến sỹ của Đồn Biên phòng Trà Lĩnh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong muốn đơn vị ra sức khắc phục khó khăn, phấn đấu luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ biên cương Tổ quốc, đúng với chủ trương, quan điểm của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, duy trì đường biên giới hòa bình, hữu nghị.

Luôn thực hiện tốt công tác chuyên môn, nghiệp vụ, tuyệt đối không lơ là, mất cảnh giác, bị động trong công tác. Cùng với đó, tích cực tham gia vào nhiệm vụ phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, phòng chống mua bán ma túy, nhất là dịp Tết.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm, hỏi người dân xã Lý Bôn, huyện Bảo Lâm. Ảnh: VGP

Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến thăm, tìm hiểu đời sống người dân tại xã Lý Bôn, huyện Bảo Lâm là huyện 4 khó trong cả nước.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng chúc Tết sớm huyện ủy, chính quyền và nhân dân địa phương huyện Bảo Lâm, trong đó có xã Lý Bôn, đón Tết vui vẻ, đầm ấm, an toàn và tiết kiệm. Chỉ còn 20 ngày nữa là Tết, chính quyền địa phương phải đảm bảo đủ nguồn hàng phục vụ người dân. 

Thủ tướng cho rằng, mặc dù cuộc sống của bà con trong huyện khá hơn trước, cơ sở hạ tầng tốt hơn, con em được học hành nhiều hơn nhưng đời sống vẫn còn nhiều khó khăn, vất vả. 

Bảo Lâm là huyện vùng sâu, vùng xa với 4 cái khó nghèo nhất, xa xôi nhất, hẻo lánh nhất và có đồng bào dân tộc đông nhất. Vì vậy, huyện cần tập trung vào trồng trọt và chăn nuôi để giúp bà con có cuộc sống ấm no, thoát nghèo. 

Đồng thời, chú trọng nâng cao dân trí cho người dân địa phương, để có nền tảng dân trí tốt thì mới xóa đói giảm nghèo lâu dài. Nguồn nhân lực quyết định sự phát triển của xã, của huyện và của tỉnh Cao Bằng. Do đó, cần phát triển hơn nữa các mô hình trường bán trú dân nuôi, làm trường tập trung cho con em học hành.

Thủ tướng mong muốn, bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, trong đó có nguồn vốn cho vay từ Ngân hàng chính sách xã hội Việt Nam, từng hộ dân phải có tinh thần tự lực, tự cường, vươn lên thoát nghèo. Nông dân thời đại mới càng phải học tập, nghiên cứu để làm ra sản phẩm nông nghiệp có chất lượng tốt.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tặng quà cho bà con dân tộc. Ảnh: VGP

Ngoài ra, cần tăng cường đoàn kết các dân tộc, giữ gìn an ninh trật tự, bảo tồn và phát huy văn hóa của các dân tộc trong huyện. Cùng với đó, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội địa bàn huyện xa xôi như Bảo Lâm.

Thủ tướng đồng ý hỗ trợ xã Lý Bôn xây dựng trụ sở xã với tinh thần tiết kiệm, bởi đây là xã cuối cùng của huyện chưa có trụ sở. Cùng với đó, điều động 1 xe cứu thương cho huyện Bảo Lâm để cấp cứu bệnh nhân từ huyện đi tỉnh hoặc Hà Nội.

Với 803 hộ của xã chưa có điện, Thủ tướng cho rằng, đây là con số lớn và giao ngành điện lực, nhà máy điện trên địa bàn có phương án hỗ trợ, xử lý giải quyết. Thủ tướng cũng yêu cầu lãnh đạo tỉnh Cao Bằng quy hoạch lại nơi cư trú, vận động dân cư sao cho hợp lý để có thể thuận lợi kéo điện cho các hộ dân. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cắt băng khánh thành Nhà máy Thủy điện Bảo Lâm 1. Ảnh: VGP

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự lễ khánh thành Nhà máy Thủy điện Bảo Lâm 1 với tổng vốn đầu tư 915 tỷ đồng. Nhà máy có công suất 30 MW, sản lượng điện trung bình mỗi năm khoảng 124 triệu KWh. Đây cũng là dự án góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương, nhất là với huyện nghèo như Bảo Lâm./.

Nam Dương

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
Với tinh thần "Lá lành đùm lá rách", ngày 10/9, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành công văn số 457/CV-HNBVN về việc hưởng ứng lời kêu gọi của đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3.
Báo chí nói chung là một trong những kênh chính tạo dư luận xã hội. Báo chí cách mạng Việt Nam càng cần trách nhiệm xã hội cao, vì báo chí là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội, tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước và thế giới theo tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí, phục vụ lợi ích quốc gia - dân tộc, cộng đồng xã hội. Chính vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, vai trò của người làm báo trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội của báo chí là cực kỳ quan trọng, bởi họ có trách nhiệm phản ánh một cách chính xác, đa chiều cạnh và đa dạng về thực tế xã hội,... mang lại thông tin có giá trị, kịp thời cho độc giả.
Tháng 8/1945, chớp thời cơ chiến lược “ngàn năm có một”, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam tiến hành cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước, tạo nên một bước ngoặt lớn trong lịch sử dân tộc. Từ đây, nhân dân Việt Nam thoát khỏi thân phận nô lệ trở thành người chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình; đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội. Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 là một trong những chiến công vĩ đại nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, là bản hùng ca bất diệt trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top