10 vấn đề, sự kiện tiêu biểu của Quốc hội Việt Nam năm 2023

Nhân kỷ niệm 78 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam (06/01/1946 - 06/01/2024) và nhân dịp năm mới 2024, Văn phòng Quốc hội đã tổ chức bình chọn và công bố 10 vấn đề, sự kiện tiêu biểu của Quốc hội Việt Nam năm 2023, Tạp chí Người Làm Báo xin trân trọng giới thiệu tới bạn đọc.
1. Quốc hội tổ chức thành công 05 kỳ họp (trong đó có 03 kỳ họp bất thường) kịp thời đáp ứng yêu cầu cấp bách của thực tiễn, góp phần quan trọng ổn định và phát triển đất nước, đẩy mạnh hội nhập quốc tế.
Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV. 
Năm 2023, lần đầu tiên trong lịch sử 78 năm hoạt động, Quốc hội Việt Nam đã tổ chức số lượng Kỳ họp nhiều nhất trong một năm với 5 kỳ họp, trong đó có 03 Kỳ họp bất thường (lần thứ 2, lần thứ 3, lần thứ 4) để xem xét, quyết định kịp thời 84 vấn đề lớn, quan trọng, kịp thời đáp ứng yêu cầu cấp bách của thực tiễn, góp phần quan trọng ổn định và phát triển đất nước, đẩy mạnh hội nhập quốc tế, tạo tiền đề thúc đẩy việc thực hiện nhiệm vụ năm 2024 và các năm tiếp theo. Như vậy, các Kỳ họp “bất thường” đã trở thành “bình thường” nhằm đáp ứng đúng và trúng yêu cầu của đời sống kinh tế, xã hội và nguyện vọng chính đáng của cử tri, Nhân dân cả nước.
2. Chưa thông qua dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và dự thảo Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi) để có thêm thời gian hoàn thiện, nâng cao chất lượng, trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp Quốc hội gần nhất. 
Với 12 triệu lượt ý kiến góp ý của cử tri và thảo luận tại 3 kỳ họp của Quốc hội, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) vẫn còn một số vấn đề cần được xem xét kỹ lưỡng, thận trọng. Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) đã thảo luận qua 2 kỳ họp của Quốc hội, song vẫn còn một số vấn đề chưa đạt được sự đồng thuận cao. Vì vậy, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội quyết định chưa thông qua 2 dự thảo Luật này, bởi lẽ đây là hai luật khó, liên quan đến rất nhiều lĩnh vực, có tác động lớn đến nền kinh tế và đời sống của người dân, cần áp dụng quy trình đặc biệt, chưa có tiền lệ để xem xét thật thấu đáo mọi mặt. Quyết định này của Quốc hội đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ cao của dư luận xã hội, thể hiện tinh thần cẩn trọng, có trách nhiệm của Quốc hội trong hoạt động lập pháp, luôn đề cao chất lượng, hiệu quả, không chạy theo số lượng và tiến độ. 
3. Thông qua Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn thuế toàn cầu và quyết định chủ trương thành lập Quỹ hỗ trợ đầu tư, nhằm nội luật hóa các cam kết quốc tế và tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi để hỗ trợ doanh nghiệp.
Trước yêu cầu tuân thủ các quy định của pháp luật quốc tế, bảo đảm quyền lợi của doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài và lợi ích chính đáng của quốc gia, Quốc hội đã bổ sung nội dung Chương trình kỳ họp thứ 6 và thông qua Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu (gọi tắt là thuế tối thiểu toàn cầu) với tỷ lệ đồng thuận rất cao. Đồng thời Quốc hội quyết định chủ trương để trong năm 2024, Chính phủ xây dựng dự thảo Nghị định về việc thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ đầu tư từ nguồn thu thuế tối thiểu toàn cầu và các nguồn hợp pháp khác để hỗ trợ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp trong nước (Quỹ hỗ trợ). Việc áp dụng các quy định về thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024 theo hướng dẫn của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và quyết định thành lập Quỹ hỗ trợ có tính cấp thiết để vừa chủ động giành được quyền đánh thuế bổ sung, vừa tạo môi trường đầu tư thuận lợi nhằm “giữ chân” và tiếp tục thu hút mạnh mẽ dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
4. Lần đầu tiên tổ chức thành công Hội nghị toàn quốc triển khai thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội khóa XV nhằm thúc đẩy, sớm đưa các Luật, Nghị quyết vào cuộc sống.
Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội khóa XV. 
Ngày 6/9/2023, lần đầu tiên Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Chính phủ tổ chức Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất để triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội khoá XV với sự tham dự của 2.400 đại biểu của khối Đảng, Nhà nước, cơ quan dân cử, hành chính - tư pháp và các tổ chức chính trị - xã hội. Đây là hoạt động chưa có tiền lệ, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm tăng cường sự gắn kết chặt chẽ giữa công tác xây dựng pháp luật với tổ chức thực hiện pháp luật, bảo đảm pháp luật được thực hiện nghiêm minh, nhất quán, kịp thời, hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới. Hội nghị đã tập trung đánh giá tình hình triển khai thi hành đối với 23 luật và 28 nghị quyết được Quốc hội thông qua từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến kỳ họp thứ 5. Việc tổ chức Hội nghị nhận được sự tán thành của các cơ quan hữu quan, là bài học kinh nghiệm quý, không chỉ cho Quốc hội Khoá XV, mà còn cho các Khóa Quốc hội tiếp theo. 
5. Tổng rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trên tất cả các lĩnh vực, trong phạm vi cả nước nhằm phát hiện các bất cập, bảo đảm việc xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, khả thi.
Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tập trung rà soát văn bản quy phạm pháp luật ở 22 lĩnh vực trọng tâm, bao gồm pháp luật về đấu thầu, đấu giá, quy hoạch, đầu tư công, quản lý, sử dụng đất đai, tài sản công, ngân sách nhà nước, tài chính công, hợp tác công tư, xã hội hóa các dịch vụ công, đầu tư, môi trường, xây dựng, kinh doanh bất động sản, ngân hàng, tài chính, tự chủ tài chính, chứng khoán, trái phiếu, doanh nghiệp, giám định, định giá và các lĩnh vực khác. Kết quả rà soát 523 văn bản luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Nghị định, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ đã khẳng định hệ thống pháp luật nói chung cơ bản đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, khả thi, phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, quy định của Hiến pháp, tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Số lượng văn bản và nội dung qua rà soát phát hiện có mâu thuẫn, chồng chéo không nhiều. Các vấn đề bất cập trong các văn bản dưới luật thuộc thẩm quyền của các cơ quan hành chính nhà nước sẽ được sửa đổi kịp thời; các vấn đề bất cập cùng các luật sẽ đưa vào Kế hoạch xây dựng pháp luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong nhiệm kỳ này.
6. Hoạt động giám sát của Quốc hội được tăng cường với nhiều cải tiến, đổi mới nhằm kiến tạo phát triển, nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc xây dựng và thực thi pháp luật.
Hoạt động giám sát của Quốc hội được tăng cường và đổi mới, ngày càng thể hiện tính linh hoạt, nhạy bén trước những vấn đề lớn, nổi lên trong đời sống kinh tế - xã hội của đất nước, thể hiện rõ triết lý hoạt động của Quốc hội là để kiến tạo phát triển, được cử tri ghi nhận, đánh giá cao. Lần đầu tiên, Quốc hội tổ chức thảo luận tại Hội trường về Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri và thảo luận Báo cáo kết quả giám sát về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, được dư luận xã hội, cử tri ghi nhận, đánh giá cao. Quốc hội không chỉ thực hiện chuyên đề giám sát tối cao đối với những vấn đề đã thực hiện, có kết quả, mà còn giám sát các vấn đề đang được triển khai trên thực tiễn, như chuyên đề giám sát tối cao 03 chương trình mục tiêu quốc gia giúp Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương đẩy nhanh tiến độ, chất lượng thực hiện các Chương trình. Lần đầu tiên giám sát chuyên đề của Ủy ban về việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Trên cơ sở kết quả giám sát, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị để thực hiện tốt Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nhiệm vụ này. Đặc biệt, Quốc hội tổ chức thành công lấy phiếu tín nhiệm một lần duy nhất trong nhiệm kỳ Khoá XV đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn theo quy định của Bộ Chính trị.
7. Thông qua nhiều quyết sách quan trọng về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước và quyết định các vấn đề quan trọng quốc gia, góp phần thúc đẩy phục hồi kinh tế, tạo nguồn lực phát triển bền vững đất nước.
Nhằm tháo gỡ những khó khăn hiện tại, đồng thời thể chế hóa những định hướng phát triển chiến lược của đất nước trong những năm tiếp theo, Quốc hội đã kịp thời ban hành nhiều quyết sách quan trọng như: (1) Tiếp tục thực hiện giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng; (2) Cho phép tiếp tục phân bổ hơn 100.000 tỷ đồng còn lại của kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và các Chương trình mục tiêu quốc gia cho các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương để bổ sung thêm vốn cho nền kinh tế; (3) thông qua Nghị quyết số 98/2023/QH15 thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh; (4) Quyết định và điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án quan trọng thuộc thẩm quyền của Quốc hội; (5) Sửa đổi, bổ sung căn bản các thủ tục, quy định về xuất, nhập cảnh của công dân Việt Nam và người nước ngoài ở Việt Nam; (6) Thông qua Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; (7) Tiếp tục cho phép thí điểm một số chính sách đặc thù đầu tư 21 dự án đường bộ quan trọng quốc gia kết nối vùng và liên tỉnh; (8) Yêu cầu hoàn thiện khung pháp lý đồng bộ để triển khai kịp thời, hiệu quả phương án cải cách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng từ ngày 01/7/2024.
8. Hội nghị nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 thành công vượt bậc, là điểm nhấn nổi trội trong một năm ngoại giao nghị viện sôi động nhất từ đầu nhiệm kỳ tới nay.
Lễ khai mạc Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9.
Năm 2023 là năm thành công nổi bật của ngoại giao nghị viện, diễn ra sôi động, tích cực, đa dạng, toàn diện và hiệu quả trên các bình diện song phương và đa phương; đã có trên 10 đoàn Chủ tịch Quốc hội/nghị viện các nước thăm chính thức Việt Nam và có nhiều chuyến công tác của Quốc hội Việt Nam tới các quốc gia tham dự diễn đàn đa phương; có nhiều Thỏa thuận quốc tế nhân danh Quốc hội được ký mới/ký lại giữa Quốc hội Việt Nam với Nghị viện các nước. Điểm nhấn nổi bật nhất của năm 2023 là lần đầu tiên Quốc hội Việt Nam đăng cai tổ chức thành công Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 với chủ đề “Vai trò của giới trẻ trong việc thúc đẩy thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững thông qua chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo”. Hội nghị đã gây được tiếng vang lớn trong cộng đồng nghị viện các quốc gia trên thế giới với quy mô lớn nhất từ trước đến nay, thu hút sự tham gia của 500 đại biểu quốc tế và trong nước; lần đầu tiên thông qua Tuyên bố chung của Hội nghị sau 9 kỳ tổ chức. Đây cũng là lần đầu tiên Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu IPU có logo, bộ nhận diện riêng với ý nghĩa sâu sắc, thể hiện bản sắc nước chủ nhà Việt Nam, nêu cao tinh thần đoàn kết và sức trẻ. 
9. Tổ chức thành công Giải Diên Hồng lần thứ nhất - năm 2023, tạo môi trường, động lực mạnh mẽ để các nhà báo tiếp tục sáng tạo nhiều tác phẩm có chất lượng về hoạt động của các cơ quan dân cử.
Triển khai Đề án đổi mới công tác truyền thông của Quốc hội Khóa XV được Đảng đoàn Quốc hội thông qua vào đầu năm 2023, Văn phòng Quốc hội phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam và Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức thành công Giải báo chí đầu tiên về Quốc hội và Hội đồng nhân dân (Giải Diên Hồng) lần thứ nhất - năm 2023. Mặc dù là lần tổ chức đầu tiên nhưng Giải Diên Hồng đã xác lập được ví thế, uy tín trong hệ thống Giải báo chí của nước ta và cộng đồng người làm báo. Giải đã thu hút sự tham gia của 178 cơ quan báo chí trong và ngoài nước, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân, với 3.328 tác phẩm dự Giải. Kết quả lần đầu tiên của Giải đã góp phần tôn vinh người làm báo, tạo sự gắn kết báo chí với cơ quan dân cử, đại biểu dân cử và góp phần củng cố, nâng cao vị thế, vai trò của Quốc hội và Hội đồng nhân dân trong hệ thống chính trị, trong lòng cử tri và Nhân dân.
10. Lần đầu tiên tổ chức Phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” nhằm tạo môi trường, điều kiện để trẻ em có diễn đàn thể hiện tiếng nói, tâm tư, nguyện vọng của mình; đồng thời tập dượt sinh hoạt chính trị nhằm hun đúc ước mơ, xây hoài bão lớn cho thiếu nhi, chủ nhân tương lai của đất nước.
Phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” lần thứ I - năm 2023 do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội đồng Đội Trung ương chủ trì, phối hợp với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội và Văn phòng Quốc hội tổ chức vào tháng 9/2023 với hai chủ đề “Bảo vệ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng” và “Phòng, chống tai nạn thương tích, bạo lực, xâm hại trẻ em”. Đây là một trong những sự kiện ấn tượng trong hoạt động Quốc hội Khóa XV và sẽ tiếp tục được tổ chức định kỳ nhằm thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em - thế hệ tương lai của đất nước vào các hoạt động chính trị, xã hội, góp phần bảo đảm quyền và lợi ích của trẻ em theo chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về trẻ em. Kết thúc Phiên họp, các đại biểu trẻ em đã thông qua Nghị quyết Phiên họp giả định Quốc hội trẻ em lần thứ I - năm 2023. Nghị quyết này được xem như một báo cáo kiến nghị của cử tri đặc biệt, là cơ sở để Quốc hội, Chính phủ và các ban, ngành, đoàn thể nghiên cứu, tiếp thu, có sự chuẩn bị tốt hơn trong quá trình ban hành các chính sách pháp luật về các vấn đề có liên quan trẻ em./.
 
Lan Chi
Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề : "Tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả".
Đó là nhấn mạnh của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trong phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
Với tinh thần "Lá lành đùm lá rách", ngày 10/9, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành công văn số 457/CV-HNBVN về việc hưởng ứng lời kêu gọi của đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top