Vui buồn chuyện nhà báo trực Tết...

Khi mà ai nấy háo hức với Tết, với bao nhiêu dự định sum họp cùng gia đình thì những người làm báo “dính vào lịch trực Tết” bắt đầu đa đoan, bận rộn! Cực mà vui với những chuyện... chỉ Tết mới có nên ai được phân công trực Tết cũng lấy làm vinh dự, tự hào mà hoàn thành nhiệm vụ của mình.

Những con đường phố ngày Tết luôn vắng lặng người. Ảnh minh họa

Trực cơ quan

Thường thì sau khi phát hành báo Xuân, số báo đặc biệt được tất cả các tòa soạn chăm chút như đứa con cưng là có lịch trực Tết. Lịch nghỉ Tết hằng năm ra sao thì cứ theo đó mà phân công trực Tết từ lãnh đạo đến biên tập viên, phóng viên, nhân viên, bảo vệ cơ quan... Tôi là phóng viên xa quê lập nghiệp nên những năm đầu, thường “trốn” trực Tết bằng những chuyến về thăm quê, ăn Tết ở quê. Sau này, nhiều bạn trẻ cũng như lớp phóng viên chúng tôi ngày trước, cuối tháng 11 âm lịch đã chộn rộn vé tàu xe. Chúng tôi lại thay phiên nhau làm phận sự!

Trực Tết ở cơ quan cũng lắm niềm vui! Vui vì được lãnh đạo đến thăm, chúc Tết và lì xì đầu năm. Vui vì bên gốc mai vàng được đặt trang trọng ngay sảnh trước toà nhà của cơ quan anh chị em đồng nghiệp vừa cắn hạt dưa, vừa chuyện trò rôm rả. Những câu chuyện về gia đình, về phong vị Tết quê của mỗi miền được kể miên man thật vui như thế. Tôi làm ở tờ báo Đảng địa phương, tối 30 Tết nào nếu ở lại trực sẽ cùng chị em chuẩn bị tươm tất phòng đón khách, một bàn tiệc nho nhỏ để đón giao thừa. Đoàn cán bộ lãnh đạo tỉnh sẽ đi chúc Tết lần lượt các đơn vị trong đó có “báo nhà”. Và, cuộc gặp gỡ với lãnh đạo trong đêm cuối năm không còn là cuộc phỏng vấn “xin anh cho biết, xin chị cho biết về vấn đề A,B,C...” gì nữa mà là những câu chuyện vui bên ly rượu, chén trà thật đầm ấm nghĩa tình...

Thời buổi nhà nhà làm báo điện tử nên hầu như ngày Tết cũng bận rộn hơn ngày thường. Bộ phận trực báo điện tử phải “tác chiến” liên tục với những thông tin từ du xuân, lễ hội, vui chơi giải trí đến tình hình tai nạn giao thông... Vẫn không thể thiếu một khâu nào từ lấy tin tức đến xuất bản một tin, bài trong chuyên mục chào xuân mới!

Tác giả tác nghiệp tại hiện trường

Và trực... hiện trường!

Một người đồng nghiệp than: “Hơn 10 năm nay, em chưa đón giao thừa ở nhà cùng người thân. Thiệt, em khổ còn hơn... ca sĩ! Ca sĩ Tết đi hát cát-sê cao ngất ngưởng. Em thì...”. Nói là vậy nhưng tôi vẫn thấy trong ánh mắt người em đồng nghiệp lấp lánh niềm tự hào về nghề nghiệp. Bởi, những nhà báo vững tay nghề mới được Ban Biên tập chọn mặt gửi... bản tin đúng ngay lúc giao thừa! Người em đồng nghiệp đó là một trong những người trực tiếp ghi nhận, tổng hợp bản tin giao thừa nên việc “hy sinh bản thân” một chút cũng thấy vui!

Một phóng viên viết mảng Y tế khác cũng cho biết, năm nào em cũng đón giao thừa ở Khoa Sản và Khoa Cấp cứu của bệnh viện! Một lúc phải diễn tả hai tâm trạng buồn vui lẫn lộn. Đó là nỗi đau của những người bị không may tai nạn, đau ốm bất thường khi thời khắc giao thoa giữa năm mới và năm cũ. Cũng là niềm vui tột đỉnh của gia đình, bạn bè khi đón một sinh linh chào đời trong thời khắc thiêng liêng.

Những ngày Tết, thay vì được nghỉ ngơi tuyệt đối thì nhà báo “hiện trường” vẫn rong ruổi khi có một thông tin nóng báo về toà soạn. Cuộc “chạy đua” tin tức giữa “báo nhà” với báo bạn, giữa đồng nghiệp với nhau không cho phép nhà báo ngưng nghỉ, dù là Tết đến Xuân về... Tất nhiên, vẫn có những buổi sum vầy ngày Tết “bù lại” cho nhà báo. Chúng tôi thường chọn cách ăn Tết lùi một vài ngày nếu có lịch trực, đó là những chuyến du Xuân ngắn cùng gia đình; là những ngày đi thăm người thân trong tiết trời đầu xuân.

Nghề nào cũng có những vui buồn riêng và làm báo là một trong những nghề khi người ta nghỉ, mình làm, khi người ta vui chơi, mình càng bận rộn! Nhưng trên hết là niềm vui khi sản phẩm của mình kịp đến với độc giả. Bạn có thể ăn Tết ở khắp mọi miền Tổ quốc, nhưng bạn vẫn biết hết không khí Tết ở những nơi khác. Tất cả nhờ vào những nhà báo trực Tết vẫn luôn cần mẫn với nhiệm vụ của mình.

Một mùa Xuân nữa lại sang, một lịch trực Tết được dán lên bảng thông báo của cơ quan. Và chúng tôi, lại nhận nhiệm vụ của mình!

Trần Quỳnh Như

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Ngày 13/1/2025, tại Thủ đô Hà Nội, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Hội nghị nhằm đánh giá tình hình thực hiện các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về phát triển khoa học, công nghệ; quán triệt, triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW, ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, tạo sự chuyển biến mang tính đột phá về nhận thức và tổ chức thực hiện, góp phần đưa đất nước phát triển giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Tổng Bí thư Tô Lâm dự và phát biểu tại hội nghị. Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu:
Trong kỷ nguyên số, chuyển đổi nội dung số các tạp chí của Việt Nam có vai trò quan trọng trong tuyên truyền, phổ biến, giáo dục quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước; đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; phổ biến tri thức, góp phần nâng cao dân trí, phát triển văn hóa và con người Việt Nam trên không gian mạng. Đồng thời, góp phần “xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”(1) theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Ngày 16/12, tại thành phố Cần Thơ, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.
Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề : "Tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả".
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top