Kết nối tạp chí:
  • facebook
  • Tiwer
  • Youtube
  • Google

Việt Nam và Belarus tạo điều kiện để doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội mới

14:03 24/03/2022 - Kinh tế
Mặc dù ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Belarus năm 2021 vẫn đạt 168,8 triệu USD, tăng 131,6% so với năm 2020.

Thương mại song phương đã ghi nhận mức tăng trưởng cao với các mặt hàng xuất khẩu truyền thống từ Việt Nam như rau quả, thủy sản... (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Được sự đồng ý của chính phủ hai nước, ngày 23/3, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên và Phó Thủ tướng Chính phủ Belarus Anatoly Sivak đã chủ trì Khóa họp lần thứ 15 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam-Belarus về hợp tác kinh tế-thương mại và khoa học-kỹ thuật theo hình thức trực tuyến.

Tại khóa họp lần thứ 15, hai bên đã thông báo cho nhau về tình hình phát triển kinh tế-xã hội của mỗi nước trong thời gian qua và cùng nhau rà soát những nội dung hợp tác đã được thống nhất tại nghị quyết khóa họp lần thứ 14.

Cùng với đó, hai bên đề ra các phương hướng hợp tác trong thời gian tới, nhất là các biện pháp tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hai nước phát triển hợp tác trên nền tảng sẵn có hoặc tìm kiếm những cơ hội hợp tác mới.

Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết: Năm 2022 đánh dấu tròn 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Belarus. Trong suốt thời gian đó, mối quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống giữa hai nước đã phát triển hết sức tốt đẹp trên tất cả các lĩnh vực.

Đáng lưu ý, hợp tác về kinh tế, thương mại và khoa học-kỹ thuật đạt được những kết quả rất tích cực, duy trì đà tăng trưởng mạnh mẽ, nhất là sau khi Hiệp định tự do thương mại giữa Việt Nam với Liên minh kinh tế Á-Âu (EAEU) mà Belarus là thành viên có hiệu lực thi hành từ tháng 10/2016, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng, phát triển đất nước ở mỗi quốc gia.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hợp tác kinh tế, thương mại và khoa học-kỹ thuật giữa Việt Nam và Belarus cũng còn những hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của mỗi bên.

Do đó, nhiệm vụ đặt ra trong khóa họp lần này là phải tiếp tục tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện, đề ra các giải pháp cụ thể và toàn diện để đưa quan hệ hai nước phát triển ngày càng hiệu quả, thiết thực và đi vào chiều sâu.

Tại khóa họp, hai Phó Chủ tịch Phân ban của Việt Nam và Belarus đã báo cáo kết quả rà soát những nội dung hợp tác đã được thống nhất tại nghị quyết khóa họp lần thứ 14 và đề xuất các phương hướng hợp tác trong thời gian tới.

Nhận định về hợp tác trong lĩnh vực kinh tế-thương mại giữa hai nước, Thứ trưởng Đặng Hoàng An, Phó Chủ tịch Phân ban Việt Nam cho hay: Thời gian qua, mặc dù ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhưng kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Belarus năm 2021 vẫn đạt 168,8 triệu USD, tăng 131,6% so với năm 2020.

Trong số đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Belarus đạt 21,6 triệu USD, tăng 338%, xuất khẩu của Belarus sang Việt Nam đạt 147,2 triệu USD, tăng 116,6%.

Sau khi hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và các quốc gia thành viên Liên minh Kinh tế Á-Âu có hiệu lực, thương mại song phương đã ghi nhận mức tăng trưởng cao với các mặt hàng xuất khẩu truyền thống từ Việt Nam.

Cụ thể như thủy sản, rau quả, hạt điều, cao su, máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng, điện thoại và linh kiện; cũng như các mặt hàng nhập khẩu từ Belarus về Việt Nam như phân bón, linh kiện phụ tùng; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; sữa và sản phẩm từ sữa, dược phẩm.

Về đầu tư, tính đến cuối năm 2021, Belarus có ba dự án đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đầu tư đạt 32,25 triệu USD, đứng vị trí 67 trên tổng số 140 quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư trực tiếp vào Việt Nam.

Về hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp, Thứ trưởng Bộ Công nghiệp Belarus Ogorodnikov Alexander báo cáo với hai đồng Chủ tịch Phân ban những kết quả tích cực trong việc triển khai Nghị định thư hợp tác về sản xuất lắp ráp phương tiện vận tải trên lãnh thổ Việt Nam, việc xây dựng nhà máy sữa do liên doanh Nhà máy sữa Minsk đang triển khai tại tỉnh Hưng Yên, dự án hợp tác về xe tải hạng nặng của Công ty Belaz của Belarus.

Trong thời gian khóa họp, các đại biểu của hai bên đã tiến hành nhiều trao đổi về tiềm năng và các biện pháp trong việc hợp tác trong các lĩnh vực công nghiệp, thương mại, nông nghiệp, khoa học-công nghệ, văn hóa, thể thao và du lịch, đào tạo.

Tổng kết khóa họp, Phó Thủ tướng Belarus Anatoly Sivak, nhấn mạnh: Việt Nam luôn là đối tác tin cậy, quan trọng của Belarus trong khu vực.

Bằng những nội dung hai bên đã đạt được ngày hôm nay, Việt Nam và Belarus sẽ tạo cơ chế, khuôn khổ pháp lý nhằm triển khai và phát triển những hợp tác trong lĩnh vực cơ khí chế tạo, sản xuất thực phẩm, chuyển giao công nghệ, cung cấp dược phẩm và quan trọng hơn nữa là tăng cường kim ngạch thương mại và các dự án đầu tư nói chung.

Kết thúc khóa họp, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên và Phó Thủ tướng Belarus Anatoly Sivak đã ký Biên bản Khóa họp lần thứ 15 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam-Belarus về hợp tác kinh tế-thương mại và khoa học-kỹ thuật.

Theo Vietnam+

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Ngày 31/5, tại Hà Nội, Hội đồng Giải Báo chí Quốc gia đã khai mạc vòng chấm chung khảo Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVIII năm 2023.
Đạo đức cách mạng là "gốc" của người cách mạng, những người bằng uy tín của mình được nhân dân tín nhiệm giao trọng trách nắm và giương cao ngọn cờ lãnh đạo cách mạng của dân tộc. Kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại (19/5/1890 - 19/5/2024) là dịp để mỗi cán bộ, đảng viên thêm quyết tâm học tập, tu dưỡng, rèn luyện và thực hành đúng, thực chất đạo đức cách mạng, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, mãi là ngọn cờ lãnh đạo dân tộc trong thời kỳ mới.
Thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành Quy định số 144-QĐ/TW ngày 9/5/2024 của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới.
Thay mặt Bộ Chính trị, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đã ký ban hành Quy định số 142-QĐ/TW ngày 23/4/2024 quy định thí điểm giao quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trong công tác cán bộ.