Vận tải hành khách công cộng đi và đến Hà Nội chưa thể trở lại hoạt động 

Thông tin trên được Giám đốc Sở Giao thông vận tải Vũ Văn Viện cho biết tại buổi họp báo thông tin về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP.Hà Nội.

Tại buổi thông tin trên, ông Viện cho biết, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã tham mưu Thành phố tiếp tục duy trì các chốt ở cửa ngõ Thủ đô để kiểm soát việc ra vào Thành phố, đảm bảo giữ gìn thành quả phòng, chống dịch trong thời gian qua cũng như các thức quản lý hoạt động vận chuyển hàng hóa, đi lại của người dân sau ngày 21/9.

Theo đó, nhằm tạo thuận lợi tốt đa cho vận chuyển hàng hóa, Sở đã và đang phối hợp với Sở Công thương và các quận, huyện để hỗ trợ phương tiện cung ứng hàng hóa kịp thời, nhất là cung ứng cho hệ thống bán lẻ, phục vụ nhân dân.

Giám đốc Sở Giao thông vận tải Vũ Văn Viện phát biểu tại hội nghị thông tin báo chí chiều 20/9

Ông Viện cũng cho biết, với hoạt động vận chuyển hàng hóa bằng xe 2 bánh, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đang nghiên cứu để cho phép mở lại 1 số hoạt động shipper công nghệ với lượng phù hợp để vận chuyển hàng hóa cũng như đồ ăn mang về, phục vụ nhu cầu nhân dân, vừa đảm bảo đời sống, công ăn việc làm cho nhóm đối tượng này.

Riêng đối với hình thức vận tải nội đô, Sở Giao thông vận tải Hà Nội tham mưu Thành phố tiếp tục tạm dừng các hoạt động vận tải hành khách công cộng đi và đến Hà Nội cũng như trên địa bàn Thành phố. Cùng với đó, vận chuyển hàng hóa nội đô sẽ tiếp tục thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ GTVT.

Đồng quan điểm trên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng Hà Nội Nguyễn Trọng Thông cho rằng, đề xuất đưa xe buýt hoạt động trở lại vào thời điểm này là chưa khả thi nếu không muốn nói là rất khó để triển khai vào thực tế. Và, ông Thông cho rằng, thời điểm thích hợp để cho xe buýt hoạt động trở lại chỉ có thể là giai đoạn bình thường mới.

Sở dĩ nói về vấn đề này là bởi trước đó, ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng Hà Nội có đề xuất cho xe buýt hoạt động trở lại từ ngày 21/9 và đưa ra phương án được triển khai sẽ áp dụng theo 3 giai đoạn.

Cụ thể, giai đoạn 15 ngày sau thời điểm giãn cách xã hội (kể từ 0h ngày 21/9 đến hết ngày 5/10): lái xe, nhân viên phục vụ trên xe và tại nhà chờ xe buýt nhanh (BRT) và hành khách phải có “thẻ xanh Covid” hoặc “thẻ vàng Covid” và có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng test nhanh kháng nguyên hoặc phương pháp RT-PCR âm tính trong vòng 72 giờ.

Tần suất hoạt động của xe buýt không quá 50% công suất. Xe chỉ được vận chuyển không quá 50% số chỗ (ngồi, đứng) và không quá 20 người tại cùng một thời điểm trên xe (kể cả lái xe và nhân viên phục vụ).

Giai đoạn sau thời điểm giãn cách 15 ngày (kể từ ngày 6/10): lái xe, nhân viên phục vụ trên xe và tại nhà chờ xe buýt nhanh và hành khách phải có “thẻ xanh Covid” hoặc “thẻ vàng Covid” và có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng test nhanh kháng nguyên hoặc phương pháp RT-PCR âm tính trong vòng 72 giờ.

Tần suất hoạt động của xe buýt không quá 80% công suất. Xe chỉ được đáp ứng không quá 50% số chỗ (ngồi, đứng) và không quá 20 người tại cùng một thời điểm trên xe (kể cả lái xe và nhân viên phục vụ).

Giai đoạn bình thường mới, lái xe, nhân viên phục vụ xe buýt và hành khách phải có “thẻ xanh Covid”. Xe buýt được hoạt động 100% công suất và không yêu cầu giãn cách hành khách.

Hà Nội tiếp tục tạm dừng các hoạt động vận tải hành khách công cộng trong nội đô cũng như đi và đến Thủ đô

Nhìn vào đề xuất và phương án trên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng Hà Nội đặt câu hỏi, liệu "Doanh nghiệp có đủ sức mỗi ngày tốn cả trăm triệu đồng làm xét nghiệm cho lái, phụ xe trong bối cảnh đang rất khó khăn hiện nay. Hơn nữa, liệu có hành khách nào chịu bỏ 170 nghìn đồng chi phí test nhanh kháng nguyên hoặc phương pháp RT-PCR để đi xe buýt. Và cố để xe buýt hoạt động như vậy liệu có khả thi”?.

Nhìn nhận về vấn đề này, Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cũng cho biết, công tác vận hành các phương tiện vận tải hành khách công cộng vẫn phải thực hiện thận trọng từng bước, tuân thủ nghiêm ngặt quy định về phòng, chống dịch bệnh sau giãn cách xã hội.

“Trước mắt, thành phố vẫn thực hiện các giải pháp phòng dịch tích cực. Trong đó, tiếp tục khuyến cáo người dân chưa nên sử dụng phương tiện công cộng nếu chưa thực sự cần thiết”, vị này cho biết.

Bảo Châu
 

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Trong kỷ nguyên số, chuyển đổi nội dung số các tạp chí của Việt Nam có vai trò quan trọng trong tuyên truyền, phổ biến, giáo dục quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước; đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; phổ biến tri thức, góp phần nâng cao dân trí, phát triển văn hóa và con người Việt Nam trên không gian mạng. Đồng thời, góp phần “xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”(1) theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Ngày 16/12, tại thành phố Cần Thơ, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.
Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề : "Tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả".
Đó là nhấn mạnh của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trong phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top