Vấn nạn tin giả Covid-19 và vai trò của báo chí
15:42 09/08/2021
- Báo chí & Công chúng

Cùng với đại dịch Covid - 19 là đại dịch tin giả trên mạng xã hội
Đại dịch tin giả
Khi mạng xã hội phát triển, bên cạnh những mặt tích cực như tốc độ chia sẻ, lan truyền thông tin một cách nhanh chóng, đồng thời cũng kéo theo nạn tin giả, tin xấu, độc... gây hệ lụy khó lường.
Ngay từ khi Trung Quốc công bố có dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19, song song với nó là một “đại dịch” mới đã tràn lan trên không gian mạng tại nhiều nước qua các nền tảng xuyên biên giới như Facebook, Youtube... đó là “đại dịch” tin giả về dịch Covid-19. Mỗi ngày, trên các nền tảng Facebook, Twitter, YouTube tràn ngập những thông tin mới, giật gân. Không chỉ tại Việt Nam, “đại dịch virus” tin giả đã lan truyền mạnh mẽ ra toàn cầu với tốc độ tăng nhanh hơn cả Covid-19. Theo các chuyên gia, tin giả về dịch viêm phổi cấp do chủng Virus nCov đã tạo nên một sự hoảng loạn trực tuyến và trong đời thực, làm giảm khả năng sàng lọc thông tin của người dân gây tâm lý hoang mang, lo sợ.
Từ những thần dược cho đến những thuyết âm mưu, các tin giả về virus vùng dịch bệnh này như là một phương tiện lý tưởng để kiếm tiền, hoặc để gây hoang mang dư luận. Lợi dụng khả năng ẩn danh trên mạng xã hội, một số người không ngần ngại đăng tải thông tin bịa đặt, ác ý về tình hình dịch bệnh. Chẳng hạn, việc người từ vùng dịch trở về và buộc phải cách ly để theo dõi do yêu cầu của công tác phòng bệnh lập tức bị bóp méo thành ca mắc bệnh mới...
Không chỉ các hãng công nghệ, hiện nay nhiều quốc gia trên thế giới đã mạnh tay trừng phạt những kẻ tung tin giả. Facebook cho biết đang tiến hành quét tìm và loại bỏ càng nhiều nội dung sai lệch càng tốt. Nội dung bị gỡ bỏ liên quan đến phương pháp chữa bệnh hoặc phòng ngừa phản khoa học, cũng như thông tin tạo ra sự nhầm lẫn về các tài nguyên y tế có sẵn như: Nguồn cung khẩu trang và những trang thiết bị y tế khác.
Twitter khuyến nghị những người sử dụng mạng ở Mỹ tìm kiếm những hashtag của Trung tâm Kiểm soát và phòng, chống dịch bệnh Mỹ (CDC) liên quan đến chủng Virus Corona. Đại diện Twitter nêu rõ các chính sách cấm người dùng mạng phối hợp với những ý đồ tung tin giả.
Theo đó, khi người dùng tìm kiếm thông tin về Covid-19, họ sẽ được hướng tới việc sử dụng các kênh chính thức như: Tổ chức Y tế Thế giới hoặc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật. Trong khi đó, Google kích hoạt cảnh báo SOS về Covid-19. Khi tìm kiếm trên Google với từ khóa “Coronavirus”, người dùng sẽ nhận được cảnh báo SOS và kết quả tìm kiếm đầu tiên là từ website của WHO.
Chính quyền Thái Lan đã bắt giữ hai đối tượng tung tin giả và cho biết, hai người này có thể chịu án tù lên tới 5 năm. Trước đó, Malaysia cũng bắt giữ một nghi phạm và truy lùng ba nghi phạm khác tung tin giả trên mạng xã hội về số người nhiễm bệnh và tử vong vì Covid-19.
Trung Quốc siết chặt quản lý mạng xã hội để ngăn tin giả về Covid-19, họ yêu cầu các nền tảng Internet và chính quyền địa phương phải “tạo ra một môi trường không gian mạng tốt để giành chiến thắng trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh Covid-19”.
Tại Việt Nam, từ khi bắt đầu phát hiện bệnh nhân nhiễm Covid-19, trên mạng xã hội Facebook đã xuất hiện nhiều thông tin giả mạo, không đúng sự thật về dịch bệnh này. Những thông tin đó phần nào đã khiến người dân hoang mang, lo lắng. Rất nhiều trường hợp đã bị cơ quan chức năng xử phạt nặng vì lan truyền tin giả.
Cụ thể, ngày 3/2, trên mạng xã hội lan truyền một đoạn ghi âm dài 1 phút cùng hình ảnh được chụp lại từ đoạn đối thoại với nội dung đã có 33 người chết vì nhiễm Covid-19 tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Hay như thông tin về việc du thuyền World Dream có 3 hành khách bị nhiễm Covid-19 đã ghé thăm vịnh Hạ Long. Trên thực tế, du thuyền này không có chương trình đến Hạ Long... Đáng buồn hơn, nhiều người nổi tiếng và có ảnh hưởng lớn trong cộng đồng cũng tuyên truyền những thông tin xuyên tạc về tình hình dịch bệnh.
Vai trò của báo chí
Tin giả đang là vấn đề được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm, nhất là trong thời điểm dịch Covid-19 có nhiều diễn biến phức tạp. Dù nhiều trường hợp đưa tin sai bị công an xử phạt và công khai thông tin, tình trạng tung tin đồn thất thiệt về dịch bệnh Covid-19 vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Tình trạng này vừa tác động xấu đến việc tiếp nhận thông tin của người dân, vừa làm khó cho cơ quan chức năng trong phòng, chống dịch.
Trước thực tế đó, với sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của các bộ, ngành, địa phương, sự đồng hành với ý thức trách nhiệm cao của người dân trong việc hợp tác cùng chính quyền thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch bệnh, Việt Nam đã kiểm soát tốt tình hình. Đặc biệt, các cơ quan báo chí đã thể hiện được rõ vai trò quan trọng của mình. Cụ thể, thời gian qua, các cơ quan báo chí đã chủ động tăng thời lượng, số lượng các tin, bài khuyến cáo, hướng dẫn người dân nhận thức đầy đủ nguy cơ và cách thức phòng ngừa, cũng như nâng cao ý thức về việc tuân thủ các khuyến cáo, biện pháp của cơ quan chức năng nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh Covid-19.
Cập nhật thường xuyên, liên tục, chính xác, đầy đủ trên tất cả các loại hình báo chí diễn biến tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống, ngăn chặn lây lan dịch bệnh từ nguồn chính thức của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp Covid-19 của Bộ Y tế và các cơ quan có thẩm quyền... Đặc biệt, Tiểu ban Truyền thông đã chỉ đạo việc tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 trên báo chí rất quyết liệt, chủ động; chỉ đạo các nhà mạng đẩy mạnh việc tuyên truyền thông tin chính thống trên các mạng xã hội của Việt Nam giúp nhân dân hiểu và nâng cao ý thức về phòng, chống dịch Covid-19; tạo tinh thần lạc quan, tin tưởng trong toàn xã hội.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng đang đẩy mạnh thông tin chính thức trên báo chí và các phương tiện truyền thông, trên mạng xã hội. Các bộ, ngành không chỉ cung cấp thông tin theo phương pháp truyền thống mà đã hợp tác với các trang mạng xã hội xóa bỏ tin giả, đưa thông tin chính thức lên trên khi tìm kiếm, ra mắt ứng dụng... Bởi vậy, không khó để kiểm chứng, phát hiện tin giả về Covid-19.
Để phát huy vai trò của báo chí trong cuộc chiến chống tin giả về Covid-19, cần tăng cường sự lành mạnh của báo chí, cung cấp thông tin nhanh nhạy, trung thực, chính xác giúp định hướng dư luận xã hội được tiếp cận với những luồng thông tin đúng đắn./.
Phú Hưng
Bình luận: 0
Tin tức liên quan
- Câu chuyện về hành trình theo đuổi đam mê của các gương mặt trẻ tại giải thưởng “Bền đam mê” (09:43 02/04/2025)
- Hoa hậu môi trường thế giới Nguyễn Thanh Hà: Lan tỏa thông điệp xanh tại sự kiện “Triệu cây xanh vì môi trường quốc gia” (07:55 23/03/2025)
- Ra mắt cuốn sách kể chuyện lịch sử Hà Nội qua những công trình kiến trúc (05:54 06/12/2024)
- Tình trạng "báo hóa" trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội đã giảm đáng kể (04:45 29/11/2024)
- Hoa hậu Môi trường thế giới năm 2023 Nguyễn Thanh Hà: Môi trường chỉ có thể tốt hơn nếu lối sống của chúng ta thay đổi (08:18 09/11/2024)