Vấn đề số hóa tạp chí khoa học tại Việt Nam hiện nay

Hiện nay, việc số hóa tạp chí khoa học ở Việt Nam mới chỉ đang ở những bước sơ khai. Theo thống kê, hiện mới chỉ có 75% tạp chí khoa học được số hoá – nghĩa là có xuất bản tạp chí online. Nếu như thực hiện số hóa một cách đầy đủ, nghiêm túc, các tạp chí khoa học còn tạo dựng được chỗ đứng mới của mình trong bối cảnh cạnh tranh thông tin.

Vấn đề số hóa tạp chí khoa học tại Việt Nam hiện nay

Một số yêu cầu chung đối với số hoá tạp chí khoa học

Tạp chí Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, Tạp chí Khoa học Công nghệ Việt Nam và Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam đã thực hiện số hóa cơ bản khi đăng tải toàn bộ nội dung được xuất bản in trên trang web của mình. Bên cạnh đó, các tạp chí khoa học này xuất bản thêm nhiều nội dung, thông tin tình hình nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực tôn chỉ mục đích của mình trên trang web điện tử.

Tuy nhiên, có một thực tế là các tạp chí này vẫn chưa thật sự hấp dẫn người đọc trên các bản số hóa điện tử bởi những thông tin chủ yếu là bản thiết kế PDF up lên trang điện tử. Chính vì vậy, việc thiết lập một quy trình và vận hành quy trình số hóa các tạp chí này là hết sức cần thiết để phát triển bản điện tử của các tạp chí này.

Số hoá tạp chí khoa học cũng là hình thức chuyển đổi dữ liệu từ dạng văn bản hệ thống bên ngoài thành những dữ liệu dạng tín hiệu số được máy tính hiểu và lưu trữ, có thể giúp người dùng thao tác trên môi trường Internet. Số hoá tạp chí khoa học cần đảm bảo một số yêu cầu sau:

Thứ nhất, đảm bảo tính nhanh nhạy, trung thực của thông tin. Chất lượng các chuyên trang, chuyên mục sẽ quyết định chất lượng nội dung tạp chí. Chất lượng các bài báo lại quyết định chất lượng các chuyên trang, chuyên mục. Đặc biệt, trong bối cảnh truyền thông 4.0, để có thể cạnh tranh thương hiệu với các tờ tạp chí khác, tạp chí khoa học cần chú trọng hướng tới tính mới, tính thời sự, với hàm lượng tri thức cao, đồng thời, đáp ứng những đòi hỏi khắt khe của sự phát triển khoa học hiện đại.

Thứ hai, đảm bảo tính đa dạng, sinh động trong hình thức chuyển tải. Trình bày tạp chí cần thống nhất về hình thức của tài liệu tham khảo, hình thức thông tin và nội dung bài viết, bảng biểu…; phù hợp về tôn chỉ, mục đích và phạm vi mà tạp chí công bố trên Website (bao gồm hình thức, nội dung và các chính sách qui định của tòa soạn).

Thứ ba, phát triển hình thức, nội dung số hóa tạp chí khoa học. Số hóa phải đảm bảo ngôn ngữ mang phong cách khoa học. Ngôn ngữ khoa học nghiêm túc, chặt chẽ, chính xác, cô đúc, ngắn gọn, hàn lâm nhưng không khó hiểu là yêu cầu tất yếu với tạp chí khoa học.

Bài báo khoa học không dùng từ ngữ dễ dãi: mơ hồ, khó hiểu, tối nghĩa, từ thừa, từ lặp, câu thiếu chủ ngữ, vị ngữ… Cách sử dụng từ ngữ trong từng bài, từng chuyên mục phải thể hiện rõ yêu cầu trên. Một số bài có thể sử dụng nhiều thuật ngữ chuyên ngành, danh pháp khoa học, từ ngữ chính trị, từ tiếng nước ngoài phục vụ yêu cầu trình bày về những vấn đề khoa học, nhưng về cơ bản, bài báo cần đảm bảo dễ hiểu.

Một số tạp chí khoa học tại Việt Nam hiện nay

Thực trạng vấn đề số hóa tại các tờ tạp chí khoa học

Lập kế hoạch số hóa

Để có được kết quả tốt trong việc quản lý, quy trình triển khai phải được thực hiện khoa học từ việc lập kế hoạch là việc hoạch định những gì cần phải làm và cách thức tiến hành các hoạt động cho phù hợp đối với nội dung cần thực hiện.

Việc xây dựng kế hoạch có ý nghĩa hết sức quan trọng vì nó là bước đầu, là nền tảng để tiến hành các công đoạn khác của quá trình quản lý. Tạp chí khoa học là một đơn vị sự nghiệp trực thuộc các cơ quan quản lý nhà nước (cấp Tổng cục, cấp Bộ), hoạt động quản lý của Tạp chí khoa học có nội dung và đặc điểm chung của công tác quản lý nhà nước. Hoạt động quản lý từ việc triển khai thực hiện các văn bản quản lý về hoạt động xuất bản báo chí, hoạt động quản lý đơn vị sự nghiệp...

Tạp chí khoa học thường xuyên cập nhật phổ biến những văn bản của Trung ương và ngành về triển khai đến cán bộ công chức, viên chức trong đơn vị thực hiện tốt, đảm bảo cho hoạt động số hóa tạp chí được tiến hành theo đúng định hướng, đường lối chủ trương và chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Ngoài việc triển khai những văn bản quản lý, các Tạp chí khoa học cũng chủ động, vận dụng thực tế vào việc xây dựng, ban hành những văn bản của cơ quan để phù hợp với thực tiễn hoạt động của đơn vị.

Về cơ bản, quy trình quản lý xuất bản của tạp chí khi được thực hiện theo quy trình số hoá sẽ có những điểm trùng khớp với quy trình xuất bản Tạp chí bản giấy hiện được Ban biên tập Tạp chí xây dựng và áp dụng theo quy trình sau: Lên kế hoạch đề tài - Đặt bài - Tiếp nhận bài của tác giả - Phân công biên tập - Biên tập lần 1 - Sửa bản biên tập lần 1 - Biên tập lần 2 - Sửa bản biên tập lần 2 - Đọc duyệt - Sửa duyệt (nếu có) - Thiết kế trình bày - In ấn - Lưu trữ - Tiếp nhận phản hồi.

Kế hoạch quản lý số hóa phải thể hiện nội dung các công đoạn trên.

Tuy nhiên, khi các hoạt động xuất bản tạp chí được số hoá, thì quy trình xuất bản sẽ có thêm vài công đoạn sau:

- Lên kế hoạch đề tài

- Đặt bài /Tiếp nhận bài từ cộng tác viên qua phần mềm hệ thống

- Phân công biên tập

- Chuyển Biên tập/phản biện lần 1 qua hệ thống

- Nhận bài biên tập/phản biện lần 1 qua phần mềm hệ thống

- Chuyển tác giả chỉnh sửa qua phần mềm hệ thống (nếu cần)

- Nhận lại bài

- Chuyển biên tập/phản biện lần 2 qua phần mềm hệ thống

- Nhận bài biên tập/phản biện lần 2

- Chuyển người duyệt qua hệ thống

- Đăng bài trên điện tử

- Đọc soát lại trên web

- Tiếp nhận, xử lý phản hồi điện tử

Như vậy, có thể hiểu, khi đã số hoá các công đoạn, tất cả các công đoạn đều được thiết lập trên phần mềm hệ thống. Mỗi tác giả, biên tập viên, người duyệt sẽ được cấp 1 mã/tài khoản với quyền truy cập riêng. Đến công đoạn nào, những người có liên quan sẽ truy cập vào phần mềm hệ thống trên Internet để làm việc trực tuyến. Mọi công đoạn trong quy trình xuất bản tạp chí điện tử đều được tiến hành trên Internet, đảm bảo nhanh gọn, tiết kiệm thời gian, chi phí. Kế hoạch quản lý quy trình số hóa phân công cụ thể công việc cho các thành viên như sau :

- Xây dựng kế hoạch đề tài: Ban Biên tập;

- Đặt bài, tiếp nhận bài, phân công biên tập: Thư ký toà soạn, các biên tập viên tại chỗ;

- Biên tập lần 1: Các biên tập viên hợp đồng;

- Sửa bản biên tập lần 1: Thư ký toà soạn, biên tập viên tại chỗ;

- Biên tập lần 2: Phó Tổng Biên tập (nếu có);

- Sửa bản biên tập lần 2: Thư ký toà soạn, biên tập viên tại chỗ;

- Đọc duyệt: Tổng biên tập;

- Sửa duyệt (nếu có): Thư ký toà soạn, các biên tập viên tại chỗ;

- Chọn bài đăng lên web: Biên tập viên được giao kiêm nhiệm công việc cho Tạp chí điện tử - Phó TBT phụ trách Tạp chí điện tử;

- Đăng lên web: Biên tập viên/cán bộ được giao phụ trách kỹ thuật web;

- Đọc soát trên trang: Biên tập viên/ cán bộ được giao kiêm nhiệm công việc cho Tạp chí điện tử;

- Tiếp nhận, xử lý phản hồi: Biên tập viên/ cán bộ được giao kiêm nhiệm công việc cho Tạp chí điện tử - Ban biên tập.

Khi số hoá quy trình biên tập, các thao tác trong từng bước/quy trình đều được hiển thị trên phần mềm, trên giao diện Internet. Thành viên nào trong Ban biên tập/toà soạn được giao nhiệm vụ ở công đoạn nào, phải tự động đăng nhập để kiểm tra nhiệm vụ và thực hiện nhiệm vụ được giao.

Lựa chọn tên miền

Muốn công chúng nhớ nhanh, chính xác địa chỉ tạp chí khoa học điện tử, điều bắt buộc là tạp chí điện tử phải có địa chỉ ngắn gọn. Các tạp chí lấy ngay tên gọi của tờ tạp chí in làm tên cho tạp chí điện tử, và viết tắt nếu tên quá dài.

Chẳng hạn, tên tạp chí giấy là: Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam, thì tên gọi của tạp chí trên mạng có thể là: https://vjst.vn/ hoặc khoahocvacongnghevietnam.com.vn.

Những tạp chí có tên gọi trên ấn phẩm in dài, thì có thể viết bằng tên tắt, chẳng hạn: Tên tạp chí giấy là Tạp chí Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, thì có thể dùng tên tắt: vietq.vn.

Tên miền của tạp chí, sử dụng tên miền theo cách viết của Tiếng Việt là: http://khoahocvacongnghevietnam.com.vn đối với Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam và http://vietq.vn đối với Tạp chí Tiêu chuẩn đo lường chất lượng.

Tên miền của Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam là http://vssr.vass.gov.vn/ hoặc http:// tapchikhxh.vass.gov.vn/.

Loại hình thông tin: Website; Ngôn ngữ sử dụng: tiếng Việt.

Tạp chí có định kỳ cập nhật thông tin: Hàng ngày (đối với tin tức hoạt động) và hàng tuần (đối với bài báo khoa học).

Thiết kế giao diện

Giao diện của tạp chí điện tử thích hợp với mọi trình duyệt: Khổ báo phù hợp với khuôn hình máy tính, điện thoại. Các trang hiển thị trên màn hình tương đương khổ giấy A4, phù hợp với khuôn màn hình máy tính, cũng phù hợp khi in ra khổ giấy A4. Bề rộng của trang khoảng 20 - 25cm.

Tạp chí Tiêu chuẩn đo lường chất lượng có giao diện được chia thành từ 3 cột.

Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam gồm 4 phiên bản có trang giao diện 3-4 cột.

Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam trang giao diện chia thành 3 cột. Các bài quan trọng thường được thiết kế bố trí trong 2 cột và đặt ở bên trái trang báo. Trên giao diện chính của các tạp chí có tiêu đề các tin bài, được phân chia rõ ràng theo các mục cụ thể.

Việc số hoá hoạt động xuất bản Tạp chí phải được thực hiện trên nền tảng Internet và công nghệ máy tính

Một số giải pháp tăng cường hiệu quả số hoá

Để số hoá hoạt động xuất bản Tạp chí một cách hiệu quả đòi hỏi phải có đường hướng rõ ràng của Lãnh đạo Tạp chí và có kinh phí, nguồn nhân lực đủ mạnh…

Việc số hoá hoạt động xuất bản Tạp chí phải được thực hiện trên nền tảng Internet và công nghệ máy tính. Vì vậy, điều quan trọng là Tạp chí phải được xuất bản Tạp chí điện tử hoặc ít nhất là có website riêng với các tính năng phù hợp cho việc số hoá. Từ yêu cầu đó, các cơ quan chủ quản tạp chí cần phê chuẩn một số nội dung sau:

Phê duyệt kinh phí nhuận bút, thù lao và các khoản đầu tư cơ sở hạ tầng ban đầu cho Tạp chí điện tử. Đầu tư về kinh phí cho tạp chí được số hoá cũng chính là đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ban đầu cho tờ tạp chí điện tử. Những chi phí cho việc số hoá tờ tạp chí có thể bao gồm các hạng mục: Kinh phí thuê đường truyền, máy chủ; phí đăng ký mới, duy trì tên miền; xây dựng website; thuê máy chủ (lưu trữ web - Hosting); thuê quản trị mạng; kinh phí trang bị, bảo trì máy móc, thiết bị: máy tính bàn (dùng để chế bản), máy tính bàn (máy chủ), máy ảnh chuyên nghiệp, máy in… (tính theo giá hiện hành); kinh phí xây dựng các chuyên mục cho Tạp chí điện tử; kinh phí chi nhuận bút... Đây là khoản kinh phí không nhỏ nhưng là điều kiện để duy trì tạp chí điện tử, làm tiền đề để số hoá hoạt động của Tạp chí.

Phê chuẩn bổ sung phòng làm việc, máy tính, máy ảnh, máy quay, máy ghi âm chuyên dụng. Để số hoá các hoạt động xuất bản, bao gồm cả việc xuất bản điện tử, cần đến nhiều không gian và máy móc thiết bị làm việc, một không gian làm việc rộng, đủ để các cán bộ phóng viên, biên tập viên có không gian đặt máy móc, thiết bị, tủ lưu trữ tạp chí, phòng sinh hoạt/phòng họp chung.

Các thiết bị máy tính với cấu hình cao nối mạng Internet ổn định, máy ảnh chuyên dụng, máy ghi âm hiện đại hay thậm chí laptop cũng cần được đầu tư để giúp tạp chí và cán bộ biên tập viên có điều kiện hoàn thiện công việc xuất bản tạp chí điện tử đòi hỏi ứng dụng công nghệ kỹ thuật hiện đại.
Bổ sung nhân lực. Khi ứng dụng số hoá tạp chí, cũng đồng nghĩa với việc phải có thêm nguồn nhân lực để thực hiện tạp chí điện tử (thực chất là kết quả của việc số hoá nội dung và hình thức tạp chí). Do đó, tạp chí cần được bổ sung nguồn nhân lực làm công tác quản lý, và biên tập viên, nhân viên quản trị mạng/kỹ thuật viên.

HOÀNG THỊ LOAN

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề : "Tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả".
Đó là nhấn mạnh của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trong phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
Với tinh thần "Lá lành đùm lá rách", ngày 10/9, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành công văn số 457/CV-HNBVN về việc hưởng ứng lời kêu gọi của đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top