Uống nước nhớ nguồn
15:51 25/09/2022
- Báo chí & Công chúng

NSNA, đại tá Trần Văn Hồng bên mộ nhà báo liệt sĩ Lê Đình Dư tại nghĩa trang liệt sĩ Gio Linh, Quảng Trị_Ảnh:Phú Sơn
Tôi vừa trở về từ Quảng Trị, địa phương nằm sát giới tuyến quân sự tạm thời nửa thế kỷ trước - dòng sông Bến Hải - đã một thời nhuộm đỏ sắc màu “Máu và Hoa”. Đó là dịp kỷ niệm 50 năm Giải phóng Quảng Trị và kỷ niệm nửa thế kỷ “Mùa hè rực lửa bảo vệ Thành Cổ”. Quảng Trị là vùng đất có nhiều nghĩa trang liệt sĩ như: nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Đường Chín, nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn và nhiều nghĩa trang khác, là nơi yên nghỉ của hàng chục, hàng trăm ngàn anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì độc lập tự do của Tổ quốc.
Đã không dưới 20 lần trở về Quảng Trị, sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, non sông thu về một mối. Với nhiều cảm xúc sau những lần đến thăm Quảng Trị, năm 2019, tôi đã viết cuốn tiểu thuyết “Từ bến sông Nhùng”, nhân vật trung tâm của các sự kiện là nhà báo cách mạng Phan Hoàng - nguyên mẫu ngoài đời chính là nhà báo Phan Quang, người sinh ra và lớn lên bên dòng sông Nhùng, Quảng Trị. Trong tiểu thuyết sự kiện lịch sử “Từ bến sông Nhùng” tôi đã viết về chiến khu Ba Lòng, địa đạo Vĩnh Mốc; về dòng sông Thạch Hãn, sông Hiếu, sông Nhùng, về thành Cổ, về cửa Tùng, cửa Việt, Cồn Cỏ anh hùng; về Cam Lộ - nơi có khu di tích lịch sử vua Hàm Nghi ra chiếu Cần Vương kháng Pháp... Các bút ký “Quảng Trị trong tim tôi”; “Trời mô xanh bằng màu xanh Quảng Trị”, “Uống nước nhớ nguồn”... bằng tình yêu và sự cảm phục trước quá khứ hào hùng của dân tộc, tôi đã giành trọn trái tim nhỏ bé của mình để nói về các anh hùng liệt sĩ, những người con ưu tú của cả nước hội tụ về Quảng Trị.
Tuy nhiên, đó cũng chỉ mới phác họa được một phần rất rất nhỏ về sự hy sinh to lớn mà thầm lặng của hàng triệu đồng đội, đồng bào, chiến sĩ nơi chiến tuyến “Máu và Hoa” của một thời hào hùng Tháng bảy năm 2022, nghệ sĩ nhiếp ảnh quân đội, đại tá nhà báo Trần Văn Hồng bước vào tuổi 75 đã cùng một số đồng ngũ đến Quảng Trị. Ông đến trận địa năm xưa, đứng bên bia mộ của liệt sĩ báo Quân đội Nhân dân - nhà báo Lê Đình Dư thắp nén nhang trầm, với sự tôn nghiêm thành kính: “Anh hãy yên nghỉ bên Đài Tổ quốc, chúng tôi nguyện bước tiếp theo dấu chân quả cảm của anh!”.
Cũng vào tháng bảy năm trước, nhà báo Trần Văn Hiền cùng nhiều đồng nghiệp Hội Nhà báo tỉnh phối hợp với ngành Thương binh Xã hội tỉnh Nghệ An tổ chức lễ cầu siêu cho hơn 500 liệt sĩ nhà báo - nhiều hơn con số 400 nhà báo liệt sĩ đã công bố lần đầu cách đây hơn 30 năm. Nhà báo Trần Văn Hiền, nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Nghệ An là một trong những đồng nghiệp tận tụy, dày công, hết lòng đi đến nhiều vùng miền tìm tòi và phát hiện, viết về chân dung (và gia đình) các nhà báo liệt sĩ. Ông lập bàn thờ hương khói mỗi ngày cho các đồng nghiệp đã hy sinh, gần đây tuổi cao sức yếu, ông mới chuyển bàn thờ đó vào vị trí trang trọng tại Đền liệt sĩ thành phố Vinh.
Có thời điểm Tạp chí Người Làm Báo in nhiều bài của tác giả Trần Văn Hiền, tập hợp in thành sách chân dung nhà báo liệt sĩ với những chi tiết tân văn hết sức cảm động - những tấm gương “Tay bút tay súng - Tay máy tay súng” chiến đấu và hy sinh thân mình cho đất nước trong các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc. Lịch sử dân tộc ghi lại các sự kiện oai hùng diễn ra trên đất Quảng Trị, một trong những địa phương tiêu biểu trong thời kỳ dài đằng đẵng 20 năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Lịch sử đã ví con sông Thạch Hãn, sông Bến Hải là dòng sông máu - dòng sông nhuộm đỏ máu của chiến sĩ và đồng bào. Tháng 6 năm 2022, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Trị, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp tổ chức trưng bày, giới thiệu hình ảnh kháng chiến anh hùng của bộ đội, đồng bào cả nước “Hội tụ non sông” về Quảng Trị.
Tác giả của những tấm ảnh lịch sử đó là các nhà báo, nhà làm phim và của chính những người chiến sĩ nơi tuyến đầu. Nụ cười rạng rỡ, nụ cười chiến thắng của người lính - Anh bộ đội Cụ Hồ trên chiến hào Ái Tử, Đầu Màu, Dốc Miếu, Cửa Việt, Đường Chín - Khe Sanh... của các nhà báo chiến sĩ trong đó có Đoàn Công Tính, Đức Toại, Huyền Dân và nhiều đồng nghiệp khác đã khẳng định một chân lý bất hủ: “Dân tộc Việt Nam không bao giờ run sợ trước kẻ thù xâm lược”, “Không có gì quý hơn độc lập, tự do của Tổ quốc”, “Lạc quan niềm tin của chiến thắng”.
Mới đây, nhà báo - nguyên phóng viên Thông tấn xã Giải phóng Bùi Thanh Liêm viết hồi tưởng tựa đề “Mây phủ Giăng Màn”. Ông kể lại câu chuyện cảm động của đồng nghiệp - liệt sĩ nhà báo Trần Viết Thuyên trên đường ra trận ở Nam Lào, trong ngày định mệnh 2/4/1973 - mối tình của hai cựu sinh viên, hai người lính, hai cây bút Trần Viết Thuyên và Nguyễn Thị Phương Thảo thể hiện giữa đại ngàn Tây Trường Sơn thật đẹp và rất đáng tự hào. Nhà báo Nguyễn Hữu Mão, nguyên Tổng Thư ký Tòa soạn Thời báo Tài chính cùng đồng ngũ dày công sưu tập, biên soạn tập kỷ yếu “Lính sinh viên 1970”, trong đó có nhiều đồng đội, đồng nghiệp đã hy sinh trên trận địa tên lửa phòng không và ngoài mặt trận, không còn trở về trong ngày vui đại thắng. Năm 2022, nhà báo, nhà thơ Nguyễn Hồng Vinh xuất bản tập thơ Chồi biếc đã dành nhiều trang viết về người lính, đồng đội, đồng nghiệp hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc; Ông dóng thêm một hồi chuông - một thông điệp vĩnh hằng “Uống nước nhớ nguồn”, rằng: Tôi được theo đoàn quân vào giải phóng Đông Hà/Những bài báo thấm lửa bom, pháo sáng/Sự hy sinh của bao người không uổng/Để có đất trời toàn vẹn, tự do!... Toàn xã hội đã - đang - mãi mãi biết ơn, tri ân hàng chục, hàng trăm ngàn anh hùng liệt sĩ, trong đó có hơn 500 nhà báo - liệt sĩ.
Ngoài ra, còn nhiều người dũng cảm hy sinh trên các chiến trường vẫn chưa quy tập được hài cốt. Và hiện tại, gia đình các anh hùng - liệt sĩ vẫn còn gặp không ít thiếu thốn, khó khăn cần được sự chăm lo của toàn xã hội. Đó là tình cảm thiêng liêng, là trách nhiệm cao cả của những người đang sống hôm nay, trong đó có các nhà báo. Xin mượn câu đối - cũng là câu thơ hay của nhà thơ, nhà báo, đại tá Trần Thế Tuyển được khắc lên Đền thờ - tưởng niệm Liệt sĩ Long Khốt, tỉnh Long An làm lời kết cho bài viết ngắn này: Thân ngã xuống thành đất đai Tổ quốc/Hồn bay lên hóa linh khí quốc gia! Các nhà báo, nhà văn, giới nghệ sĩ điện ảnh, nhiếp ảnh - những người cầm bút, cầm máy... hãy tiếp tục viết về “Hồn bay lên hóa linh khí quốc gia”; hãy dành tất cả cho sự nghiệp “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn” để nhớ về các anh hùng liệt sĩ.
Tháng 7/2022.
Phạm Quốc Toàn
Bình luận: 0
Tin tức liên quan
- Câu chuyện về hành trình theo đuổi đam mê của các gương mặt trẻ tại giải thưởng “Bền đam mê” (09:43 02/04/2025)
- Hoa hậu môi trường thế giới Nguyễn Thanh Hà: Lan tỏa thông điệp xanh tại sự kiện “Triệu cây xanh vì môi trường quốc gia” (07:55 23/03/2025)
- Ra mắt cuốn sách kể chuyện lịch sử Hà Nội qua những công trình kiến trúc (05:54 06/12/2024)
- Tình trạng "báo hóa" trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội đã giảm đáng kể (04:45 29/11/2024)
- Hoa hậu Môi trường thế giới năm 2023 Nguyễn Thanh Hà: Môi trường chỉ có thể tốt hơn nếu lối sống của chúng ta thay đổi (08:18 09/11/2024)