Từ thực tại sinh tồn, suy ngẫm… - Một triết lý về sinh thái và thời cuộc

Trang thơ Người làm báo vừa nhận dược bài của nhà phê bình văn học, PGS.TS Nguyễn Thanh Tú về bài thơ “Từ thực tại sinh tồn, suy ngẫm…” của nhà báo, nhà thơ Nguyễn Hồng Vinh (đăng trên báo Nhân Dân cuối tuần ngày 29/7/2021 vừa qua). Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc:

Rác ngập bãi biển...

Hoa Sưa đã tàn từ lâu

Mà cuối hạ, phượng mới bừng sắc đỏ

Chùm quả ban ngả màu đen đúa

Từng hạt rơi gửi đất đợi mùa sau…

 

Khi sông Hồng hối hả chảy về Đông

Thì nước mặn lại thấm sâu đất Chín Rồng

Khi miền Trung trắng trời nước lũ

Thì đất lúa, rau ở Tây Bắc nẻ cong!

 

Bãi tắm Đồng Châu, Hải Thịnh, Đồ Sơn…

Nước đục khóc ròng nỗi đau của biển

Bãi Trước, Bãi Sau rộn ràng sóng hát

Bốn mùa Vũng Tàu vời vợi nước trong!

 

Những cao ốc thời đô thị chọc trời xanh

Ngạo nghễ bóng đè bao ngôi nhà sập sệ

Chất thải đen nhuộm đặc kênh đen

Người như cá nghếch lên mà thở!

 

Thiên nhiên hay con người?

Ai quan tòa, ai thủ phạm?

Cuộc sống muôn màu, phận người lắm nỗi

Câu hỏi tìm đường cứ dồn nén tâm can!

 

Khắc chế, thích nghi, chinh phục, đồng hành?

Bao giờ cây khô trổ bông, cay đắng lùi xa, công bằng trở lại?

Câu trả lời trong ta và cũng ngoài ta

Khí trí tuệ dẫn đường, lòng người cùng chí hướng

Dẹp lòng tham, nuôi khát vọng hùng cường!

THÁNG 7/2021

Nguyễn Hồng Vinh

Dòng sông chết

­Với quan niệm “con người là trung tâm” nên có người chỉ coi môi trường như một phương tiện, như một “nô bộc” phục vụ con người. Vì vậy, môi trường sinh thái bị con người tàn phá vô tội vạ vì mục đích ích kỷ và thiển cận. Xót xa thay, chính con người đang phải gánh chịu những hậu quả khủng khiếp do chính mình gây ra. May thay, sự khôn ngoan nhân văn đã giúp con người có cách nhìn nhận mới: “trái đất cũng là trung tâm”, vì vậy, môi trường là bạn thân thiết hằng ngày. Triết học sinh thái kêu gọi tác phẩm văn chương là một “đối thoại văn hóa” để hiểu biết (tự nhiên); bình đẳng (với tự nhiên); tôn trọng, và biết lắng nghe (tự nhiên). Tôn trọng trái đất tức chính là tôn trọng con người, phá hủy trái đất tức phá hủy căn nhà con người đang sống; tàn phá môi trường là làm thui chột tính người!  Báo Nhân Dân cuối tuần ngày 28/7/2021 vừa có bài thơ Từ thực tại sinh tồn, suy ngẫm...của Nguyễn Hồng Vinh, đã thật sự đi đúng vào cái mạch “văn học môi trường” trên thế giới (1).

Bài thơ của Nguyễn Hồng Vinh chính là tiếng nói sinh thái khẩn thiết, báo động một nghịch cảnh hiện hữu:

Hoa Sưa đã tàn từ lâu

Mà cuối hạ, phượng mới bừng sắc đỏ

Chùm quả ban ngả màu đen đúa

Từng hạt rơi gửi đất đợi mùa sau”…

Đó là nghịch cảnh ai cũng nhìn thấy, hiển hiện ra trước mắt, là hình ảnh của hoa, của quả, của màu sắc đen đúa, tàn phai, lỡ làng...Một nghịch cảnh trái quy luật!

Nhưng đây mới là nghịch cảnh khiến ta xót xa bởi nơi quá thừa, nơi quá thiếu diễn ra trên cơ thể đất nước mình:

Khi sông Hồng hối hả chảy về Đông

Thì nước mặn lại thấm sâu đất Chín Rồng

Khi miền Trung trắng trời nước lũ

Thì đất lúa, rau ở Tây Bắc nẻ cong!

Sông bị sạt lở

Xin mạn phép nói lại ý của nhiều nhà khoa học: đồng bằng sông Cửu Long bị xâm nhập mặn có một lý do là thiếu nước ngọt, có năm đến mùa nước nổi, mà chẳng có nước...để “nổi”!

Những hình ảnh nghịch cảnh chắt lọc tiêu biểu nêu trên là thực tế mà ai cũng nhìn thấy. Môi trường đang bật lên tiếng khóc:

Bãi tắm Đồng Châu, Hải Thịnh, Đồ Sơn…

Nước đục khóc ròng nỗi đau của biển!!!”

Vì đâu?!

Nhà thơ trở thành “nhà triết học” đi tìm câu trả lời bằng hình tượng nghệ thuật của thơ:

Những cao ốc thời đô thị chọc trời xanh

Ngạo nghễ bóng đè bao ngôi nhà xập xệ

Chất thải đen nhuộm đặc kênh đen

Người như cá nghếch lên mà thở!

Vậy ai chịu trách nhiệm trước nghịch cảnh này:

Thiên nhiên hay con người?

Ai quan tòa, ai thủ phạm?

Cuộc sống muôn màu, phận người lắm nỗi

Câu hỏi tìm đường cứ dồn nén tâm can!

Nhà cao ốc bên dẫy nhà sập s

Cái tính từ “ngạo nghễ” như cái bản lề khép mở hai thế giới “nghịch cảnh”: những cao ốc chọc trời“bao ngôi nhà sập sệ”. Nhưng những cao ốc kia không có lỗi! Lỗi ở con người tạo ra nghịch cảnh ấy!

Cái động từ “nghếch” rất đắt kia, diễn tả sâu sắc hoàn cảnh ngột ngạt đã đến tận cùng! Cái phép so sánh (người như cá), thật tinh tế kia rất đúng với bản chất của mối quan hệ môi sinh: không có nước thì cá chết; cũng vậy, không có môi sinh an toàn, con người sẽ không tồn tại! Đó cũng là bản chất muôn thuở của sự tồn vong nhân loại!

Rừng bị tàn phá

Câu hỏi nhức nhối của chàng Hăm-lét xưa tưởng chỉ nên có trong thời Phục Hưng huy hoàng quá vãng, nay lại đặt ra cho nhân loại trong bối cảnh khủng hoảng môi trường sống: tồn tại hay không tồn tại?

Thì ra hôm nay, con người vẫn đi “tìm đường”!

Đúng với lý thuyết phê bình sinh thái, con người cần có giải pháp. Bài thơ này nêu một đáp ứng thuyết phục người đọc:

Khắc chế, thích nghi, chinh phục, đồng hành?

Bao giờ cây khô trổ bông, cay đắng lùi xa, công bằng trở lại?

Câu trả lời trong ta và cũng ngoài ta”

Dường như có một sự ảnh hưởng của Phật giáo: có ngọn đuốc trí tuệ dẫn đường, con người sẽ vượt qua bề khổ tham, sân, si để đi về phía vô thường hạnh phúc! (2):

 “Khi trí tuệ dẫn đường, lòng người cùng chí hướng

Dẹp lòng tham, nuôi khát vọng hùng cường!

Những đội áo xanh đi nhặt rác

Trong bối cảnh này, con người cần Trí tuệ, Đoàn kết, Vị tha – tình yêu thương, Ý chí, tôi hiểu đây là “bốn cái cột chống” để nhân loại xây ngôi nhà Hạnh phúc được che mái xanh giữa bầu trời thiên nhiên hiền hòa, thân thiết.

Cần nói thêm rằng, giá trị của bài thơ không chỉ là “thông điệp” về cách ứng xử của con người với thiên nhiên, mà còn là  lời cảnh tỉnh, cổ vũ toàn xã hội đồng lòng “dẹp lòng tham”, bởi tham nhũng đã và đang là “giặc nội xâm”, phá hoại ghê gớm mọi lĩnh vực của đất nước từ bên trong. Gắn kết bảo vệ môi trường với phát triển kinh tế - xã hội, chỉ có hiệu quả cao khi có Trí tuệ dẫn đường và lòng người đồng thuận. Với ý nghĩa đó, thi phẩm này là một tiếng nói khẩn thiết, mở ra niềm lạc quan khi mỗi người, mỗi nhà, mỗi cộng đồng nuôi khát vọng xây dựng Tổ quốc Việt Nam cường thịnh./.

PGS.TS. Nguyễn Thanh Tú

------------

  1. Người Anh gọi là “nghiên cứu xanh” (Green study), ở Mỹ gọi là “phê bình sinh thái” (Ecocriticism), nước Úc gọi là “phê bình văn học môi trường” (Environmental literary criticism)…
  2. Triết học văn hóa trên thế giới đang nghiêng về quan niệm Phật giáo là một triết học hơn là một tôn giáo!
Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Ngày 13/1/2025, tại Thủ đô Hà Nội, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Hội nghị nhằm đánh giá tình hình thực hiện các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về phát triển khoa học, công nghệ; quán triệt, triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW, ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, tạo sự chuyển biến mang tính đột phá về nhận thức và tổ chức thực hiện, góp phần đưa đất nước phát triển giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Tổng Bí thư Tô Lâm dự và phát biểu tại hội nghị. Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu:
Trong kỷ nguyên số, chuyển đổi nội dung số các tạp chí của Việt Nam có vai trò quan trọng trong tuyên truyền, phổ biến, giáo dục quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước; đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; phổ biến tri thức, góp phần nâng cao dân trí, phát triển văn hóa và con người Việt Nam trên không gian mạng. Đồng thời, góp phần “xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”(1) theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Ngày 16/12, tại thành phố Cần Thơ, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.
Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề : "Tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả".
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top