Từ thủ đô Paris hoa lệ
17:16 20/03/2017
- Báo chí & Công chúng

Những chuyến đi...
Dù đi gần hay đi xa, dù ở thủ đô Paris hay đến các tỉnh thành trong nước Pháp, mỗi chuyến công tác đều mang lại trong tôi những cảm nhận đầy thú vị, và đặc biệt, mỗi chuyến đi là một bài học quý. Mỗi vùng miền, địa danh, công trình đều khắc họa trong tôi những hình ảnh và dấu ấn đặc trưng, từ thủ đô Paris hoa lệ lên thành phố Lille ở phía Bắc hay xuống thành phố duyên hải Marseilles ở phía Nam, Bordeaux ở phía Tây Nam hay Lyon ở phía Đông Nam.
Cùng với dáng vẻ cổ kính, nước Pháp còn là đất nước hiện đại và sang trọng ở châu Âu. Đất nước hình lục giác cũng nổi tiếng với ngành thời trang, các loại nước hoa, rượu vang và những món ăn đặc trưng. Tất cả những yếu tố qúy giá đó đã làm nên giá trị cho nước Pháp, tạo nên thương hiệu nổi tiếng của đất nước hình lục giác.
Từ hàng trăm năm qua, người Pháp luôn trân trọng, gìn giữ và phát huy hiệu quả những tiềm năng, những giá trị của đất nước trên các mặt. Điều đó xuất phát từ chính ý thức của mỗi người dân, từ sự quan tâm của chính quyền trung ương và địa phương, từ những chính sách cụ thể để khuyến khích người dân. Sau mỗi chuyến công tác, tôi càng hiểu thêm nhiều về ý thức của người Pháp. Họ luôn tỏ ra có tinh thần trách nhiệm đối với cơ sở vật chất, các công trình văn hóa, những không gian công cộng và cả môi trường sinh thái. Ý thức đó dường như đã ăn sâu trong tư duy của họ từ nhiều đời nay.
Tác giả (thứ hai từ phải sang) và đoàn UBQG UNESCO Việt Nam dự phiên họp tại trụ sở UNESCO Paris. Ảnh: PV
Tham dự các sự kiện...
Khó mà quên được những lần tham dự các sự kiện lớn tại Trụ sở UNESCO Paris, Tổ chức quốc tế Pháp ngữ, hay tại trụ sở Hội người Việt Nam ở Paris và các tỉnh của Pháp, tại Đại sứ quán Việt Nam ở Paris... Tôi nhớ ngày 25/11/2005, tại trụ sở UNESCO Paris, một buổi lễ trang trọng được tổ chức, với sự có mặt của Tổng Giám đốc UNESCO Koichiro Matsuura cùng đại diện của nhiều nước và tổ chức quốc tế, để công nhận “Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên” của Việt Nam là kiệt tác văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại.
Chúng tôi sẵn sàng máy móc phương tiện để truyền tin, ảnh thật nhanh về Việt Nam. Những tiếng vỗ tay kéo dài liên tiếp cùng những lời đánh giá cao và chúc mừng của bạn bè quốc tế khiến mỗi nhà báo chúng tôi thêm tự hào về đất nước, về nền văn hóa độc đáo, phong phú đa dạng của Việt Nam. Việt Nam đang ngày càng được thế giới biết đến.
Đối với tôi, được tham dự và phản ánh sự kiện Việt Nam gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO) cũng là điều đặc biệt vinh dự. Sự kiện diễn ra ở thành phố Geneva (Thụy Sĩ) ngày 7/11/2006, với sự có mặt của đại diện các nước thành viên WTO. Đoàn Việt Nam, do Phó Thủ tướng - Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm dẫn đầu, được dành toàn bộ dãy bàn phía cánh phải phòng họp.
Tổng Giám đốc WTO Pascal Lamy nhấn mạnh, đây thực sự là ngày Hội của gia đình WTO với việc kết nạp Việt Nam là thành viên thứ 150 của tổ chức này. Đây là thời điểm hết sức vui mừng và quan trọng đối với WTO. Việc Việt Nam trở thành thành viên WTO không chỉ quan trọng đối với Việt Nam mà còn có ý nghĩa với cả WTO. Bởi lẽ, Việt Nam gia nhập WTO cũng có nghĩa là tổ chức thương mại này đang ngày càng lớn mạnh trên phạm vi toàn cầu, và hệ thống thương mại đa phương này tiếp tục khẳng định sự toàn diện và hấp dẫn của nó.
Sau khi ông Eirik Glenne, Chủ tịch Ðại hội đồng (ĐHĐ) WTO - Chủ tịch Ban công tác về việc Việt Nam gia nhập WTO, tóm tắt tiến trình đàm phán của Việt Nam trong 11 năm trước đó, đại diện các thành viên WTO đều nhất trí thông qua. Ngay sau đó là tiếng gõ búa từ tay ông Eirik Glenne quyết định xác nhận Việt Nam chính thức trở thành thành viên của WTO. Cả phòng họp đều đổ dồn ánh mắt về phía đoàn Việt Nam trong không khí phấn khởi, mừng vui. Tổng giám đốc WTO Pascal Lamy, Chủ tịch ĐHĐ WTO Eirik Glenne và đại diện các nước đã phát biểu chúc mừng Việt Nam.
Tôi là người may mắn và vinh dự được ngồi trong phòng, được quan sát và chứng kiến toàn bộ sự kiện, với niềm vui khó tả. Tôi chăm chú lắng nghe ghi chép những lời phát biểu và chụp hình thời khắc lịch sử này. Tổng Giám đốc WTO Pascal Lamy phát biểu trước hội nghị bằng tiếng Việt “Xin chúc mừng”. Ông nhấn mạnh, đây là một thời khắc lịch sử, một sự kiện đánh dấu mốc quan trọng của Việt Nam trên con đường hội nhập kinh tế thế giới.
Việc gia nhập WTO đã mang lại nhiều cơ hội phát triển cho Việt Nam
Việc Việt Nam gia nhập WTO càng làm tăng uy tín của WTO, không những đem lại nhiều lợi ích cho Việt Nam, mà cho tất cả các nền kinh tế thành viên tổ chức này. Ông Pascal Lamy đánh giá cao nỗ lực đàm phán tích cực và chủ động của Việt Nam. Ông Eirik Glenne cũng đánh giá cao những nỗ lực lớn của Việt Nam trong quá trình đổi mới, cải cách thời gian qua. Tiếp đó, đại diện các nước phát biểu chúc mừng và chia sẻ niềm vui cùng các đại biểu Việt Nam. Cả hội trường chăm chú hướng về phía Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm phát biểu, với những tràng vỗ tay chúc mừng Việt Nam.
Và những cuộc gặp ấn tượng
Tôi vẫn nhớ như in câu chuyện với vợ chồng ông André Bouny giản dị, cùng hai cô cậu con nuôi là người Việt Nam, nhân dịp chúng tôi xuống thăm nhà ông bà tại một làng nhỏ xinh xắn ở miền Trung nước Pháp. Điều đặc biệt, ông André Bouny là người tàn tật nhưng hết lòng vì các hoạt động từ thiện và chăm sóc hai con nuôi của mình.
Ông là người đứng ra tổ chức nhiều hoạt động để ủng hộ nạn nhân chất độc da cam tại Việt Nam. Những hoạt động của ông được nhiều người ủng hộ. Ông bà cũng là những người rất thích Việt Nam, đã có những lần sang thăm Việt Nam và sẵn lòng giúp mọi người.
Những cuộc gặp với các bạn Pháp gắn bó với Việt Nam như bà Raymonde Dien, bà Madeleine Riffaud, ông Henri Martin, ông Charles Fourniau, ông Alain Ruscio... và bà con Việt kiều tại Paris, Lyon, Toulouse... đối với tôi cũng vô cùng cảm động.
Tôi vẫn nhớ kỷ niệm về chuyến đi công tác tại Marseilles, được gặp gỡ trò chuyện với bà Trần Thị Quý, thành viên kỳ cựu của Chi hội người Việt tại thành phố Marseilles. Với bà Quý, chúng tôi không bao giờ cảm thấy xa lạ. Bà luôn coi chúng tôi như con cháu trong nhà. Bà còn giúp chúng tôi đi đến nơi này nơi kia để chúng tôi viết bài và tìm hiểu cộng đồng... Nếu thấy chúng tôi chưa hiểu rõ điều gì, bà Quý đều tận tình chỉ bảo, giải thích.
Tuy đã cao tuổi nhưng bà Quý vẫn thường xuyên tới trụ sở của Chi hội để gặp gỡ mọi người, làm bánh trái và tham gia hoạt động chung. Quê hương cội nguồn luôn thường trực trong trái tim bà. Biết bao kỷ niệm ùa về trong ký ức, đặc biệt vào dịp cuối năm này. Đó là những chuyến đi, những sẻ chia, tình cảm mặn nồng, chân tình của những người bạn Pháp, của bà con người Việt mà tôi có dịp gặp gỡ./.
Thăng Long
Bình luận: 0
Tin tức liên quan
- Câu chuyện về hành trình theo đuổi đam mê của các gương mặt trẻ tại giải thưởng “Bền đam mê” (09:43 02/04/2025)
- Hoa hậu môi trường thế giới Nguyễn Thanh Hà: Lan tỏa thông điệp xanh tại sự kiện “Triệu cây xanh vì môi trường quốc gia” (07:55 23/03/2025)
- Ra mắt cuốn sách kể chuyện lịch sử Hà Nội qua những công trình kiến trúc (05:54 06/12/2024)
- Tình trạng "báo hóa" trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội đã giảm đáng kể (04:45 29/11/2024)
- Hoa hậu Môi trường thế giới năm 2023 Nguyễn Thanh Hà: Môi trường chỉ có thể tốt hơn nếu lối sống của chúng ta thay đổi (08:18 09/11/2024)