Truyền thông về phát triển kinh tế biển
17:58 28/09/2022
- Báo chí & Công chúng

Tàu thuyền tại vũng neo thôn Đông, xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi)_Ảnh:TL
Nhìn nhận về kinh tế biển Việt Nam
Việt Nam là quốc gia biển, tiềm năng kinh tế biển rất lớn. Một nhà nghiên cứu người Mỹ gốc Việt, giảng viên cao cấp một đại học danh tiếng của Mỹ từng nói: “Đối với Việt Nam, kinh tế biển đảo có vị trí quyết định. Thắng kinh tế biển đảo là thắng tất cả, thua kinh tế biển đảo cũng là thua tất cả. Kinh tế biển Việt Nam - vùng biển nhiệt đới, kết nối các đại dương từ Tây sang Đông, từ Bắc xuống Nam, án ngữ các yết hầu địa chính trị.
Biển nhiệt đới giàu tài nguyên thiên nhiên, nhiều khoáng sản, nguồn lực to lớn...”. Không cần đưa ra các số liệu đã được khảo sát cũng như các bằng chứng xác thực khác vẫn đủ để phân tích, chứng minh và khẳng định nhận định trên là có cơ sở và thuyết phục.
Quốc gia biển Việt Nam có vị trí chiến lược lợi hại đến vậy, nhưng nhiều năm nay trong cộng đồng nhận thức về chiều sâu, tầm nhìn “chưa thấu” đối với chiến lược kinh tế biển. Kinh tế biển phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Mấy năm gần đây, có thể thấy du lịch biển mang lại 70% doanh thu cho ngành du lịch cả nước. Vận tải hàng hóa đường biển mỗi năm đạt mức khiêm tốn 85,1 triệu tấn. Sản lượng khai thác dầu và khí quy đổi khí đạt 18,43 triệu tấn - riêng khai thác dầu thô đạt 10,97 triệu tấn. Sản lượng thủy sản khai thác đạt 3.920 nghìn tấn, nuôi trồng đạt 4.805,8 nghìn tấn. Đó chỉ là những con số còn khiêm nhường so với tài nguyên biển Việt Nam.
Cả nước hiện có 18/19 khu kinh tế ven biển nằm trong quy hoạch được phê duyệt đã được thành lập; hình thành chuỗi đô thị biển với gần 600 đô thị, chiếm khoảng 8% số đô thị cả nước với dân số khoảng 19 triệu người. Hiện tại Việt Nam đã hình thành 4 vùng kinh tế ven biển quan trọng, bao gồm vùng biển và ven biển phía Bắc; Bắc Trung Bộ, duyên hải Trung Bộ; Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ.
Theo các chuyên gia, hiện nay kinh tế biển và vùng ven biển Việt Nam bình quân đạt khoảng 47 - 48% GDP cả nước. Trong các ngành kinh tế biển, đóng góp của các ngành kinh tế diễn ra trên biển chiếm 98%, chủ yếu là khai thác dầu khí, hải sản, hàng hải, du lịch biển. Nói như vậy để thấy, tiềm năng và lợi thế về một quốc gia biển của Việt Nam vẫn chưa được khai thác đúng mức, chừng mực nào đó còn có sự lãng phí tiềm năng và lợi thế.
Truyền thông phát triển kinh tế biển
Để phát huy tiềm năng và lợi thế kinh tế biển đối với một quốc gia biển như Việt Nam, có hàng loạt nhóm giải pháp, biện pháp cần được triển khai và thực hiện đồng bộ, sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ ngành, giữa các địa phương, nhất là các địa phương duyên hải - ven biển từ Bắc xuống Nam.
Trong hàng loạt vấn đề đặt ra, giải pháp truyền thông nói chung, truyền thông kinh tế biển nói riêng có vị trí hết sức quan trọng, trong tiến trình phát triển kinh tế biển. Bởi, chỉ có truyền thông mới nâng cao được nhận thức, chuyển nhận thức thành hành động nhất quán, đồng lòng đồng sức của toàn xã hội, của mọi người mọi nhà; tạo hành động thống nhất của các cấp chính quyền đến hành động của từng công dân, cộng đồng và xã hội. Các nội dung quan trọng của truyền thông kinh tế biển đặt ra, bao gồm:
Một là, làm cho toàn xã hội, đặc biệt là đối với các địa phương ven biển, vùng duyên hải nhận thức sâu sắc, phát triển kinh tế biển (với quốc gia biển) là vấn đề mang tính sống còn trên cả hai bình diện: lợi ích kinh tế và sức mạnh quốc phòng - an ninh. Trong bối cảnh thời tiết dị thường, biến đổi khí hậu toàn cầu diễn ra khác thường; chính trị thế giới diễn biến mau lẹ, các nước lớn đua tranh, tìm kiếm lợi thế trong chiến lược biến đảo, với những toan tính quyết liệt, kinh tế biển đặt ra nhiều yêu cầu mới bức thiết.
Hai là, kinh tế biển đảo là ngành kinh tế tổng hợp gắn kết với nhau, bao gồm: du lịch biển, giao thông vận tải đường biển; cảng biển; đánh bắt hải sản xa bờ; phát triển năng lượng sạch - năng lượng tái tạo từ biển; bảo vệ môi trường biển đảo... Đã là ngành kinh tế tổng hợp thì sự đồng bộ, ăn khớp, nhịp nhàng là yếu tố tối cần thiết, tạo nên sức mạnh lớn để các ngành kinh tế biển cùng phát triển hài hòa, đồng bộ và thăng hoa.
Ba là, hơn lúc nào hết, truyền thông có trách nhiệm lớn làm cho mỗi người dân, mỗi ngư phủ, mỗi trưởng tàu khi cho tàu ra khơi chính là thể hiện lòng quả cảm, và yêu nước, bất chấp mọi hiểm nguy rình rập. Mỗi ngư dân đánh bắt xa bờ là một chiến sĩ dũng cảm - tay súng tay lưới - khẳng định chủ quyền thiêng liêng về biển đảo. Đồng thời, chính họ sẽ có những đóng góp tích cực, hết sức quan trọng bảo vệ môi trường biển.
Bốn là, ra khơi đánh bắt hoặc sản xuất trên bờ đều phải tuân thủ các luật lệ - pháp luật về biển của Việt Nam và quốc tế. Nhận thức đúng, đủ về các điều luật của luật biển thì hành xử trên biển mới đúng bài bản, chuyên nghiệp, không vượt quá lằn ranh vi phạm, không tự làm khó cho mình mỗi khi gặp sự cố ngoài mong muốn. Truyền thông có trách nhiệm giáo dục pháp luật, tăng cường nhận thức cho mọi công dân về luật biển nói riêng, các quy định của luật pháp nói chung v.v...
Hiện nay, có thể thấy, kinh tế biển chưa phát triển ngang tầm; truyền thông cho tiến trình phát triển kinh tế biển còn có khoảng cách, không ít bất cập, chưa thật sự ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế biển. Các địa phương ven biển, vùng duyên hải kéo dài từ Bắc xuống Nam có nhiều lợi thế, tiềm năng để phát triển kinh tế biển. Du lịch biển hấp dẫn, giao thông vận tải đường biển đem lại nguồn lợi to lớn; công nghiệp dầu và khí đang là nguồn lợi lớn, giàu triển vọng; đánh bắt hải sản xa bờ luôn mời gọi, mỗi năm đem đến cho đất nước nhiều tỉ USD lợi nhuận.
Huyện đảo Trường Sa và Hoàng Sa thiêng liêng trực thuộc tỉnh Khánh Hòa và thành phố Đà Nẵng có vị trí chiến lược trọng yếu, có tiềm năng kinh tế to lớn. Hiện nay, kinh tế biển chưa phát triển tương xứng với tiềm năng và lợi thế biển của một quốc gia biển. Khi tiềm năng, lợi thế chưa được khai thác hiệu quả, còn có khoảng trống thì rất cần sự vào cuộc đồng bộ, phối hợp và kết nối của nhiều người, nhiều ngành nghề và các địa phương nhằm đưa du lịch biển, giao thông vận tải đường biển và các ngành nghề kinh tế biển phát triển, nguồn tài nguyên biển được khai thác hiệu quả và hợp lý.
Hơn lúc nào hết, các cấp hội nhà báo, cơ quan báo chí các địa phương ven biển nói riêng và báo chí cả nước nói chung càng phải phải tăng cường truyền thông, giáo dục kiến thức và nhận thức đầy đủ, sâu sắc, trách nhiệm cao, góp phần nâng cao nhận thức cho cộng đồng, xã hội, thúc đẩy kinh tế biển phát triển mạnh mẽ, đồng bộ, tăng cường sức mạnh quốc phòng, an ninh, theo tinh thần các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng, Nhà nước, của Đảng bộ và chính quyền các địa phương ven biển.
Truyền thông mạnh mẽ, liên tục, có chiều sâu để tăng cường nhận thức một cách sâu rộng trong toàn xã hội về phát triển kinh tế biển, đi đôi với bảo vệ môi trường biển, bảo vệ tài nguyên biển, bao gồm cả nguồn lợi đất đai, sinh vật biển, nguồn lợi thủy sản, không vi phạm pháp luật. Tiềm năng kinh tế biển được phát huy, phát triển mạnh mẽ, qua đó sức mạnh quốc phòng an ninh càng được tăng cường, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Đó chính là mục tiêu và lợi ích hướng tới của truyền thông phát triển kinh tế biển Việt Nam.
Phạm Quốc Toàn
Bình luận: 0
Tin tức liên quan
- Câu chuyện về hành trình theo đuổi đam mê của các gương mặt trẻ tại giải thưởng “Bền đam mê” (09:43 02/04/2025)
- Hoa hậu môi trường thế giới Nguyễn Thanh Hà: Lan tỏa thông điệp xanh tại sự kiện “Triệu cây xanh vì môi trường quốc gia” (07:55 23/03/2025)
- Ra mắt cuốn sách kể chuyện lịch sử Hà Nội qua những công trình kiến trúc (05:54 06/12/2024)
- Tình trạng "báo hóa" trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội đã giảm đáng kể (04:45 29/11/2024)
- Hoa hậu Môi trường thế giới năm 2023 Nguyễn Thanh Hà: Môi trường chỉ có thể tốt hơn nếu lối sống của chúng ta thay đổi (08:18 09/11/2024)