Kết nối tạp chí:
  • facebook
  • Tiwer
  • Youtube
  • Google

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với Hải Phòng: Kỳ 2 - Mãi mãi khắc ghi

Dành tình cảm đặc biệt, đánh giá cao thành tựu của Hải Phòng nhưng đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng có nhiều ý kiến chỉ đạo sâu sắc, đặc biệt thấm thía đối với Đảng bộ, chính quyền và quân dân thành phố. Tổng Bí thư nhấn mạnh, thành tựu đạt được là to lớn nhưng Hải Phòng tuyệt đối không được chủ quan thỏa mãn; phải nhìn rõ những hạn chế, yếu kém của mình để khắc phục; phải vượt lên mọi khó khăn; phải phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh, truyền thống, nguồn lực vật chất và tinh thần của thành phố để đi lên.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng tháng 9/2015_Ảnh: Hồng Thanh

Thâm trầm, sâu sắc, thấm thía

Tổng Bí thư yêu cầu, Hải Phòng tổng hợp, tiếp thu tối đa các ý kiến của lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương để bổ sung cho định hướng phát triển. Đồng thời, phải tiếp tục thường xuyên rà soát lại quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố; phải  hình dung Hải Phòng 10, 20, 30 năm nữa như thế nào, định hình cho rõ, từ đó chọn ra 5 năm, 3 năm, 2 năm,1 năm làm gì, tập trung dứt điểm sau đó làm cái khác, thật bài bản, căn cơ, từng bước vững chắc, tránh dàn trải, lãng phí, kém hiệu quả... Tổng Bí thư căn dặn, đây là việc rất khó, không phải chỉ làm một lần là xong, phải thường xuyên bổ sung, hoàn thiện, từ đó cụ thể hóa trong từng lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội. 

Thấm thía, sâu sắc nhất vẫn là những lời căn dặn của Tổng Bí thư  về công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị. Đánh giá cao Hải Phòng có nhiều nỗ lực, cố gắng, đạt kết quả trong lĩnh vực này nhưng Tổng Bí thư cũng yêu cầu thành phố phải nâng tầm hơn nữa, nhận thức sâu sắc hơn nữa. Theo Tổng Bí thư, xây dựng Đảng không phải chỉ là mấy triệu đảng viên, mà liên quan tới cả  hệ thống chính trị, tổ chức bộ máy, công tác cán bộ, phương thức lề lối làm việc… Xây dựng Đảng là gốc, là then chốt, công tác cán bộ là nguyên nhân của mọi nguyên nhân.

Nhắc lại bài học đau xót về sự đổ vỡ, tan rã của Đảng Cộng sản Liên Xô với 21 triệu đảng viên, Tổng Bí thư cho rằng, nguyên nhân là sai lầm về đường lối, bố trí cán bộ sai, xây dựng Đảng sai. Tại sao nguyên Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh phải đề ra “Những  việc cần làm ngay”? Tại sao phải có nghị quyết Trung ương 4 khóa 11, khóa 12? Tại sao Đảng có nhiều nghị quyết về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, chấn chỉnh tình trạng “tắm từ vai tắm xuống”, “trên nóng dưới lạnh”? Đây là những vấn đề rất cốt lõi mà Đảng bộ thành phố Hải Phòng cũng như Đảng bộ các tỉnh, thành phố trong cả nước phải thấm nhuần, phải coi trọng việc bồi dưỡng, rèn luyện cán bộ, ngăn chặn tình trạng suy thoái về đạo đức, chính trị, tư tưởng, phải đấu tranh với hiện tượng thiếu ý thức về công tác Đảng, “chán Đảng, khô Đoàn, nhạt chính trị”;  không muốn học hành, chỉ thích kinh tế, rồi chạy chọt, con người tha hóa, hư hỏng; không vững vàng, dao động trước khó khăn, kèn cựa địa vị với nhau thì mất Đảng, mất lòng tin của nhân dân.

Tổng Bí thư dặn dò, phải hết sức gần dân, sát dân, vì dân, giữ mối quan hệ chặt chẽ với dân, mất dân là mất hết và mong Hải Phòng rất thấm vấn đề này. Công tác cán bộ phải được đặc biệt quan trọng, bố trí đúng người, đúng việc, phải thường xuyên giáo dục tư tưởng, phải rất kiên cường, “nếu thiếu kiên cường thì thôi đi”.

Tổng Bí thư nhấn mạnh, vừa qua Đảng quyết liệt chống tham nhũng, có ý kiến cho rằng ảnh hưởng tới phát triển kinh tế nhưng thực tế chứng minh, kinh tế vẫn đi lên, xã hội ổn định, lòng dân ngày càng tin tưởng. Đó là vẫn chưa xử nặng, có ý kiến còn cho là vẫn nhẹ. Không những thế, vị thế vủa Việt Nam ngày càng nâng cao. Vì thế, Đảng bộ Hải Phòng càng phải kiên định, đoàn kết, từng người phải có ý thức trách nhiệm, phải gương mẫu, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, xứng đáng với niềm tin của nhân dân. 

Tổng Bí thư đặc biệt nhắc nhở Hải Phòng, phát triển kinh tế phải đi đôi với  giữ gìn bản sắc văn hóa của Việt Nam, đặc biệt là của Hải Phòng. Điều này hàm chứa mong muốn Hải Phòng phát huy nguồn lực tinh thần, phát huy truyền thống thành phố hoa phượng đỏ, đi đầu trong đổi mới. Cùng với đó, phải chú trọng phát triển văn hóa, xây dựng các mối quan hệ hài hòa, đoàn kết… Đó chính là sức mạnh, là động lực tinh thần vô giá để Hải Phòng đi lên.

Người dân thành phố cảng cũng vô cùng cảm động khi Tổng Bí thư nhất trí với các kiến nghị của thành phố, gợi mở về khả năng ban hành một nghị quyết mới về phát triển Hải Phòng hoặc sớm sơ kết 5 năm thực hiện Kết luận 72 để thúc đẩy làm tiếp. Bộ Chính trị luôn ủng hộ, tạo mọi điều kiện để Hải Phòng phát triển, kéo theo sự phát triển của cả vùng, cả miền Bắc. Đây cũng chính là tiền đề quan trọng để ngày 24/1/2019, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 45 về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng tới năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Luôn quan tâm, dõi theo, cổ vũ, động viên và ủng hộ

Nhìn lại cả quá trình xây dựng và phát triển, Hải Phòng luôn nhận được sự quan tâm, dõi theo, cổ vũ, động viên và ủng hộ của Bộ Chính trị mà người đứng đầu là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Còn nhớ, tháng 9/2015, khi Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng báo cáo Bộ Chính trị về công tác chuẩn bị Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 15, nhiệm kỳ 2015 - 2020, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dành cho Đảng bộ thành phố những lời dặn dò ân cần sâu sắc. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ghi nhận báo cáo chính trị của Hải Phòng mang “hơi thở cuộc sống”, công phu, nghiêm túc, phản ánh khá toàn diện những thành tựu cũng như hạn chế, yếu kém, thẳng thắn chỉ ra nguyên nhân và định hướng, mục tiêu nhiệm vụ 5 năm tới khá rõ ràng.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chụp ảnh chung với Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng tháng 9/2015_Ảnh: Hồng Thanh

Về chủ đề đại hội và tiêu đề báo cáo chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lưu ý thành phố cần nêu rõ đặc trưng của thành phố cảng, đầu mối giao thông quan trọng, có truyền thống trung dũng quyết thắng, luôn sáng tạo, đi đầu. Quan trọng hơn là phải có tính chất hiệu triệu, khơi gợi lòng tự hào của Hải Phòng, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân thực hiện.

Tổng Bí thư gợi ý tiêu đề của báo cáo chính trị tập trung nêu bật về nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, phát huy truyền thống kiên cường, sáng tạo và sức mạnh đoàn kết toàn dân, đổi mới mô hình tăng trưởng, đẩy mạnh thu hút đầu tư, tạo phát triển đột phá, phấn đấu xây dựng Hải Phòng trở thành thành phố cảng xanh, văn minh, hiện đại. Về nội dung, cần làm rõ những  trăn trở, mong muốn, tâm huyết 5 năm tới của Hải Phòng là gì, vận dụng, thực hiện sáng tạo chủ trương của trung ương vào thực tế Hải Phòng ra sao.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng định hướng, Hải Phòng cần tập trung nhiều về cảng biển gắn với hạ tầng đô thị, hạ tầng giao thông, phát huy lợi thế về kinh tế biển, công nghiệp, du lịch, dịch vụ và cả nông nghiệp, chú trọng phát triển nguồn nhân lực, quyết tâm phấn đấu xây dựng Hải Phòng trở thành thành phố cảng xanh, văn minh, hiện đại. Đặc biệt, cần tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa 11) để xây dựng Đảng thật sự trong sạch vững mạnh, chống các biểu hiện suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống; làm tốt công tác cán bộ; đổi mới sinh hoạt chi bộ, xây dựng tổ chức cơ sở Đảng vững mạnh.

Khi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng về tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 32 (cuối năm 2018), đồng chí Tổng Bí thư, khi đó kiêm Chủ tịch nước nhấn mạnh yêu cầu Hải Phòng phải phát triển mạnh mẽ và toàn diện.

Theo đó, phải phát huy mạnh mẽ truyền thống rất đặc biệt của Hải Phòng, truyền thống trung dũng, kiên cường, thành phố hoa phượng đỏ, luôn đi đầu trong công cuộc đổi mới, biến đó thành nguồn lực, động lực cho sự phát triển. Kinh tế biển, dịch vụ biển, logistics, công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, du lịch, văn hóa - xã hội, khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo, Y tế, quốc phòng - an ninh… đều phải có những định hướng cụ thể và giải pháp phù hợp. Đặc biệt, cần phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò trung tâm vùng.

Đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đặc biệt lưu ý Hải Phòng phải quan tâm thật sâu sắc và toàn diện đối với công tác xây dựng Đảng, xây dựng bộ máy tổ chức và cán bộ thực sự vững mạnh, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, luôn đoàn kết, thống nhất, cùng chung ý chí, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, chống các biểu hiện suy thoái về chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống.

Đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước khẳng định, yếu tố bảo đảm cho sự thành công trong phát triển kinh tế- xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh chính là xây dựng Đảng. Do đó, phải đặc biệt coi trọng công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, công tác cán bộ là “then chốt” của then chốt, từ đó có các giải pháp, phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành hoàn thành toàn diện các mục tiêu đề ra.

Càng vui mừng hơn khi đồng chí Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Hải Phòng không phải là riêng của Hải Phòng, là của cả vùng, cả đất nước. Do đó, trách nhiệm của Trung ương là phải hỗ trợ, tiếp sức cho Hải Phòng, đặc biệt  là tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành cơ chế chính sách phù hợp, khơi dậy tiềm năng thế mạnh của thành phố, để Hải Phòng phát triển mạnh mẽ và toàn diện trong những năm tới”.

Đồng chí cũng nhất trí rất cao về việc Bộ Chính trị ban hành nghị quyết mới về xây dựng và phát triển Hải Phòng tới năm 2030, tầm nhìn tới năm 2045, để Hải Phòng sẽ được tiếp thêm nhiều sức mạnh, sẽ bứt phá mạnh mẽ để vươn lên trở thành địa phương đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước, xứng đáng với kỳ vọng của Bộ Chính trị và mong ước của người dân thành phố. Sau đó hơn 1 tháng, Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị chính thức được ban hành, là kim chỉ nam cho sự phát triển của thành phố.

Hải Phòng vững bước đi lên

Có được sự quan tâm, ủng hộ của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; Bộ Chính trị và các bộ, ban, ngành Trung ương, cùng với sự nỗ lực, cố gắng không mệt mỏi, trong những năm qua, Hải Phòng có sự phát triển vượt bậc, mạnh mẽ bứt phá giành được đỉnh cao mới. 9 năm liền, thành phố giữ vững nhịp độ tăng trưởng kinh tế ở mức 2 con số. Diện mạo đô thị, nông thôn không ngừng thay da đổi thịt, khởi sắc. Các bến cảng nước sâu Lạch Huyện liên tục được xây dựng. sân bay Cát Bi luôn rộng mở các chuyến bay. Khu Kinh tế Đình Vũ - Cát Hải và 14 khu công nghiệp đang mang lại sức sống mới, giá trị mới cho Hải Phòng mà nổi bật là công nghiệp công nghệ cao. Cát Bà- Đồ Sơn rộn rã, tấp nập du khách gần xa. Văn hóa, giáo dục, y tế… đạt nhiều thành tựu mới. Hải Phòng dẫn đầu cả nước về mức quà tặng cho gia đình chính sách, hộ nghèo. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm công trường xây dựng Nhà máy sản xuất ô tô VinFast tháng 11/ 2017_ Ảnh: Duy Thính

Không dừng lại, không tự bằng lòng, Hải Phòng đang bứt phá vươn tới những chân trời mới. Khu Kinh tế ven biển phía Nam đã chính thức được đệ trình lên Thủ tướng Chính phủ cùng những đề xuất về Khu Thương mại tự do; xây dựng cảng nam Đồ Sơn; sân bay quốc tế Tiên Lãng; những khu công nghiệp, những trung tâm logistics; trung tâm thương mại, du lịch, dịch vụ mới…, tạo nên những dư địa phát triển vô cùng rộng mở cho Hải Phòng. Cùng với đó là thành lập thành phố Thủy Nguyên; quận An Dương; xây dựng chính quyền đô thị…

Tất cả những điều đó cho thấy, Hải Phòng đã, đang và sẽ làm tốt nhất theo những lời căn dặn, mong muốn của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Càng thương nhớ đồng chí Tổng Bí thư bao nhiêu, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân thành phố càng chung sức, đồng lòng, muôn người như một, quyết tâm xây dựng thành phố Hải Phòng ngày càng rộng dài, rực sáng như sinh thời, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hằng mong muốn.

Hồng Thanh

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Báo chí nói chung là một trong những kênh chính tạo dư luận xã hội. Báo chí cách mạng Việt Nam càng cần trách nhiệm xã hội cao, vì báo chí là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội, tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước và thế giới theo tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí, phục vụ lợi ích quốc gia - dân tộc, cộng đồng xã hội. Chính vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, vai trò của người làm báo trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội của báo chí là cực kỳ quan trọng, bởi họ có trách nhiệm phản ánh một cách chính xác, đa chiều cạnh và đa dạng về thực tế xã hội,... mang lại thông tin có giá trị, kịp thời cho độc giả.
Tháng 8/1945, chớp thời cơ chiến lược “ngàn năm có một”, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam tiến hành cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước, tạo nên một bước ngoặt lớn trong lịch sử dân tộc. Từ đây, nhân dân Việt Nam thoát khỏi thân phận nô lệ trở thành người chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình; đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội. Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 là một trong những chiến công vĩ đại nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, là bản hùng ca bất diệt trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
Theo thông tin từ Hội đồng chuyên môn bảo vệ sức khỏe cán bộ Trung ương, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sau thời gian lâm bệnh, mặc dù được Đảng, Nhà nước, tập thể các giáo sư, bác sĩ tận tình cứu chữa, gia đình hết lòng chăm sóc, nhưng do tuổi cao, bệnh nặng, đồng chí đã từ trần lúc 13 giờ 38 phút, ngày 19-7-2024, tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Hưởng thọ 80 tuổi. Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết: “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Nhà lãnh đạo lỗi lạc, trọn đời vì nước, vì dân” của Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam:
Ngày 31/5, tại Hà Nội, Hội đồng Giải Báo chí Quốc gia đã khai mạc vòng chấm chung khảo Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVIII năm 2023.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top