Thực trạng sử dụng thông tin trực quan trong tác phẩm báo mạng điện tử hiện nay

Nhu cầu tiếp nhận thông tin của độc giả hiện nay không chỉ là kịp thời, chính xác về nội dung, mà hình thức thể hiện của tác phẩm cũng phải thỏa mãn nhu cầu về thị giác, dù đó là một cái tin ngắn, hay một bài phóng sự điều tra. Chính vì thế, thông tin trực quan phát triển như một xu hướng tất yếu của báo chí hiện đại. Trong bài viết này tác giả muốn chia sẻ góc nhìn từ một nghiên cứu nhỏ về thực trạng thông tin trực quan trên báo mạng điện tử hiện nay.

Thông tin trực quan là gì?

Trực quan là nhận thức trực tiếp, không phải bằng suy luận của lý trí [1].  Theo nghiên cứu của các nhà khoa học về thần kinh học thuộc Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), não bộ con người có thể xác định được toàn bộ một hình ảnh mà mắt nhìn thấy trong khoảng thời gian 0,013 giây. Trong khi đó, nếu mắt người tiếp xúc với thông tin qua dạng văn bản (text) thì sẽ cần một nỗ lực nhận thức nhất định để hiểu được nội dung thông tin hàm chứa trong văn bản đó. Điều này cho thấy vai trò và ý nghĩa quan trọng của thông tin trực quan đối với một văn bản nói chung và một tác phẩm báo chí nói riêng.

Dưới góc nhìn của báo chí - truyền thông, thông tin trực quan có thể được hiểu là một dạng biểu đạt thông tin thông qua việc sử dụng hình ảnh tĩnh, hình ảnh động, đồ hoạ, hình vẽ, biểu đồ, video nhằm tăng cường sức mạnh truyền đạt thông điệp và hiệu quả tiếp nhận của người xem. Thông tin trực quan có thể diễn tả các sự kiện, vấn đề một cách chân thực, sinh động và đầy đủ, đồng thời, thông tin trực quan còn có thể đóng vai trò minh họa nội dung, làm phong phú hình thức thông tin, đem đến trải nghiệm hấp dẫn cho công chúng.

Báo mạng điện tử có ưu thế là đặc trưng đa phương tiện và tương tác trực tuyến, cho nên, báo mạng điện tử có khả năng sử dụng thông tin trực quan cao hơn hẳn các loại hình báo chí truyền thống khác. Việc sử dụng thông tin trực quan trên báo mạng điện tử hiện nay đã mang lại những hiệu quả nhất định như làm nổi bật thông tin, tạo ra nhiều “cửa” tiếp cận để tăng tính khách quan, hấp dẫn cho bài viết; giúp lý giải các sự kiện phức tạp một cách dễ hiểu, “bắt mắt” hơn; giữ vai trò truyền tải cảm xúc đến độc giả và minh họa cho tác phẩm thêm phần sinh động, hấp dẫn.

Các dạng thông tin trực quan được sử dụng trên báo mạng điện tử

Thông tin trực quan bao gồm 3 nhóm chính: ảnh, video, đồ họa, trong đó, mỗi nhóm bao gồm các định dạng trực quan như sau.

Thứ nhất, hình thức ảnh phổ biến nhất hiện nay được sử dụng trong các tác phẩm báo mạng điện tử, gồm: ảnh tĩnh, slideshow ảnh và ảnh động. (i) Ảnh tĩnh được trình bày với hai hình thức là ảnh thường (kích cỡ không chiếm hoàn toàn diện tích bề ngang trên giao diện trang web) và ảnh toàn màn hình (kích cỡ chiếm toàn bộ bề ngang của màn hình trang web), trong đó, những bức ảnh tràn màn hình phải có độ phân giải cao và thường được sử dụng để gây ấn tượng, khơi gợi cảm xúc của độc giả; (ii) Slideshow ảnh là một chuỗi các hình ảnh tĩnh được sắp xếp, trình chiếu nối tiếp nhau trên một thiết bị màn hình chiếu hoặc màn hình hiển thị điện tử. Mỗi hình ảnh thường được hiển thị một vài giây khi chuyển sang hình ảnh tiếp theo. Slideshow đem lại một trải nghiệm tương tác cho độc giả qua việc tương tác với nút điều hướng, chia sẻ ảnh hoặc đánh dấu ưa thích những bức hình mà họ thích; (iii) Ảnh động, một loại hình ảnh được tạo ra bằng cách kết hợp nhiều khung hình tĩnh lại với nhau để tạo ra hiệu ứng chuyển động khi được phát lại. Các định dạng ảnh động phổ biến nhất bao gồm GIF (Graphics Interchange Format) và APNG (Animated Portable Network Graphics). Tính chuyển động của dạng ảnh này mang lại trải nghiệm thị giác sinh động cho độc giả.

Thứ hai, video là hình thức thông tin trực quan được ưa chuộng nhất hiện nay trên báo mạng điện tử, gồm: video thông thường, video nền, video 360 độ, motion graphic video. (i) Video thông thường là dạng video chứa hình ảnh được quay lại bằng thiết bị ghi hình từ thực tế dưới góc nhìn của người nhà báo đối với sự vật, hiện tượng, vấn đề mà họ muốn truyền tải; hoặc có thể kết hợp thêm một số hiệu ứng đồ họa làm tăng tính hấp dẫn và liên kết giữa các chuyển cảnh trong video; (ii) Video nền là một dạng video ngắn nằm ở phía dưới (lớp dưới) nội dung chính; được phát sóng tự động hoặc phát lại liên tục trên trang web của báo để thu hút sự chú ý của độc giả hoặc để cung cấp thông tin nhất định. Việc sử dụng video nền có thể giúp tạo ra một không gian độc đáo, ấn tượng và hiện đại cho trang web của báo, thu hút sự chú ý của độc giả; (iii) Video 360 độ là dạng video áp dụng công nghệ tân tiến nhất trong lĩnh vực báo chí, là video tương tác mà người xem có thể quay chiều ngang hoặc chiều dọc để thay đổi góc nhìn của mình xung quanh một cảnh hoặc một đối tượng. Điều này tạo ra một trải nghiệm đa chiều thực tế và sâu sắc hơn cho người xem, cho phép họ khám phá, tương tác và gắn kết về mặt cảm xúc với nội dung video theo cách không thể có được trong video thông thường; (iiii) Video hoạt hình (animated video) là dạng video được dựng nên từ các thiết kế, bản vẽ kết hợp với hiệu ứng của phần mềm máy tính chuyên dụng để tạo ra những chuyển động mượt mà của các vật thể xuất hiện trong video. Đây là một hình thức video lý tưởng để giải thích, trình bày các sự vật, sự việc, hiện tượng phức tạp trở nên rõ ràng, dễ hình dung hơn. Những dữ liệu khổng lồ cũng sẽ được trực quan hóa thành những biểu đồ, hình vẽ sinh động và đầy sáng tạo.

Thứ ba, đồ họa máy tính trong tác phẩm báo mạng điện tử được phân làm các loại như đồ họa thông tin tĩnh/động, hình vẽ minh họa, bản đồ tương tác và biểu đồ tương tác. (i) Đồ họa thông tin hay infographic là hình thức diễn đạt thông tin bằng đồ thị, biểu đồ, bản đồ, lược đồ… Mục đích của infographic là trình bày thông tin phức tạp một cách đơn giản và hấp dẫn, giúp người xem hiểu và nhớ được thông tin, số liệu một cách nhanh chóng, dễ dàng hơn; (ii) Hình vẽ minh họa thường được sử dụng để minh họa, gợi mở, làm sáng tỏ nội dung câu chuyện trong bài báo bằng hình vẽ, tăng tính thẩm mỹ cho tác phẩm, hoặc đơn giản là tạo ra những quãng nghỉ cho mắt; (iii) Biểu đồ tương tác là dạng biểu đồ có khả năng tương tác với người đọc thông qua các thao tác như nhấp chuột, kéo thả hoặc nhập dữ liệu trực tiếp; (iiii) Bản đồ tương tác có khả năng tương tác trực tiếp với người đọc thông qua các yếu tố như click chuột, kéo thả, hoặc phóng to thu nhỏ. Hai dạng đồ họa tương tác (iii) và (iiii) này tạo ra trải nghiệm tương tác trực tiếp với dữ liệu cho độc giả. Điều này làm tăng tính thú vị, hấp dẫn và giữ chân độc giả đọc bài lâu hơn.

Thực trạng sử dụng thông tin trực quan trên báo mạng điện tử hiện nay

Để làm rõ thực trạng sử dụng thông tin trực quan trong các tác phẩm báo mạng điện tử hiện nay, tác giả đã thực hiện một nghiên cứu nhỏ qua hai trường hợp VietnamPlus và The Guardian trong khoảng thời gian là 6 tháng, từ tháng 7/2023 đến tháng 12/2023. Phương pháp sử dụng bảng mã phân tích trên tổng 96 tác phẩm được định danh là báo chí chất lượng cao - Megastory.  Kết quả bước đầu có thể nhận diện một số thực trạng nổi bật như sau:

* Có sự chênh lệch lớn giữa báo mạng điện tử nước ngoài và ở Việt Nam

Thứ nhất, có sự chênh lệch lớn về tần suất đăng tải các tác phẩm siêu phẩm số tại hai tờ báo. Trong 6 tháng, VietnamPlus sản xuất được 82 bài siêu phẩm số, còn  The Guardian chỉ là 12 bài, ít hơn gần 7 lần so với VietnamPlus. Tuy có số lượng tác phẩm hạn chế, The Guardian vẫn khẳng định được vị thế của một cơ quan báo chí sáng tạo và thành công nhất thế giới nhờ vào các tác phẩm chất lượng cao của mình, nhờ sự chỉnh chu và đầu tư bài bản trong các sản phẩm thông tin trực quan của mình. Trong khi đó, dù số lượng sản xuất tác phẩm siêu phẩm số đều đặn, nhiều hơn The Guardian trong mỗi tháng nhưng tác phẩm chất lượng cao có thông tin trực quan của VietnamPlus vẫn còn những hạn chế nhất định.

Thứ hai, có sự khác biệt về mức độ đầu tư vào đồ họa máy tính tại hai tờ báo. Kết quả khảo sát cho thấy, đồ họa trang trí là hình thức thông tin trực quan được sử dụng nhiều nhất trong các tác phẩm, với 73,17% (VietnamPlus) và 50% (The Guardian). Thế mạnh của VietnamPlus là sản xuất đồ họa thông tin, còn báo The Guardian thể hiện thế mạnh trong sản xuất đồ họa tương tác, với số lượng biểu đồ và bản đồ tương tác chiếm 1/3 các tác phẩm của tờ báo này trong diện khảo sát, trong khi đó, hình thức thông tin trực quan này chỉ chiếm tỉ lệ 2,43% tại báo VietnamPlus. The Guardian cũng tận dụng thế mạnh này khi hầu hết các tác phẩm của họ đều sử dụng đồ họa máy tính, thậm chí là thay thế cho hình ảnh để cung cấp thông tin và minh họa cho bài viết. Điều này thể hiện được tiềm lực về kinh tế, đội ngũ trình độ cao và đầu tư lớn vào công nghệ của tờ báo này. Xét về tiêu chí thẩm mỹ của đồ họa được sử dụng, Báo The Guardian làm tốt  hơn VietnamPlus nhờ vào sự chỉnh chu trong bố cục thiết kế, màu sắc và hình khối hài hòa, tạo ra những sản phẩm đồ họa hấp dẫn, bổ trợ nội dung bài viết một cách hiệu quả, có thể níu giữ được chân độc giả dành thời gian đọc hết tác phẩm. Có thể thấy, The Guardian có sự đầu tư nhất định vào đội ngũ họa sĩ, nhà thiết kế đồ họa. Phần lớn các tác phẩm siêu phẩm số của VietnamPlus đều do phóng viên, biên tập viên đa nhiệm đảm nhận luôn cả công việc thiết kế, cho nên, các tác phẩm siêu phẩm vẫn chưa đạt được những tiêu chuẩn, nguyên tắc thiết kế chuyên nghiệp. Vì vậy, đầu tư nhiều hơn vào đội ngũ họa sĩ thiết kế là việc quan trọng để nâng cao chất lượng hình thức của tác phẩm số, đáp ứng được nhu cầu cao và trải nghiệm tinh tế của độc giả.

* Ảnh tĩnh được sử dụng nhiều nhất trên báo mạng điện tử

Dù bất kể ở báo chí trong hay ngoài nước, ảnh tĩnh là hình thức thông tin trực quan được sử dụng phổ biến nhất trong tất cả các tác phẩm thuộc diện được khảo sát. Ảnh chụp thông thường, ảnh toàn màn hình và slideshow ảnh là các định dạng ảnh được sử dụng nhiều nhất để truyền tải thông tin, bởi tính chân thực, khách quan mà ảnh báo chí mang đến được trong mỗi tác phẩm báo chí. Chất lượng ảnh tĩnh được sử dụng trong các tác phẩm siêu phẩm số của The Guardian và VietnamPlus hầu hết đều có chất lượng tốt, thể hiện qua các tiêu chí đánh giá như độ phân giải cao; tính phù hợp, làm rõ chủ đề và nội dung tác phẩm; tính thẩm mỹ cao và chứa nhiều giá trị thông tin.

Dạng ảnh động dù mang những hiệu ứng thị giác vô cùng sinh động nhưng được sử dụng ở mức độ hạn chế, lý do một phần nằm ở đặc điểm các dạng file ảnh động thường lớn, tiêu thụ nhiều băng thông. Vì vậy, đây là dạng hình ảnh chỉ được cân nhắc sử dụng trong những trường hợp thực sự mang lại những hiệu quả lớn trong việc truyền tải một cách sinh động thông tin mà ảnh tĩnh không thể làm được.

* Video có giá trị trực quan lớn nhưng chưa được sử dụng nhiều

Mặc dù video là một phương tiện trực quan hiệu quả trong việc truyền tải thông tin, tuy nhiên, mức độ sử dụng video trong các tác phẩm siêu phẩm số được khảo sát vẫn còn hạn chế. VietnamPlus và The Guardian sử dụng định dạng thông tin trực quan này chỉ 24,4% và 16,7%. Video nền và các dạng video đặc biệt như video 360 độ và video hoạt hình hầu như hiếm khi được sử dụng. Lý do nằm ở việc sản xuất các nội dung video yêu cầu nhiều nguồn lực hơn so với các loại hình khác, tuy nhiên, lý do chính vẫn là việc hạn chế về mặt kỹ thuật, bởi kích thước file của video thường lớn, đòi hỏi không gian lưu trữ và băng thông cao. Đối với các toà soạn báo có cơ sở hạ tầng hạn chế, việc quản lý và phân phối video sẽ gặp nhiều khó khăn. Theo báo cáo hàng năm về xu hướng báo chí và công nghệ của Viện Reuters, video hiện đang được ưa chuộng nhất và sẽ tiếp tục như vậy trong những năm tới. Vì vậy, việc đầu tư nghiên cứu và phát triển định dạng thông tin trực quan video trên báo mạng điện tử là việc làm cần thiết đối với các cơ quan báo chí hiện nay.

Trên cơ sở phân tích thực trạng sử dụng thông tin trực quan trên VietnamPlus và The Guardian, tác giả nhận thấy vấn đề đặt ra hiện nay cần được giải quyết để nâng cao chất lượng của thông tin trực quan trên báo mạng điện tử: một là, phát triển tư duy sáng tạo của đội ngũ sản xuất, đồng thời tạo điều kiện  cho họ tiếp cận với các nguồn tài liệu, nghiên cứu, báo cáo về các xu hướng mới trong ngành báo chí và công nghệ truyền thông; hai là, các cơ quan báo chí cần thường xuyên đầu tư, nâng cấp trang thiết bị, khuyến khích áp dụng công nghệ và sử dụng các công cụ hỗ trợ trong quy trình sản xuất; ba là, cần có đội ngũ chuyên môn chất lượng cao chuyên ứng dụng những công nghệ báo chí hiện đại vào quy trình sản xuất tác phẩm báo chí; bốn là, nâng cao chất lượng đội ngũ phóng viên, biên tập viên, nhằm đáp ứng được những yêu cầu của xu hướng báo chí hiện đại.

Tựu trung lại, thông tin trực quan đóng vai trò quan trọng trong các tác phẩm báo chí, đặc biệt là trong xu hướng báo chí thị giác (visual journalism) như hiện nay, giúp cho các tác phẩm báo chí trở nên sinh động, hấp dẫn độc giả hơn. Vì vậy, đẩy mạnh đầu tư mọi nguồn lực nhằm nâng cao chất lượng thông tin trực quan là yêu cầu tất yếu để bắt kịp cùng sự phát triển của báo chí hiện đại.

TS Nguyễn Thị Hằng Thu - Trần Ngân Giang

Học viện Báo chí và Tuyên truyền

Chú thích:

[1] Viện Ngôn ngữ học, (1995), Từ Điển Tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng, Trung tâm Từ điển, HN-ĐN, tr.1019. 

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề : "Tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả".
Đó là nhấn mạnh của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trong phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
Với tinh thần "Lá lành đùm lá rách", ngày 10/9, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành công văn số 457/CV-HNBVN về việc hưởng ứng lời kêu gọi của đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top