Thời tiết năm 2023: Đề phòng bão mạnh, nắng nóng gay gắt hơn năm 2022

Trong năm 2023, dự báo sẽ có khoảng 11-13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới trên khu vực Biển Đông, trong đó có khoảng 5-6 cơn ảnh hưởng đến đất liền; nắng nóng sẽ ở mức nhiều hơn và gay gắt hơn năm 2022.

Ảnh minh họa_Nguồn: Hồ Cầu.

Theo đại diện Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia (Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Bộ Tài nguyên và Môi trường), trong năm 2023, dự báo nắng nóng sẽ ở mức nhiều hơn và gay gắt hơn năm 2022; trên phạm vi toàn quốc cũng như khu vực Biển Đông cần đề phòng bão mạnh, hướng di chuyển phức tạp.

Đề phòng bão mạnh

Thông tin tới phóng viên VietnamPlus vào chiều 9/1, ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết theo dự báo La Nina (hiện tượng bề mặt biển ở trung tâm và phía Đông xích đạo Thái Bình Dương lạnh đi so với bình thường) còn duy trì đến hết mùa Xuân năm 2023, sau đó chuyển dần sang trạng thái trung tính vào những tháng mùa Hè.

Với xu thế khí tượng trên, ông Hưởng dự báo trong năm 2023 sẽ có khoảng 11-13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới trên khu vực Biển Đông, trong đó có khoảng 5-6 cơn ảnh hưởng đến đất liền.

Theo quy luật, các đợt bão, áp thấp nhiệt đới xuất hiện vào thời điểm các tháng đầu mùa sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh miền Bắc. Tiếp đó, từ khoảng tháng 9-11, bão, áp thấp nhiệt đới sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh miền Trung.

Dự báo về lượng mưa, ông Hưởng cho biết trong năm 2023, tổng lượng mưa ở mức thấp hơn đến tương đương trung bình nhiều năm. Hiện chưa có dấu hiệu mưa lớn lịch sử. Tuy nhiên, mưa lớn cục bộ vẫn xuất hiện nhiều trong các tháng mùa mưa.

Đặc biệt, theo ông Hưởng, năm 2023 là năm chuyển pha ENSO, thời tiết, khí hậu thường có những biến động mạnh. Vì thế, các tỉnh trên phạm vi toàn quốc cũng như khu vực Biển Đông cần đề phòng bão mạnh, hướng di chuyển phức tạp.

Mưa lớn cục bộ, các hiện tượng thời tiết nguy hiểm khác trên phạm vi toàn quốc, đặc biệt trong các tháng chuyển mùa và trong thời kỳ mùa mưa bão năm 2023.

Nắng nóng gay gắt hơn năm 2022

Về xu thế nhiệt độ, nắng nóng, ông Hưởng cho biết các tháng nửa đầu năm 2023, nền nhiệt độ có xu hướng xấp xỉ so với trung bình nhiều năm; các tháng nửa cuối năm nhiệt độ có xu hướng cao hơn so với trung bình nhiều năm.

“Dự báo nắng nóng ở mức nhiều hơn và gay gắt hơn năm 2022. Các đợt nắng nóng chủ yếu tập trung từ tháng 4-8 tại khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ,” ông Hưởng lưu ý.

Nhận định thêm về diễn biến thủy văn năm 2023, ông Hưởng cho biết từ tháng 2-7/2023, nguồn nước trên các sông suối hệ thống sông Hồng -Thái Bình thiếu hụt từ 20-40%; thiếu hụt nhiều trên lưu vực sông Đà, Thao, hạ lưu sông Lô. Riêng Hạ lưu sông Hồng-Thái Bình, trong tháng 1-2, mực nước xấp xỉ trung bình nhiều năm từ 10-20%, do các hồ thủy điện cấp nước tăng cường phục vụ đổ ải vụ Đông-Xuân.

Mùa lũ năm 2023, đỉnh lũ trên các sông phổ biến ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm. Riêng các sông suối nhỏ lớn hơn trung bình nhiều năm.

Tại khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên, trong mùa khô năm 2023, lượng dòng chảy trên các sông ở khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên phổ biến thiếu hụt từ 20-40% so với trung bình nhiều năm, có sông thiếu hụt trên 50%. Riêng một số sông ở Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi, lượng dòng chảy ở mức cao hơn trung bình nhiều năm.

Đối với khu vực Nam Bộ, trong mùa khô năm 2023, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long ở mức tương đương trung bình nhiều năm (2012-2022) và không gay gắt như mùa khô năm 2019-2020, thấp hơn so với năm 2022.

Các đợt xâm nhập cao nhất ở cửa sông Cửu Long khả năng tập trung trong tháng tháng 2-3/2023; các sông Vàm Cỏ, Cái Lớn vào tháng 3-4/2023.

Với diễn biến dòng chảy trên, ông Hưởng lưu ý các địa phương ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long cần cập nhật kịp thời các thông tin dự báo khí tượng thủy văn và có các biện pháp chủ động phòng chống xâm nhập mặn.

Về triều cường, ông Hưởng cho biết từ nửa cuối tháng Một đến đầu tháng Ba năm 2023, tại khu vực ven biển Nam Bộ sẽ xuất hiện 5 đợt triều cường. Trong đó, đợt 1 xảy ra từ ngày 21-26/1/2023; đợt 2 từ 7-10/2; đợt 3 từ 19-24/2; đợt 4 từ 9-11/3; đợt 5 từ 20-25/3. Độ cao mực nước tại trạm hải văn Vũng Tàu sẽ ở mức cao trên 4,1m.

Theo Vietnam+

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Ngày 13/1/2025, tại Thủ đô Hà Nội, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Hội nghị nhằm đánh giá tình hình thực hiện các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về phát triển khoa học, công nghệ; quán triệt, triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW, ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, tạo sự chuyển biến mang tính đột phá về nhận thức và tổ chức thực hiện, góp phần đưa đất nước phát triển giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Tổng Bí thư Tô Lâm dự và phát biểu tại hội nghị. Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu:
Trong kỷ nguyên số, chuyển đổi nội dung số các tạp chí của Việt Nam có vai trò quan trọng trong tuyên truyền, phổ biến, giáo dục quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước; đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; phổ biến tri thức, góp phần nâng cao dân trí, phát triển văn hóa và con người Việt Nam trên không gian mạng. Đồng thời, góp phần “xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”(1) theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Ngày 16/12, tại thành phố Cần Thơ, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.
Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề : "Tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả".
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top