Thanh Hóa: Xây dựng nông thôn mới gắn với giải quyết việc làm nâng cao thu nhập cho người dân
13:00 15/11/2024
- Tiếng nói từ cơ sở
Sau hơn 10 năm triển khai triển khai chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), kinh tế-xã hội trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có bước phát triển đột phá, cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ, các giá trị văn hóa, lịch sử được bảo tồn và phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao.
Đồng chí Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND Tỉnh Thanh Hóa tham quan các gian hàng tại sự kiện trưng bày và giới thiệu sản phẩm OCOP do thị xã Nghi Sơn tổ chức năm 2024
Kết quả nổi bật trong xây dựng nông thôn mới
Thanh Hóa là tỉnh đứng đầu khu vực Bắc Trung Bộ trong phát triển kinh tế-xã hội, có truyền thống văn hóa lịch sử lâu đời, giao thông thuận lợi, cơ sở hạ tầng đang được đầu tư đồng bộ, giàu tài nguyên, lực lượng lao động dồi dào là những lợi thế to lớn cho đầu tư phát triển.
Sau khi trung ương triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), tỉnh Thanh Hóa đã bám sát công tác lãnh đạo, chỉ đạo đồng thời tổ chức các hội nghị triển khai thực hiện kế hoạch, nhiệm vụ được giao, qua đó ban hành kế hoạch hành động giao chỉ tiêu cho các đơn vị từ tỉnh xuống cơ sở triển khai thực hiện, người đứng đầu cấp ủy chịu trách nhiệm, trực tiếp chỉ đạo triển khai xây dựng nông thôn mới.
Để cụ thể hóa các mục tiêu, kế hoạch đề ra trong xây dựng NTM trên địa bàn, triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP theo tinh thần chỉ đạo của trung ương, tỉnh Thanh Hóa đã giao nhiệm vụ cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là đầu mối chủ trì, giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm Chánh văn phòng NTM của tỉnh.
Đến nay, Thanh Hóa đã đạt được những bước tiến quan trọng, từ thành thị đến nông thôn, đã có những chuyển biến rõ nét, cơ sở hạ tầng đồng bộ, các giá trị văn hóa, lịch sử được bảo tồn và phát triển, cơ sở vật chất như: Điện, đường, trường, công sở, văn hóa, y tế,… được đầu tư đồng bộ.
Toàn tỉnh Thanh Hóa có 14 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM trong đó có 2 huyện: Thọ Xuân, Yên Định được công nhận đạt chuẩn huyện NTM nâng cao, có 369 xã, 760 thôn (bản) miền núi đạt chuẩn NTM; 116 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 27 xã, 537 thôn, bản đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Sản phẩm OCOP xếp thứ 3 cả nước
Triển khai Quyết định số: 919 QĐ-TTg, ngày 01/8/2022, chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2021 - 2025. Đến nay, Thanh Hóa có 553 sản phẩm OCOP trên địa bàn 27 huyện, thị xã, thành phố được công nhận. Trong đó, có 1 sản phẩm 5 sao, 4 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 57 sản phẩm 4 sao, còn lại là sản phẩm OCOP 3 sao. Tỉnh Thanh Hóa đang xếp thứ 3 toàn quốc sau thành phố Hà Nội và tỉnh Nghệ An về số lượng sản phẩm OCOP. Cùng với đó, tỉnh Thanh Hóa đã phát triển được 30 cửa hàng trưng bày, bán sản phẩm OCOP và hàng chục điểm bán hàng OCOP dưới dạng quà tặng, quà lưu niệm tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn.
Sản phẩm OCOP của huyện Thọ Xuân tại sự kiện trưng bày và giới thiệu sản phẩm do tỉnh Thanh Hóa tổ chức năm 2024
Giải quyết việc làm trong xây dựng nông thôn mới
Thanh Hóa luôn quan tâm đến phát triển kinh tế xanh, bền vững, thu hẹp khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, khuyến khích các doanh nghiệp như: May mặc, giày da, lắp ráp linh kiện điện tử, chế biến lương thực, thực phẩm đầu tư ở các vùng nông thôn, vùng kinh tế còn nhiều khó khăn như các huyện ở những vùng: Trung du, miền núi, bãi ngang để giải quyết vấn đề lao động dôi dư, nông nhàn từ đó từng bước nâng cao thu nhập cho người dân.
Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP, đã phát huy hiệu quả trong giải quyết lao động dôi dư, nông nhàn. Phát triển các sản phẩm OCOP đã tạo nên sự thay đổi mạnh mẽ trong sản xuất, chế bến các sản phẩm nông nghiệp; sản xuất theo dây chuyền, ứng dụng khoa học công nghệ, vấn đề an toàn thực phẩm được quản lý chặt chẽ từ đó thương hiệu sản phẩm OCOP của Thanh Hóa chất lượng ngày càng được nâng cao, đáp đứng nhu cầu, thị trường trong và ngoài nước. Các chính sách phát triển kinh tế, tạo việc làm, từng bước nâng cao thu nhập của người dân đã giải quyết được cơ bản vấn đề lao động tại các vùng nông thôn.
Lao động trong nông thôn đã có nhiều lựa chọn về thị trường lao động, từ đó giúp kinh tế vùng nông thôn phát triển ổn định, góp phần quan trọng đảm bảo các nhiệm vụ quốc phòng-an ninh, hiện thực hóa các kế hoạch, mục tiêu của tỉnh Thanh Hóa đề ra.
Cụ thể, Thanh Hóa chú trọng triển khai các nội dung, dự án thành phần thuộc 02 chương trình MTQG (chương trình giảm nghèo bền vững và chương trình vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi) để hỗ trợ các vùng miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc.
Ngành Lao động, Thương binh và xã hội, UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn đã tăng cường theo dõi, nắm bắt tình hình lao động, việc làm để kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp tuyển dụng lao động, giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho người lao động; hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài phục hồi tích cực, góp phần quan trọng giải quyết việc làm gắn với thu nhập cao cho người lao động.
Giai đoạn 2021 - 2023 và 9 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh giải quyết việc làm mới cho khoảng 238,69 nghìn lao động, trong đó: Đưa đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cho 42,018 nghìn lao động. Đã cấp mới, cấp lại và gia hạn giấy phép cho 6.084 lượt người lao động nước ngoài làm việc tại tỉnh; giải quyết trợ cấp thất nghiệp cho 95.861 lao động. Các chính sách an sinh xã hội, chế độ, chính sách đối với người có công với cách mạng được thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng. Công tác giảm nghèo được quan tâm thực hiện, tỷ lệ hộ nghèo năm 2023 còn 3,53%, giảm 1,46% so với năm 2022.
Năm 2024, đã tổ chức thành công hội thi truyền thông về chương trình MTQG giảm nghèo bền vững năm 2024 tại Nhà hát ca múa kịch Lam Sơn với sự tham gia của gần 600 đại biểu, khách mời và các đội thi. Công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, thúc đẩy bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ được quan tâm thực hiện; các chương trình, chính sách dân tộc, tôn giáo được triển khai kịp thời, có hiệu quả; đã tập trung triển khai chính sách cấp đất và hỗ trợ nhà ở cho đồng bào nghèo còn sinh sống trên sông trên địa bàn tỉnh.
Hiệu quả từ mô hình trồng dưa lê theo quy mô lớn, giải quyết việc làm cho người lao động tại xã Xuân Hòa, huyện Như Xuân
Nâng cao thu nhập cho người dân
Cụ thể tại một số địa phương: Sau hơn 10 năm triển khai chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, huyện Thọ Xuân đã hiện thực hóa kế hoạch, mục tiêu đã đề ra xây dựng huyện Thọ Xuân đạt chuẩn NTM, là huyện đạt chuẩn NTM nâng cao đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa. Năm 2011, khi huyện mới bắt tay vào xây dựng NTM thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt 12,98 triệu đồng/người/năm; năm 2019, Thọ Xuân được công nhận huyện đạt chuẩn NTM thu nhập bình quân đầu người đạt 42,60 triệu đồng, tăng 3,2 lần so với năm 2011; năm 2023 sau khi hoàn thành các tiêu chí huyện đạt chuẩn NTM nâng cao thu nhập bình quân đầu người đạt 63,86 triệu đồng (gấp 1,5 lần năm 2029 và 1,2 lần so với bình quân chung của tỉnh Thanh Hóa). Chất lượng cuộc sống của người dân được nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm còn 1,79% (giảm 16,74% so với năm 2011); tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 71,76% (tăng 17,25% so với năm 2011).
Tại huyện ven biển Nga Sơn, chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM trên địa bàn đến nay bình quân toàn huyện đạt 11,47 tiêu chí NTM nâng cao theo Bộ tiêu chí xã NTM nâng cao giai đoạn 2024-2025, có 01 xã đạt NTM kiểu mẫu, 02 xã đạt NTM nâng cao, 15 thôn đạt NTM kiểu mẫu. Toàn huyện có 37 sản phẩm OCOP trong đó có 9 sản phẩm 4 sao. Trong 10 tháng đầu năm 2024 đã tổ chức đào tạo nghề cho 2.815/3.300 lao động đạt 81,3% kế hoạch, giải quyết việc làm cho 1.812/2.200 lao động đạt 82,4% kế hoạch trong đó xuất khẩu lao động 366/300 người đạt 122% kế hoạch. Thu nhập bình quân đầu người năm 2023 đạt 62,54 triệu đồng/người/năm.
Sau khi ra khỏi huyện nghèo giai đoạn 2018-2020, huyện miền núi Như Xuân tiếp tục đạt được những kết quả quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội. Đến nay, bình quân tiêu chí xã NTM toàn huyện đạt 15,5 tiêu chí/xã, tăng 0,7 tiêu chí/xã so với cùng kỳ; xã Bãi Trành đã được UBND tỉnh Thanh Hóa công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, UBND huyện Như Xuân đã công nhận 04 thôn đạt chuẩn NTM kiểu mẫu và 09 thôn đạt chuẩn NTM, dự kiến đến cuối năm có thêm 01 xã (Bình Lương) đạt chuẩn NTM.
Lũy kế đến hết năm 2024, toàn huyện có 7 xã đạt chuẩn NTM, trong đó, có 1 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 63 thôn đạt chuẩn NTM, 7 thôn đạt chuẩn thôn NTM kiểu mẫu. Tăng cường công tác đào tạo nghề, tư vấn giới thiệu việc làm; tổ chức 15 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn với 490 người tham gia. Giải quyết việc làm cho 1.400 lao động, đạt kế hoạch, trong đó xuất khẩu 191 lao động, đạt 160% kế hoạch. Thu nhập bình quân đầu người ước đạt 45 triệu đồng, đạt kế hoạch, tăng 4,63 triệu đồng so với năm 2023.
Từ những kết quả đạt được như đã nêu trên, Thanh Hóa tiếp tục triển khai các kế hoạch, nhiệm vụ được giao, tiếp tục thực hiện hiệu quả chính sách phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng NTM, giảm nghèo với mục đích giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động từ thành thị đến nông thôn, từng bước hiện thực hóa các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội nhanh, bền vững của địa phương.
Bảo Châu
Bình luận: 0
Tin tức liên quan
- Nghệ An: Đại hội đại biểu Hội hỗ trợ gia đình liệt sĩ lần thứ III, nhiệm kỳ 2024 - 2029 (09:54 21/11/2024)
- Nghệ An: Công bố Quyết định của Bộ Chính trị bổ nhiệm chức danh Bí thư Tỉnh ủy (04:10 17/11/2024)
- Thanh Hóa: Phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững (01:05 12/11/2024)
- Huyện Thọ Xuân đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa (09:14 09/11/2024)
- Thanh Hóa: Tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế du lịch (01:57 07/11/2024)